Cuốn sách tiên tri duy nhất Gia Cát Lượng để lại, chính xác 100%, nhìn thấu quy luật luân hồi!

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từ năm 2020, nhiều sự việc trước đây chúng ta từng cho rằng không thể xảy ra dường như lại đều thành sự thực. Tuy nhiên, một cuốn sách cổ ghi chép lại, những sự việc trên từ lâu đã được viết trong một cuốn sách. Tác giả của cuốn sách không phải ai khác, chính là vị quân sư nổi tiếng mà Lưu Bị đã ba lần tới lều cỏ mời xuất núi - Gia Cát Lượng.

Vào một ngày năm 208, Gia Cát Lượng đã trở thành quân sư của Lưu Bị. Tương truyền, trước mỗi lần cầm binh, Gia Cát Lượng đều tới chỗ bầy ngựa để bói quẻ xem quân địch sẽ xuất chiêu thế nào. Vì vậy, qua những lần bói này Gia Cát Lượng đã giúp Lưu Bị giành chiến thắng trong nhiều trận chiến, lấy được Hán Trung xưng đế. Điều ly kỳ là vào ngày này, Gia Cát Lượng như thường lệ tới chỗ bầy ngựa xem bói, nhưng ông đã không thể nào dừng lại được và đã đưa ra 14 quẻ bói cho tới quẻ cuối cùng thì viết ra Mã Tiền Khoá.

Gia Cát Lượng đã nhìn lên trời, thở dài và nói:

“Chiêm đắc thử khoá, dịch sổ nãi chung
Tiền cổ hậu kim, kỳ đạo vô cùng”

Tạm dịch:

Xem được quẻ này, dịch số hết
Kim cổ trước nay, đạo vô cùng

Ý nghĩa là sau quẻ 14, ông phát hiện ra lịch sử bắt đầu luân hồi vô hạn. Đó là lý do tại sao ông phải gián đoạn việc bói toán. Năm 234, sau khi trải qua rất nhiều trận chiến, Gia Cát Lượng đã qua đời ở gò Ngũ Trượng. Kinh ngạc là sau cái chết của ông, 14 quẻ bói bất ngờ từng cái một theo thứ tự đã trở thành sự thực.

Khoá đầu tiên trong “Mã Tiền Khoá”, Gia Cát Lượng viết:

“Vô lực hồi thiên
Cúc cung tận tụy
Âm cư Dương phất
Bát thiên nữ quỷ

Tạm dịch:

Không sức đổi Trời
Còng mình gắng sức
Âm tồn Dương phất
Tám ngàn nữ quỷ

Nguyên là khi Gia Cát Lượng còn sống, ông đã tính ra được vận mệnh của Thục Hán sắp tận, dù cho bản thân ông có dốc sức thế nào cũng không thể xoay chuyển. Sự thất bại thực sự của Thục Hán nằm ở ‘Âm tồn Dương phất’, ý nghĩa là thái giám Hoàng Hạo nắm giữ quyền lực, cuối cùng Thục Hán sẽ bại trong ‘bát thiên nữ quỷ’, bởi vì chữ “Bát” (八) thêm chữ “thiên” (千) thêm chữ “nữ” (女) rồi thêm chữ “quỷ” (鬼), hợp thành một chữ “Ngụy” (魏). Thục Hán sẽ bị diệt bởi nước Ngụy. Vậy nên tiên tri khoá thứ nhất này đã hoàn toàn trở thành sự thực. Và đây mới chỉ là khoá đầu tiên.

Thực ra người đời sau phát hiện ra mỗi khoá trong cả 14 khoá đều có thể đối ứng đúng với một triều đại cho tới năm 2343.

Vậy trước đây Gia Cát Lượng đã tiên tri những đại sự gì? Tại sao ông có thể biết rõ tất cả những sự việc sẽ xảy ra trong tương lai, Thục Hán vẫn sẽ bị tiêu diệt? Lẽ nào đây chính là bằng chứng về việc ‘thiên mệnh không thể trái’? Nếu tương lai đúng là đã được định trước, liệu trong những tiên tri còn lại rốt cuộc sẽ xảy ra chuyện gì?

Bảy tiên tri lớn của Trung Quốc

Năm 1915, là năm thứ tư của Trung Hoa Dân Quốc, một cuốn sách mang tựa đề “Bảy lời tiên tri của Trung Quốc” được xuất bản ở Thượng Hải. Tác giả cuốn sách tên là Thanh Khê Tán Nhân. Năm đó vì muốn viết sách này, ông đã đi khắp nơi đọc vô số sách cổ, cuối cùng, tất cả những lời tiên tri nổi tiếng nhất trong dân gian đều được tổng hợp lại gồm: Vạn Niên Ca, Mã Tiền Khóa, Thôi Bối Đồ, Tàng đầu thi, Mai hoa thi, Thiêu bính ca, Thiền sư thi. Vì tác giả của những tiên tri này đều là những nhân vật lớn có danh tiếng trong lịch sử, cùng với sự chuẩn xác của tiên tri, nên đã được người dân ca tụng là ‘Bảy tiên tri lớn của Trung Quốc’.

Đáng chú ý là hiện nay nhiều học giả cho rằng thực ra 7 tiên tri đó căn bản không phải do những người nổi tiếng đó viết ra, mà là người đời sau cố ý mượn danh người nổi tiếng để viết, với mục đích thu hút sự chú ý của mọi người. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, những tiên tri này cho tới nay vẫn đang không ngừng ứng nghiệm. Do đó vẫn có người tin vào các tiên tri đó. “Mã Tiền Khoá” là một trong số đó. Nó không chỉ tiên tri chuẩn xác, mà còn có chứng cứ có thể chứng minh rằng, “Mã Tiền Khoá” đã từng tồn tại từ ít nhất hơn 400 năm trước.

Bằng chứng lão tăng

Theo ghi chép lịch sử, vào năm 1617, có một lão hoà thượng tên Thủ Nguyên đã từng nghiên cứu “Mã tiền khóa”, đã phát hiện ra khóa thứ 8 trong cuốn sách nghi là đang tiên tri về triều đại mà ông đang sống, triều đại nhà Minh.

Khóa thứ của Mã Tiền Khóa. (Ảnh Epochtimes)

“Nhật nguyệt lệ thiên
Kỳ sắc nhược xích
Miên miên diên diên
Phàm thập lục diệp

Tạm dịch:

Nhật nguyệt đẹp trời
Sắc màu đỏ tươi
Dài lâu tiếp nối
Mười sáu lá ngời

Câu đầu của bài thơ này nhắc tới ‘Nhật nguyệt lệ thiên’ là chỉ về ‘triều Minh’ bởi vì chữ “Nhật” (日) thêm chữ “Nguyệt” (月) là chữ “Minh” (明). Chữ “Xích” (赤) trong câu thơ thứ hai có ý nghĩa là màu đỏ, các hoàng đế triều Minh có họ là “Chu”(朱)và chữ “Chu” cũng có ý nghĩa là màu đỏ. Đáng sợ nhất là bài thơ này còn nhắc tới rằng dù tử tôn triều Minh có thể kéo dài một khoảng thời gian nhưng sau vị hoàng đế thứ 16 vẫn sẽ bị ‘diệt vong’.

Khi đó, lão tăng đọc câu thơ này, ông đã vô cùng kinh hãi, vì ông chính là người sinh ra vào thời nhà Minh, và lúc đó ngôi vua đã truyền tới vị thứ 12. Cuốn sách trong tay ông lại ‘đại nghịch bất đạo’, dám tiên tri sau 4 vị hoàng đế nữa, triều Minh sẽ bị diệt vong.

Vì vậy ông vừa mang theo tâm căng thẳng và hiếu kỳ, lật sang khoá thứ 9, liền kinh ngạc phát hiện triều Minh bị thay thể bởi một ‘đối thủ’ chưa bao giờ nghĩ đến:

“Thủy nguyệt hữu chủ
Cổ nguyệt vi quân
Thập truyền tuyệt thống
Tương kính nhược tân”

Tạm dịch:

Nước trăng có chủ
Trăng cổ làm Vua
Truyền mười tuyệt sạch
Kính nhau như khách

Trong đó câu thơ đầu tiên đã dự đoán triều đại tiếp theo sau triều Minh, và đó là ‘triều Thanh’ bởi vì “Thủy nguyệt hữu chủ” là chữ “Thanh” (清); và người thống trị của triều Thanh lại là một dân tộc thiểu số phía bắc vì “Cổ nguyệt vi quân” chữ “Cổ” (古) thêm chữ “Nguyệt” (月) chính là “Hồ”(胡). Thời cổ đại, người ta thường gọi dân tộc du mục sống ở vùng đất Á Âu là người Hồ.

Lúc này, lão tăng đọc tới đây lập tức nhận ra “Mã Tiền Khoá” không phải là một cuốn sách tầm thường, bởi vì khi đó triều Minh thực sự thường xuyên bị người Hồ xâm phạm, cũng có nghĩa là lời, tiên tri này e rằng rất có thể sẽ xảy ra.

Tuy nhiên, cho dù triều Minh có bị triều Thanh tiêu diệt, thời gian triều Thanh thống trị cũng không quá dài bởi vì theo tiên tri sau 10 vị vua triều Thanh sẽ diệt tuyệt ‘thống’ trị. Trùng hợp là sau này triều Thanh thực sự kết thúc sau khi hoàng đế thứ 10 Phổ Nghi lên ngôi. Niên hiệu của ông năm đó là Tuyên Thống.

Do đó, lúc này lão tăng đã chắc chắn về khả năng tiên tri kinh ngạc của ‘Mã Tiền Khóa’. Nhưng do triều đại ông sống không được tự do ngôn luận, nên để giữ mạng sống, lão tăng đành viết: “Lão tăng sinh vào những năm Gia Khánh, năm nay đã 86 tuổi, mấy câu sau này không dám nói bừa”.

Ý nghĩa là ông sinh vào triều nhà Minh nên những tiên tri về sau không tiện nói nên từ khoá thứ 10 lão tăng không viết chú thích. Dù vậy, lịch sử Trung Quốc vẫn như cũ dựa theo “Mã Tiền Khoá” mà diễn ra và đó là do tác giả viết cuốn sách này không phải một người tầm thường.

Ẩn trong thành phố

Khoảng hơn 1800 năm trước, cũng chính là vào những năm cuối nhà Đông Hán, trong lịch sử Trung Quốc đã xuất hiện một thời kỳ không thể tin được. Khi đó vị quân chủ thống lĩnh cai trị vùng đất tên là Hán Linh Đế, mặc dù ông đọc nhiều thi thơ, giỏi ca phú nhưng lại để thái giám cầm quyền, thậm chí còn nhận hoạn quan Trương Nhượng và Triệu Trung làm ‘cha mẹ’, cấp cho bọn họ quyền lực rất lớn. Còn Hán Linh Đế chỉ tập trung đắm chìm trong cung điện do mình xây dựng, tận hưởng hạnh phúc kẻ hầu người hạ. Vì sự hoang phí của ông ta, quyền lực của nhà Đông Hán ngày càng yếu. Khi ngôi vua truyền tới Hán Hiến Đế, tất cả quyền lực đều bị các cận thần quyền lực chế ngự.

Năm 196, thấy thời cơ đã chín muồi, Tào Tháo đã buộc Hiến Đế rời đô đến Hứa Xương bắt đầu thực hiện sách lược ‘hiệp thiên tử dĩ lệnh chư hầu’. Một cách đơn giản, về bề mặt hoàng đế vẫn là Hán Hiến Đế, nhưng thực tế ông ta chỉ là con rối tuân theo lệnh của Tào Tháo. Nhưng thiên hạ rộng lớn, có thực lực có thể tham đồ quyền lực, không riêng gì Tào Tháo. Vì vậy, dưới bề mặt hòa bình, ở nhiều nơi bắt đầu xuất hiện những đội quân hùng mạnh, trong đó có những người như Viên Thiệu và Lưu Bị…

Năm 199, năm Kiến An thứ tư, Duyện Châu, Từ Châu, Tư Lệ và Dự Châu ở phía nam sông Hoàng Hà đã bị Tào Tháo chiếm đóng. Còn U Châu, Ký Châu, Thanh Châu và Tịnh Châu ở phía bắc bị Viên Thiệu chiếm đóng.

Khi đó tất cả những ai tinh tường đều hiểu rõ rằng, nhất định không lâu nữa giữa hai bên sẽ xảy ra trận chiến. Nhưng vào thời khắc quan trọng nhất này, Tào Tháo đã lựa chọn xuất binh trước tấn công Lưu Bị, vốn được xem là có quân đội không mạnh. Các thuộc hạ của Tào Tháo ra sức khuyên nhủ ngăn trở, vì họ cho rằng nếu đánh Lưu Bị trước, có thể Viên Thiệu sẽ tấn công từ phía sau, như vậy đại quân của Tào Tháo chẳng phải sẽ bị địch tấn công cả mặt trước và mặt sau sao.

Sau khi nghe thuộc hạ kiến nghị, Tào Tháo cười lớn rồi nói: “Lưu Bị là bậc hào kiệt, hiện giờ không đánh, sau này tất sẽ có hậu hoạ. Viên Thiệu không có chí hướng lớn, phản ứng chậm, chắc chắn sẽ không hành động”.

Vậy là theo kế hoạch, Tào Tháo lập tức xuất binh, đuổi đánh làm Lưu Bị trở tay không kịp.

Sau khi đánh bại Lưu Bị, Tào Tháo lập tức phát động chiến tranh với Viên Thiệu. Sau đó, trận chiến Quan Độ vô cùng nổi tiếng trong lịch sử đã mở ra. Mặc dù cuộc chiến giằng co trong nhiều tháng, với sách lược của các quân sư của Tào Tháo, với một vạn binh mã đã chiến thắng 10 vạn binh mã của Viên Thiệu.

Khi đó Tào Tháo vô cùng vui mừng, nhưng ông không ngờ rằng sau trận Quan Độ, Lưu Bị hiểu sâu sắc rằng một quân sư lợi hại lại có năng lực to lớn như vậy, có thể xoay chuyển càn khôn. Vì thế, Lưu Bị đã thay đổi chiến lược tác chiến, bắt đầu tích cực tìm kiếm quân sư. Lúc này Từ Thứ lập tức tiến cử Gia Cát Lượng cho Lưu Bị. Nhưng Từ Thứ căn dặn: “Người này không như người bình thường, nếu đại tướng quân thực sự muốn gặp ông ấy, ngài cần phải đích thân đi một chuyến”.

Lưu Bị không ngờ được người thần cơ diệu toán như này, làm sao mà chỉ một chuyến đi có thể gặp được.

“Tam cố mao lư’ (Ba lần đến lều cỏ)

Tới năm 201, sau trận Quan Độ, khắp nơi trên vùng đất Trung Quốc đều là dấu tích của chiến loạn, trừ một nơi tên là Long Trung. Đó là một vùng thôn dã với những cánh đồng phì nhiêu. Mỗi khi tới mùa hè gieo hạt đều thấy bóng những người nông dân chăm chỉ làm việc.

Thời bấy giờ ở đây có một người nổi tiếng tên là Gia Cát Lượng. Người này thân cao hơn 8 thước (khoảng 1m84), tướng mạo đoan chính, là người nổi tiếng đẹp trai trong vùng, không biết có bao nhiêu thiên kim tiểu thư của các bậc sĩ phu sẵn sàng lấy anh. Nhưng không ngờ sau này anh lại kết hôn với một người con gái không phù hợp với thẩm mỹ thời đó, thậm chí còn thành đề tài chế giễu của người dân địa phương. Nhưng không ai ngờ người mà họ đang cười giễu, một ngày nào đó lại trở thành tể tướng một nước. Thực ra bản thân người này cũng không nghĩ tới sau này thành tể tướng.

Một buổi trưa, theo thói quen ông đi ngủ thì có thư đồng tới báo ngoài cửa có vị tướng quân muốn gặp Gia Cát Lượng. Lúc đó, Gia Cát Lượng không hiểu tại sao lại có vị tướng quân nào tới vùng quê, lại muốn gặp thư sinh nghèo như mình. Dù sao khách đã đến, nên ông sai người mời vào đại sảnh tiếp đãi. Kể rằng mặc dù vị tướng quân này không cao nhưng vóc dáng cường tráng, giữa hai lông mày còn lộ ra một luồng sát khí, khi ông mở miệng nói lại rất lịch thiệp. Vị tướng quân nói với Gia Cát Lượng rằng hy vọng Lượng có thể đảm nhận vai trò quân sư cho ông, cùng bình định phiến loạn, cứu người khỏi lửa.

Sau cuộc nói chuyện này, Gia Cát Lượng đã đồng ý xuất sơn làm quân sư cho vị tướng quân này. Quả nhiên, từ khi có Gia Cát Lượng, tướng quân đã thắng nhiều trận liên tiếp. Tuy nhiên, sau này, trong một trận chiến, ông tin nhầm lời tiểu nhân, quá khinh địch khiến trận chiến diễn ra theo chiều hướng tồi tệ, chẳng mấy chốc quân địch đã tiến vào doanh trại. Thấy tình thế này, Gia Cát Lượng bình tĩnh ngồi trong trướng, khi kẻ thù chuẩn bị vung kiếm, ông đột nhiên tỉnh lại. Ông nhìn xung quanh và phát hiện mình vẫn ở trong căn lều cỏ.

Hoá ra, tất cả những gì vừa xảy ra chỉ là giấc mộng. Nhưng điều làm ông ngạc nhiên là khi ông vui mừng bởi tất cả chỉ là giấc mơ, thư đồng đột nhiên vào báo rằng ở trước cửa có vị tướng quân. Điều này hoàn toàn giống hệt như trong giấc mơ. Gia Cát Lượng vội hỏi thư đồng: “Người này có phải cao khoảng 7 thước 5 tấc (1m73), vóc dáng rất cường tráng?”.

Thư đồng mặt đầy nghi ngờ trả lời: “Đúng như ngài mô tả”.

Lúc đó, Gia Cát Lượng chợt nghĩ giấc mộng kia rất có thể là điềm báo trước. Vì vậy, ông lệnh cho người báo với vị tướng quân kia rằng mình không có nhà. Nhưng Gia Cát Lượng không ngờ, sau khi bị từ chối, vị tướng quân kia không những không tức giận, mà còn lịch sự để lại một lá thư cho biết ông sẽ quay lại.

Hai năm sau, vào một ngày nọ, Gia Cát Lượng lại có một giấc mơ điềm báo, lần này ông lại mơ thấy vị tướng quân kia một lần nữa thuyết phục ông ra làm quân sư, nhưng lần này ông chỉ làm quân sư 2 năm. Trong một trận chiến, ông đã cùng vị tướng quân kia đi tới hoàng tuyền.

Sau khi tỉnh mộng, vị tướng quân kia quả nhiên lại xuất hiện trước cửa nhà Gia Cát Lượng. Lần này Gia Cát Lượng vẫn sai người báo với tướng quân rằng mình không có nhà.

Tới năm 207, đã 6 năm qua đi kể từ khi vị tướng quân lần đầu tới tìm gặp, Gia Cát Lượng lại nhìn thấy cảnh tượng quen thuộc, tướng quân nói với Gia Cát Lượng rằng, trong lòng ông có một mục tiêu vĩ đại, ông hy vọng có thể kiến lập một thời thái bình thịnh thế để người dân được an cư lạc nghiệp, vì vậy ông sẵn sàng hy sinh tất cả. Vậy là Gia Cát Lượng một lần nữa đồng ý làm quân sư cho ông.

Có lẽ vì trải qua vài lần giấc mộng điềm báo, Gia Cát Lượng đã tránh được nhiều nguy cơ. Sau khi tỉnh mộng, quả thực vị tướng quân lại tới tìm lần thứ ba. Vì cảnh tượng trong giấc mơ lần này cho thấy vận mệnh không phải không thể thay đổi, cùng với sự thành tâm của tướng quân khiến cho Gia Cát Lượng cảm động, nên ông đã nhận lời làm quân sư cho vị tướng quân. Và vị tướng quân này chính là nhân vật Lưu Bị nổi tiếng trong lịch sử.

Với sự giúp đỡ của Gia Cát Lượng, Lưu Bị như cá gặp nước, không chỉ đánh đâu thắng đó, thậm chí có trận chiến không tốn binh tốt nào vẫn giành được thắng lợi. Lúc đó rất nhiều người coi trọng Lưu Bị, cho rằng rất có thể ông thực sự có cách để ‘thống nhất tam quốc’.

Tuy mọi người luôn coi trọng Lưu Bị, năm 223, Lưu Bị đột nhiên mắc bệnh qua đời. Đương nhiên, dưới góc nhìn của người bên ngoài, đối với một người thần cơ diệu toán như Gia Cát Lượng, rất có thể từ lâu ông đã nhìn ra kết cục của Lưu Bị, thậm chí còn biết được cả Thục Hán có thể cuối cùng không cách nào thống nhất thiên hạ, nhưng ông không quan tâm bởi vì ông đã thay đổi vận mệnh. Vì vậy để hiện thực lý tưởng, và báo đáp ân tri ngộ của Lưu Bị, ông đã kiên trì đích thân mang quân Bắc phạt Trung Nguyên.

Tới năm 234, trong lần Bắc phạt thứ 5, sức khoẻ Gia Cát Lượng ngày càng yếu, ông không thể chống lại thiên mệnh và đã qua đời. Nhưng trước khi ra đi, ông vẫn tin rằng dù ông không thể thay đổi tương lai, điều đó không có nghĩa là người khác không làm được, ông đã công bố ra ‘Mã Tiền Khoá’ của mình ra và kỳ vọng trước khi ‘thời khắc cuối cùng’ tới có thể có người lật ngược tình thế.

Thiên hạ đại loạn

Chớp mắt tới năm 263, khi đó Thục quốc do Lưu Bị kiến lập đã bị Ngụy quốc diệt vong, trên bề mặt, thiên hạ dường như đều là thiên hạ của Ngụy quốc. Nhưng không ai ngờ một màn tranh quyền đoạt vị khác lại đã đang chuẩn bị bắt đầu.

Năm 265 tể tướng nước Nguỵ là Tư Mã Chiêu vừa qua đời, năm sau con trai ông là Tư Mã Viêm bất ngờ buộc hoàng đế nước Ngụy bấy giờ là Tào Hoán phải từ chức, và Tư Mã Viêm lên làm hoàng đế, đổi quốc hiệu thành ‘Tấn’.

Năm 280, Tư Mã Viêm xuất binh diệt Tôn Ngô. Sau hơn 60 năm hỗn loạn, tam quốc cuối cùng thống nhất.

Lúc này rất nhiều người cảm khái, ban đầu Tào Tháo không ngại bị thiên hạ chê bai mà ‘hiệp thiên tử dĩ lệnh chư hầu’, Lưu Bị không ngại ‘tam cố mao lư’ mà tới mời Gia Cát Lượng, Tôn Quyền liều mình bảo vệ Giang Đông. Ba người mang quyết tâm chết cũng muốn phải thống nhất thiên hạ. Cuối cùng lại bị Tư Mã Viêm tước đoạt mất. Kinh ngạc là kết cục tàn nhẫn này lại đã được Gia Cát Lượng tiên tri trước.

Trong khóa thứ hai của “Mã Tiền Khoá” đã đề cập:

Hỏa thượng hữu hỏa
Quang chúc Trung Thổ
Xưng danh bất chính
Giang Đông hữu hổ

Tạm dịch:

Trên hỏa có hỏa
Rọi sáng Trung Thổ
Xưng danh bất chính
Giang Đông có hổ

Trong đó, “Hỏa thượng hữu hỏa”, “hỏa” (火) có “hỏa” (火) chính là chữ “Viêm” (炎). Dù cho danh ông ta không chính, ngôn không thuận, nhưng vẫn “Quang chúc Trung Thổ” (Rọi sáng Trung Thổ).

Tuy nhiên, cũng không lâu sau, triều đại này cũng gặp phải rắc rối bởi vì “Giang Đông hữu hổ”.

Đúng vậy, vào năm 316, người Hung Nô tấn công thủ đô triều Tấn, ép buộc hoàng đế sau này phải chuyển đến Kiến Khang của Giang Đông. Tình huống hỗn loạn nhất trong lịch sử Trung Quốc từ đây bắt đầu. Và điều này cũng lại được Gia Cát Lượng dự liệu từ trước.

Trong khoá thứ ba, Gia Cát Lượng viết:

“Nhiễu nhiễu Trung Nguyên
Sơn hà vô chủ
Nhị tam kỳ vị
Dương chung Mã thủy

Tạm dịch:

Nhiễu loạn Trung Nguyên
Non sông không chủ
Hai ba vị ấy
Dê cùng Ngựa chạy

Ba câu thơ đầu chỉ về việc ngoại tộc xâm lược Trung Nguyên. Trung Quốc phải trải qua giai đoạn thiên hạ đại loạn, dân chúng lầm than. Và quá trình đáng sợ này sẽ bắt đầu từ kiến lập nhà Tư Mã của triều Tấn và kết thúc ở nhà họ Dương (đại loạn kết thúc, Dương Kiên kiến lập triều Tùy). Chỉ 16 chữ ngắn đã nói ra hết đoạn lịch sử Trung Quốc gần 300 năm. Đáng kinh ngạc hơn là tiên tri sau đây.

Khoá thứ tư:

Vì lịch sử phía trước đều lần lượt ứng nghiệm, do đó vào thời nhà Tùy, mọi người đều bàn tán về tiên tri của “Mã Tiền Khóa”, đặc biệt các vị hoàng đế kế nhiệm trong triều đại nhà Tùy đều đối đãi rất thận trọng. Bởi vì khoá thứ tư trong “Mã Tiền Khoá” được cho là dự đoán tương lai của triều Tùy sẽ bị một người họ Lý thay thế:

Khóa thứ 4 của Mã Tiền Khóa. (Ảnh Epochtimes)

Thập bát nam nhi
Khởi ư Thái Nguyên
Động tắc đắc giải
Nhật nguyệt lệ thiên

Tạm dịch:

Mười tám nam nhi
Nổi ở Thái Nguyên
Động ắt được giải
Nhật nguyệt tươi đẹp

Nếu thay chữ “Nam nhi” (男儿) thành “Tử” (子) thì “Thập bát tử” (十八子) hợp thành một chữ “Lý” (李). Người này tới từ Thái Nguyên và chính là quân chủ của triều đại tiếp theo.

Trùng hợp là khi triều Tuỳ truyền tới hoàng đế Dương Quảng, vị tướng quân trú thủ ở Thái Nguyên là một người họ Lý, tên là Lý Nguyên. Vì Dương Quảng tàn bạo vô đức nên khi đó nhiều người đồn rằng Lý Nguyên sẽ thay thế triều Tùy. Vì vậy Dương Quảng rất kỵ huý Lý Nguyên, thậm chí còn lên kế hoạch bí mật diệt trừ ông, ép Lý Nguyên phải có hành động chống lại. Cuối cùng, đúng như lời tiên tri nhà Lý diệt trừ triều Tùy, đón tiếp ‘nhật nguyệt tươi đẹp’ thời thịnh thế chưa từng có, chiếu sáng đất trời.

Việc này kéo theo một vấn đề, nếu tiên tri này không tồn tại, liệu Dương Quảng có nghi ngờ Lý Nguyên không, và nếu ông ta không nghi ngờ thì liệu Lý Nguyên có khởi binh, kiến lập nên triều Đường không.

Loạn thế

Nếu lật lại các triều đại trong lịch sử Trung Quốc chúng ta sẽ phát hiện dường như lịch sử đều liên tục tái diễn. Sau mỗi giai đoạn hoà bình, lại sẽ xảy ra chiến tranh, nghiêm trọng hơn sẽ khiến đất nước bị chia cắt và đương nhiên triều Đường cũng không phải là ngoại lệ.

Theo ghi chép lịch sử, mặc dù triều Đường toàn thịnh, về các phương diện văn hoá, kinh tế, chính trị, ngoại giao đều đạt tới mức chưa từng có, nhưng vẫn không tránh khỏi ngày đất nước diệt vong. Trong khoá thứ 5 đã nhắc tới:

Ngũ thập niên trung
Kỳ số hữu bát
Tiểu nhân đạo trường
Sinh linh đồ độc

Tạm dịch:

Trong năm thập niên
Số ấy có tám
Tiểu nhân đường dài
Sinh linh chịu hại

Dù tiên tri này không viết cụ thể triều Đường sẽ bị ai thay thế, nhưng đã dự đoán chính xác ‘50 năm’ sau khi triều Đường sẽ bị tiêu diệt. Ngũ Đại sẽ xuất hiện người từ 8 gia tộc khác nhau lên làm hoàng đế. Vì những vị quân vương này cho phép kẻ tiểu nhân thống trị nên tạo thành kết cục “Sinh linh chịu hại”.

Mặc dù sau này có vị vua khá nhân từ là Triệu Khuông Dận, nhưng quân vương nhà Tống sau này do bản lĩnh ngoại tộc quá yếu kém đã bị nước Kim diệt. Rất lâu về sau, Trung Quốc lại đón một triều đại mới - triều Nguyên.

Trong khoá thứ 7 đã nhắc rằng:

Khóa thứ 7 của Mã Tiền Khóa. (Ảnh Epochtimes)

“Nhất Nguyên phục Thủy
Dĩ cương xử trung
Ngũ ngũ tương truyền
Nhĩ Tây ngã Đông

Tạm dịch:

Một nguyên về đầu
Lấy cứng đặt giữa
Năm năm tương truyền
Ngươi Tây ta Đông

Khoá này không chỉ tiên tri về sự xuất hiện của nhà Nguyên, mà còn ám chỉ triều đại này sẽ dùng biện pháp cứng rắn để trị thiên hạ. Khi đó quân chủ của triều Nguyên đã phân người dân toàn quốc thành 4 tầng lớp: cao nhất là người Mông Cổ, nhóm thứ hai là người nước ngoài, còn người Hán chỉ xếp vị trí thứ 3, thứ 4.
Dù triều Nguyên có chế độ nghiêm khắc nhưng chỉ truyền tới 10 vị hoàng đế cũng đã bắt đầu sụp đổ. Và “Mã Tiền Khoá” đã dự ngôn sớm về điều này. Bởi vì “Ngũ ngũ tương truyền”, nghĩa là 5+5 =10, tượng trưng cho việc sau khi 10 vị hoàng đế lên ngôi, triều Nguyên sẽ tan rã.

Tiên tri tương lai

Mọi người đều biết năm 1911 nổ ra Cách mạng Tân Hợi kết thúc triều Thanh. Năm sau đó, vào năm 1912, chính phủ Nam Kinh được thành lập, Tôn Trung Sơn là tổng thống lâm thời, chính thức kết thúc lịch sử 2.000 năm thống trị của các bậc đế vương, chào đón thời đại cộng hoà.

Dĩ nhiên, đại sự như vậy “Mã Tiền Khoá” đương nhiên không bỏ qua. Trong khoá thứ 10 có viết rằng:

“Thỉ hậu ngưu tiền
Thiên nhân nhất khẩu
Ngũ nhị đảo trí
Bằng lai vô cữu

Tạm dịch:

Lợn sau trâu trước
Nghìn người một miệng
Năm hai đảo ngược
Bạn đến không trách

Trong đó có một câu nói đã nói rõ thời gian kết thúc của chính phủ nhà Thanh, bởi vì “thỉ” nghĩa là lợn, và năm 1911 chính là năm Hợi. Năm 1913 là năm Sửu, “Thỉ hậu ngưu tiền” ý là chỉ năm 1912. Năm này, Trung Quốc sẽ xuất hiện chế độ cộng hoà, bởi vì “Thiên nhân nhất khẩu” hợp lại chính là chữ “Hoà” (和). Trong chế độ cộng hoà, quân chủ sẽ không có quyền lực tuyệt đối, mà sẽ được đặt vào tay người dân, đây chính là ý nghĩa “Ngũ nhị đảo trí” vì trong quẻ tượng Bát quái có ‘lục hào’, trong đó ‘ngũ hào’ đại biểu cho ‘quân’, ‘nhị hào’ đại biểu cho ‘thần’.

Từ xưa tới nay có câu ‘quân thượng thần hạ’, vì vậy Gia Cát Lượng dùng ‘ngũ nhị đảo trí’ để hình dung địa vị của quân vương sẽ không như trước. Dù thời kỳ này sẽ trải qua những biến động nhất định nhưng sau đó sẽ nghênh đón một khoảng thời gian an định. Chữ “cữu” ở đây là chỉ tai hoạ và “vô cữu” nghĩa là ‘không có tai hoạ’.

Tới khoá thứ 11:

Tứ môn sạ tích
Đột như kỳ lai
Thần kê nhất thanh
Kỳ đạo đại suy

Tạm dịch:

Bốn cửa mở toang
Thình lình đột ngột
Tiếng gà gáy sớm
Đạo này đại suy”

Hiện nay có một bộ phận các học giả cho rằng, khoá 11 tiên tri tương lai, sẽ có một ‘tai nạn đột ngột’ tới từ tất cả các hướng, nó có thể xảy ra vào năm “Kê” (Dậu), từ đó số phận của toàn thể nhân loại sẽ bắt đầu đi xuống. Và năm Dậu tiếp theo sẽ là năm 2029. Điều đáng chú ý là hiện nay có rất nhiều nhà tiên tri đã dự đoán trong khoảng thời gian từ năm 2025-2030 thế giới sẽ xảy ra tai hoạ. Liệu điều mà “Mã Tiền Khoá” nói đến đều là cùng một sự việc?

Gia Cát Lượng. (Tranh Tố Tố - Epochtimes)

Cứu thế chủ

Nói tới đây, có lẽ có nhiều người cảm thấy thấy khá trầm trọng, nhưng may mắn là trong vài lời tiên tri cuối của “Mã Tiền Khoá”, Gia Cát Lượng nhắc tới rằng dù tương lai sẽ có tai hoạ, vẫn sẽ có Thánh nhân xuất hiện:

Chửng hoạn cứu nạn
Thị duy Thánh nhân
Dương phục nhi trị
Hối cực sinh minh

Tạm dịch:

Cứu họa cứu nạn
Duy có Thánh nhân
Dương phục mà trị
Đêm hết ngày rạng”

“Dương phục nhi trị, Hối cực sinh minh” ý nghĩa là vật cực tất phản, sau đêm đen dài vô tận thế giới đón chào bình minh, đó sẽ là một thế giới ‘thiên hạ nhất gia’, khi đó tất cả mọi người sẽ làm việc thiện xuất phát từ nội tâm mà không cầu bất kỳ danh vọng nào. Vì vậy, thế giới sẽ nghênh đón thời khắc tươi sáng nhất nhưng thời khắc đó cũng có kết thúc. Như đầu bài viết đã đề cập, trong khoá cuối cùng Gia Cát Lượng đã phát hiện ra rằng lịch sử hoá ra là không ngừng tuần hoàn, nên ông đột nhiên hiểu ra tất cả và viết khoá cuối cùng:

Chiêm đắc thử khóa
Dịch số nãi chung
Tiền cổ hậu kim
Kỳ Đạo vô cùng

Tạm dịch:

Bói được quẻ này
Dịch số đã hết
Trước cũ sau mới
Đạo ấy vô cùng

Có người đã liên tưởng tới tượng cuối trong “Thôi Bối Đồ”, Viên Thiên Cang đã từng nói:

“Tụng viết:

Mang mang thiên số thử trung cầu
Thế đạo hưng suy bất tự do
Vạn vạn thiên thiên thuyết bất tận
Bất như thôi bối khứ quy hưu

Tụng rằng:

Số Trời mênh mang ở trong cầu
Thói đời hưng suy chẳng tự do
Nói nghìn vạn lần cũng không hết
Không bằng đẩy lưng rồi nghỉ ngơi

Có thể lịch sử đúng như những Thánh nhân trên nói, sẽ đi theo quy luật nào đó và không ngừng tuần hoàn, cho tới một ngày nhân loại cuối cùng nhìn thấu tất cả, phát hiện ra điều gì là thứ mà chúng ta cần giữ gìn nhất, chúng ta mới có thể nhảy thoát ra khỏi vận mệnh của luân hồi và sống trong một thế giới tốt đẹp nhất. Vậy vấn đề là điều chúng ta cần giữ gìn nhất là gì?

Minh An
Theo Malianjie



BÀI CHỌN LỌC

Cuốn sách tiên tri duy nhất Gia Cát Lượng để lại, chính xác 100%, nhìn thấu quy luật luân hồi!