Dáng rồng quê

Giúp NTDVN sửa lỗi

Không hiểu sao, xa quê đã mấy chục năm ròng, thi thoảng tôi lại nằm mơ thấy con rồng cụt đầu chầu trước cửa miếu thờ Thành Hoàng cuối làng tôi. Giấc mơ khiến tôi nảy ra ý định về quê xin phép các vị bô lão trong làng cho được đứng ra tu bổ lại con rồng. Nhưng nhiều mùa gió bấc đã thổi qua mà tôi vẫn chưa thực hiện được ước nguyện nhỏ bé của mình. Nên lòng cứ canh cánh khôn nguôi một nỗi niềm.

Nhớ thuở tóc còn khét nắng gió đồng quê, nhiều lần tôi đã nghĩ con rồng cụt đầu kia chỉ là thân của một con rắn. Cũng tại cái trò chơi của trẻ mục đồng túm lấy vạt áo sau của nhau nối thành một hàng mà “Rồng rắn lên mây, gặp cây núc nác”. Tại thầy khai tâm của tôi, trong nhiều bài học chữ Nho, người cứ dạy: “Đất vuông nên chữ nào cũng tượng bốn phương. Hoành ngang, tung dọc cũng chỉ do một nét rồng tạc mà nên thôi”.

Và, tại cả trời bắt tháng bảy năm nào làng tôi cũng mênh mông trong những cơn nước nổi. Nước ngoài sông Hồng, sông Đào, sông Ninh cao hơn mực nước sông Ngọc phía trong đê cả thước. Vậy mà mưa vẫn cứ đổ xuống tầm tã, trắng trời trắng đất. Chẳng mấy chốc đồng ruộng đã thành một biển nước, sóng ì oạp vỗ vào chân luỹ tre làng. Con đường hai bên lát đá tảng xanh dọc theo xóm Đá cũng đã bị ngập quá đầu gối, đi từ nhà này đến nhà kia phải dò dẫm lần từng bước một. Bố tôi nhìn lên cao xanh. Một dải mây đen hình phễu dốc ngược xuống chân trời phía biển Đông mỗi lúc một thấp hơn. Người thở dài: "Rồng vẫn chưa hết quẫy!".

Theo đà nước rút, con đường làng lộ dần dáng một dải lụa đào. Nhưng bố tôi chỉ một mực bảo đấy là hình một con rắn. Rắn đồng chiêm, bơi qua những ao hồ chi chít, trườn thẳng ra đồng. Ở quê, rắn là một loài hữu ích. Con mồi ưa thích nhất của loài bò sát này chính là chuột. Nghe nói thịt rắn ngon như thịt gà giò, rượu mật rắn ngâm ba năm có dư sức nóng để làm tan một vết bầm trên da thịt người sau vài ba lần xoa bóp. Riêng nọc rắn, nghe bố kể, nếu biết dùng đúng liều lượng, người thầy thuốc có thể làm trái tim chỉ còn thoi thóp đập rộ lên trở lại. Nghe thế, chứ mắt tôi chưa hề thấy người quê tôi, kể cả ông Cử nổi tiếng về tài bắt rắn và chữa rắn cắn, chiết được nọc rắn quý hiếm kia. Bố tôi hay bảo, rắn không phải và cũng chẳng bao giờ thành rồng được. Nhưng nó tượng nên rồng. Thường thì xưa nay vật hay con vật được dùng tượng nên cái thiêng liêng bao giờ cũng chỉ là cái thực, gần gũi quá nên thấy bình thường đấy thôi. Vậy nên, đi trên đường làng, hỏi có mấy ai đã biết đất dưới chân mình được vượt lên cách nay hàng mấy ngàn năm có lẻ lại cũng tượng hình những con rồng? Càng không biết đường cong đường thẳng ẩn chứa điều thâm sâu nào!

Còn như "vạn vật hữu linh" thì hầu như ít ai biết tới. Núi sông, cây cỏ, thú vật, chim muông cũng như con người, đều có tâm hồn, ý thức cả đấy. "Con có biết vì sao như thế không?", bố tôi đã hỏi vậy vào đúng ngày tôi bước sang tuổi mười tám. Thấy tôi lúng búng như ngậm hạt thị trong miệng, người cười: "Đường cong xui con đi chầm chậm, mắt ngó nghiêng xem có con bé nào khau kháu không đấy. Đi đi! Gật đứa nào thì về thưa, bố sắm trầu cau tới dạm ngõ cho!".

Tôi chưa kịp đi hết những con đường cong trong làng đã phải đi thẳng ra chiến trường. Tiễn tôi tới miếu thờ Thành Hoàng, bố tôi dặn: "Làng quê chính là nơi hồn xứ sở nương mình đấy con ạ. Đi hết trời đất, nhớ quay về làng, cũng chưa muộn đâu!".

Hôm ấy tôi đã tròn mắt ngạc nhiên về lời dặn dò lạ lùng này. Nhưng rồi lẫn vào trong cuộc đời dâu bể, câu nói kia không ít lần đã giúp tôi thấy được cả những gương mặt người lấp loáng như những mặt sông.

Tháng 9 năm 1971, sau những cơn mưa như trút kéo dài hàng chục ngày, nước sông Hồng dâng cao tới mặt đê. Sóng tung bọt trắng y như một con rồng đang giỡn nước. Dưới trăng suông lạnh se, lúc nhìn ngược về phía thượng lưu, tôi có cảm giác như nó đang cố bám lấy núi Tản Viên để không bị trôi tuột ra biển cả. Trong giấc mơ chập chờn đêm ấy, tôi thoáng thấy sông Hồng đang chòng chành trong vũ trụ bao la. Đúng hơn là nó đang nhảy múa. Tản Viên là cái đầu con rồng, sông là dải lụa đỏ, hai bên bờ bãi vạn vật cùng tạc hình vây rồng dựng ngược. Trời đất cũng biết chơi trò muá lân con trẻ chăng?

Tôi đã mang dòng sông chòng chành trong tâm tưởng ấy đi khắp mọi miền đất nước. Vào Sài Gòn, lần đầu tiên được nhìn thấy tấm bản đồ thành phố, tôi đã giật thót người vì ngỡ ngàng. Thế đất thế sông nơi đây cũng mang dáng một con rồng vắt đuôi ra biển Cần Giờ. Đầu rồng chính là dải đất quận Nhất... Về sau, trong những dịp ngồi ô tô chạy như bay trên quốc lộ Một, quốc lộ Năm và nhiều con đường thênh thang khác của đất nước, tôi hay có cảm giác mình đang được cưỡi trên lưng những con rồng lớn. Chúng như gối đầu vào nhau, mà những thành phố, thị xã, khu công nghiệp là những cái đầu mỗi ngày một lớn thêm ra.

Cuối thu năm 1999, năm cuối cùng của thế kỷ 20, bố tôi vào Sài Gòn chơi với con cháu. Tôi đã đưa người vào thăm dinh Thống Nhất. Ông cụ đã ngồi thử vào chiếc ghế có chạm hình rồng và lấy làm mãn nguyện lắm. Người bảo, rồng bao giờ cũng tượng trưng cho quyền lực. Rồi, không rõ vì lý do gì, người quay sang hỏi tôi, hình con rồng trên cái ghế kia có nét nào giống với rồng ở các triều Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn không. Tôi giải thích, rồng thời Lý đầu to, thân ngắn; rồng thời Trần đầu nhỏ hơn một chút, thân thon và dài hơn. Từ đời Lê về sau, dáng rồng chạm trổ thanh thoát hơn. Càng về sau, rồng càng đẹp, nhìn bắt mắt hơn. Dĩ nhiên, khác với rồng Trung Quốc mang những đặc điểm của thảo nguyên, rồng Việt Nam được khắc họa như là một con vật thiêng vừa quẫy trên những dòng sông chảy xiết vừa bay lên trời từ biển khơi dào dạt sóng gió. Đặc biệt, vào triều Nguyễn, đây đó còn có cả những con rồng mà vảy của chúng mang hình những đám mây, chứ không phải hình vảy cá. Nghe tôi nói thế, người cười khẽ: "Bố hiểu rồi, dù thời nào, con rồng trên đất Việt Nam ta, cũng đều mang dáng con Rồng cháu Tiên. Vậy nên khi tạc rồng, bàn tay của người nghệ nhân đã được tâm thức ấy tự điều khiển rồi".

Buổi tối, vào những lúc tôi làm việc trước máy tính, bố rất thích ngồi bên cạnh con để hỏi về cái máy lạ mà người quen miệng gọi nôm na là “cái máy bác học”. Nào là máy có chứa các loại kiến thức ghi bằng các thứ chữ Hán, chữ Ấn Độ, chữ Ả Rập, chữ Pháp, chữ Anh Mỹ và các thứ chữ khác nữa không? Nào là máy có mách cách làm cho dân giàu nước mạnh, có làm cho con người được hạnh phúc hơn không? Tôi đã trả lời là có. Rồi tôi say sưa nói thêm cho người biết về nhiều công dụng kì diệu của máy tính. Tôi còn nhớ, lúc tôi truy cập vào một chương trình của mạng Internet cho bố xem, khi nhìn thấy hình ảnh những con rồng, người đã lặng đi, miệng khẽ lẩm bẩm: "Thánh thật! Thánh thật! Giá mà...".

Lúc ấy, ở Việt Nam, công nghệ thông tin chưa phát triển. Một trong những đơn vị kỹ thuật số đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam là Databank, thuộc Trung tâm thông tin triển lãm, Sở Văn hóa, du lịch và thể thao Thành phố Hồ Chí Minh. Lãnh đạo Databank là anh Nguyễn Tuấn Hoa, một nhà khoa học tiên phong trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Để mở đường, trên báo Sài Gòn Giải Phóng, anh Hoa và tôi đã cho đăng hơn ba chục bài báo về các vấn đề thuộc lĩnh vực này, như xây dựng đường truyền băng thông rộng, xây dựng cơ sở dữ liệu, kết nối mạng, an ninh mạng, đào tạo đội ngũ, thiết kế báo điện tử, vv.

Trang báo điện tử đầu tiên ở Việt Nam chính là trang CiNet do Databank thực hiện. Logo của nó là hình một mũi tên vút lên từ trái địa cầu. Đó là biểu tượng của một con rồng vừa cất cánh. Tôi được anh Tuấn Hoa giao tổ chức Trang Văn học. Các nhà văn, nhà thơ đầy nhiệt huyết như Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng, Ma Văn Kháng, Nguyễn Trọng Tân, Thuận Hữu đã đem hết khả năng của họ cùng tôi đưa văn học Việt Nam lên mạng, hội nhập với văn học của các nước trên thế giới. Chúng tôi đã chung tay sát cánh cùng các kỹ sư Databank thực hiện được phần nào ước mơ hóa rồng vinh quang của dân tộc, ít nhất là trong lĩnh vực văn chương thời kỹ thuật số.

File:Pagoda in Duy Vinh 3.jpg
Hình tượng đầu rông ở một ngôi chùa Quảng Nam. (Ảnh: Wikipedia/ Christophe95 - SA-4.0)

Nhờ gió bấc nhắc khéo nhiều lần, tôi đã thu xếp được ít ngày để trở lại thăm đồng chiêm. Bố tôi khẽ vuốt chòm râu đã bạc như mây từ lâu, mắt nhìn chăm chắm vào mái đầu đã điểm sương khói của tôi, khoe: "Từ ngày con về lần trước, làng mình cũng có một chút đổi thay. Đi trên đường làng đã trải đá hoặc nhựa đường, con có thấy thích không? Nhưng theo ý bố, thú nhất vẫn là...".

Người ngừng lời, bảo tôi dắt tới miếu Thành Hoàng. Cái miếu xưa vẫn rêu xanh muôn thuở. Duy có con rồng năm nào, như có một phép mầu lạ lùng, đã mọc lại đầu. Hai bố con không ai bảo ai cùng ngồi xuống bên cạnh con vật bằng đá. Biết tôi quá đỗi ngạc nhiên, bố tôi quay sang, hỏi khẽ: "Con xem các nét chạm trên thân rồng có thể hiện được hoa văn xưa không?".

Tôi nhìn kĩ từng nét trên thân con rồng đá và nói: "Có, đây đúng là những nét chạm khắc rồng phỏng theo các đời xưa. Nhưng đầu con rồng...".

Thấy tôi có vẻ ngập ngừng, bố tôi thăm dò: "Riêng cái đầu không tạc theo các mẫu rồng thuộc bất cứ một triều đại nào phải không con?".

"Thưa, đúng ạ. Mà tại sao làng lại làm như thế, hả bố?".

Bố tôi không trả lời vào câu tôi hỏi mà lại kể: "Sau khi đưa con rồng cụt đầu ra táng ngoài cồn Rùa, các cụ bô lão trong làng chụm đầu vào bàn bạc và nhờ thợ điêu khắc đá làm ra con rồng này. Con có nhận ra cái đầu nó có chỗ nào khác lạ không?".

Bố tôi mở to mắt, miệng hơi há ra chờ đợi.

"Nó phỏng theo hình con rồng trên máy vi tính ở nhà con phải không, bố?".

"Con đoán gần đúng rồi đấy!".

Bố tôi nói rồi kể tiếp: "Con rồng ở miếu thờ Thành Hoàng làng mình bị đạn đại bác phạt cụt đầu từ năm 1952, khi người Pháp còn đóng bót ở Cổ Gia. Hòa bình mới được mấy năm nước lại có chiến tranh. Các con ra mặt trận cả, người ở lại cũng chẳng còn thời gian để mà nghĩ đến việc tạc lại đầu cho con vật thiêng ấy nữa. May mà dịp vào Nam thăm con, bố mới sực nghĩ ra...".

Tôi hỏi: "Và bố đã về bàn với các cụ tạc hình con rồng này?".

Bố vuốt râu, cười ngất ngưởng: "Ừ, cái máy ở nhà con nhắc bố nhớ lại lời người xưa rằng, con người hơn nhau cốt chỉ ở cái đầu. Người học hỏi nhiều mới mong bằng và vượt qua người khác được. Bố nghĩ, chữ do con người tạo ra đều mang những kích thước rồng thu nhỏ lại. Vì vậy, con rồng làng ta có đủ cả xưa nay, cổ kim hòa quyện, hỗ trợ cho nhau, âm dương hòa hợp, vượng khí làng ta nhờ đó mà sẽ khá dần lên chăng?".

Nghe lời bố, tôi xúc động thực sự: "Con đã hiểu ra vì sao con rồng thiêng này lại mang dáng thời đại rồi bố ạ. Nhưng còn hồn quê? Cái hồn quê mà ngày xưa bố thường nói với con ấy! Giờ nó ở đâu?".

Bố tôi nhìn tôi như hồi tôi còn bé tí, vừa cười vừa úp bàn tay phải vào ngực trái: "Bố thấy nó vẫn đang ở ngay chỗ này".

Rồi, như e tôi chưa tỏ, người nói tiếp: "Nó là niềm tin vào Trời Đất, Thánh Thần. Là tình yêu quê hương, xứ sở, con người. Là tâm, là đức... Đúng không, con".

Giọng nói xúc động của bố khiến tôi lặng đi. Con rồng thiêng trước mặt ngỡ như vừa bay vút lên trời...

Nguyễn Quốc Văn

Văn hoá Văn học


BÀI CHỌN LỌC

Dáng rồng quê