Đạo chung sống của 2 cặp vợ chồng này khiến người đời ngưỡng mộ

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Đạo chung sống vợ chồng giống như đàn cầm đàn sắt, đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Đạo vợ chồng giống như uống trà, trong bình đạm có hương thơm, trong yên tĩnh có tình sâu nghĩa nặng.

Giữa vợ chồng với nhau, nếu có thể yêu thương, tôn kính, lễ nghĩa và nhường nhịn nhau, quan tâm và châm chước lẫn nhau, thì bất kể trong cuộc sống gặp sự tình như thế nào, thì hai người vẫn dắt tay chung bước, chia ngọt sẻ bùi.

Vợ chồng Khích Khuyết kính nhau như khách

Thời Xuân Thu, nước Tấn có một vị Đại phu là Khích Khuyết. Thời Tấn Hiến Công, Khích Khuyết và phụ thân Khích Nhuế cùng làm quan trong triều.Sau này, Khích Nhuế vì phạm tội nên chạy trốn sang nước Tần, Khích Khuyết cũng vì thế mà bị liên lụy, bị giáng làm thứ dân. Khích Khuyết về quê sống cuộc sống nhà nông cơm thô trà nhạt.

Một năm nọ, Tấn Văn Công Trùng Nghĩ phái đại thần Cữu Quý đi sứ nước Tần. Cữu Quý trên đường đi qua đất Ký (Hà Nam ngày nay), trông thấy Khích Khuyết đang cuốc đất trên cánh đồng, còn vợ ông đem cơm ra ruộng cho ông, và cung kính dâng cơm lên cho Khích Khuyết. Khích Khuyết vội vàng dùng 2 tay đón nhận, liên tiếp nói cảm ơn, sau đó mới bắt đầu ăn cơm. Vợ Khích Khuyết ở bên lặng lẽ nhìn chồng, hai người đối đãi với nhau cứ như là khách vậy, tôn trọng nhau, lễ phép nhường nhịn nhau.

Cữu Quý nhìn thấy cảnh tượng này thì rất cảm động. Sau khi trở về nước Tấn, Cữu Quý nói chuyện này với Tấn Văn Công, nói rằng vợ chồng Khích Khuyết kính nhau như khách, đây là biểu hiện của người có đức. Trị sửa quốc gia, cần những người có đức. Cữu Quý kiến nghị Văn Công mời Khích Khuyết đến triều đình và trọng dụng ông.

Tấn Văn Công tiếp thu ý kiến của Cữu Quý, mời Khích Khuyết trở lại và ban cho chức quan. Trong trận chiến giữa nước Tấn với nước Địch, Khích Khuyết dẫn đầu đoàn quân, lập chiến công, được thăng làm chức khanh, và được Tương Công ban đất Ký làm phong đất cho Khích Khuyết. Sau này, mọi người dùng câu “kính nhau như khách” để miêu tả vợ chồng kính trọng lẫn nhau.


Cữu Quý trên đường đi qua đất Ký (Hà Nam ngày nay), trông thấy Khích Khuyết đang cuốc đất trên cánh đồng, còn vợ ông đem cơm ra ruộng cho ông, và cung kính dâng cơm lên cho Khích Khuyết. Khích Khuyết vội vàng dùng 2 tay đón nhận, liên tiếp nói cảm ơn, sau đó mới bắt đầu ăn cơm. Hình minh họa là bức tranh “Tương kính như tân” trong “Thánh dụ tượng giải” của Lương Diên Niên đời Thanh. (Phạm vi công cộng).

Nghĩa vợ chồng sống chết có nhau không rời bỏ nhau

Giữa vợ chồng với nhau cần phải kính nhau như khách. Bất kể ở giai tầng nào, quần tộc nào, đạo lý này đều ứng dụng được như nhau.

Trong “Liêu sử - Liệt nữ truyện” có ghi chép rằng, trong giới quý tộc Khiết Đan có một phụ nữ hiền huệ tên là Tiêu Ý Tân, cô là vợ của Da Luật Nô nước Liêu. Cha cô là Phò mã Đào Tô Oát, mẹ cô là Công chúa Hô Đồ. Năm 20 tuổi, Tiêu Ý Tân được gả cho Da Luật Nô. Cô nổi tiếng bởi hiếu kính cha mẹ chồng, và sống hòa thuận với những người trong họ tộc.

Một lần, Tiêu Ý Tân nghe các chị em dâu đàm luận dùng phép hấp dẫn gì (tức dùng linh thể tầng thấp để mê hoặc người khác), thì có thể được chồng sủng ái. Tiêu Ý Tân nói: “Dùng tà pháp không bằng dùng lễ pháp (phép tắc lễ nghĩa). Mọi người hỏi cô nguyên nhân.

Ý Tân nói: “Dùng cái tâm thanh khiết, tu thiện bản thân; dùng sự cung kính thờ phụng trưởng bối; dùng sự dịu dàng cư xử với chồng; dùng sự khoan dung nhân hậu đối xử với vãn bối, không được tùy tiện thay đổi cái tâm mình, đó chính là phép tắc lễ nghĩa. Nếu làm được những điều này, thì tự nhiên sẽ được chồng yêu thương và tôn trọng. Nếu dùng tà pháp để được sủng ái, chẳng phải hổ thẹn với lòng mình đó sao?”.

Mọi người nghe xong đều cảm thấy rất xấu hổ.

Sau này, Da Luật Nô bị kẻ gian vu cáo hãm hại, bị cắt bỏ tước vị và lưu đành đến nơi xa. Bởi vì Tiêu Ý Tân là con gái của Công chúa Hô Đồ, do đó vua Liêu là Liêu Đạo Tông muốn cô ly hôn Da Luật Nô, để cô không phải chịu cái khổ bị đi đày.

Tiêu Ý Tân hiểu rõ tâm ý Hoàng đế xót thương cô, nhưng cô vẫn kiên quyết nói: “Ân nghĩa giữa vợ chồng, là phải sống chết có nhau, không rời bỏ nhau. Thiếp được gả cho Da Luật Nô từ khi còn trẻ, giờ đây anh ấy gặp nguy nan, thiếp liền rời xa anh ấy, đó là trái luân thường đạo lý, làm như thế có khác gì cầm thú đâu? Mong bệ hạ xót thương hai vợ chồng thiếp, để thiếp được đồng hành với Da Luật Nô, dẫu thiếp có chết cũng không hối hận”.

Thế là Liêu Đạo Tông đồng ý lời thỉnh cầu của Tiêu Ý Tân.

Đến nơi đi đày, Tiêu Ý Tân ngày ngày tự mình làm những việc lao dịch, tuy rất gian khổ và vất vả, nhưng cô cũng không hề có một lời oán thán, trái lại, cô càng khiêm hạ và cung kính cư xử với chồng.

Duyên vợ chồng, nghĩa vợ chồng

Khích Khuyết và vợ kính nhau như khách, Tiêu Ý Tân và phu quân không rời bỏ nhau, không vì thân phận và địa vị bị thay đổi mà họ thay đổi thái độ đối xử với nhau, vẫn tuân thủ lễ nghĩa, cùng nhau vượt qua gian nan.

Người xưa nói: “một ngày vợ chồng, trăm ngày ân nghĩa”, “trăm năm tu mới được đi chung thuyền, nghìn năm tu mới được ngủ chung gối”. Hai người một khi kết phu thê, tức là sự ái mộ và duyên tình đời trước đã trở thành hiện thực. Duyên phận không dễ dàng có được này, thực ra cũng rất đáng quý tiếc.

Trung Hòa
Theo Tống Bảo Lam - Epochtimes

Tài liệu tham khảo

“Tả truyện - Hi Công 33 niên”
“Liêu sử - Liệt nữ truyện” - quyển 107

 

 

 



BÀI CHỌN LỌC

Đạo chung sống của 2 cặp vợ chồng này khiến người đời ngưỡng mộ