Đạo dưỡng sinh của người xưa: 10 bí kíp sống khỏe mạnh và trường thọ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trần Trực là một chuyên gia dưỡng sinh thời nhà Tống, ông là tác giả cuốn “Dưỡng lão phụng thân thư”, trong đó có bài "Thuật tề trai thập lạc" đã tóm tắt về 10 phương pháp chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về các Đạo dưỡng sinh của người xưa, nó có thể sẽ truyền cảm hứng và hữu ích cho con người đương đại ngày nay.

1. Đọc những cuốn sách khai mở

Vào thời nhà Tống, việc chú trọng vào đọc các kinh điển Nho giáo và khám phá các học vấn được gọi là “học nghĩa lý”. Người hiện đại có thể hiểu rằng việc đọc những cuốn sách có thể khai mở tư duy, và đưa ra chỉ dẫn có thể giúp xác lập hướng đi đúng đắn, tránh bị những thông tin sai lệch dẫn đến sai lầm. Người lớn tuổi thường xuyên đọc sách, không chỉ nâng cao kiến ​​thức mà còn giúp tư duy nhạy bén và làm chậm quá trình lão hóa của đại não.

2. Học thư pháp

Viết thư pháp và sao chép những bức thư pháp nổi tiếng là một biện pháp tốt để duy trì sức khỏe. Từ thời đại nhà Hán đến nhà Thanh, nhiều nhà thư pháp nổi tiếng đều khá trường thọ, chẳng hạn như Liễu Công Quyền sống đến 87 tuổi, Âu Dương Tuân sống đến 84 tuổi. Khi viết thư pháp, người ta sẽ toàn tâm toàn ý tập trung vào đó, giữ tư thế tốt, phối hợp hài hòa việc sử dụng tay, lưng và chân để tập trung khí lực và tinh thần vào tay, tương tự như dẫn đạo khí công, giúp thúc đẩy khí huyết lưu thông.

3. Thiền an tĩnh

Có câu nói rằng: “Tâm tĩnh thì tâm an, khí hài hoà thì khí huyết lưu thông”. Nếu người già kiên trì thiền định nửa giờ mỗi ngày, có thể giúp đầu óc họ minh mẫn, cơ thể được nghỉ ngơi đầy đủ, giúp tinh thần thoải mái.

“Tâm tĩnh thì tâm an lạc, khí hài hòa thì máu huyết lưu thông”. Thiền rất có lợi cho sức khỏe thể chất và tinh thần. (Hình ảnh: Pexels)
“Tâm tĩnh thì tâm an lạc, khí hài hòa thì máu huyết lưu thông”. Thiền rất có lợi cho sức khỏe thể chất và tinh thần. (Hình ảnh: Pexels)

4. Nói chuyện gần gũi với bạn bè

Sau bữa tối, hãy ngồi lại và trao đổi tâm sự với một vài người bạn thân. Điều này có thể giúp nâng cao kiến ​​thức và có ích đối với giao tiếp tình cảm, rất có lợi cho sức khỏe thể chất và tinh thần. Một triết gia từng nói: “Khi bạn gặp thất bại, tức giận hay chán nản, dốc bầu tâm sự với bạn tri kỷ có thể làm giảm áp lực tâm lý. Nếu không, chất chứa cảm xúc có thể dẫn đến bệnh tật”.

5. Uống rượu có chừng mực

Đông y cho rằng, uống rượu vừa phải có thể thúc đẩy tuần hoàn máu, thông kinh mạch và giúp ngăn ngừa bệnh tật. Người cao tuổi mỗi lần nên uống không quá một chén, uống rượu quá nhiều hoặc say rượu, đặc biệt là lượng cồn quá cao sẽ có hại cho cơ thể.

6. Tham gia các hoạt động làm vườn

Làm vườn không chỉ tăng cường hoạt động thể chất, rèn luyện chân tay, khớp xương mà còn giúp điều hòa cảm xúc, mang lại sự thoải mái về tinh thần. Vào thời nhà Thanh, Viên Mai được mệnh danh là “ngôi sao về văn chương và ngôi sao về trường thọ” vì sở thích làm vườn.

Tương truyền, khi ở độ tuổi hơn 40, Viên Mai đã từ chức vì chán với quan trường, chuyển đến Giang Ninh (ngày nay là Nam Ninh) và xây dựng khu vườn “Tuỳ Viên”. Trong những năm cuối đời, ông yêu hoa và cây cảnh, luôn duy trì thú vui “trồng hoa sau cơn mưa, cuốc cỏ trong cơn gió”, dù tuổi già nhưng ông vẫn rất nhanh nhẹn.

Một nghiên cứu của nước Anh cũng chỉ ra rằng việc người lớn tuổi kiên trì với các hoạt động làm vườn có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và các bệnh khác, thậm chí còn giúp giảm tỷ lệ mắc cùng sự tiến triển của bệnh ung thư.

7. Nghe nhạc hoặc gần gũi với thiên nhiên

Âm nhạc rất tốt cho dưỡng sinh, các nghiên cứu trong và ngoài nước đã chứng minh rằng âm nhạc có thể giảm đau, hạ huyết áp, ngăn ngừa lão hóa não. Khi thưởng thức âm nhạc, người cao tuổi thường có thể chọn những bài hát có giai điệu du dương, nhịp điệu bình ổn. Họ cũng có thể nuôi chim hoặc cho cá ăn, điều này có thể giúp điều chỉnh nhịp sống, giảm bớt những cảm xúc tiêu cực và cải thiện thị lực.

Uống trà có thể bồi dưỡng tính cách và giúp sống lâu hơn. (Ảnh: Từ “Cuộc sống quý tộc” thời nhà Thanh, Thư viện Quốc gia Áo sưu tầm)
Uống trà có thể bồi dưỡng tính cách và giúp sống lâu hơn. (Ảnh: Từ “Cuộc sống quý tộc” thời nhà Thanh, Thư viện Quốc gia Áo sưu tầm)

8. Thưởng thức hương thơm và trà

Ngửi mùi thơm có thể khiến tâm tình vui vẻ, thưởng thức trà có thể bồi dưỡng tính cách và giúp con người trường thọ. Ngửi mùi hương gỗ đàn hương giúp mở rộng tâm trí và điều hòa khí, trầm hương có thể làm dịu tâm trạng, trong khi hương thơm của hoa nhài và hoa hồng có thể kích thích ngon miệng và giúp tỉnh táo. Tuy nhiên, chúng ta nên tránh ngửi những mùi hương quá nồng, tốt hơn hết nên chọn những mùi hương tự nhiên của cây cối, hoa cỏ.

Các chuyên gia dưỡng sinh các thời đại đều yêu thích trà, tài liệu cổ “Thần Nông bản thảo kinh” ghi lại rằng, uống trà có tác dụng tốt cho tư duy, giảm trầm cảm và giữ dáng. Nó cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi tiểu, làm sạch đờm và nhiệt, cải thiện giấc ngủ, tăng cường thể lực và cải thiện tâm trạng.

9. Leo núi cao và trông xa

Thỉnh thoảng leo núi và đứng trên cao nhìn ra xa, sẽ không chỉ rèn luyện thân thể cho người già mà còn mở mang trí óc và cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên.

10. Chơi bài và chơi cờ

Việc người già chơi bài và chơi cờ vừa phải cũng có thể kích hoạt não bộ, cải thiện khả năng phản ứng và làm phong phú thêm cuộc sống.

Những phương pháp dưỡng sinh trí tuệ truyền thống của người xưa mang lại những hướng dẫn quý giá cho sức khỏe và hạnh phúc cho người cao tuổi trong những năm sau này. Bạn có thể lựa chọn cách phù hợp với bản thân và tận hưởng cuộc sống tuổi già hạnh phúc!

Theo Triệu Tử Hinh
Minh An biên dịch

  • Bạn có thể tận hưởng những lợi ích thiền định qua lớp thiền định miễn phí online tại đây.



BÀI CHỌN LỌC

Đạo dưỡng sinh của người xưa: 10 bí kíp sống khỏe mạnh và trường thọ