Đạo sĩ kỳ lạ giỏi toán mệnh, hóa ra là có nguồn gốc này

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi chưa hiển đạt, Tổng đốc có vận mệnh trắc trở, thì gặp một Đạo sĩ kỳ lạ chỉ dẫn cho ông. Cho đến một ngày nọ, khi sấm sét đùng đùng thì sự tình đột ngột thay đổi, và nguồn gốc của Đạo sĩ đã lộ rõ.

Vào thời triều Thanh ở Trung Quốc, vùng đất nọ có một vị Tổng đốc. Thuở nhỏ, ông là trẻ mồ côi cha. Gia cảnh nghèo khó nhưng cậu bé rất hiếu thuận với mẫu thân. Đến ngoài 20 tuổi, vận mệnh cậu vẫn luôn gập ghềnh trắc trở, ngay cả tú tài cũng không thi đỗ. Bạn bè và họ hàng thấy cậu quần áo rách rưới, thì khi họ từ xa nhìn thấy cậu, họ liền vòng đường tránh.

Tuy nhiên cậu là một người khoan dung đại lượng, không hề để ý đến thái độ của mọi người. Thế nhưng, mọi người lại cho rằng, cậu mặt dày không biết xấu hổ, họ càng chê cười châm chọc cậu nhiều hơn.

Cậu từng tham gia thi đồng tử, nhưng không đỗ. Trên đường về nhà, đi qua một ngôi miếu cổ, cậu gặp một Đạo sĩ. Vị Đạo sĩ này có một râu màu tía, lỗ mũi hếch lên, tướng mạo vô cùng xấu xí, đang ngồi khoanh chân trên mặt đất.

Nhìn thấy cậu đến, Đạo sĩ vội vàng đứng dậy hành lễ, cười và nói với cậu rằng: “Bần Đạo chờ quý nhân đã lâu rồi”.

Nghe những lời này, cậu kinh ngạc mở to mắt nhìn, bối rối không biết trả lời ra sao nữa. Đạo sĩ lại nói: “Bần Đạo họ Vạn, Đạo hiệu là Thuế Vân, từ núi Nga Mi vân du đến đây. Bần Đạo đã gặp rất nhiều người, nhưng luận về phú quý thì không người nào có thể sánh với quý nhân được. Bởi vì chúng ta trong quá khứ đã có duyên hương hỏa, do đó hôm nay mới có thể tương ngộ ở đây”.

Chàng trai nghi ngại, cho rằng Đạo sĩ đang trêu đùa mình, bèn cười và nói: “Học trò chỉ là một người bình thường, may mắn được Tiên sư chiếu cố. Như lời Tiên sư nói, chẳng phải ngài tinh thông tướng thuật như Cô Bố Tử Khanh đó sao?”

Đạo sĩ nói: “Không dám nói là có bản sự của Cô Bố Tử Khanh, nhưng cũng tin rằng bình thường nhìn nhận người quý tiện, hiền ngu, thì cũng không sai một chút nào”.

Chàng học trò nghèo nói: “Nếu như thế thì xin Tiên sư xem giúp vận mệnh học trò như thế nào?”

Đạo sĩ bấm ngón tay tính toán rồi nói: “Quý nhân vào năm này sẽ đến vận, vào năm này sẽ nhập học, vào năm này sẽ thi đỗ tiến sĩ, vào Hàn lâm viện, vào năm này sẽ làm quan Thị học ở đất Thục. Sau đó thăng làm Thị ngự, sau đó làm Giám ty, sau đó đến ngoại tỉnh làm chức quan cao cấp. Đường quan lộ hanh thông, cuối cùng làm quan đến chức Hiệp biện Đại học sĩ. Quý nhân hưởng thọ trăm tuổi, phu thê bạch đầu giai lão, tử tôn hiển quý”.

Đạo sĩ nói chi tiết từng năm, để cậu ghi nhớ, để sau này cậu kiểm nghiệm xem có đúng hay không.

Chàng học trò nghèo nói: “Học trò gia cảnh bần hàn, mẹ gia thiếu ăn thiếu mặc, học trò đang nghĩ từ bỏ nghiệp học chuyển sang làm ăn buôn bán, đâu dám kỳ vọng quá về tương lai?”

Đại sĩ vội vàng xua tay và nói: “Đừng, đừng tính như thế. Nhất định không được làm như vậy. Nếu quý nhân lo lắng không thể tự lo cuộc sống được, bần Đạo có chút tích cóp, hy vọng có thể giúp quý nhân dùng làm chi phí học hành”.

Nói rồi, Đạo sĩ lấy từ trong tay áo ra một bọc vàng tặng cho chàng trai, và nói: “Quý nhân sau này phú quý rồi, chớ quên bần Đạo nhé”.

Chàng trai nghèo không nhận, từ chối và nói: “Không có công thì không thọ lộc, đây là việc mà người quân tử không làm”.

Đạo sĩ thấy chàng trai kiên quyết từ chối thì nói: “Nếu quý nhân không muốn nhận đồ tặng, thì hãy tạm thời coi là vay mượn đi, sau này hoàn trả thì cũng không có gì là không phải”.

Học trò nghèo nói: “Làm như thế này thì tốt hơn, nhưng hiện tại không có chứng từ vay mượn, thì làm thế nào?”

Đạo sĩ nói: “Quân tử dùng miệng làm bằng chứng, tiểu nhân dùng chứng từ làm bằng chứng. Quân tử dù không lập chứng từ cũng sẽ không thất tín vay nợ không hoàn trả, tiểu nhân dù lập chứng từ, thì cũng sẽ thất tín không hoàn trả. Thất tín hay không là do người, chứng từ có gì đáng nói đâu”.

Người học trò nghèo thấy Đạo sĩ nói như vậy thì mới chấp nhận, hỏi về thời gian gặp lại, và nói: “Nếu đúng như Tiên sư nói, sau này làm quan trong quan trường, thì còn những rủi ro khác nữa không?”

Đạo sĩ trầm ngâm một lúc lâu, sau đó nói: “Sau này quý nhân vào quan trường, những việc đã nói vừa rồi đều ứng nghiệm, chỉ có vào giờ này ngày ngày tháng này năm này, sẽ có một tai họa lớn bất ngờ ập đến. Đến lúc đó, bần Đạo sẽ đến cứu giúp, quý nhân không cần phải lo lắng”.

Anh học trò nghèo cảm tạ Đạo sĩ, sau đó Đạo sĩ cũng ra đi.

Anh học trò nghèo về nhà, nghĩ lại những điều Đạo sĩ nói, anh vẫn bán tín bán nghi. Anh thầm quyết tâm sẽ đợi đến những ngày đó để nghiệm chứng. Anh đổi vàng lấy lương thực và quần áo, nên không phải chịu đói chịu rét. Từ đó anh càng nỗ lực học tập, khổ tâm dùi mài.

Sau đó, quả nhiên vào năm đó, anh được vào học phủ học tập, vào năm đó, anh liên tiếp thi đạt và đỗ tiến sĩ, và được bổ nhiệm chức quan. Anh học trò nghèo giờ đây đã thành một viên quan nổi danh trong và ngoài quan trường. Tất cả đều đúng như những gì Đạo sĩ đã toán mệnh.

Sau đó ông được bổ nhiệm Tổng đốc Lưỡng Quảng, và cũng đã cưới phu nhân, sinh được 2 người con trai. Công tử lớn 19 tuổi đã vào nhậm chức ở Từ quán (tương đương Bộ giáo dục ngày nay). Công tử thứ hai mới 15 tuổi, đỗ hiếu liêm (cử nhân), và chuẩn bị cho kỳ thi hội vào mùa xuân. Khi đó, Thái phu nhân (mẫu thân của Tổng đốc) vẫn khỏe mạnh. Tổng đốc sai người đón Thái phu nhân đến phủ để phụng dưỡng, cả nhà đoàn tụ, cực kỳ hiển quý.

Một ngày nọ, lính gác cổng đến báo cáo rằng, có một vị Đạo sĩ tên là Vạn Thuế Vân đến cầu kiến. Tổng đốc vui mừng quá đỗi, vội vàng sai người mở cổng đón tiếp. Tổng đốc nắm tay Đạo sĩ, hỏi han tình hình của nhau. Tổng đốc nói: “Những sự tình Tiên sư nói trước đây đều ứng nghiệm rồi, nhưng không biết còn đại họa sau này là chỉ việc gì?”

Đạo sĩ trả lời rằng: “Sự tình trước đó đã nói đều đã ứng nghiệm rồi, còn việc sau này thì chỉ cần nghĩ là có thể biết được. Tai họa chính là vào ngày mai. Bần Đạo đến chỉ vì sự việc này”.

Tổng đốc tra xem tờ xem mệnh, quả nhiên là có ghi chép sự việc này, liền vội vàng khấu đầu hỏi ứng phó thế nào.

Đạo sĩ nói: “Đời trước, đại nhân học Đạo ở núi Thanh Thành, Đạo hạnh rất cao, và phát thệ lập chí phóng sinh, nhưng lại vô ý giẫm chết một con ếch. Qua giờ Ngọ ngày mai, ngài sẽ bị trừng phạt, bị sét đánh trúng, để kết thúc nghiệp xưa. Bần Đạo và đại nhân xưa kia là sư huynh sư đệ, do đó không dám không báo trước”.

Tổng đốc thất kinh, vội vàng cầu xin phương pháp giải cứu. Đạo sĩ cười và nói: “Bần Đạo đã nghĩ phương pháp ứng đối từ lâu rồi, xin ngài yên tâm”.

Sau đó, Đạo sĩ ghé tai Tổng đốc, nói phương pháp giải cứu.

Trong trong xanh bỗng nhiên mây đen dày đặc, sấm chớp vang rền. (Fotolia)

Ngày hôm sau, Tổng đốc chiểu theo an bài của Đạo sĩ, buổi sáng, ông mặc quan phục, tay bâng ấn quan ngồi trên đại đường. Ông cho vời tất cả quan viên văn võ thuộc hạ đến, ai nấy đều mặc quan phục, tay nâng ấn quan, ngồi xuống xung quanh đại đường.

Khi đó đúng tiết Trung Thu, tiết trời mát mẻ, bầu trời xanh thẳm không một gợn mây. Đến khoảng 3, 4 giờ chiều, đột nhiên mây đen dày đặc, sấm chớp vang rền, gió dữ gào rú, mưa lớn như trút nước. Những tiếng sét nổ đùng đùng xung quanh phía trên phủ Tổng đốc. Ngói mái và tường vách bốn phía đều bị rung động lắc lư. Tổng đốc ngồi ngay ngắn nghiêm trang, mặt xám như tro. Các quan viên thuộc hạ cũng không biết là xảy ra chuyện gì, người nọ nhìn người kia, lòng nơm nớp bất an.

Mọi người đang kinh sợ thì bỗng nhiên một tỳ nữ vội vàng chạy đến bẩm báo: “Không xong rồi, không xong rồi, Thái phu nhân bị sét đánh trúng rồi”.

Tổng đốc vốn là người rất hiếu thuận, vừa nghe được tin này không kịp nghĩ nhiều, cầm đại ấn vội vàng chạy đi xem xét. Các quan viên thuộc hạ cũng theo sau. Vào phòng ngủ, thấy Thái phu nhân và phu nhân đang chơi bài Madiao, bình an vô sự. Tổng đốc đang ngạc nhiên thì bỗng nghe thấy tiếng sét nổ, như núi đổ đất lở. Người hầu chạy lại bẩm báo rằng: “Đại đường bị sét đánh sập rồi, chỗ đại nhân ngồi xuất hiện cái hố lớn sâu một trượng, một con bò cạp to hơn người bị sét đánh chết trong đó”.

Tổng đốc thất kinh, vội vàng sai người đi tìm Đạo sĩ, tìm khắp nơi vẫn không thấy. Lúc này, ông mới hiểu ra rằng, thì ra vị Đạo sĩ này là bò cạp tinh, muốn mượn uy của quan Tổng đốc để tránh kiếp nạn sét đánh hôm nay. Từ mấy chục năm trước, ông ta đã bắt đầu mưu đồ này rồi, lo liệu mọi chuyện từ sớm, có thể nói là khổ công dụng tâm, thủ đoạn ông ta sử dụng cũng có thể nói là siêu phàm. Nhưng uy lực của Thần linh quảng đại vô biên, ứng biến khôn cùng. Con yêu nghiệt này tuy giảo hoạt, nhưng sao có thể thoát khỏi bị Trời diệt.

(Nguồn tư liệu: Sách “Lý thừa” của Hứa Phụng Ân đời Thanh)

Thái Nguyên - Epoch Times
Trung Hòa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Đạo sĩ kỳ lạ giỏi toán mệnh, hóa ra là có nguồn gốc này