Điều gì xảy ra sau khi một người chết - Hóa ra 49 ngày này rất quan trọng

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Con người sau khi chết thì ở trạng thái như thế nào? Các nghiên cứu về trải nghiệm cận tử của các nhà khoa học tiết lộ điều gì? Tại sao người chết phải cúng "đầu thất', và 49 ngày? Kinh Phật giải thích như thế nào?

Nghe thêm: Radio Văn Hóa

Hiện tượng "Tua lại ký ức"

Đây là một câu chuyện có thật, có một cậu bé 12 tuổi, do sơ ý nên cậu đã ngã xuống một hồ nước gần nhà, sau khi cậu vùng vẫy trong nước một hồi, đôi mắt của cậu dần trở nên mờ đi, và đến khi cậu không còn vùng vẫy nữa, đôi mắt của cậu bắt đầu giống như một chiếc máy ảnh, phát một thước phim với tốc độ rất nhanh.

Trong thước phim đều là cảnh tượng về cậu từ khi cậu còn nhỏ, các cảnh tượng hiện ra trước mặt cậu một cách rất rõ ràng, như vừa mới xảy ra vậy. Lúc này, cậu bắt đầu ý thức được mình chắc chắn sẽ chết, nhưng không ngờ rằng, vào thời khắc cuối cùng cậu đã được một người hàng xóm kéo lên, và cậu đã thoát nạn. Thước phim về cuộc sống mà cậu nhìn thấy khi sắp chết chính là cái mà người ta thường gọi là hiện tượng "tua lại ký ức".

Tuy nhiên, trước đây hiện tượng này chưa từng được chứng thực, nhưng, mới đây các nhà khoa học đã bất ngờ phát hiện ra dữ liệu mới. Theo báo chí nước ngoài đưa tin, khi một nhóm nhà khoa học Canada đang đo sóng não của một bệnh nhân động kinh 87 tuổi, thì bệnh nhân này đột ngột qua đời vì đau tim, các nhà khoa học đã ghi lại được số liệu não bộ khi bệnh nhân này hấp hối. Kết quả dữ liệu cho thấy, dạng sóng não của ông giống với dạng sóng não bình thường khi thực hiện các nhiệm vụ nhận thức cường độ cao, ví dụ như tập trung vào giấc mơ, hoặc nhớ lại một tình huống nào đó. Dạng sóng não này kéo dài trong 30 giây sau khi tim bệnh nhân ngừng đập, thời điểm này bệnh nhân thường được tuyên bố là đã chết.

Tiến sĩ Ajmal Zemmar, người nghiên cứu về vấn đề này, cho biết, đó có thể là ký ức cuối cùng mà chúng ta trải qua trong cuộc đời. Các nhà khoa học đã công bố kết quả nghiên cứu này trong tạp chí Frontiers in Aging Neuroscience vào tháng 2/2022, và từ dữ liệu họ cho rằng, vào khoảnh khắc trước khi chết, bộ não đóng vai trò như một thiết bị chiếu lại ký ức cuộc đời của người đó, cũng chính là hiện tượng “tua lại ký ức".

Tiến sĩ Zemar cho biết, đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử dữ liệu bộ não khi hấp hối được ghi lại, và toàn bộ phát hiện này hoàn toàn là tình cờ, ban đầu người ta không có kế hoạch thực hiện thí nghiệm để ghi lại những số liệu này. Nghiên cứu này cũng đặt ra câu hỏi về thời điểm chính xác một sinh mệnh kết thúc là khi nào, tim sẽ ngừng đập trước hay chức năng của bộ não sẽ dừng lại trước?

Nhưng cuối cùng, không có kết luận chắc chắn nào được đưa ra, nhưng nó đã mở ra cánh cửa lớn cho việc nghiên cứu khoảnh khắc cuối cùng của đời người. Tiến sĩ Zemar cũng tin rằng, thông thường, những trải nghiệm cận tử của con người sẽ mang một số yếu tố bí ẩn và tâm linh, và những ghi chép và khám phá giống như vậy chính là điều mà các nhà khoa học luôn mong chờ.

Khám phá sinh mệnh

Năm 1975, nhà tâm lý học nổi tiếng người Hoa Kỳ - Raymond Moody lần đầu tiên đề cập đến “Trải nghiệm cận tử" (Near-Death Experience) trong cuốn sách “Life After Life”. Sau khi nghiên cứu 150 trường hợp trải nghiệm cận tử của con người, ông đã cố gắng khám phá sự thật về cái chết của con người. Từ nghiên cứu của ông, chúng ta có thể biết rằng, sau khi chết, con người sẽ trải qua các quá trình sau đây.

Lúc đầu, họ sẽ tận tai nghe thấy bác sĩ hoặc những người có mặt ở hiện trường thông báo về cái chết của mình. Sau đó, họ cũng cảm nhận được quá trình các chức năng sinh lý của toàn thân bị suy giảm hoàn toàn.

Tiếp theo, họ có một cảm giác được sự giải thoát tạm thời và một cảm nhận bình yên, thanh thản cùng với niềm vui sướng chưa từng có trước đây. Trong đó, có nhiều người kể lại rằng, sau đó họ còn nghe thấy một số âm thanh kỳ lạ, giống như một giai điệu không biết tên, dường như thì thầm vào tai họ. Sau đó, họ bị kéo vào một không gian hình trụ không có không khí, nó giống như một vùng chuyển tiếp vậy. Lúc này, linh hồn đã tách ra khỏi cơ thể, không ai có thể nghe thấy tiếng nói chuyện của họ nữa, và khái niệm về thời gian cũng biến mất. Đây chính là trạng thái "thân trung ấm" được nói đến trong kinh điển Phật giáo.

Lúc này, linh hồn đã tách ra khỏi cơ thể, không ai có thể nghe thấy tiếng nói chuyện của họ nữa. (Ảnh shutterstock)

Lúc này, trong trạng thái linh hồn, các giác quan sẽ trở nên cực kỳ nhạy bén, có thể nhìn thấy nhiều cảnh tượng lạ, tất cả các giác quan sẽ được nâng cấp một cách lạ thường, kèm theo đó là cảm giác cô đơn mãnh liệt, ngoài ra còn giống như đang nhìn xuống thế gian từ góc nhìn của Thượng Đế. Sau đó, những linh hồn khác sẽ xuất hiện xung quanh họ, những linh hồn này đến để hỗ trợ họ chuyển tiếp sang vương quốc vong linh một cách an toàn. Trong một số trường hợp thì, những linh hồn này nói với họ rằng hồi chuông báo tử vẫn chưa vang lên, và họ phải quay lại một thời gian.

Vào giây phút cuối cùng của trải nghiệm cận tử, trạng thái của linh hồn cũng sẽ thực hiện việc nhìn lại toàn cảnh của cuộc đời, hết cảnh này đến cảnh khác, diễn ra theo trình tự thời gian trong đời, tất cả những cảm giác và cảm xúc vào thời gian đó được tiến diễn một cách rất rõ ràng.

Cuối cùng, linh hồn đi đến một nơi giống như ranh giới, nó ngăn cản linh hồn đi đến một nơi khác. Các ranh giới có thể là một vũng nước, một đám khói, một cánh cửa, một hàng rào trên cánh đồng hoặc một đường thẳng. Nếu không vượt qua được ranh giới này thì linh hồn sẽ phải quay trở về trong một trạng thái đặc biệt.

Tại phương Tây, các nghiên cứu về trải nghiệm này tương đối muộn. Tuy nhiên, trong kinh điển Phật giáo đã có những mô tả rất chi tiết từ rất sớm, và những mô tả của cả hai gần như là giống nhau. Theo kinh Phật, con người sau khi chết giống như chìm vào giấc ngủ, khi tỉnh dậy thì đã đang ở trong trạng thái thân trung ấm, sau khi con người chết sẽ ở trong trạng thái này 49 ngày.

Thân trung ấm

Theo tục lệ dân gian, sau khi người thân qua đời, gia đình phải thực hiện cúng tuần 7 ngày, và để tang tổng cộng 7 x 7 = 49 ngày, sau đó thân trung ấm của người quá cố mới có thể chuyển kiếp đầu thai. Trong Quyển số 10 của "Câu xá luận" có ghi chép, “thân trung ấm” còn được gọi là "thân trung hữu", là giai đoạn chuyển tiếp tồn tại ở giữa khi thân thể một người đã chết nhưng linh hồn chưa chuyển kiếp thành sinh mệnh khác.

Theo Phật giáo, sau khi chết, ý thức của con người trước tiên sẽ bước vào giai đoạn “trung ấm”, sau đó luân hồi chuyển sinh vào một nhục thể mới, và tiếp tục tồn tại trong một hình thức sinh mệnh khác.

Có câu nói "Tiền ấm dĩ tạ, hậu ấm vị chí, trung ấm hiện tiền". Ở đây, “tiền ấm dĩ tạ" có nghĩa là thọ mệnh đã tận, “hậu âm vị chí" có nghĩa là chưa đầu thai. Người ta thường tin rằng, sau khi thân trung ấm xuất hiện thì sẽ không nhận ra cơ thể đã chết của mình nữa. Do đó, có một câu ngạn ngữ cổ rằng: “Sinh bất nhận hồn, tử bất nhận thi”, nghĩa là: người còn sống thì không thể nhìn thấy linh hồn của mình, không biết được linh hồn là như thế nào; sau khi chết thì sẽ không nhận ra nhục thể của mình nữa.

Ngay khi thân trung ấm vừa mới tỉnh lại, những việc mà người đó đã làm trong đời, từ việc nhỏ đến việc lớn, từng từng cảnh sẽ hiện lên như một thước phim, thậm chí không chỉ là một kiếp, tất cả những chuyện tốt xấu đều hiện ra như một thước phim quay nhanh. Điều này giống như hiện tượng “tua lại ký ức" đã được đề cập trước đó.

Thân trung ấm vẫn còn một khả năng nhất định, đó là nó không chịu sự ngăn trở bởi thời gian và không gian, chỉ cần một ý nghĩ là nó có thể đến nơi nó muốn đến.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thân trung ấm, thường là những người đặc biệt tốt, hoặc những người đã tu thành đắc Đạo, còn những người xấu ác thì không thể trải qua trạng thái thân trung ấm giống như vậy. Tức là, sau khi chết, một số người tu hành tốt sẽ trực tiếp tiến vào Thiên quốc, trong khi những người gây nhiều tội ác cũng sẽ ngay lập tức vào địa ngục. Khi nói đến thân trung ấm, nó sẽ ở lại trong một khoảng thời gian, thông thường sẽ không quá 49 ngày.

49 ngày thân trung ấm

Thân trung ấm là có tuổi thọ, cứ 7 ngày là một chu kỳ, 7 ngày 1 lần biến hoá, 7 ngày 1 lần sinh tử, mê rồi lại tỉnh, nhiều nhất là 7 x 7 = 49 ngày nhất định phải chuyển kiếp.

Có một cách nói rằng, nếu trong vòng 49 ngày thân trung ấm không được đầu thai chuyển kiếp, nó sẽ trở thành ma và rất khó để chuyển kiếp trong tương lai.

Một số trường hợp tử vong bất thường, ví dụ như một người tự tử, nếu người thân không làm lễ cầu siêu thì người này sẽ liên tục phải gánh chịu nỗi đau khi tự tử, vì vậy, nhiều tôn giáo răn dạy con người không được tự tử, bởi vì tự tử không thể thoát khỏi đau khổ ở thế gian, mà ngược lại sẽ phải đến nơi đau khổ hơn.

Đây là lý do tại sao người ta nói rằng, khi một người chết, người thân cần làm lễ cúng 7 ngày, tức là tụng kinh, niệm Phật cho người quá cố để tăng phúc phận cho người đó, và hy vọng rằng người đó có thể đến một nơi tốt đẹp hơn. Người ta thường tin rằng, linh hồn của người đã khuất sẽ trở về nhà vào ngày thứ 7 sau khi chết, gia đình sẽ chuẩn bị cho người đó một bữa cơm, sau đó lánh đi hoặc đi ngủ, bởi vì lo rằng nếu người đó nhìn thấy người nhà thì sẽ nhớ thương, ảnh hưởng đến việc đầu thai chuyển kiếp.

trăng ma
Linh hồn của người đã khuất sẽ trở về nhà vào ngày thứ 7 sau khi chết, gia đình sẽ chuẩn bị cho người đó một bữa cơm. (Ảnh Adobe Stock)

Trong “Địa Tạng Kinh” có bài “Giác Lâm Bồ Tát Kệ”, trong đó, câu cuối có nói “nhất thiết duy tâm tạo”, tức là vạn vật đều do tâm tạo ra, có nghĩa là mọi sự vật, mọi hoàn cảnh đều do tâm mình cảm nhận, làm điều ác hay điều thiện đều do tâm mình chi phối. Vì vậy, khi một người đi đầu thai thì cũng có liên quan đến tâm của người trong gia đình, khi chúng ta ngừng lo lắng, nhớ nhung về người đã khuất thì người đó sẽ đi đầu thai, và thông thường sẽ phải mất 49 ngày để chữa lành nỗi đau mất người thân, và người đã khuất sẽ vĩnh biệt người thân của mình.

Điều gì sẽ xảy ra đối với thân trung ấm trong 49 ngày này? Mô tả chi tiết hơn có thể được tìm thấy trong "Tây Tạng độ vong kinh" của Liên Hoa Sinh Đại sư. Cuốn kinh của Mật giáo Tây Tạng được khai quật vào thế kỷ 14 bởi nhà ngoại cảm Karma Lingpa. Trong cuốn kinh này có đề cập đến 3 giai đoạn trung ấm trong 49 ngày của quá trình chuyển tiếp giữa cái chết và chuyển sinh.

Giai đoạn trung ấm đầu tiên là khoảng thời gian ngay sau khi chết, khi người mới chết ý thức rằng mình đã chết và bắt đầu hồi tưởng về quá khứ của mình. Trong giai đoạn trung ấm thứ hai sẽ xuất hiện rất nhiều huyễn cảnh đáng sợ, nếu như không ý thức được đó chỉ là những ảo ảnh, rất có thể sẽ bị cuốn vào chúng và khó mà thoát ra được. Cuối cùng, giai đoạn trung ấm thứ ba chính là quá trình chuyển tiếp sang một nhục thể mới.

Ngoài ra, theo quan điểm của "Tây Tạng độ vong kinh", sau khi chết, thân trung ấm sẽ gặp được rất nhiều vị Thần, và sẽ được ghi lại chi tiết trong vòng 14 ngày. Tại đây, chúng ta sẽ không đi vào chi tiết, nhưng có thể tóm tắt như thế này, mỗi ngày trong 14 ngày này sẽ xuất hiện các vị Thần khác nhau, và sẽ có hai loại ánh sáng khác nhau, một loại là ánh sáng trí tuệ của Đấng giác ngộ, loại thứ hai là ánh sáng nhu hòa tương ứng của lục đạo luân hồi. Hai loại ánh sáng đại diện cho hai hướng đi khác nhau, có thể nói là đại diện cho hai cơ hội đầu thai chuyển kiếp khác nhau.

Nói một cách đơn giản thì, trong quá trình tử vong, trước mắt người đó sẽ xuất hiện một loại ánh sáng, kỳ thực, đây chính là Phật tính của mỗi người, loại ánh sáng này xuất hiện sẽ quyết định người đó có thể được giải thoát hay không, điều này có quan hệ nhất định với việc tu dưỡng khi còn sống. Nếu người đó từng nghe Pháp đắc Đạo, hay có đủ lĩnh ngộ và có tu dưỡng, thì rất có thể người đó sẽ được giải thoát vào thời khắc quan trọng. Người hành thiện, có tu dưỡng có thể lập tức thăng thiên sau khi chết, mà không phải trải qua trạng thái thân trung ấm.

Thời gian xuất hiện của loại ánh sáng rực rỡ này có quan hệ nhất định với mỗi người, tức là liên quan đến nhân cách của người đó lúc còn sống. Người bình thường chỉ nhìn thấy loại ánh sáng rực rỡ này trong khoảng 20 phút. Tuy nhiên, một số người tu hành có khả năng nắm bắt được tình hình sau khi chết, loại ánh sáng rực rỡ này sẽ kéo dài lâu hơn, có thể là từ 3 đến 4 ngày, và lâu nhất có thể kéo dài đến 7 ngày.

Ngược lại, một số người có nhân cách kém hơn hay một số người có khí huyết kinh mạch không kiện toàn, chẳng hạn như những người hút thuốc, sẽ ảnh hưởng đến thời gian nhìn thấy ánh sáng rực rỡ của họ. Ánh sáng rực rỡ xuất hiện trước mắt họ có thể chỉ là 2, 3 giây, hoặc có thể chỉ thoáng qua như một tia chớp. Lúc đó, người này sẽ không kịp nhận ra loại ánh sáng rực rỡ kia, cho dù có sự giúp đỡ của đạo sư thì cũng khó có thể được giải thoát.

Trên đây chỉ là những chi tiết được nhắc đến trong “Tây Tạng độ vong kinh" của Mật giáo Tây Tạng, còn những pháp môn Phật giáo khác thì sao? Hay những tín ngưỡng khác thì sao? Có thể sẽ có những cách hiểu và quan điểm khác nhau. Dù thế nào, chúng ta nên lắng nghe nó như một kiến ​​​​thức, và sau đó chọn lọc để tiếp thu. Bởi vì suy cho cùng, điều thực sự quan trọng là chúng ta làm gì khi còn sống và chúng ta có lương tâm trong sáng trong cuộc sống hay không, điều đó mới thực sự quan trọng.

Đông Phong
Theo EarthInn



BÀI CHỌN LỌC

Điều gì xảy ra sau khi một người chết - Hóa ra 49 ngày này rất quan trọng