Đời trước là tăng nhân, đời này chuyển thế tu hành tiếp hiển thần thông

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lúc bấy giờ, từ tể tướng trở xuống, bao gồm các võ tướng đều tranh nhau quy y theo pháp môn của Hòa thượng Bảo Kim, và rất tự hào về điều đó.

Cuối thời nhà Nguyên và thời đầu nhà Minh, có một vị hoà thượng có pháp hiệu Bảo Kim, ông vốn họ Thạch, là hậu duệ của danh gia vọng tộc nổi tiếng ở Hàm Dương, Thiểm Tây, Trung Quốc. Bố mẹ ông đều rất thích làm việc thiện. Một hôm, có một tăng nhân cầm một chiếc bát đến nhà họ Thạch xin ăn, và tặng một bức tượng Phật cho mẹ ông là bà Trương thị, và nói rằng: "Phu nhân phải cẩn thẩn cung phụng bức tượng Phật, nhất định sẽ hạ sinh một đứa con trai phúc đức trí huệ".

Trương thị đã làm theo lời tăng nhân dặn. Chẳng bao lâu có thai, và sinh hạ hòa thượng Bảo Kim. Khi Bảo Kim lên 6 tuổi, cha mẹ ông đã gửi ông đi tu tập Phật pháp dưới sự chỉ dẫn của Ôn Pháp sư ở chùa Vân Tịch. Về sau, Bảo Kim xuất gia đi tu. Tuy nhiên, với sự hiểu biết sâu rộng về Phật pháp, Bảo Kim cảm thấy chỉ đơn thuần nghiên cứu các nguyên lý Phật lý sẽ không thể giải thoát sinh tử, vì vậy ông đi vân du tu thiền.

Ông nghe nói Thiền sư Như Hải Chân đang giảng Pháp ở núi Tấn Vân, Tây Thục, nên đã đến bái kiến thầy. Thiền sư Như Hải Chân đã truyền thụ pháp môn của mình cho Bảo Kim, và Bảo Kim hiểu được những đạo lý thâm sâu. Trong ba năm liền tu tập quên ăn quên ngủ.

Một ngày nọ, Bảo Kim mang cái sọt theo thiền sư Như Hải Chân đi hái rau trong vườn, đột nhiên ông ngồi ở đó bất động nhập định, phải ba tiếng sau ông mới xuất định.

Thiền sư Như Hải Chân hỏi: “Con nhập định sao?

Bảo Kim trả lời: “Vâng ạ”.

Thiền sư lại hỏi: “Con cảm thấy những gì?”

Đệ tử trả lời: “Con cảm ngộ được một số điều ạ”.

Thiền sư yêu cầu đệ tử nói ra nghe xem.

Bảo Kim đã vài lần nói lại việc trong thiền định, nhưng vẫn không nhận được sự thừa nhận của sư phụ. Thiền sư Như Hải Chân nói với đệ tử rằng: "Con phải dụng công phu vào đoạn dứt nhân tâm, mới có thể chân chính minh tỏ ý nghĩa to lớn của Phật Pháp".

Bảo Kim nghe vậy thì càng thêm chăm chỉ hơn. Ông đến núi Nga Mi một mình, hàng ngày hái thông và bách làm thức ăn, thân thể chưa trải qua khổ hạnh tu luyện, có lúc cả 3 tháng ngồi thiền không được. Cứ như vậy, ông đã khổ tu thêm 3 năm.


Bảo Kim nghe nói Thiền sư Như Hải Chân đang giảng Pháp ở núi núi Tấn Vân, Tây Thục, Trung Quốc, nên đã đến bái kiến ông. Hình minh họa là bức tranh "Liên Xã đồ" của Lý Công Lân do Văn Trưng Minh và Cừu Anh đời Minh mô phỏng. (Phạm vi công cộng)

Một lần, Bảo Kim đang ngồi dưới một gốc cây to, đúng vào lúc đó trong vùng có lũ lụt, nước suối dâng nhanh, làm nhiều chỗ bị nhấn chìm. Mọi người suy đoán rằng, hoà thượng Bảo Kim có thể đã bị chết đuối. Sau bảy ngày nước rút, mọi người đi tìm hòa thượng, thì thấy Bảo Kim vẫn bình thản ngồi dưới gốc cây to, chỉ có quần áo bị ướt sũng.

Một ngày nọ, khi Bảo Kim đang ngồi thiền, bỗng nghe thấy tiếng đốn củi, người vã mồ hôi như mưa, liền ngộ đạo, thế là quay về núi Tấn Vân cùng thầy Như Văn Hải biện luận. Cuối cùng, Như Văn Hải nói: "Bây giờ con mới biết sự vĩ đại của Phật Pháp. Hồi đó, sư phụ của ta là Vô Dụng hòa thượng từng nói với ta rằng: 'Con đả toạ xuất hiện ba con hổ và một con hổ con’, có thể đệ tử là con hổ con? Nhân duyên của con ở phía Bắc, và tương lai hoằng dương đạo của ta".

Nhân duyên phía Bắc của Bảo Kim là ở đâu? Một ngày nọ trong thiền định, Bảo Kim nhìn thấy một ngọn núi tuyệt đẹp, trên đó có toà tháp, vàng kim ngọc bích lấp lánh, và chư Phật mười phương cùng năm mươi hai vị Bồ Tát đang hành đạo. Đột nhiên có một vị chào Bảo Kim nói: "Đây là ngọn núi Bí Ma thuộc núi Ngũ Ðài. Kiếp trước ông tu hành ở đây, xương và linh hồn của ông vẫn còn ở đây. Chẳng lẽ ông quên mất rồi sao?"

Lúc này, Bảo Kim mới nhận ra, kiếp trước ông là một tăng nhân tu hành ở núi Ngũ Đài.

Sau khi xuất định, Bảo Kim thẳng tiến đến núi Ngũ Đài. Trên núi Ngũ Đài, ông bắt gặp một cô gái đầu tóc rũ rượi, quần áo khâu từ nhiều mảnh rách rưới, đi chân trần chậm rãi, theo sau là một con chó gao đen. Bảo Kim bước tới hỏi cô gái: "Đi đâu đó?"

Cô gái trả lời: "Đi vào trong núi".

Bảo Kim lại hỏi: "Đi vào trong núi làm gì?

Cô gái trả lời: "Không làm gì cả".

Đi được một đoạn thì cô gái đột nhiên biến mất.

Bảo Kim rất ngạc nhiên nên đã hỏi những người đang đi cùng, nhưng họ đều trả lời là không nhìn thấy bất kỳ cô gái nào. Có người suy đoán, núi Ngũ Đài là Đạo trường của Văn Thù bồ tát, điều ông nhìn thấy có thể là hóa thân của Ngài. Điều này cho thấy duyên phận của Bảo Kim rất lớn.

Hòa thượng Bảo Kim bèn ở núi dựng lên cái am Linh Thứu tại đây tu hành. Cùng với thanh danh của ông lan xa lan rộng, các tăng nhân tứ phương đến càng ngày càng nhiều, còn có nhiều tín đồ không ngại xa hàng nghìn dặm đến cúng bái.


Một ngày nọ trong thiền định, Bảo Kim nhìn thấy một ngọn núi tuyệt đẹp. Hình minh họa là một phần bức tranh "Hạ Sơn Đồ" của Khuất Định thời Bắc Tống. (Phạm vi công cộng)

Sau khi Nguyên Thuận Đế nghe thấy Thần tích của ông, đã cử sứ giả đến mời hòa thượng Bảo Kim đến giảng Pháp ở Yên Đô. Vào một đêm, trời đổ tuyết dày đặc, có người trong cung nhìn thấy một luồng sáng đỏ bay ra khỏi phòng Bảo Kim, bay tận đến mây xanh. Thuận Đế vô cùng kinh ngạc, bèn ban cho Bảo Kim Thiền sư một chiếc áo cà sa vàng, rồi sai sứ đưa ông trở về.

Vào năm thứ hai, miền bắc đại hạn hạn, Thuận Đế sai sứ giả đi mời ​​thiền sư đến cầu mưa. Sau khi cầu mưa, trời đổ mưa to, hạn hán được hóa giải. Thuận Đế ban cho Hòa thượng Bảo Kim danh hiệu "Tịch chiếu viên minh", và hạ chiếu ông làm chủ trì thiền tự Hải Ấn, nhưng ông đã từ chối. Đối với lụa và vàng do Hoàng đế ban tặng, ông mang đi cứu trợ vùng thiên tai. Lúc bấy giờ, từ tể tướng trở xuống, bao gồm các võ tướng đều tranh nhau quy y theo pháp môn của Hòa thượng Bảo Kim, và rất tự hào về điều đó.

Sau khi thành lập nhà Minh, vào năm 1370 Hoàng đế Minh Thái Tổ là người tín Phật, cũng triệu kiến thiền sư Bảo Kim đến kinh đô Nam Kinh, và bố trí ông ở chùa Đại Thiên Giới giảng dạy Phật Pháp cho Hoàng đế nghe, và chủ trì Phật sự.

Vào ngày 16/1 âm lịch năm 1372, Hoàng đế Minh Thái Tổ đến tự viện trong bộ thường phục để thực hiện nghi lễ cúng bái Phật. Đến gần nửa đêm, Hoàng đế sắc mệnh Bảo Kim làm pháp sự hộc thực Ma ca đà. Sau khi làm xong Hoàng thượng ban thưởng rất lớn.

Vào tháng 5 cùng năm, Thiền sư Bảo Kim có dự cảm mình không còn sống được lâu, vì thế ông bán y phục và chiếc bát, và dùng số tiền này làm Phật sự trong 7 ngày. Ngày 4/6, ông tắm rửa, thay quần áo và từ biệt chúng tăng. Lúc sắp lâm chung, đệ tử đã xin ông để lại bài kệ, Thiền sư Bảo Kim nói: “Tam tạng pháp bảo, thượng vi cố chỉ, ngô ngôn dục hà vi". Nghĩa là: "Pháp bảo Tam tạng còn là giấy cũ, ta còn nói làm gì nữa?”

Nói xong, Thiền sư ngồi ngay ngắn, an nhiên tọa hóa, hưởng dương 65 tuổi.

Khi thi thể của Thiền sư Bảo Kinh được hỏa táng trên núi Tụ Bảo, người dân toàn thành Nam Kinh đều đến đưa tiễn, nến hương, tiền giấy chất như núi. Có người vì để tham gia vào hàng ngũ đưa tang, ngủ ngoài trời chờ đợi. Sau khi hỏa táng có xá lợi ngũ sắc.

Thuần Chân
Theo The Epochtimes

Tài liệu tham khảo:

"Khách tọa chuế ngữ"
"Bổ tục Cao tăng truyện"
"Kế đăng lục"



BÀI CHỌN LỌC

Đời trước là tăng nhân, đời này chuyển thế tu hành tiếp hiển thần thông