Đuổi heo rừng lạc vào cõi Tiên, bất ngờ gặp cao nhân trong truyền thuyết

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào thời Nam Triều, một người nông dân đuổi theo con heo rừng và bất ngờ lạc đến thế giới đào nguyên trong truyền thuyết, may mắn gặp các vị cao nhân trong lịch sử. Sau vài phút hạnh ngộ rồi trở về, ông ngạc nhiên phát hiện thế gian đã 12 năm trôi qua.

Thời Nam Triều, vào năm Nguyên Gia thứ 26 dưới thời Tống Văn Đế (năm 449), ở huyện Ma Dương, vùng Thần Châu, có một thôn dân tên là Văn Quảng Thông. Một ngày, Văn Quảng Thông phát hiện ruộng lúa mà ông khổ cực chăm bón đã nhiều lần bị một con heo rừng cắn phá. Con heo tham ăn háu đói đã phá hỏng không biết bao nhiêu lúa non của gia đình ông. Văn Quảng Thông vô cùng tức giận, ông chuẩn bị sẵn cung tên, định bụng sẽ bắn hạ con heo này.

Ngày hôm sau heo rừng lại xuất hiện. Văn Quảng Thông giương cung lên và thực sự đã bắn trúng con heo lớn này. Con heo bị trúng tên nhưng vẫn cố chạy thục mạng. Văn Quảng Thông đuổi theo phía sau, thấy nó chạy vào một cánh cửa lớn thì không còn tăm hơi đâu nữa.

Văn Quảng Thông cũng theo đó chạy thẳng vào trong, phát hiện ở đây có sảnh đường và cung điện được xây dựng nguy nga tráng lệ.

Một lão nhân chống gậy bước đến, theo sau là một tiểu đồng mặc áo xanh. Lão nhân hỏi: “Ông là ai, vì sao lại đến đây?”

Văn Quảng Thông đáp: “Thưa cụ, có một con heo ăn lúa non ở ruộng nhà tôi và đã bị tôi bắn trúng, tôi mải đuổi theo con heo ấy nên mới lạc đến đây”.

Ông lão nói: “Giả sử có người để bò giẫm đạp ruộng đất nhà ông, thì ông có quyền trách cứ. Nhưng chỉ vì lý do ấy mà lại cướp lấy bò của người ta thì chẳng phải là quá đáng lắm sao?”

Văn Quảng Thông hiểu ra, vội vàng khấu đầu nhận lỗi với lão nhân.

Ông lão nói: “Biết sai mà sửa đổi thì còn gì tốt hơn. Con heo này đã tạo nghiệp trong tiền kiếp nên đời này mới bị báo ứng như vậy. Thôi ông đứng dậy đi, bất tất phải tạ tội nữa làm gì”. Nói xong, ông lão sai một đồng tử mời Văn Quảng Thông đi uống rượu.

Văn Quảng Thông theo đồng tử đến một căn phòng lớn, trong phòng có rất nhiều Tiên nhân. Các Tiên nhân khoác áo lông vũ, đầu đội khăn vuông màu đen, có vị đang chơi “sư bồ” (xúc xắc), có vị đang đánh cờ, cũng có vị đang uống rượu.

Lúc này, một tiểu đồng tiến lên rót rượu mời Văn Quảng Thông uống. Ông uống đến khi trong người chếch choáng men say, cảm thấy thân thể vô cùng thư thái thì cũng khước từ không uống nữa.

Sau đó, họ lại đi qua một căn phòng, Văn Quảng Thông thấy trong phòng có mười mấy vị nho sinh, đầu đội mũ Chương Phủ, mặc bộ áo mỏng, tay áo rộng đang cầm sách nghe giảng. Phía trên là một vị tiến sĩ ngồi trên chiếc giường nhỏ, mặt hướng về phía nam đang bình luận kinh sách của Lão Tử.

Văn Quảng Thông hiếu kỳ hỏi: “Vị tiến sĩ kia là ai vậy?”.

Tiểu đồng đáp: “Vị ấy là Hà Thượng Công, Thượng Đế phái ngài ấy đến giảng giải Kinh Dịch cho chư Tiên”.

Tranh minh họa (Ảnh: Khu vực công cộng)

Theo ghi chép trong “Thần Tiên Truyện”, vào thời Hán Văn Đế có một ông lão dựng túp lều cỏ bên bờ sông để ở, vì thế người thời đó gọi ông là Hà Thượng Công, nghĩa là ông lão trên bờ sông. Lại nói, đương thời Hán Văn Đế rất thích đọc “Đạo Đức Kinh”, thậm chí còn ra lệnh cho các vương công đại thần đều phải tụng đọc. Nhưng trong kinh thư có một số nội dung mập mờ khó hiểu, vậy nên các đại thần lúc ấy không ai giải thích được rõ ràng.

Hán Văn Đế nghe nói Hà Thượng Công tinh thông “Đạo Đức Kinh”, liền sai sứ giả đến nhờ ông giải thích cho quân vương những nghi vấn trong lòng. Hà Thượng Công nói với sứ giả rằng: “Đạo tôn quý, không thể chỉ có sai người đến hỏi là đủ”.

Hán Văn Đế đành phải đích thân xa giá đến. Xe rồng đến trước mái nhà tranh nhưng Hà Thượng Công vẫn không ra tiếp giá. Hán Văn Đế lại sai người đi nói với Hà Thượng Công rằng: “Khắp thiên hạ này đều là đất đai do trẫm cai quản, dân trên đất này đều là con dân của trẫm. Ông tuy có đạo thuật, nhưng vẫn là thần dân của trẫm. Hoàng đế đích thân đến là coi trọng ông rồi, thế mà sao ông vẫn không biết phải trái, cứ ngạo mạn không chịu ra?”

Hà Thượng Công liền thị hiện thần thông, nhẹ nhàng tung người bay lên trời, cúi đầu nhìn xuống Hán Văn Đế: “Ta trên không đụng trời, dưới không chạm đất, ở giữa lại không liên quan đến việc thế gian, sao có thể tính là thần dân của ông được?”

Hán Văn Đế vô cùng kinh sợ, vội vàng xuống xe quỳ bái hành lễ. Hà Thượng Công liền truyền thụ cho nhà vua hai quyển kinh thư. Hai quyển kinh thư này được Hà Thượng Công viết từ hơn 1700 năm trước, trước nay chỉ truyền cho ba người, đến Hán Văn Đế là người thứ tư. Ông căn dặn Hán Văn Đế hãy trở về nghiên cứu cẩn thận, như thế mới có thể giải được những nghi vấn trong “Đạo Đức Kinh”.

Hán Văn Đế cúi đầu cảm tạ, khi ngẩng lên thì không thấy Hà Thượng Công đâu nữa, chỉ còn lại một làn sương khói mông lung.

Chuyện cũ đã qua lâu, nào ngờ hàng trăm năm sau, đến thời Nam Triều, một người nông dân là Văn Quảng Thông lại có may mắn được gặp Hà Thượng Công trong truyền thuyết.

Văn Quảng Thông hỏi tiểu đồng: “Vậy còn cậu là ai?”

Tiểu đồng đáp: “Tôi là Vương Phụ Tự (tức Vương Bật), người Sơn Dương thời Hán triều, đến đây để thỉnh giáo Hà Thượng Công một số nghi vấn trong kinh sách của Lão Tử. Tôi đã làm nô bộc quét tước ở đây được 120 năm mới lên được chức giữ cửa này. Đến bây giờ tôi vẫn còn chưa lĩnh hội được yếu lĩnh trong quyển ‘Đạo Đức Kinh’, nên chỉ có thể ở đây giữ cửa thôi. Còn những nho sinh trong căn phòng kia đều là các bậc thánh hiền, năm xưa vì vua Kiệt thời Hạ quá tàn bạo mà họ đã đến nơi này, nhờ học Đạo mà đã đắc Đạo thành Tiên.”

Trong lúc trò chuyện, hai người đã quay trở lại chỗ lão nhân. Lão nhân quở trách tiểu đồng trông giữ cửa: “Ngươi sao lại lơ đãng mở cửa, để cho heo chạy ra chạy vào mà cũng không biết?”

Dứt lời, ông lão lại nói với Văn Quảng Thông: “Thôi được rồi, giờ thì ông cũng nên về đi”. Nói rồi, liền bảo tiểu đồng tiễn Văn Quảng Thông ra về.

Văn Quảng Thông vừa ra khỏi, đồng tử liền nhẹ nhàng đẩy một tảng đá lớn để chặn cửa. Văn Quảng Thông nhìn xuống chân cửa, phát hiện cung tên lúc trước dùng để bắn heo nay đã bị mục gãy cả rồi.

Văn Quảng Thông ở đó uống rượu và chuyện trò chỉ mới được vài phút, không ngờ rằng thế gian đã qua 12 năm. Gia tộc họ Văn tưởng rằng ông đã bị con heo rừng cắn chết nên đã làm ma chay từ 12 năm trước rồi. Nay mọi người thấy ông quay trở lại, tất cả đều bất ngờ sửng sốt, điều này cũng làm chấn động cả thôn dân.

Văn Quảng Thông liền kể lại cuộc kỳ ngộ vừa qua và dẫn dân làng đi tìm cánh cửa ấy, nhưng dẫu làm cách nào họ cũng không tìm ra được. Thế giới đào nguyên không phải là nơi kẻ phàm phu tục tử có thể tùy tiện tiến vào, mà chỉ những người hữu duyên mới có được may mắn đến một lần mà thôi.

(Tài liệu: “Quảng Dị Ký” quyển 1, “Thái Bình Quảng Ký” quyển 10).

Theo Tống Bảo Lam - Epoch Times
Minh Tâm biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Đuổi heo rừng lạc vào cõi Tiên, bất ngờ gặp cao nhân trong truyền thuyết