Đường Thái Tông thỉnh cao tăng cầu mưa, nước vo gạo hiển Thần tích

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cao tăng thời nhà Đường, Chí Siêu hòa thượng tại thế 71 năm, cuối cùng thành Phật ở Bão Phúc Tự, núi Miên Sơn, tỉnh Sơn Tây. Theo ghi chép của các tư liệu lịch sử, ông là người Hán đầu tiên tu thành quả vị Phật. 

Bức tượng lưu giữ chân thân của ông hiện nay vẫn còn được bảo quản rất tốt, giống như lúc mới đặt vào chùa. Trong suốt cuộc đời của mình, Chí Siêu hòa thượng đã lưu lại rất nhiều Thần tích, trong đó câu chuyện nổi tiếng nhất chính là câu chuyện giúp Đường Thái Tông cầu mưa giải hạn.

Dốc lòng tu hành

Chí Siêu hòa thượng sinh ra trong thời kỳ Nam Bắc triều. Từ khi còn rất nhỏ, ông đã có mong muốn được xuất gia, quy y cửa Phật nhưng người nhà của ông lại không đồng ý, còn cưỡng ép lựa chọn hôn sự, buộc ông phải bái đường thành thân. Trong đêm tân hôn, Chí Siêu nghiêm túc nói với tân nương của mình rằng, ông một lòng quyết tâm hướng Phật. Quyết tâm của Chí Siêu đã khiến tân nương cảm động đến rơi lệ, nàng liền đồng ý những ngày sau chỉ làm vợ chồng với ông trên danh nghĩa. Kể từ đó những lúc nghỉ ngơi vào buổi tối, Chí Siêu thường ngồi thiền đả tọa qua đêm.

Năm 27 tuổi, lúc này Chí Siêu đã có thể xuất gia. Ông đến tu hành ở chỗ của Huệ Toản thiền sư tại chùa Khai Hóa, Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây. Lúc đầu Huệ Toản thiền sư không đồng ý nhận Chí Siêu làm đệ tử, chỉ để ông làm việc lao động chân tay để khảo nghiệm tâm tính của ông. Chí Siêu cần cù làm việc, mỗi ngày đều dậy từ sáng sớm, lúc về đã tối muộn, không ngại khó khăn mệt nhọc. Một thời gian sau, Huệ Toản thiền sư mới nhận Chí Siêu làm đệ tử. Sau này, Chí Siêu hòa thường trở về quê hương, tìm một ngọn núi, tiếp tục tinh tấn tu hành.

Lúc này đang là thời kỳ tại vị của Tùy Dạng Đế. Tùy Dạng Đế hạ lệnh đóng cửa chùa chiền, không cho tăng nhân ra ngoài khất thực. Chí Siêu hòa thượng nghe được tin này lập tức xuống núi, đến các nơi để hộ Pháp. Ông đến gặp các quan viên chấp pháp để trình bày ý kiến, hy vọng Tùy Dạng Đế có thể thu hồi mệnh lệnh đã ban ra. Trên đường vân du, Chí Siêu hòa thượng thu nhận rất nhiều tín đồ cùng theo tu tập Phật Pháp. Một đêm nọ, khi Chí Siêu hòa thượng đang cùng mọi người đả tọa thì có mấy tên đạo tặc phá cửa xông vào. Thế nhưng Chí Siêu hòa thượng cùng những người khác đều ngồi yên bất động, không có ai động niệm vì chuyện này. Đạo tặc đã bị sự kiên định của họ làm cảm hóa, thế là mấy tên đạo tặc phủ phục xuống đất, cúi đầu nhận tội, xin được tham gia vào hàng ngũ tu luyện.

Sau đó, Đường Cao Tổ Lý Uyên khởi binh ở Thái Nguyên. Chí Siêu hòa thượng biết rằng đây là Thiên ý. Vì để kết duyên, ông dẫn theo các tăng nhân đến vùng Tấn Dương để hồng Pháp, thu nhận mấy trăm tín đồ. Tất cả mọi người đều giữ nghiêm giới luật, khắc khổ thực tu. Họ đã thể hiện ra uy đức của Phật Pháp, để người dân địa phương học tập noi theo. Chỉ trong một thời gian ngắn, cả thành Tấn Dương có thể nói là trên đường không ai nhặt của rơi, ban đêm không cần cài then cửa.

Đường Cao Tổ Lý Uyên sau khi lấy được thiên hạ, đã cho trọng đãi Trí Siêu hòa thượng, mời ông đến sống trong điện Thái Cực. Thế nhưng Trí Siêu hòa thượng không có ham muốn một cuộc sống an nhàn, vì thế ông liền từ biệt Hoàng thượng, dẫn theo các đệ tử đến gần núi Miên Sơn, tỉnh Sơn Tây để tu luyện. Lúc đó tăng đoàn có gần trăm người, số lương thực mà họ có chỉ khoảng 6 thạch (1 thạch khoảng 120kg) lúa mạch. Thế nhưng mọi người phát hiện rằng, lương thực dường như có thể tự tăng lên, cứ hết lại đầy, mỗi ngày đều có lúa mạch để dùng. Mạch nước khoáng trong núi có thể tùy theo số người nhiều ít mà thay đổi theo. Mọi người nhìn thấy Thần tích đều rất cảm động, tín đồ cũng ngày càng một nhiều hơn.

Cầu mưa ở Miên Sơn, "Không Vương Cổ Phật" hiển hiện

Sau này, Hoàng đế Đường Thái Tông lên ngôi, có một năm gặp phải hạn hán kéo dài. Đường Thái Tông nghe nói chỉ có vùng Miên Sơn có mưa thuận gió hòa. Người dân địa phương đều nói rằng bởi vì Chí Siêu hòa thượng tu hành ở đây, uy đức chiếu sáng khắp nơi mới có thể khiến nơi này tránh được thiên tai. Thế là Thái Tông tự mình đến núi Miên Sơn bái kiến Chí Siêu hòa thượng, thỉnh ông cầu mưa giải hạn.

Tranh vẽ Đường Thái Tông Lý Thế Dân (Ảnh thuộc miền công cộng)

Chí Siêu hòa thượng lệnh cho một đệ tử đang vo gạo nấu cơm té nước về phía Tây Nam. Không lâu sau, thành Trường An lập tức có mưa lớn, chấm dứt cơn đại hạn. Khi đó Chí Siêu hòa thượng được mọi người tôn xưng là "Phật sống Miên Sơn".

Em gái của Đường Thái Tông là Trường Chiêu công chúa tận mắt nhìn thấy Thần tích kỳ diệu của Phật Pháp, cũng muốn xuất gia tu luyện. Công chúa tu luyện vô cùng tinh tấn, không ỷ vào thân phận công chúa Đại Đường. Bình thường ngoài những lúc đả tọa, công chúa còn thường xuyên lên núi hái thuốc, giúp dân trị bệnh .

Đến năm thứ hai, Đường Thái Tông dẫn theo quần thần đến núi Miên Sơn bái kiến Chí Siêu hòa thượng. Lúc này đệ tử của Chí Siêu hòa thương là Ngân Không tiếp giá tại Bão Phúc Nham, nói rằng sư phụ đã viên tịch vào ngày 11 tháng 3 năm Trinh Quán thứ 15 (năm 641). Đường Thái Tông không thể đạt được ý nguyện, chỉ đành ngửa mặt lên trời than rằng: Chuyến đi này không gặp được Phật rồi.

Lúc này, Thái Tông lập tức đề một bài thơ:

Hồi loan du phúc địa, cực mục ngoạn phương thần.
Bảo sát diêu thừa lộ, thiên hoa cận túc xuân.
Phạm chung giao nhị hưởng, Pháp nhật chuyển song luân.
Tịch nhĩ chân Tiên cảnh, siêu nhiên li tục trần.

Tạm dịch:

Xe loan đất phúc chơi,
Ngắm trông cảnh xuân tươi.
Chùa tháp lay sương sớm,
Hoa trời nở khắp nơi.

Chuông chùa hai hồi gióng,
Nhật nguyệt chuyển đôi vầng.
U nhã nơi Tiên cảnh,
Siêu nhiên thoát tục trần.

Ngay lúc này trên không trung xuất hiện bốn chữ vàng kim "Không Vương Cổ Phật" và pháp thân của Chí Siêu hòa thượng. Nhờ vậy Thái Tông và mọi người mới biết rằng Chí Siêu hòa thượng chính là do Không Vương Cổ Phật chuyển thế. Thái Tông liền cho người xây nên Bão Phúc Phật Tự. Những câu chuyện thần kỳ về Chí Siêu hòa thượng vẫn còn được lưu truyền đến ngày nay.

Chú thích:

Không Vương Phật: từ ngữ trong Phật giáo, là một trong các vị Phật của quá khứ.

Tham khảo trong cuốn "Lịch đại cao tăng truyện"

Theo Ngưỡng Nhạc - Epochtimes

Đức Nhân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Đường Thái Tông thỉnh cao tăng cầu mưa, nước vo gạo hiển Thần tích