Hiền hậu truyện (Kỳ 11): Vị hoàng hậu nuôi tằm và trồng trọt trong cung

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong thời đại hoàng kim của vương triều nhà Tống, có một vị hoàng hậu yêu thích trồng trọt, hái dâu và nuôi tằm trong cung. Bà chính là Từ Thánh Quang Hiến Tào hoàng hậu.

Xem lại:
Hiền hậu truyện (Kỳ 1): Khang Hy hoàng đế tự mình tuyển chọn nàng dâu
Hiền hậu truyện (Kỳ 10): 4 tuổi nhập cung, hoàng thượng sủng ái, trải qua ba triều

Tào hậu là vị hoàng hậu thứ hai của Tống Nhân Tông Triệu Trinh, ông nội của bà là Tào Bân, bậc khai quốc công thần của nhà Tống. Nhờ nề nếp gia phong và được gia đình giáo dục, từ nhỏ bà đã thông thuộc kinh sử, thành thạo thư pháp, giỏi về thể chữ Phi Bạch Thư. Vì xuất thân từ tướng phủ nên bà có phong thái cao sang quý phái, tính cách dũng cảm quả quyết nhưng cũng không kém phần dịu dàng hiền thục. Năm 18 tuổi bà phụng chiếu nhập cung, đến tháng 9 năm sau bà được sách phong làm hoàng hậu của Tống Nhân Tông.

Lâm nguy chẳng sợ, giữa đêm bình loạn trong cung

Đêm ngày 18 tháng Giêng năm 1048, Tống Nhân Tông đang nằm nghỉ ở tẩm cung của Tào hoàng hậu thì nghe thấy có tiếng động lạ. Tào Hoàng hậu biết có chuyện chẳng lành, bà bèn dậy xem xét tình hình, đoán biết rằng trong cung có quân tạo phản. Nhân Tông trong lúc hoang mang bối rối định bụng ra ngoài kiểm tra, nhưng được Hoàng hậu kịp thời ngăn lại, bà khuyên Hoàng đế không nên manh động, tránh rơi vào bẫy của thích khách. Giữa lúc nước sôi lửa bỏng, bà vẫn bình tĩnh ra lệnh đóng chặt cửa phòng, sai thị vệ bảo hộ Nhân Tông, sau đó lệnh cho Đô tri Vương Thủ Trung dẫn quân đi bình loạn.

Phản binh chém giết bừa bãi trước điện, tiếng la hét của các phi tần và thị nữ vang khắp tẩm cung. Có thái giám bẩm báo rằng, tiếng kêu thét bên ngoài là do nhũ mẫu đang dạy dỗ một cung nữ ít tuổi. Tào Hoàng hậu liền khiển trách: “Sao các ngươi dám ngang nhiên nói càn? Ta biết quân phản loạn đang ở ngoài kia chém giết!”.

Tào Hoàng hậu lệnh cho các thị vệ giám sát nội cung, bà nhanh trí cắt mỗi người một ít tóc và nói: “Ta lấy tóc này làm chứng, ngày mai sẽ luận công ban thưởng!”. Bởi vậy, ai nấy đều hăng hái lập công, loạn binh rất mau chóng bị quân thị vệ đẩy lùi. Tào Hoàng hậu dự đoán rằng, phản quân bị dồn vào thế bí, tất sẽ ra tay phóng hỏa sát nhân, bà bèn ra lệnh cho người xách nước lặng lẽ theo sau.

Quả đúng như dự liệu, phản quân bắt đầu phóng hỏa, thế lửa lan rộng như muốn thiêu rụi cả tẩm cung. Các thái giám ngay lập tức dùng nước dập lửa, nhờ đó mới ngăn được thảm họa. Sau đó Đô tri Vương Thủ Trung đem vệ binh đến, phản quân rất nhanh chóng được tiêu trừ.

Sau cuộc binh biến, tất cả văn võ bá quan trong triều đều tỏ lòng thán phục Tào Hoàng hậu, ai nấy đều ca ngợi Hoàng hậu đối mặt với loạn quân mà vẫn bình tĩnh, không sợ hãi, chỉ huy có phương pháp, có chiến thuật. Điều đáng nói là, Tào Hoàng hậu khi đó mới chỉ 32 tuổi.

Đêm ấy, Trương mỹ nhân khi đến cứu giá đã lấy thân mình bảo vệ Hoàng đế khiến Nhân Tông vô cùng cảm động. Sáng hôm sau thiết triều, Nhân Tông không nhắc đến công lao của Hoàng hậu, mà lại ra lệnh ban thưởng cho sủng cơ Trương mỹ nhân, nói rằng mỹ nhân đã lập được công lớn. Thậm chí, ông còn bất chấp lời khuyên gián của các đại thần, kiên quyết thăng Trương mỹ nhân lên làm quý phi. Các triều thần nơi hậu cung đều than thở điều bất công, nhưng Tào Hoàng hậu với tấm lòng độ lượng chỉ mỉm cười bỏ qua, hoàn toàn không để tâm. Vì lẽ ấy, Hoàng hậu càng nhận được sự tôn kính và nể trọng của mọi người.


Tranh vẽ Tống Nhân Tông Tào hoàng hậu, xuất từ “Tống đại hậu bán tượng sách”, Bảo tàng Cố cung điện Nam Huân Bắc Kinh (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Nơi nơi nhẫn nhường

Là chủ quản hậu cung, Tào Hoàng hậu luôn cư xử nhân từ, độ lượng, không hề cạnh tranh với các phi tần khác. Trương Quý phi chiếm trọn trái tim của Tống Nhân Tông, vì đắc sủng nên sinh kiêu, thường hay tỏ ra cao ngạo trước mặt bà. Nhưng Hoàng hậu vốn khiêm nhường nên cũng không vì thế mà so bì, ngược lại bà luôn nhẫn nhịn và tỏ ra rộng lượng.

Việc Trương Quý phi được thịnh sủng đã đến tai triều thần, nhiều người dâng tấu can gián nhưng Nhân Tông vẫn bao che, thiên vị, khiến Trương Quý phi không nể nang mà ngày càng xem thường Hoàng hậu hơn. Thấy Tào Hoàng hậu luôn nhẫn nhịn, Trương Quý phi lại càng lấn tới. Một ngày, Quý phi tiếm lễ lạm quyền, khăng khăng đòi Hoàng đế cho phép dùng nghi trượng của Hoàng hậu để ra ngoài cung du ngoạn, Tào Hoàng hậu không hề oán thán mà chỉ vui vẻ đáp ứng.

Một ngày, Hoàng hậu phát hiện cung nữ bên cạnh mình tư thông với một lính vệ, bà chiểu theo pháp luật phán cung nữ tội tử hình. Cung nữ chạy đến cầu cứu Trương Quý phi, Trương Quý phi lại thưa với Nhân Tông, xin Nhân Tông miễn cho nô tỳ khỏi tội chết. Nhưng Tào Hoàng hậu không đồng ý, bà mặc phục sức trang trọng đến yết kiến Hoàng đế, thỉnh cầu được xử trị cung nữ nghiêm minh theo pháp luật. Bà nói: “Nếu không thể tuân theo luật pháp, vậy thì không có cách nào chỉnh đốn hậu cung”.

Nhân Tông ban cho bà ngồi xuống, nhưng Tào Hoàng hậu vẫn kiên trì đứng đó thỉnh cầu, mãi cho đến khi Nhân Tông hạ lệnh chiểu theo quy củ mà xử phạt thì Hoàng hậu mới yên lòng. Sự công chính nghiêm minh của bà được bá quan văn võ khắp triều tôn kính, hậu cung nhờ có bà lo toan nên vô cùng trật tự, ngăn nắp.

Sau này, Trương Quý phi mắc bạo bệnh rồi qua đời, Tống Nhân Tông lại bất chấp sự phản đối của quần thần, kiên quyết lấy nghi lễ Hoàng hậu an táng cho quý phi, đồng thời truy phong Trương Quý phi làm hoàng hậu. Khi ấy Tào Hoàng hậu vẫn nhẫn nhịn, nuốt nhục vào lòng.

Trồng trọt, hái dâu và nuôi tằm trong cung

Tào Hoàng hậu tính tình dịu dàng, ôn nhu hòa thuận, gương mặt hiền hậu, lối sống vô cùng cần kiệm và giản dị. Hoạt động yêu thích nhất của bà là được đích thân dẫn dắt các cung nữ và phi tần trồng trọt, hái dâu và nuôi tằm trong cung.

Một lần vào đêm ngày 15 tháng Giêng nhuận, Hoàng đế Nhân Tông tổ chức treo đèn kết hoa. Đến tết Nguyên tiêu năm sau, Tào Hoàng hậu thỉnh cầu Nhân Tông rằng nếu lại tiếp tục kết hoa treo đèn sẽ phô trương lãng phí, người đời tất sẽ đàm tiếu. Tào Hoàng hậu ba lần nói đạo lý, khuyên Nhân Tông hủy bỏ kế hoạch này. Nhờ có sự dẫn dắt của bà, hậu cung càng coi trọng việc tiết kiệm, tránh phung phí xa hoa.


Hình minh họa “Hậu uyển quan mạch” (ngắm lúa ở vườn sau) trong “Đế giám đồ thuyết”, miêu tả cảnh Hoàng đế Nhân Tông đến hậu uyển xem cắt lúa. (Ảnh: Khu vực công cộng)

Buông rèm chấp chính

Năm 1063, Tống Nhân Tông băng hà, dân chúng khóc thương thống thiết, trong cung cũng vì thế mà xảy ra hỗn loạn. Tào Hoàng hậu cố nén nước mắt vào lòng, bà hạ lệnh các cung nhân phong tỏa tin tức, giữ cho mọi thứ vẫn diễn ra như khi Nhân Tông còn sống. Mãi đến rạng sáng ngày tiếp theo, sau khi tể tướng đương triều phụng mệnh vào cung, và cùng với Tào Hoàng hậu sắp xếp chu đáo mọi thứ, bà mới cho công bố tin tức Hoàng đế băng hà, đồng thời lập Anh Tông lên kế vị. Lúc này, Tào Hoàng hậu cũng được tôn làm Hoàng thái hậu.

Vì Anh Tông sức khỏe suy nhược, thần trí không tỉnh táo, các đại thần bèn thỉnh cầu Thái hậu buông rèm chấp chính, tạm thời thay Hoàng đế chủ trì đại cục. Mỗi khi thiết triều, Tào Thái hậu đều tuân thủ quy định của tiên đế, không bao giờ độc đoán chuyên quyền, phàm là việc đại sự bà đều cho gọi các đại thần cùng ra quyết sách. Trong năm bà buông rèm nghe thiết triều, nhà Tống có được nền chính trị vững mạnh, thiên hạ thái bình.

Đợi đến khi Anh Tông hồi phục, Tào thái hậu lại bàn giao triều chính, sau đó ẩn cư trong chốn thâm cung, cũng không hề can thiệp về việc triều chính nữa. Sau này khi con trai trưởng của Anh Tông lên kế vị, tức Tống Thần Tông, ông đã tôn Tào hậu làm Thái hoàng Thái hậu.

Quý trọng nhân tài, xin tha cho Tô Thức

Tô Thức vì “Ô Đài thi án” mà bị giam vào ngục, Tào thái hậu biết Tô Thức là người có tài nên đã xin tha cho ông. Bà nói với Thần Tông: “Ta nhớ khi ở Thi đình, Hoàng đế Nhân Tông đã chọn trong các huynh đệ của Tô Thức, lúc ấy ngài cao hứng nói: ‘Ta vì con cháu mà tìm hai vị tể tướng này!’”. Bà thỉnh cầu thẩm tra kỹ lưỡng lại vụ án, tránh cho Tô Thức khỏi bị kẻ xấu vu hãm. Bà nói: “Trong các câu thơ sưu tầm quả có chỗ sai, nhưng cho dù có sai thì cũng chỉ là lỗi nhỏ. Nay ta đã già yếu, không thể vì người tốt chịu oan uổng mà làm ảnh hưởng đến cảnh thái bình thời nay. Án của Tô Thức, Hoàng đế nên điều tra kỹ càng mới phải!”. Nhờ vậy mà sau này Tô Thức được miễn tội.

Tào Thái hậu cho rằng không nên tùy tiện thay đổi pháp luật của tổ tông, vì vậy bà tận lực phản đối tân pháp của Vương An Thạch. Nhưng khi Vương An Thạch trở thành mục tiêu công kích, Tào Thái hậu lại căn dặn Hoàng đế nên trân trọng nhân tài, tạm thời để họ Vương rời kinh nhậm chức bên ngoài, tránh xa cừu địch.

Từ khi nhập cung, chưa từng gặp riêng họ ngoại

Tào hậu xuất thân trong gia đình danh tiếng hiển hách, vì để tránh họ ngoại can thiệp vào triều chính, bà luôn nghiêm khắc kỷ luật bản thân, mọi việc đều cẩn thận từng chút một.

Vào ngày sách phong hoàng hậu, chú của bà là Tào Công dâng tấu xin hoàng đế miễn phong thưởng. Ông nói: “Thần đã trở thành họ hàng thân thích của hoàng hậu, vậy không nên tiếp tục nhận ân điển của thánh thượng nữa”. Một người thân thích khác của hoàng hậu là Tào Nghi cũng xin được bãi miễn khỏi chức vụ trong quân đội. Tào hậu nhiều chục năm nắm giữ Phượng ấn, nhưng gia tộc họ Tào không có ai được nắm giữ chức vụ trọng yếu trong triều, chỉ duy có một người em trai của bà là làm quan bên ngoài kinh thành.

Từ khi nhập cung, Tào hậu cũng chưa từng gặp riêng họ ngoại. Ngay cả khi có việc cần thiết phải gặp, bà vẫn kiên quyết có bên thứ ba góp mặt, không để người khác có cớ gièm pha, nghi kỵ.

Vào những năm cuối đời, Tống Thần Tông nghĩ rằng, Thái hậu tuổi tác đã cao, nhung nhớ thân nhân là chuyện thường tình, vậy nên ông đề nghị mời em trai của Thái hậu là Tào Dật vào cung, để chị em có cơ hội gặp mặt. Nhưng Tào thái hậu kiên quyết từ chối, vẫn tuân thủ quy định của tổ tông là không cho phép nam tử họ ngoại được tùy tiện vào cung.

Sau này, Tào Dật đến ngoài cửa hoàng cung cầu kiến, Hoàng đế Thần Tông đích thân ra tiếp kiến và đi cùng ông đến gặp Thái hậu. Như thế, sau bao năm xa cách, khi tuổi đã xế chiều, trên đầu hai thứ tóc… hai chị em mới được gặp lại nhau. Thần Tông đứng dậy rời đi, có ý để chị em được tự do bày tỏ tình thân quyến. Nhưng ông vừa bước ra khỏi cửa, Tào hậu đã khuyên Tào Dật nhanh chóng rời hậu cung, bà nói: “Hoàng thượng đi rồi, đây không phải là nơi em có thể lưu lại lâu”.


“Tống Nhân Tông hậu tọa tượng” (tranh vẽ hoàng hậu của Tống Nhân Tông), Bảo tàng Cố cung Đài Bắc (Ảnh: Khu vực công cộng)

Lời kết

Tào Thái hậu từ bi hòa ái, mặc dù Anh Tông và Thần Tông đều không phải con cháu do bà thân sinh, nhưng bà luôn yêu thương như con ruột. Tống Thần Tông cũng vô cùng hiếu thuận, ông đặt tên cho cung điện nơi bà sinh sống là Khánh Thọ cung. Mỗi lần ra ngoài du ngoạn, Thần Tông đều tận tay dìu tổ mẫu. Những lúc ông bãi triều muộn, Tào Thái hậu lại đích thân đến sau bức bình phong đợi ông, chuẩn bị sẵn những món ăn mà Thần Tông yêu thích và ngồi đợi ông bãi triều trở về.

Những năm Tào Thái hậu bệnh nặng, Tống Thần Tông thường ân cần đến tẩm cung của bà để thăm hỏi bệnh tình, vì lo lắng cho bà mà ngày đêm không nghỉ. Tào Thái hậu dành rất nhiều tình cảm cho con cháu trong vương thất, quan hệ đôi bên rất hòa hợp, hơn cả tình thân sinh. Sự ra đi của bà đã để lại nhiều nuối tiếc và thương tâm cho Hoàng đế cũng như các đại thần trong triều.

Những năm Tào hậu trong hoàng cung, 45 năm như một ngày, bà luôn tuân thủ đạo đức truyền thống và mẫu nghi thanh quy. Cho dù là làm Hoàng hậu, Hoàng thái hậu, Thái hoàng Thái hậu, bà đều giữ vững hiền đức của bậc mẫu nghi thiên hạ, nỗ lực chuyên tâm vì giang sơn hậu đại. Sau khi Tào hậu băng hà, bà được hợp táng với Hoàng đế Nhân Tông lại lăng Vĩnh Chiêu, truy tôn thụy hiệu là “Từ Thánh Quang Hiến hoàng hậu”. Tào thái hậu xứng đáng là bậc hoàng hậu hiền minh ngàn năm khó gặp của vương triều nhà Tống.

Minh Hạnh
Theo Tần Thuận Thiên - Epochtimes

Tài liệu tham khảo: “Tống Sử - Từ Thánh Quang Hiến Tào hoàng hậu liệt truyện”

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Hiền hậu truyện (Kỳ 11): Vị hoàng hậu nuôi tằm và trồng trọt trong cung