Hóa ra sư phụ của Thư Thánh Vương Hi Chi là một phụ nữ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nói đến thư pháp, nhà nhà đều biết Vương Hi Chi, người được tôn vinh là Thư Thánh, nhưng các bạn biết không, thầy dạy thư pháp cho Vương Hi Chi là một vị nữ nhân.

Ở bài viết trước, chúng ta đã được biết đến đức hạnh của Hoàng hậu Hiếu Hiền, bà là người được Hoàng đế Càn Long suốt đời kính ái bởi sự hiền đức của bà. Thời cổ đại, ngoài những phụ nữ hiền đức, còn có những phụ nữ tài năng không?

Tất nhiên là có, hôm nay chúng ta cùng nhau đọc về một vị nữ nhân. Nói đến thư pháp, nhà nhà đều biết Vương Hi Chi, người được tôn vinh là Thư Thánh, nhưng các bạn biết không, thầy dạy thư pháp cho Vương Hi Chi là một vị nữ nhân. Bà là ai, chúng ta cùng xem câu chuyện.

Vệ Phu nhân - Sư phụ đầu tiên của Vương Hi Chi

Bà tên gọi là Vệ Phu nhân, bà là thư pháp gia nổi tiếng thời Đông Tấn, trong “Thư đoạn” giới thiệu bà tên là Thước, tự Mậu Y. Tại sao hậu thế thường gọi bà là Vệ Phu nhân?

Bởi chồng bà là một vị Thái thú, là quan lớn, nên người ta gọi như vậy, cũng giống như cách gọi Vương Phu nhân trong truyện “Hồng lâu mộng” vậy, cổ nhân thường kỵ húy, tránh gọi tên thật, cho nên gọi Phu nhân là cách thể hiện sự tôn trọng.

Cổ thư có ghi lại, Vương Hi Chi bảy tuổi bái Vệ Phu nhân làm thầy, học thư pháp, học tới năm mười hai tuổi đã có chút thành tựu. Trong bài “Đan thanh dẫn tặng Tào tướng quân bá”, Nhà thơ Đỗ Phủ thời Đường có đề cập:

“Học thư sơ học Vệ Phu nhân, đãn hận vô quá Vương Hữu Quân”

Tạm dịch: Ban đầu cũng học thư pháp từ Vệ Phu nhân, nhưng tiếc nỗi không vượt hơn được Vương Hi Chi.

Vương Hữu Quân chỉ Vương Hi Chi, Hữu Quân là một chức quan, Vương Hi Chi từng làm quan tới chức Hữu Quân Tướng Quân, nên người ta gọi ông là Vương Hữu Quân.

Vệ Phu nhân có một bức thư “Cận phụng thiếp”, trong đó bà viết cho người khác để tiến cử Vương Hi Chi, nguyên văn:

“Vệ hữu nhất đệ tử Vương Dật Thiếu, thậm năng học Vệ chân thư”

Tạm dịch: Vệ Phu nhân tôi có một đệ tử là Vương Dật Thiếu, rất có năng lực học thư pháp thể Khải của tôi.

Vương Dật Thiếu là Vương Hi Chi, tên tự Dật Thiếu. Chân thư là chỉ Khải thư. Khải thư còn được gọi là Chân thư, Chính thư, Chính Khải.

Bức thư pháp "Cận phụng thiếp" của Vệ Phu nhân. (Baidu)

Từ bức thư “Cận phụng thiếp”, chúng ta thấy Vương Hi Chi học Khải thư từ Vệ Phu nhân. Chúng ta có thể đã biết Hành thư của Vương Hi Chi qua kiệt tác “Lan Đình tập tự”, nhưng còn bút pháp Khải thư của ông thì thế nào?

Trong “Tấn thư” viết: ‘Vương Hi Chi, tự Dật Thiếu. Rất giỏi Lệ thư, đứng đầu xưa nay.’

Lệ thư ở đây chính là Khải thư được diễn hóa từ Lệ thư từ thời Ngụy Tấn về sau này.

Khải thư của Vương Hi Chi thể hiện tiêu biểu trong tác phẩm “Nhạc Nghị luận”, nội dung chủ yếu là viết về danh tướng Nhạc Nghị chinh thảo các nơi thời chiến quốc. Đại thư pháp gia thời Đường-Chư Toại Lương, trong tác phẩm “Tấn Hữu Quân Vương Hi Chi thư mục” đặt tác phẩm “Nhạc Nghị luận” của Vương Hi Chi lên hàng đầu, Chư Toại Lương viết:

“Nhạc Nghị luận bút thế tinh diệu, bị tận Khải tắc”.

Tạm dịch: Thế bút trong Nhạc Nghị luận thật tinh vi huyền diệu, là cực kỳ chuẩn tắc của thể Khải thư.

Đây là nói đến bút pháp vi điệu của văn chương, xứng đáng làm mẫu cho hậu thế.

Một tác phẩm Khải thư khác cũng mang tính đại biểu là “Hoàng Đình kinh”, cũng gọi là “Hoán nga thiếp” (thư đổi ngỗng). Tại sao lại gọi là “Hoán nga thiếp”?

Tương truyền Vương Hi Chi rất thích ngỗng, ông thường đứng rất lâu quan sát động tác thong dong rẽ nước của ngỗng trong hồ, liên tưởng với kỹ xảo uyển chuyển của cổ tay khi viết chữ. Có một Đạo sĩ rất ái mộ thư pháp Vương Hi Chi, ông nuôi một đàn ngỗng trắng tặng cho Vương Hi Chi, và nhờ Vương Hi Chi sao chép cho một bộ “Hoàng Đình kinh”.

Cho nên Vương Hi Chi không những giỏi Hành thư, mà Khải thư cũng vô cùng xuất sắc. Thế còn sư phụ của ông - Vệ Phu Nhân thì chữ viết thế nào?

Khải thư của Vệ Phu Nhân viết đẹp vô cùng, được hậu thế gọi là ‘Trâm hoa tiểu Khải’. Ý tứ là mỗi chữ giống như những bông hoa hé nở, như trâm ngọc cài trên mái tóc tiểu thư.

Thư pháp ‘Trâm hoa tiểu Khải’ của Vệ Phu nhân. (Baidu)

Thời nhà Đường có một thư pháp gia tên là Trương Hoài Quán, viết một tác phẩm thư pháp “Thư đoán”, nội dung phẩm bình về hơn 120 nhà thư pháp suốt từ thời Tần, Hán cho tới thời Đường. Trong sách có bốn câu nói về thư pháp của Vệ Phu Nhân:

‘Toái ngọc hồ chi băng, lan dao đài chi nguyệt, uyển nhiên phương thụ, mục nhược thanh phong’

Tạm dịch: Chữ của Vệ Phu Nhân như hạt ngọc rơi, băng thanh ngọc khiết, như ánh trăng ngời sáng trên đài Lan Dao, uyển chuyển cỏ hoa thơm ngát, mềm mại gió mát nhẹ đưa, làm người ta sảng khoái tinh thần.

Tại sao Vệ Phu Nhân lại viết được Khải thư đẹp đến vậy?

Vệ Phu Nhân xuất thân từ gia đình thư pháp nổi danh, trong gia tộc có nhiều trưởng bối là thư pháp gia đương đại. Cụ nội của bà là Vệ Ký, ông nội là Vệ Quán, chú là Vệ Hằng, đều là đại thư pháp gia. Trong gia cảnh ấy, bà từ nhỏ đã thích thư pháp, lại thêm đức cần cù. Tương truyền trước thôn trang có một cái ao, Vệ Phu nhân mỗi lần viết chữ là viết liền mấy tiếng, viết xong ra ao rửa bút, lâu lâu dần nước ao biến màu đen, hậu thế gọi ao này là ‘Vệ Phu nhân tẩy mặc trì’ (ao rửa mực của Vệ Phu Nhân). Qua đó có thể thấy trình độ dụng tâm khắc khổ của bà.

Vệ Phu nhân không chỉ viết chữ đẹp mà còn nghiên cứu thư pháp rất thâm sâu. Bà còn có một tác phẩm “Bút trận đồ”, nội dung giảng giải pháp tắc truyền thống làm thế nào để viết thư pháp đẹp, trở thành tài liệu quan trọng cho việc học tập thư pháp của hậu thế.

Xuất thân từ thế gia thư pháp, thiên tư thông minh cần mẫn, còn có một nguyên nhân quan trọng khác là bà học thầy Chung Do. Chung Do là ai?

Chung Do - Ông tổ của Khải thư, và lịch sử truyền thừa thư pháp

Ông là nhà thư pháp lừng danh thời Tam Quốc, ông cũng được gọi là ông tổ của Khải thư. Chung Do sống vào thời thể chữ của chữ Hán, tức là thời kỳ diễn biến quan trọng từ Lệ thư sang Khải thư. Chung Do làm rạng rỡ Khải thư, có ảnh hưởng thâm viễn đến hậu thế, cho nên ông được tôn xưng là ông tổ Khải thư. Tác phẩm “Tuyên thị thiếp” của ông được xem là tác phẩm Khải thư đầu tiên.

Thư pháp "Tuyên thị thiếp" (cũng gọi là "Tuyên thị biểu") của Chung Do. (Wikipedia)

Nói về diễn biến của chữ Hán, chúng ta cùng nhau phân tích một chút. chúng ta biết rằng bắt đầu từ nền văn minh lần này cho đến chữ Hán đang dùng hiện nay, có một quá trình diễn biến. Chữ viết xuất hiện sớm nhất là Giáp cốt văn thời Ân Thương, là chữ viết lên xương động vật, tới thời nhà Thương và nhà Chu về sau, người ta bắt đầu khắc chữ trên đồ đồng thanh, khi đó người ta gọi đồng là Kim, cho nên chữ khắc trên đồ đồng đó được gọi là Kim văn.

Sau đó Kim văn lại diễn biến thành Triện thư, tương truyền đó do một vị quan sử của Chu Tuyên Vương tên là Trứu sáng tạo ra, nên được gọi là Trứu văn (cũng gọi là Đại Triện), thể chữ này phức tạp, trông giống như những nếp nhăn, rất cổ phác điển nhã. Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất sáu nước, để thống nhất chữ viết, nên lấy Đại Triện diễn biến thành Tiểu Triện.

Tới thời nhà Hán, Triện thư lại tiếp tục diễn biến thành Lệ thư. Khi ấy để viết chữ Hán cho nhanh, nên Lệ thư lại diễn biến thành Thảo thư. Từ Lệ thư còn diễn hóa ra thể Chính Khải, kết cấu ngay thẳng vuông vức, rất rõ nét dễ nhận biết.

Sau khi xuất hiện Khải thư, người ta thấy rằng thể chữ này trong sáng rõ ràng, không như Thảo thư, Triện thư có thể tùy ý biến hóa hình tượng. Tự thể loại này rất cố định, nên người ta gọi là Chính thư, Chân thư, Lệ thư. Trong các tư liệu khác có thể viết Vệ Phu Nhân rất giỏi Chính thư, Chân thư, đó chính là chỉ Khải thư. Khải thư mà hậu nhân gọi cũng mang theo hàm nghĩa quy phạm, phép tắc. Diễn biến về sau còn có Hành thư, nếu có chiều hướng nghiêng sang thể Khải thì gọi là Hành Khải, nghiêng sang thể Thảo thì gọi là Hành Thảo.

undefined
Chữ Minh (明) được viết lần lượt theo các thể chữ đại triện, tiểu triện, lệ, khải, hành, thảo (thư pháp Triệu Mạnh Phủ đời Nguyên). Miền công cộng.

Các thể chữ Hán như Giáp cốt văn, Kim văn, Lệ thư, Thảo thư được lưu giữ rất nhiều trong dòng sông dài lịch sử. Ngày nay trừ khi học thư pháp thì hiếm khi dùng đến, nhưng duy có một thể chữ, một mạch được dùng trong suốt mấy nghìn năm, từ khi manh nha thời Tần Hán cho đến tận hôm nay, đó chính là Khải thư.

Vào thời Tống xuất hiện kỹ thuật in ấn, lấy Khải thư làm cơ sở, thể chữ in thời Tống này được gọi là thể chữ Tống, cho đến tận ngày nay thể chữ Hán mà chúng ta đang dùng trong máy tính, thì thể chữ thông dụng vẫn là thể chữ Tống.

Cũng có học giả cho rằng, sự xuất hiện của các thể chữ Giáp cốt văn, Kim văn, Triện thư, Lệ thư là để làm cơ sở cho sự xuất hiện của Khải thư sau này. Khải thư sở dĩ trở thành cây đại thụ xanh suốt ngàn năm, có lẽ do chính bản thân mang theo nội hàm thâm sâu. Chữ Khải vô cùng ngay chính giản đơn thanh khiết. Người ta khi viết chữ Khải tính tình cũng trở nên ngay chính bình hòa, không như Thảo thư phóng túng buông thả. Cổ nhân trước khi làm việc gì trước tiên cần phải chính tâm thành ý, làm người có tâm chính trực, ý thành thực thì việc dễ thành, làm người ra sao thì chữ cũng như vậy. Đây có lẽ cũng là một nguyên nhân khiến cho Khải thư được lưu truyền thiên cổ.

Sự hình thành Khải thư cũng có một quá trình diễn hóa, không phải đột nhiên mà sinh ra, không thể tách rời khỏi sự tích lũy lắng bồi của tiền nhân. Trong “Thư pháp yếu lục”, Trương Ngạn Viễn thời nhà Đường có ghi: ‘Thái Ung được Thần truyền cấp, sau truyền cho Thôi Viện và nữ nhân Văn Cơ, Văn Cơ truyền cho Chung Do, Chung Do truyền cho Vệ Phu nhân, Vệ Phu Nhân truyền cho Vương Hi Chi.’

Đoạn lời trên ghi lại quá trình truyền thừa diễn biến của thư pháp. Trong “Thái Bình quảng ký” có ghi lại câu chuyện, Thái Ung vô cùng tinh thông thư pháp. Thời trẻ ông từng đến Tung Sơn học thư pháp, một hôm bỗng lạc vào một động đá huyền bí, thấy trong động có một bộ sách, tám góc của tập sách phát hào quang, mở ra xem thì thấy ghi chép về bí kíp sáng tác thư pháp, viết về Lý Tư (người sáng tạo ra chữ Lệ thời Tần), Trứu (là người tương truyền sáng tạo ra Đại Triện thời Chu), pháp tắc viết chữ của họ thế nào. Thái Ung như được của quý, vui mừng nhảy múa, cả ngày không ăn không uống đọc sách, miệng đọc niệm từng từ, như đang nói chuyện với cổ nhân trong cuốn sách. Sau đó Thái Ung nghiên cứu bộ sách trong ba năm, cuối cùng đã lĩnh hội được chỗ tinh hoa trong thư pháp, từ đó thư pháp của ông tinh tấn vượt bậc.

Năm Hi Bình thứ 4, Hán Linh Đế muốn tu bổ một số kinh điển của Nho gia, lệnh cho Thái Ung chỉnh lý kinh điển rồi cho khắc đá dựng bia, bộ kinh gồm: Kinh thi, Kinh thư, Kinh lễ, Kinh dịch, Kinh nhạc và Kinh xuân thu. Thái Ung đích thân viết chữ lên bia đá, để thợ khắc gia công, tổng cộng gồm 46 tấm bia, làm xong sau 9 năm, sử gọi là ‘Hi Bình thạch kinh’. Còn chữ viết của Thái Ung được thế nhân bình tán: ‘Chữ Thái Ung có cốt khí xuyên suốt, hào sảng có Thần lực’, ý nói chữ của Thái Ung như có Thần trợ giúp vậy.

Sau này Thái Ung mang tinh hoa thư pháp truyền cho học trò là Thôi Viện và con gái của ông là Thái Văn Cơ, Thái Văn Cơ truyền cho Chung Do, Chung Do trở thành ông tổ Khải thư, Vệ Phu nhân học được yếu lĩnh của Khải thư, truyền lại cho Vương Hi Chi, Vương Hi Chi trở thành Thánh thư.

Chung Do là ông tổ Khải thư, thời ấy Khải thư là từ Lệ thư diễn hóa mà thành, vẫn còn mang chút cổ ý của Lệ thư, nhưng qua truyền thừa “Trâm hoa tiểu Khải” của Vệ Phu nhân, tới thời Vương Hi Chi, đã được ông phát triển tới cảnh giới tận thiện tận mỹ, cho nên trong lịch sử, hai vị ấy đều được gọi là ‘Chung Vương’.

鍾繇
Chung Do - ông tổ của Khải thư. (Miền công cộng)

Cuối cùng chúng ta xem lại thứ tự, chữ Hán từ Giáp cốt văn, Kim văn, Triện thư, Lệ thư, Khải thư, Hành thư, Thảo thư, có một quá trình phát triển diễn hóa. Trong tất cả các thể chữ đó, Khải thư đã trở thành đại thụ, một mạch được sử dụng cho đến ngày nay. Chữ thường dùng trong máy tính ngày nay là chữ Hán Tống thể, là chữ thời nhà Tống viết trên cơ sở chữ Khải. Từ ông tổ Khải thư Chung Do cho đến Thánh thư Vương Hi Chi, có một vị nữ sĩ đóng vai trò thừa truyền hết sức quan trọng, bà chính là Vệ Phu Nhân.

Nhã Lan - Epoch Times
Thái Bình biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Hóa ra sư phụ của Thư Thánh Vương Hi Chi là một phụ nữ