"Hoàng Bách thiền sư thi" tiên tri chính xác vận mệnh Trung Quốc (1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhắc đến cuốn sách tiên tri nổi tiếng nhất Trung Quốc cổ đại, mọi người sẽ nghĩ đến “Thôi Bối Đồ” của Lý Thuần Phong và Viên Thiên Cang, với 32 tượng đầu tiên có tỷ lệ dự đoán có thể nói là chính xác 100%. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là trật tự của “Thôi Bối Đồ” đã bị cố tình làm loạn từ tượng thứ 33, khiến những lời tiên đoán từ cuối nhà Minh đến đầu nhà Thanh trở nên khó phân biệt và khó giải thích.

Mặc dù sau này nhiều chuyên gia, học giả đã tiến hành những cách giải thích khác nhau và sắp xếp lại trật tự nhưng họ vẫn không thể khẳng định đó là tác phẩm gốc.

Trong bài viết này sẽ giới thiệu đến các độc giả một cuốn sách khác tên là “Hoàng Báchch thiền sư thi”. Đây có thể được gọi là cuốn sách tiên tri chuẩn xác về vận mệnh các triều đại Trung Quốc, với 14 bài thơ với tổng cộng 392 ký tự. Nó đã không chỉ tiên đoán chính xác về sự diệt vong của nhà Minh, các triều đại nhà Thanh, cuộc chiến tranh kéo dài 8 năm, cùng các sự kiện lịch sử lớn như Nội chiến giữa Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản, sự rút lui của Quốc dân đảng sang Đài Loan, hơn nữa còn làm rõ thêm vận mệnh tương lai của Trung Quốc, và thời điểm quan trọng nhất là có thể là vào năm 2025.

Đế Vương Sư

“Bất kinh nhất phiên hàn triệt cốt, yên đắc mai hoa phác tị hương” (tạm dịch: Không trải qua một chút lạnh lùng, làm sao có được hương hoa mai), câu thơ kinh điển này có lẽ nhiều người từng nghe đến, nhưng tác giả của nó là ai, chưa hẳn mọi người đã biết. Đó là nhân vật chính trong câu chuyện này: Hoàng Bách thiền sư, một vị cao tăng thời Đường.

Thiền sư Hoàng Bách tên thật là Hi Vân, không rõ họ, người gốc Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, từ nhỏ đã xuất gia ở núi Hoàng Bách. Vì yêu mến núi Hoàng Bá nên sau này khi giảng pháp, ông đã lấy tên là Hoàng Bách, và mọi người cũng kính trọng gọi ông là Thiền sư Hoàng Bách.

Thiền sư Hoàng Bách có nhiều đệ tử, trong đó phải kể đến hai đệ tử tại gia. Đầu tiên là Đường Tuyên Tông Lý Thầm. Thời trẻ, một lần Lý Thầm đã từng trèo lên long sàng của anh trai Đường Mộc Tông và thần thái thể hiện giống như đang tiếp các đại thần, Mục Tông sau khi nhìn thấy đã hết lời khen ngợi. Sau này, sau khi cháu trai của Lý Thầm là Lý Viêm Đường Vũ Tông lên ngôi, nhớ lại sự việc này và cảm thấy ghét hận nên muốn giết ông. Để tránh tai hoạ, Lý Thầm ẩn thân nơi thiền viện và trở thành một sa di, sau đó trở thành đệ tử của Thiền sư Hoàng Bách, theo ông học thiền Pháp. Để giúp Lý Thầm khai ngộ, Thiền sư Hoàng Bách thậm chí còn tát vị hoàng đế tương lai nhiều lần. Sau khi Lý Thầm lên ngôi, ông đã đảo ngược việc "tiêu diệt Phật giáo" của Đường Vũ Tông và chấn hưng Phật giáo.

Thiền sư Hoàng Bách có nhiều đệ tử, trong đó phải kể đến đệ tử tại gia Đường Tuyên Tông Lý Thầm (Ảnh chụp màn hình)
Thiền sư Hoàng Bách có nhiều đệ tử, trong đó phải kể đến đệ tử tại gia Đường Tuyên Tông Lý Thầm (Ảnh chụp màn hình)

Điểm ngộ tể tướng

Một đệ tử tại gia nổi tiếng khác của Thiền sư Hoàng Bách là tể tướng nổi tiếng của nhà Đường- Bùi Hưu. Khi Bùi Hưu đang giữ chức Thứ sử ở Hồng Châu, ông đã gặp Thiền sư Hoàng Bách. Lúc bấy giờ, Thiền sư Hoàng Bách đang tu hành tại tịnh xá ở núi Hoàng Bách. Bùi Hưu nhất tâm tu học Phật giáo, nhưng không đi vào trọng tâm, Thiền sư Hoàng Bách đã sử dụng nhiều cách hướng dẫn ông.

Thiền sư Hoàng Bá từng nói với Bùi Hưu: “Người tu hành ngày nay ngày càng chú trọng đến vẻ bề ngoài, không muốn nhìn vào tâm mình. Đây đều là cách làm trái ngược. Nếu như có thể vứt bỏ dáng vẻ, cam tâm tình nguyện làm một hạt cát, khi nhìn thấy Thần Phật khắp trời đi ngang qua, hạt cát sẽ không ngạc nhiên; thấy lũ trâu bò, côn trùng và kiến ​​giẫm đạp mình, nó không nổi giận. Khi thấy cảnh châu báu lấp lánh, hạt cát cũng không sinh lòng tham, chiếm hữu làm của riêng; khi thấy phân và nước tiểu bẩn thỉu chảy qua, cát không cảm thấy chán ghét. Trong mắt hạt cát, nó không có sự phân biệt với vạn vật bên ngoài, đối xử bình đẳng với tất cả, tâm tự nhiên tròn đầy và bao trùm tất cả. Đây chính là tâm thanh tịnh".

Dưới sự hướng dẫn của Thiền sư Hoàng Bách, Bùi Hưu dần dần hiểu được ý nghĩa thực sự của Phật giáo. Người thời bấy giờ gọi Bùi Hưu là “Đại sĩ Hà Đông” và “Tể tướng Sa Môn”. Bài “Thiền sư thi” do Thiền sư Hoàng Bách đọc, được cho là do chính tể tướng Bùi Hưu đích thân ghi chép lại.

Dưới sự hướng dẫn của Thiền sư Hoàng Bách, Bùi Hưu dần dần hiểu được ý nghĩa thực sự của Phật giáo. Người thời bấy giờ gọi Bùi Hưu là “Đại sĩ Hà Đông” và “Tể tướng Sa Môn” (Ảnh chụp màn hình)
Dưới sự hướng dẫn của Thiền sư Hoàng Bách, Bùi Hưu dần dần hiểu được ý nghĩa thực sự của Phật giáo. Người thời bấy giờ gọi Bùi Hưu là “Đại sĩ Hà Đông” và “Tể tướng Sa Môn” (Ảnh chụp màn hình)

Chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem “Thiền Sư thi” có gì kỳ lạ.

Nói rõ vận mệnh của nhà Thanh

Bài thơ đầu tiên viết:

“Nhật nguyệt lạc thì giang hải bế
Thanh viên tương ngộ phán hưng vong
Bát ngưu vận hướng điền kiềm tận
Nhị cửu đan thành kim cốc tàng"

Tạm dịch:

Khi nhật nguyệt lặn sông biển đóng
Vượn xanh tương ngộ phán hưng vong
Tám trâu vận hướng Điền Kiềm hết
Hai chín đan thành ẩn hang vàng

Mở đầu hai chữ “日月” (nhật nguyệt) ghép lại thành chữ “明” (minh). Nên câu đầu tiên có ý nói rằng khi nhà Minh sụp đổ, Trung Quốc sẽ bước vào thời kỳ bế quan toả cảng. Có thể có người thắc mắc, chẳng phải Thiền sư Hoàng Bách là người đời Đường? Tại sao ông không bắt đầu viết từ thời nhà Đường mà bắt đầu viết từ cuối nhà Minh đến đầu nhà Thanh? Có người cho rằng trong “Thiền Sư thi” thực ra còn có những nội dung khác nhưng đã thất lạc, không được lưu truyền. Những người khác thì nói rằng sách vốn là như thế. Tuy nhiên, dù là tình huống nào đi chăng nữa, có lẽ đây là sự sắp đặt của Thiên ý. Trước thời cuối nhà Minh chỉ cần có “Thôi Bối Đồ” là đủ nói về quốc vận, sau này "Thiền sư thi" được dùng để bù đắp cho sự thiếu trật tự của các quẻ tượng trong “Thôi Bối Đồ”.

Trong câu tiếp theo “Thanh viên tương ngộ phán hưng vong”. Cách sử dụng màu sắc sắp xếp theo thời gian các cung hoàng đạo rất phổ biến trong “Thiền sư thi”, ví dụ như phía sau còn có “hắc hổ” (hổ đen), “hồng kê” (gà đỏ), “xích thử” (chuột đỏ), “kim xà” (rắn vàng), v.v…

Học thuyết ngũ hành cổ xưa của Trung Quốc có nội dung bác đại tinh thâm và sâu sắc, ngũ hành có thể tương ứng với thiên can địa chi, cũng như các mùa, các phương hướng và màu sắc khác nhau. Chữ “thanh” trong “thanh viên” tương ứng với “mộc” trong ngũ hành, vừa tương ứng với “giáp” trong thiên can; và “viên” (vượn) tương ứng với “thân” của địa chi. Tổng hợp lại, nó dường như đề cập đến năm 1644, năm Giáp Thân. Khi đó, Quân Thanh đã tiến vào, nó tương ứng với câu đầu tiên: Nhà Minh sẽ diệt vong, sự hưng vọng đã được định đoạt.

Tiếp theo là câu: “Bát ngưu vận hướng điền kiềm tận”. Chữ “八牛” (bát ngưu) này gộp lại là từ “朱”(Chu). "Điền Kiềm” là chỉ khu vực Vân Nam và Quý Châu. Vĩnh Lịch Đế của triều đại Nam Minh là bị Ngô Tam Quế truy đuổi và giết chết ở vùng Vân Nam, Vương triều nhà họ Chu mới thực sự xem như diệt vong. Nội dung sau đó nói về triều đại nhà Thanh.

Ngô Tam Quế (Ảnh chụp màn hình)
Ngô Tam Quế (Ảnh chụp màn hình)

Câu cuối cùng “Nhị cửu đan thành kim cốc tàng” ám chỉ Hoàng đế Thuận Trị của nhà Thanh đã trị vì 18 năm. Mặc dù sử sách nói rằng Hoàng đế Thuận Trị chết vì bệnh tật, nhưng người ta luôn cho rằng ông đã xuất gia, thành tăng nhân.

Bài thơ thứ hai trong “Thiền sư thi” viết:

“Hắc hổ đương đầu vận tế khang
Tứ phương kham định tĩnh thuỳ thường
Đường ngu dĩ hậu vô tư thịnh
Ngũ ngũ hoàn kiêm lục lục trường”

Tạm dịch:

Hổ đen đương đầu vận cho Khang
Bốn phương bình định buông y thường
Sau thời Đường Ngu nay thịnh nhất
Năm năm cộng với sáu sáu dài

Bài này thường được xem như mô tả tài đức của Đại đế Khang Hy. Khang Hi lên ngôi vào năm 1662, năm Nhâm Dần. Nhâm chúc thuỷ, thuỷ vi hắc tương ứng với “hắc hổ”. Sau đó, Khang Hy bình định bốn phương, chính quyền nhà nước minh bạch, tạo nên thời đại Khang Càn thịnh thế, đây là thời đại thịnh vượng chưa từng có kể từ Đường Ngu, tức là Nghiêu Đế. Câu cuối cùng tiết lộ thời gian trị vì của Khang Hy, “ngũ ngũ” hai mươi lăm, “Lục lục” ba mươi sáu, tổng cộng là 61 năm.

Khang Hy bình định bốn phương, chính quyền nhà nước minh bạch, tạo nên thời đại Khang Càn thịnh thế, đây là thời đại thịnh vượng chưa từng có kể từ Đường Ngu, tức là Nghiêu Đế (Ảnh chụp màn hình)
Khang Hy bình định bốn phương, chính quyền nhà nước minh bạch, tạo nên thời đại Khang Càn thịnh thế, đây là thời đại thịnh vượng chưa từng có kể từ Đường Ngu, tức là Nghiêu Đế (Ảnh chụp màn hình)

Chúng ta hãy xem bài thơ thứ ba:

“Hữu nhất chân nhân xuất ung châu
Tích linh nguyên thượng sử nhân sầu
Tu tri thâm khắc phi thường pháp
Bạch hổ ta phùng tuế nhất chu”

Tạm dịch:

Có một Chân nhân ở Ung Châu
Tích linh tại nguyên khiến người buồn
Nên biết pháp luật vô cùng sâu
Một năm sẽ gặp Hổ trắng gầm

Từ “Ung” được nhắc đến ở đầu bài thơ này, vì vậy bài thơ này chắc hẳn giới thiệu Hoàng đế Ung Chính, người kế vị Khang Hy lên ngôi. Câu thứ hai nói tới “tích linh”, là một loại chim, có câu thành ngữ gọi là “tích linh tại nguyên” để ẩn dụ cho tình cảm sâu sắc giữa anh em, không màng sinh tử, cứu viện lẫn nhau. Câu tiếp theo là “sử nhân sầu”, nó được hiểu là nói về sự bất hòa giữa Ung Chính và các anh em của mình.

Điều này phải nói đến trận chiến đế vương khốc liệt nhất trong lịch sử - chín người con trai tranh giành vị trí thừa kế. Năm Khang Hy thứ 47, tức là năm 1708, Khang Hy phế truất thái tử Dận Nhưng, kết quả là ngôi thái tử bị bỏ trống. Vậy nên, các hoàng tử khác cũng có mục tiêu trở thành hoàng tử. Vào thời điểm đó, Khang Hy có tổng cộng 24 hoàng tử, trong đó có 9 người thực sự tham gia tranh giành vị trí thái tử, về sau chủ yếu chia thành ba phe: “phe Thái tử" do thái tử phế truất Nhị A Ca đứng đầu, "phe Tứ gia" do Tứ A Ca Dận Chân đứng đầu, “phe Bát gia” của Bát A Ca Bát Tự đứng đầu.

Tứ A Ca Dận Chân (Ảnh chụp màn hình)
Tứ A Ca Dận Chân (Ảnh chụp màn hình)

Tất nhiên, chúng ta biết rằng phe Tứ gia là người chiến thắng cuối cùng, nhưng trong cuộc chiến giành quyền thừa kế, Bát A Ca Dận Tự là đối thủ mạnh của Tứ A Ca Dận Chân. Sử sách ghi lại rằng Bát A Ca không được Khang Hy ưu ái vì quá sắc sảo và đã từng có ý sát hại hoàng tử bị phế truất Dận Nhưng.

Sau khi Ung Chính đăng cơ, Dận Tự và Cửu A Ca Dận Kỳ đều bị Ung Chính loại bỏ khỏi hoàng tộc và đổi tên lần lượt là A Kỳ Na và Tắc Hư Hắc. Về hai cái tên này, dân gian có câu nói rằng trong tiếng Mãn Châu chúng có nghĩa là “trư cẩu” (chó lợn). Sau này các chuyên gia khảo cứu và xác nhận rằng chúng lần lượt có nghĩa là “cút đi” và “đồ quỷ sứ đáng ghét”. Xem ra giữa huynh đệ họ thực sự không có sự hòa hợp.

Tiếp theo, câu thứ ba tương đối dễ hiểu, có nghĩa là dưới thời Ung Chính, ông đã áp dụng nhiều chính sách cứng rắn và pháp trị rất nghiêm ngặt. Câu cuối cùng là Ung Chính lên ngôi vào năm Nhâm Dần 1722, và trị vì đúng một vòng quay của sao Mộc, trong 12 năm. Một số người thắc mắc, tại sao năm Nhâm Dần 1662, khi Khang Hy lên ngôi lại là “năm Hắc Hổ”, nhưng năm 1722, khi Ung Chính lên ngôi, là năm Nhâm Dần đã trở thành “năm Bạch Hổ”?

Một số cách giải thích cho rằng Thiền sư Hoàng Bách không muốn dùng “hắc hổ” liên tục trong hai bài thơ trước và sau, có vẻ đơn điệu và lặp đi lặp lại. Nhưng lẽ nào như thế, có thể “đảo ngược trắng đen” sao? Đương nhiên là không, bậc cao nhân sao có thể tùy tiện dùng từ? Chúng ta hãy nhìn vào ngũ hành của nạp âm, chúng ta sẽ thấy rằng “Nhâm Dần” tương ứng với “kim bạc kim”, và “kim” tương ứng với màu trắng của ngũ hành. Vì vậy, năm Nhâm dần là ‘năm ‘bạch hổ’ cũng là có căn cứ.

Thực ra sau này đọc các bài thơ tiếp theo trong “Thiền sư thi”, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng, niên đại màu sắc, cung hoàng đạo trong tập thơ rất độc đáo, phản ánh đầy đủ sự chính xác của lời tiên tri, nhưng cố tình che giấu nó. Ví dụ như “hồng kê” và “xích thủ” xuất hiện sau đó không theo thông lệ.

Chúng ta tiếp tục diễn giải bài thơ tiếp theo:

“Càn quái chiêm lai cảnh vận long
Nhất bàn lục giáo tổ tôn đồng
Ngoại nhương sơ độ trù biên sách
Nội thiền vô tàm thái cổ phong”

Tạm dịch

Quẻ Càn bói ra cảnh vận hưng
Sau mươi ông cháu cũng tương đồng
Trù tính dẹp yên ngoài biên ải
Nhường ngôi chẳng hổ với cổ phong

Sau khi đọc câu đầu tiên, mọi người có thể đoán được đây là một bài thơ miêu tả Hoàng đế Càn Long. Ông trị vì 60 năm, gần như bằng ông nội của ông là Hoàng đế Khang Hy. Vì để không vượt qua Khang Hy, những năm cuối đời, ông đã nhường ngôi cho con, rất giống với khí phách của Tam Hoàng Ngũ Hoàng. Bài thơ này còn nói rằng Càn Long đã dập tắt nhiều cuộc nổi loạn ở biên cương, mở rộng lãnh thổ nhà Thanh, tạo nên một thời đại thịnh vượng khác của nhà Thanh.

Hoàng đế Càn Long trị vì 60 năm, gần như bằng ông nội của ông là Hoàng đế Khang Hy (Ảnh chụp màn hình)
Hoàng đế Càn Long trị vì 60 năm, gần như bằng ông nội của ông là Hoàng đế Khang Hy (Ảnh chụp màn hình)

Sau khi tiên tri về Càn Long, liền nói đến Gia Khánh, và quả nhiên tên của nhân vật chính cũng được xướng lên ở đầu bài thơ tiếp theo:

"Xích long thụ khánh sự kham gia
Na phạ liên trì khai bạch hoa
Nhị thập ngũ huyền đạn dịch tẫn
Long lai long khứ bất phùng xà"

Tạm dịch:

Rồng đỏ thụ khánh việc đẹp thay
Nào sợ hồ sen nở trắng hoa
Hai mươi năm dây đàn dễ hết
Rồng đến rồng đi chẳng gặp rắn

Hoàng đế Gia Khánh lên ngôi vào năm 1796, năm Bính Thìn. Bính thuộc về hoả, tương ứng với màu đỏ nên được gọi là “xích long”. Câu thứ hai nói về sự hỗn loạn của Bạch Liên Giáo sau khi Gia Khánh lên ngôi. Nhưng lời tiên tri cũng nói, không nên sợ, không có nguy hiểm gì cả. Câu thứ ba và câu thứ tư nói rằng Gia Khánh trị vì 25 năm, lên ngôi vào năm Thìn, năm Thìn qua đi, kế tiếp là năm Tỵ nên gọi là “Long lai long khứ bất phùng xà”.

Tiếp tục bài thơ thứ sáu:

"Bạch xà đương đạo mạn đằng quang
Tiêu cán cần lao nhất thế mang
Bất hạnh anh hùng lai hải thượng
Vọng dương tòng thử tán dương dương“

Tạm dịch:

Rắn trắng năm quyền tỏa ánh quang
Đêm ngày cần lao một đời chăm
Không may anh hùng ra tới biển
Thấy Tây từ đó mãi thở than

Bài thơ này tiếp nối phong cách trước đó, câu đầu tiên chỉ ra niên hiệu Đạo Quang. Đạo Quang Đế lên ngôi vào năm Tân Tỵ 1821. Đạo Quang Đế là một vị hoàng đế nổi tiếng cần cù và tiết kiệm trong lịch sử, đạo đức rất tốt, nhưng đáng tiếc nỗ lực cá nhân của ông không thể chống lại Thiên mệnh. Năm 1840, Chiến tranh nha phiến lần thứ nhất nổ ra vào năm Đạo Quang thứ 20, đại bác của Anh đã phá tung cánh cửa cô lập nhà Thanh, từ đó đất nước lâm vào cảnh khó khăn, nhiều thế lực ngoại bang vượt biển tới Trung Quốc trắng trợn cướp bóc.

Đạo Quang Đế là một vị hoàng đế nổi tiếng cần cù và tiết kiệm trong lịch sử, đạo đức rất tốt, nhưng đáng tiếc nỗ lực cá nhân của ông không thể chống lại Thiên mệnh (Ảnh chụp màn hình)
Đạo Quang Đế là một vị hoàng đế nổi tiếng cần cù và tiết kiệm trong lịch sử, đạo đức rất tốt, nhưng đáng tiếc nỗ lực cá nhân của ông không thể chống lại Thiên mệnh (Ảnh chụp màn hình)

Vậy bài thơ thứ bảy tiên đoán câu chuyện lịch sử gì?

“Hợi thỉ vô ngoa nhị quái khai
Tam tam lưỡng lưỡng tổng kham ai
Đông nam vạn lí hồng cân nhiễu
Tây Bắc thiên quần bạch mạo lai”

Tạm dịch:

Hợi lợn không ngoa hai quẻ ra
Ba ba hai hai đáng buồn thay
Vạn dặm Đông Nam khăn đỏ quấy
Tây Bắc ngàn bầy mũ trắng xông

“Hợi thỉ” có nghĩa là chỉ năm Hợi, và Hoàng đế Hàm Phong lên ngôi vào năm 1851, năm Hợi. Vậy làm thế nào để tìm được niên hiệu của Hàm Phong? Trong 64 quẻ Kinh Dịch có hai hình quẻ là quẻ Hàm và quẻ Phong, tương ứng với “nhị quái khai” ở câu đầu tiên. Câu thứ hai nói 3+3+2+2=10. Trong 10 năm trị vì của Hoàng đế Hàm Phong, việc nước không suôn sẻ, vô cùng đau xót. Ở phía đông nam có Thái Bình Thiên Quốc, ở phía tây bắc có cuộc nổi dậy của người Hồi. Lịch sử của Thái Bình Thiên quốc vốn khá rõ ràng. Còn nói về cuộc nổi dậy của người Hồi, vì lý do tôn giáo, xung đột giữa người Hán và người Hồi vào thời nhà Thanh đã nhiều lần nổ ra, xung đột giữa hai dân tộc ngày càng trở nên nghiêm trọng kể từ khi cuối năm Đạo Quang. Năm 1861, người Hồi bắt đầu nổi dậy, hỗn loạn lan rộng vào năm 1862. Sau đó, nhà Thanh mất 5 năm để đàn áp cuộc nổi loạn, dân số vùng Thiểm Tây và Cam Túc giảm 6- 7 triệu người. Sau chiến tranh, triều đình nhà Thanh buộc quân nổi dậy người Hồi phải di chuyển xa hơn về phía tây để tránh rắc rối.

Trong 10 năm trị vì của Hoàng đế Hàm Phong, việc nước không suôn sẻ, vô cùng đau xót (Ảnh chụp màn hình)
Trong 10 năm trị vì của Hoàng đế Hàm Phong, việc nước không suôn sẻ, vô cùng đau xót (Ảnh chụp màn hình)

Kết quả này còn có thể thấy ở bài thơ thứ tám:

"Đồng tâm tá trị vận trung hưng
Nam bắc phong yên nhất tảo bình
Nhất kỷ cương chu dương nhất phục
Hàn băng không tự chiến căng căng"

Tạm dịch:

Đồng tâm trợ trị vận trung hưng
Nam Bắc can quan quét sạch trơn
Một kỷ qua rồi thêm một nữa
Lạnh buốt tâm can nơm nớp lo

Câu đầu tiên chỉ ra niên hiệu “Đồng Trị”, trong thời kỳ này, nhà Thanh bước vào thời kỳ tương đối ổn định, lịch sử gọi là “Đồng Trị trung hưng”. Câu thứ hai viết “Nam Bắc phong yên nhất tảo bình”, tức là vào thời Đồng Trị, các cuộc nổi loạn của Thái Bình Thiên Quốc và người Hồi đều bị dập tắt. Tới câu thơ thứ ba: “Nhất kỷ cương chu” nghĩa là mới vừa được 12 năm, còn “dương nhất phục” nghĩa là cộng thêm 1 năm, hãy chờ xem. Quả thực, Đồng Trị đã trị vì tổng cộng 13 năm. Câu cuối cùng chỉ ra rằng mặc dù bây giờ là thời kỳ “trung hưng” nhưng loạn trong giặc ngoài vẫn còn đó, đế quốc đại Thanh vẫn đang sống từng ngày trong nơm nớp lo sợ.

Bài thơ tiếp theo lại viết:

“Quang mang thiểm thiểm kiến tai tinh
Thống tự bàng duyên tín hữu bằng
Tần Tấn nhất gia nhưng đỉnh túc
Hoàng viên vận ngột lực nan thắng”

Tạm dịch:

Quang huy lóe sáng thấy tai tinh
Thống tự kéo dài có chứng bằng
Tần Tấn một nhà vẫn chân vạc
Vượn vàng vận cao lực khó thắng

Ngay từ hai câu đầu, có thể tìm thấy hai từ “Quang Tự”, trong đó cũng nhắc đến Hoàng đế Tuyên Thống. Nếu có “tai tinh” thì chắc chắn không phải chuyện tốt. Sách lịch sử có ghi chép lại trong gian đoạn này xảy ra các sự kiện lớn như chiến tranh Giáp Ngọ, Chiến tranh Trung-Nhật 1894-1894, Cuộc nổi dậy của Nghĩa Hòa Đoàn và cuộc xâm lược của Lực lượng Đồng minh Tám cường quốc, và vận mệnh nhà Thanh dần mất đi. Từ “bàng duyên” trong câu thứ hai ám chỉ về vấn đề huyết thống của Hoàng đế Quang Tự và Hoàng đế Tuyên Thống. Quang Tự không phải là con trai của Đồng Trị mà là em họ của ông, còn Tuyên Thống cũng không phải là con trai của Quang Tự mà là cháu trai của ông. Các chuyên gia và học giả khác nhau có những cách hiểu khác nhau về câu thứ ba và thứ tư.

Hoàng đế Tuyên Thống (Ảnh chụp màn hình)
Hoàng đế Tuyên Thống (Ảnh chụp màn hình)

Một cách lý giải là: sau khi nhà Thanh diệt vong, mặc dù chính phủ quốc dân phía bắc và phía nam bề ngoài đã đạt được thỏa thuận hòa bình và trở thành “Tần Tấn nhất gia”, nhưng thực chất vẫn là thế chân vạc”. “Hoàng viên” là ám chỉ vận mệnh của Hoàng Hưng và Tôn Trung Sơn đã đến cuối cùng, khả năng khó thắng được Viên Thế Khải. Tại sao “viên” lại ám chỉ Tôn Trung Sơn? Các chuyên gia suy luận rằng “viên” cũng có nghĩa là “hầu” (con khỉ), có nghĩa là “hồ tôn”.

Nhưng chúng tôi cảm thấy cách giải thích này có phần gượng ép, hơn nữa màu sắc và cung hoàng đạo trong tám bài thơ đầu của “Thiền sư thi” đều ám chỉ thời hạn, tại sao bài cuối lại đột nhiên thay đổi phong cách?

Chúng ta hãy xem cách giải thích thứ hai được các chuyên gia đưa ra. “Tần Tấn nhất gia” là ám chỉ Thái hậu Từ Hi, vợ của Hoàng đế Hàm Phong, bà bước lên sân khấu lịch sử từ thời Hoàng đế Hàm Phong cho đến khi nhà Thanh kết thúc, và đóng một vai trò then chốt trong nhà Thanh. Bởi vì Từ Hi Thái hậu rốt cuộc không phải là Võ Tắc Thiên, bà cũng không có niên hiệu đế vương, nên “Thiền sư thi” chỉ có thể nhắc đến bà một cách mờ nhạt như vậy. Và “hoàng viên” là ám chỉ năm 1908, năm Mậu Thân. Mậu thuộc về thổ và tương ứng với màu vàng, vào năm này, Tuyên Thống Đế lên ngôi, nhưng ông không thể thay đổi được trời đất, và cuối cùng nhà Thanh bị diệt vong.

Bởi vì hầu hết những lời tiên tri đều tương đối mơ hồ, trước khi thời kỳ đó xảy ra, nhìn chung rất khó giải thích, chỉ có thể giải thích sau khi sự việc xảy ra. Hơn nữa, những người khác nhau sẽ có cách giải thích khác nhau. Về giải nghĩa cho hai câu cuối của bài thơ thứ chín, chúng tôi vẫn thiên về cách giải thích thứ hai.

Trong số 14 bài thơ trong “Thiền Sư thi”, 9 bài đầu đều nói về vận mệnh dân tộc nhà Thanh, bắt đầu từ bài thơ thứ 10 nói về Trung Hoa Dân Quốc, Bắc phạt và cuộc nội chiến giữa Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản, đồng thời chỉ ra vận mệnh tương lai của Đài Loan và kết cục cuối cùng của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Những nội dung này sẽ được giải thích chi tiết ở phần tiếp theo.

(Còn nữa)
Theo Phù Dao

Minh An biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

"Hoàng Bách thiền sư thi" tiên tri chính xác vận mệnh Trung Quốc (1)