Hôn nhân cổ kim tiết lộ 'Duyên Trời tác hợp' là chân thật (phần 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong xã hội hiện đại, rất nhiều người giàu có nhưng không hạnh phúc, tham lam không biết thỏa mãn, không có phúc để hưởng thụ sung túc. Một số danh nhân lớn tuổi còn bận tâm đến “đời sống tình cảm” của mình, khi có những mối quan hệ mới, lúc thì cảm thấy vô cùng hạnh phúc, khi lại thất tình, trầm cảm. Người như vậy kỳ thật đã rời xa hạnh phúc. Có người quan sát thấy rằng, những người yêu sớm, đồng tính luyến ái, ngoại tình, hút hít ma túy có tỷ lệ trầm cảm cao hơn. Đây có lẽ là cách mà Thần trừng phạt con người.

Người xưa quan niệm con người có năm phúc: Trường thọ, phú quý, bình an (khanh ninh), thiện đức (hảo đức) và chết an lành (thiện chung), quan trọng nhất là phước thứ tư - “thiện đức”, vì đức là nguyên nhân căn bản của phúc, phúc là kết quả của đức.

Ngũ phúc không bao gồm hôn nhân, càng không nói đến tình yêu, không có thứ gọi là ngoại hình đẹp mà người hiện đại quan tâm. Có thể thấy được giá trị quan của cổ nhân, thể chất và tinh thần khỏe mạnh, cơm no áo ấm, phẩm đức tốt, trường thọ, chết an lành, chính là có phúc, không tham cầu, ham muốn nhiều.

Người xưa coi hôn nhân là vấn đề nhân quả, dựa vào duyên phận do cha mẹ và lời nói của người mai mối, xã hội chủ lưu cũng không tôn sùng “tình yêu”. Con người hiện đại, không biết đến vận mệnh có Thần an bài, lấy hạnh phúc định nghĩa là cảm thấy vui vẻ và tìm được đúng người. Nhiều mối quan hệ, chung sống trước hôn nhân, ngoại tình, ly hôn và tái hôn. Tìm bạn đời cũng giống như chọn một món hàng, "Không có gì tốt nhất, chỉ có tốt hơn”. Một số lý luận thậm chí còn cho rằng, nhiều mối quan hệ yêu đương có thể giúp cải thiện trí tuệ cảm xúc khi chọn vợ kén chồng.

Quan niệm truyền thống cho rằng, hạnh phúc phụ thuộc vào đức tích lũy của bản thân, làm việc thiện là căn bản để cầu phúc. Vì ham muốn cá nhân mà không từ thủ đoạn thì sẽ hoàn toàn ngược lại.

Tiếp theo, chúng ta hãy xem một số câu chuyện có thật:

Câu chuyện của các ngôi sao Hollywood

Vẻ ngoài xinh đẹp của nữ diễn viên Hollywood F. được mệnh danh là "tác phẩm nghệ thuật của Thượng Đế". Khi trao giải cho cô tại lễ trao giải Oscar, ban giám khảo phát biểu: "Cô ấy có vẻ đẹp như vậy, hoàn toàn không cần phải có kỹ năng diễn xuất; cô ấy có kỹ năng diễn xuất như vậy, hoàn toàn không cần đẹp như thế”. Sau khi cô kết hôn và sinh con gái, cô yêu nam diễn viên đã có gia đình tên là A. Cả hai người đều ly hôn vợ/chồng của mình để tái hôn với nhau. F. cũng đạt đến đỉnh cao sự nghiệp và giành được giải Oscar. Nếu thời gian dừng lại ở thời điểm này thì đây sẽ là câu chuyện “thành công” về việc “chủ động thay đổi vận mệnh và kết hôn với tình yêu”.

Pixabay

Tuy nhiên, câu chuyện vẫn chưa kết thúc, sau đó F. bị tâm thần phân liệt, cô đã viết vô số bức thư tình cho A., người đã từ bỏ cô và lại lập gia đình với một nữ diễn viên trẻ khác. Đây có lẽ là giọt nước làm tràn ly, F. qua đời trong sự bi thảm. Có người chỉ trích A. tuyệt tình, thật ra cách làm của A. cũng phù hợp với con người của anh ta, anh ta đã vì ham muốn riêng (có được F.) mà vứt bỏ vợ con. Những người không vứt bỏ người vợ bệnh tật của mình, thường họ phải hy sinh rất nhiều chứ không phải loại người như A.

Vì tham vọng hạnh phúc lớn hơn, F. đã viết lại "kịch bản mới" cho vận mệnh của mình. Nếu cô đi theo "kịch bản cũ" an phận thủ thường, thì cô đã có một cuộc sống bình yên bên người chồng luật sư, và tạo ít nghiệp hơn trong chuyện này; điều đó sẽ tốt hơn cho cuộc sống về sau. Cô không biết nghiệp lực của việc ngoại tình, vậy ngoài báo ứng hiện tại ra, liệu sau khi chết có còn phải tiếp tục hoàn trả hay không? Trong "Thần Khúc", Dante đã kể lại những trải nghiệm của mình trong địa ngục và Thiên đường. Ở tầng thứ hai của địa ngục, những "người phạm tội tà dâm bị tình dục lấn át lý trí" phải chịu "hình phạt bão táp", khóc lóc kêu gào, vĩnh viễn không được yên nghỉ.

Nói thẳng ra, trong phúc phận của F., thiếu đi điểm mấu chốt nhất – "Thiện đức", nên mới làm hỏng một lá bài tốt. Biểu hiện điển hình của quan niệm hiện đại là người ta theo đuổi danh lợi bằng mọi cách, không hề suy nghĩ cho người khác.

Có nghiên cứu phát hiện, sau khi yêu đương và dùng ma túy, đại não thay đổi tương tự nhau. Có người cho rằng, người dễ nảy sinh tình cảm với người khác, tương đương với việc coi người khác như chất kích thích, khi không còn cảm giác gì thì đổi người, họ luôn theo đuổi sự kích thích tinh thần. Người ngoại tình có thể cảm thấy may mắn vì tìm được "tình yêu đích thực", nhưng thực ra là "vớ phải" người có đạo đức thấp kém. Nhà văn nổi tiếng người Trung Quốc Dương Giáng nói: "Ngoại tình, chính là hai người có bệnh, tưởng rằng gặp phải thuốc tốt, thực ra là gặp phải thuốc gây tê. Khi tác dụng của thuốc mất đi, nó còn đau hơn trước, nói không chừng còn có thể gặp phải 'thạch tín' lấy mạng bạn".

Nữ diễn viên X., người nổi tiếng không kém F., lại có quỹ đạo cuộc sống hoàn toàn khác. X. cũng có nhan sắc tuyệt vời, sau khi lấy chồng, cô đã cự tuyệt tài tử si tình khổ tâm theo đuổi mình, không có scandal. Cô cùng chồng bách niên giai lão, cuộc sống êm đềm, ổn định. Mọi người đánh giá X. là "Xinh đẹp là ưu thế, sống đẹp là bản lĩnh", "người thanh tỉnh chốn nhân gian".

Vong hồn bị hủy bởi sắc dục

Dante đã đề cập trong "Thần Khúc" rằng "vong hồn" bị hủy bởi sắc dục bao gồm "Nữ hoàng của nhiều dân tộc với các ngôn ngữ khác nhau, chẳng hạn như Nữ hoàng Samiramis của vương quốc Assyria; Nữ hoàng Dido của thành Carthage; Nữ hoàng Cleopatra của Ai Cập; Nữ hoàng Helen của xứ Sparta, và Paris - người vì ngưỡng mộ Helen mà đã bắt cóc cô, gây ra Chiến tranh thành Troy kéo dài 10 năm. Ngoài ra còn có Tristan, người phải lòng người thím Iseult của mình".

Trong đó đặc biệt nhắc tới một đôi nhân danh "Tình yêu" mà chết. Vì mục đích chính trị, tiểu thư quý tộc Francesca đã bị cha mình gả cho một người chồng quý tộc què quặt, xấu xí, thô bạo và độc ác. Em trai chồng cô là Paolo, một chàng trai trẻ đẹp. Em chồng và chị dâu yêu nhau, và cả hai bị người chồng giết chết. Sau khi chết, họ bị đày xuống tầng thứ hai của địa ngục (tầng tham sắc dục) để trừng phạt tội gian dâm.

Ảnh Pexels

Theo quan niệm của người hiện đại, có lẽ nhiều người sẽ cảm thấy tình cảm của Francesca có thể được tha thứ, nhưng tiêu chuẩn của Thần lại khác. Hôn nhân dù không viên mãn đến đâu cũng không phải là lý do để bắt đầu “tình yêu” ngoài hôn nhân. Hôn nhân không như ý là món nợ do nghiệp trong quá khứ tạo thành, nếu không thừa nhận và không muốn trả, mà lại tiếp tục tạo nghiệp trong khi chống chọi với vận mệnh của mình, thì có thể sẽ phải xuống địa ngục để trả.

Dante cũng nói chuyện với linh hồn của Francesca, để tìm hiểu xem làm thế nào mà tình yêu "ẩn giấu trong tim, không nói ra" nhưng họ lại biết và đến với nhau. Francesca nói rằng, mối tình của cô với Paolo bắt đầu từ một lần đọc sách, họ đọc chung cuốn sách “Lancelot trên hồ” khi ở trong vườn. Lancelot, hiệp sĩ Bàn Tròn đầu tiên của Vua Arthur, người đã yêu Hoàng hậu Guinevere say đắm. Một lần hẹn hò trong vườn, anh ta đã trở thành "nô lệ của tình yêu" và hôn hoàng hậu. Đọc đến đây, Francesca và Paolo đồng cảm, rồi ôm hôn nhau và phạm trọng tội.

Câu chuyện "tình yêu của em chồng chị dâu" này khiến tôi liên tưởng đến một cặp em chồng chị dâu ở Trung Quốc, và không khỏi cảm phục trước văn hóa truyền thống vì đã quy chuẩn đạo đức cho con người. Phan Kim Liên không thể quyến rũ được Võ Tòng, nhưng "Phan Kim Liên - Francesca" đã quyến rũ được "Võ Tòng - Paolo". Lễ nghi trong xã hội truyền thống Trung Quốc rất nghiêm, ăn sâu trong lòng người dân – "Em chồng chị dâu không hỏi thăm nhau". Thời xưa, em chồng chị dâu sao có thể ngồi cùng nhau đọc sách như vậy (huống chi là loại sách có nội dung như thế). Phan Kim Liên nói với Võ Tòng "những lời không đúng mực", Võ Tòng liền rời khỏi nhà và chuyển ra ngoài ở. Còn đôi "em chồng chị dâu Francesca và Paolo" kia lại còn cùng nhau đọc "những câu không phù hợp" trong cuốn sách đó.

Thanh kiếm trí tuệ phá vỡ giả tướng

F. không hài lòng với cuộc sống và làm bất cứ điều gì mình muốn, có lẽ đây chính là ý nghĩa của “cậy đẹp làm càn”. Sắc đẹp là con dao hai lưỡi, đừng ham mê mà làm đau chính mình. Nói đến kiếm, trong bài “Cảnh báo sắc dục” có đề cập đến “Cửu kiếm chém sắc”, bài viết có câu: “Trong thế giới thập ác này, có bao nhiêu người có thể vượt qua được sự cám dỗ của sắc tình? Mấy ai không bị nó làm loạn? Hiện tại có chín thanh kiếm trí tuệ sẵn sàng giúp bạn". Xin chọn "Ba thanh kiếm trí tuệ" trong đó để chia sẻ với bạn:

Phá ngây thơ: Nụ cười ngọt ngào quyến rũ, vẻ đẹp khiến người khác phải ngoái lại nhìn, càng là người có vẻ đẹp như vậy thì lại càng khiến những người chấp trước vào sắc bị động tâm. Tuy nhiên, ai biết được bao nhiêu dục vọng xấu xa đang ẩn giấu sau vẻ ngây thơ kia? Mong bạn nhìn thấy bản chất thực sự bằng “hỏa nhãn kim tinh”, không bị ngoại cảnh làm mê mờ.

Phá tài nghệ: Người xưa khi hiến mỹ nữ, ắt sẽ đào tạo mỹ nữ tinh thông tài nghệ, từ đó có thể thấy tài nghệ là trợ thủ đắc lực cho sắc. Văn nhân mặc khách thường có khuyết điểm này, các học giả đạo đức cũng bị ảnh hưởng bởi điều này. Nên biết rằng đức lớn không thể hiện bằng tài năng, nếu cứ bám vào tiểu thuật thì sẽ lạc đường.

Phá tuyệt sắc: Độc dược trộn lẫn mật, cũng là hại thân. Họa hoạn của sắc dục được phủ lên vẻ mỹ miều, cũng là hại tâm. Người ta gọi người sắc đẹp tuyệt trần là hoa mẫu đơn, Phật gọi đó là hoa kiếm, đâm vào xương tủy người ta, chết mà vẫn không biết oán hận.

Bạn cần sáng suốt để nhìn xuyên qua giả tướng, việc có tài năng, nhan sắc lộng lẫy,… không chỉ dễ thu hút người khác phái, mà chính bản thân bạn cũng dễ bị mê hoặc, bạn sẽ tự cho mình là nhất, tự ngưỡng mộ mình, cảm thấy mình xinh đẹp hơn người, giỏi hơn người khác, v.v. Khi bạn có những suy nghĩ không đúng đắn về người khác giới, đó thường là lúc bạn cảm thấy lâng lâng. Sự kiêu ngạo có thể che mờ trí tuệ, tạo điều kiện cho những tư tưởng xấu xa len lỏi vào.

Ảnh Pexels

Có một câu chuyện trong Phật giáo kể rằng, có một vị hoàng hậu “rất xinh đẹp, tuy không đẹp bằng Tiên nữ nhưng vượt trội hơn tất cả những người phụ nữ khác”, bà và nhà vua rất yêu thương nhau. Sau khi bà qua đời, Bồ Tát đã nói với nhà vua - người đang đau buồn - rằng: “Vì cô ấy quá tự mãn về vẻ đẹp của mình, sống một cuộc sống an dật, không làm việc thiện, nên giờ đây cô ấy đầu thai thành một con bọ hung trong công viên này”.

Có câu nói rằng “Tất cả những món quà mà số phận ban tặng đều đã được ấn định một mức giá bí mật”, chỉ có biết ơn, trân trọng những phước lành, khiêm tốn và làm hết sức mình thì mới khiến phúc báo bền lâu.

Tâm tư bất chính rước họa

Trong cuốn “Đức dục cổ giám” do tác giả Sử Ngọc Hàm thời nhà Thanh biên soạn sao lục có hai câu chuyện như sau:

Câu chuyện thứ nhất kể rằng, có một thư sinh ở Trường Châu cảm thấy mình có tài văn chương lớn, được bạn bè khen ngợi, buổi tối sau khi say rượu về nhà, anh này nảy sinh ý nghĩ ngông cuồng: “Nếu ta đậu kỳ thi, liền cưới A Canh - cô con gái nhà bên, làm thiếp”.

Đêm đó nguyên thần của anh này bị Thần Thổ Địa bắt đi, anh nhìn thấy một tập sách có tên mình, trên đó có dòng chữ đỏ phê rằng: "Suy nghĩ chạy theo vọng tưởng, nhưng tình cảnh thực sự lại do chính con người [tạo nên]. Bởi vì vọng tưởng này, nên bị quả báo là vào ngày mười bảy tháng giêng, đến trạm dịch Tùng Lăng chịu lạnh chịu đói một ngày". Thư sinh này quả nhiên trải qua kiếp nạn ấy, suýt đói rét mà chết.

Một câu chuyện khác kể rằng, có một anh học trò họ Lý tham gia khoa cử, và ngủ trọ tại một quán trọ. Chủ quán trọ đối xử với anh ta rất nhiệt tình, nói rằng, tối hôm qua mơ thấy Thần Thổ Địa đến nói: "Ngày mai có một tú tài họ Lý, sẽ là người đỗ đầu trong khoa thi, phải đối xử tử tế với anh ấy”.

Học trò họ Lý mừng rỡ, liền nghĩ rằng sau này làm quan rồi sẽ ly hôn người vợ đã cưới lúc bần hàn kia và cưới người khác. Ngày hôm sau chủ quán lại mơ thấy Thần Thổ Địa đến và nói: "Người thanh niên trẻ tuổi này lòng bất thiện, bản thân còn chưa thi đậu công danh mà đã muốn ruồng bỏ vợ, lần này khoa cử thất bại rồi!".

Đúng như dự đoán, học trò họ Lý trở về nhà trong tuyệt vọng.

Xem ra, làm người là phải không thẹn với trời đất, với lương tâm, như câu cổ ngữ: "Không làm việc gì mà không thể nói với người khác, không có ý niệm nào mà không thể nói với Trời”.

Tẩy não trong các tác phẩm văn nghệ

Khi tôi lớn lên, các bộ phim tình yêu lãng mạn rất phổ biến, trong giáo dục cũng tràn ngập thứ quan niệm theo đuổi danh vọng và tiền tài. Câu nói “Đạo đức bao nhiêu tiền một cân?” đã phản ánh rất rõ suy nghĩ nội tâm của nhiều người.

Tư tưởng mà tôi được 'thấm nhuần' là: tình yêu là thứ có giá trị cao nhất, vượt qua cả hôn nhân và đạo đức. Các nhân vật chính trong những bộ phim lãng mạn đều là những người “mạnh mẽ hơn người” và “phong hoa tuyệt đại”, khiến người xem trong khi nhập tâm thưởng thức phim thì cũng đồng thời dễ dàng bị loại quan niệm sai lầm này tẩy não, thế rồi liền cho rằng chính cái suy nghĩ cần bảo vệ hôn nhân kia mới là không đạo đức, không có nhân tính.

Người xưa dùng cách nói "tương kính như tân" (kính trọng nhau như khách) để miêu tả sự đẹp đẽ và hạnh phúc của hôn nhân. Trước đây tôi còn cảm thấy người xưa thật khô khan cứng nhắc, không có nhân quyền tự do. Về sau mới phát hiện rằng, người hiện đại rất tự do nhưng lại càng xa rời hạnh phúc. Có thể thấy, lễ nghi đạo đức đối với con người mà nói, không phải là để hạn chế mà là để bảo vệ, giống như lan can trên đường núi quanh co bảo vệ xe cộ không bị rơi xuống. Những đạo lý xưa như "nam nữ hữu biệt" (giữa nam và nữ có sự khác biệt), "tương kính như tân"... thực ra không bao giờ lỗi thời, tận lực tuân theo thì mới là đối xử tốt với bản thân, cũng chính là thiết lập cho mình một hàng rào để bảo vệ bản thân khỏi sa chân lỡ bước.

Cách đây vài thập kỷ, người ta thích những người trung thực; những người phù phiếm, tùy tiện dù tài năng hay xinh đẹp đến đâu cũng bị coi là “không đứng đắn”. Thời ấy, ai vướng vào cuộc tình ngoài luồng sẽ bị người đời chỉ trích nghị luận vì có “tác phong bất hảo”. Nhưng hàng chục năm sau đó, những người lương thiện thậm chí còn trở thành đối tượng bị chế giễu; khi tìm người yêu, người ta coi trọng “sự quyến rũ” và “cảm xúc mãnh liệt”, nhưng thực tế có khi lại chọn phải một người tham lam và ích kỷ, giống như câu nói: "Ngàn chọn vạn chọn, lại chọn trúng một ngọn đèn bị rò dầu”.

Ảnh Pexels

Có người đã lập gia đình nhưng lòng lại bồn chồn như cỏ dại, khao khát sự hưng phấn của tình yêu đôi lứa, không phải là người mà trước đây sẽ bị người ta nhạo báng là "không đứng đắn" sao? Thực chất là người nghiện sắc tình. Có người nói: "Tình yêu trên thế gian, bất quá chỉ là sự tốt đẹp ngắn ngủi của hormone, một khi hormone tản đi, tất cả cuối cùng vẫn phải trở về bình thường”.

Tác phẩm văn nghệ hiện đại dùng các tình tiết 'huyền ảo vi diệu' để kích thích nhân tâm, để người ta "giải khát", khiến con người "nghiện ngập" trong "thuốc phiện tinh thần" mà quên mất rằng nghệ thuật thường xa rời cuộc sống. Người ta cứ thế đem câu chuyện trên màn ảnh nhỏ áp dụng vào cuộc sống hiện thực, theo đuổi "tình yêu" ngoài hôn nhân, nhưng lại không biết rằng hành vi ấy tương đương với việc lấy được một tấm vé siêu nhanh tới địa ngục.

Có người thậm chí còn hình thành nhân cách kịch tính như trong phim, coi cuộc sống như mộng ảo, thiếu đi sự tỉnh táo và lý trí trong đời thực. Có rất nhiều "phim tình yêu kinh điển" truyền tải quan niệm "duy mỹ", trong nháy mắt đã ăn sâu vào tim, nào là: nụ cười đẹp khiến người ta phải ngoái đầu nhìn, đôi mắt đẫm lệ mông lung đẹp thê lương, hay là tình tiết làm "kinh thiên địa, khiếp quỷ thần"... Những giá trị quan của hiện đại đã in sâu vào tâm trí và kích hoạt tâm tư của con người trên phương diện tình ái, nhưng đây lại là vũ khí lợi hại để hủy diệt con người.

Câu "Người hữu tình cuối cùng thành người một nhà" này xuất phát từ tác phẩm "Tây sương ký", sách này khiến rất nhiều người khởi tà dâm tư niệm. Tác giả cuốn sách này là Vương Thực Phủ đã nhận quả báo, cắn lưỡi mà chết. Thực ra, câu nói này xét theo quan niệm truyền thống thì là sai, người xưa cho rằng hôn nhân là do nhân duyên nghiệp lực thúc đẩy mà thành, con người phải biết quý tiếc duyên phận, quý tiếc phúc đức, chứ không phải đi theo giá trị quan "lấy tình yêu làm trọng nhất" của người hiện đại.

Câu nói "Tình không biết khởi nguồn từ đâu, hễ tiến vào là sâu nặng" là lời đề của tác phẩm "Mẫu đơn đình". Cuốn sách này mô tả việc theo đuổi tình yêu nam nữ, sử dụng các từ ngữ hoa lệ, khiến rất nhiều người nhầm lẫn mà cho rằng việc chống đối lễ giáo và chạy theo tình yêu là hành vi phong nhã. Sau khi tác giả cuốn sách này là Thang Hiển Tổ chết, từng có người chết rồi sống lại trở về và kể rằng đã tận mắt nhìn thấy Thang Hiển Tổ đang ở âm phủ và phải chịu nỗi thống khổ như cắt da cắt thịt.

(Còn tiếp)

Theo Bạch Mai - Aboluowang
Tố Như biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Hôn nhân cổ kim tiết lộ 'Duyên Trời tác hợp' là chân thật (phần 1)