Hong Kong treo thưởng 120.000 USD cho thông tin về 8 nhà bất đồng chính kiến ở Mỹ, Úc, Anh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cảnh sát Hong Kong đang treo thưởng 1 triệu đô-la Hong Kong (khoảng 127.650 USD) cho những ai cung cấp thông tin về 8 nhà bất đồng chính kiến về nhân quyền đang cư trú tại Hoa Kỳ, Anh và Úc.

Ngày 03/07, Cục An ninh Quốc gia thuộc Lực lượng Cảnh sát Hong Kong đã ban hành lệnh bắt giữ 8 cá nhân với cáo buộc vi phạm Luật An ninh Quốc gia.

Luật An ninh Quốc gia Hong Kong được Bắc Kinh thông qua vào năm 2020 đã nhận phải chỉ trích rộng rãi từ người dân Hong Kong và cộng đồng quốc tế vì nó làm xói mòn mô hình “một quốc gia, hai chế độ” - mô hình đảm bảo cho Hong Kong được hưởng luật pháp kiểu Anh.

8 cá nhân đã bị buộc tội “gây nguy hiểm” cho an ninh quốc gia Hong Kong - cụ thể hơn là với cáo buộc “kích động ly khai, lật đổ, xúi giục lật đổ và thông đồng với nước ngoài”.

Người phát ngôn cảnh sát Hong Kong khẳng định rằng Luật An ninh Quốc gia cho phép chính quyền Hong Kong truy nã các cá nhân đang sống bên ngoài thành phố.

Ông Steve Li (Li Kwai-wah), Giám đốc Cảnh sát Hong Kong, tuyên bố rằng chính quyền sẽ “không ngừng truy đuổi” những người bất đồng chính kiến.

Trưởng đặc khu Hong Kong, ông Lý Gia Siêu (John Lee), thì thề rằng sẽ truy lùng 8 nhà hoạt động vô thời hạn. Ông Lý nói với các phóng viên: “Cách duy nhất để kết thúc số phận của kẻ trốn chạy sẽ bị truy đuổi suốt đời là đầu hàng. Chúng tôi sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự của những kẻ bỏ trốn trong suốt cuộc đời họ cho đến khi họ ra đầu thú”.

Những đối tượng đang bị cảnh sát Hong Kong treo thưởng để có thông tin bao gồm ông Kevin Yam (luật sư, công dân Úc), ông Ted Hui (cựu chính trị gia Hong Kong), ông Nathan Law (Law Kwun-chung) (nhà hoạt động Hong Kong, đang sống ở Vương quốc Anh), ông Elmer Yuen (Yuan Gong-yi) (nhà hoạt động nổi tiếng), ông Dennis Kwok (Kwok Wing-hang) (từng là thành viên Hội đồng Lập pháp Hong Kong), ông Mung Siu-tat (nhà hoạt động), ông Lau Cho-dik (nhà hoạt động) và bà Anna Kwok (Kwok Fung-yee) (nhà hoạt động).

Phản ứng của các nhà bất đồng chính kiến

Đáp lại, ông Nathan Law lên án rằng chính quyền Hong Kong — hiện nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc — đã bẻ cong pháp quyền sao cho phù hợp với mục đích riêng của họ.

Ông viết trên Twitter: “Những cáo buộc này là ví dụ kinh điển về việc lạm dụng khái niệm ‘an ninh quốc gia’, đẩy định nghĩa của nó đến mức cực đoan để đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến”.

“Ở các nước văn minh, quyền vận động chính trị ôn hòa luôn được bảo vệ. Đó là điều mà tất cả những người bị 'truy nã' đã làm. Tôi kêu gọi Cục An ninh Quốc gia công khai bất kỳ bằng chứng nào về việc tôi thông đồng với các lực lượng nước ngoài (theo như cáo buộc)”.

“Tôi chưa từng nhận bất kỳ khoản tài trợ nào của chính phủ nước ngoài, tôi cũng không làm việc cho bất kỳ cơ quan chính phủ nào. Tôi không chấp hành bất kỳ mệnh lệnh hay yêu cầu nào. Nếu việc gặp gỡ các chính trị gia nước ngoài, tham dự hội thảo và tham gia điều trần là ‘thông đồng với lực lượng nước ngoài’, thì rất nhiều quan chức Hong Kong hẳn sẽ gặp rắc rối pháp lý”.

Ông Ted Hui, cựu chính trị gia Hong Kong đang sống tại Úc, cho biết khoản tiền thưởng mới nhất này sẽ không ảnh hưởng đến tình hình hay an toàn cá nhân của ông, vì ông vốn đã phải chịu nhiều lệnh bắt giữ theo Luật An ninh Quốc gia.

“Tôi nghĩ khoản tiền thưởng thật lố bịch và buồn cười", ông nói với The Epoch Times qua email. “Các nước tự do sẽ không dẫn độ chúng tôi vì khoản tiền đó. Nó chỉ cho thấy rằng ĐCSTQ bất lực như thế nào trước cộng đồng người Hong Kong hải ngoại, những người ủng hộ tự do và dân chủ".

Theo ông Ted Hui, động thái mới nhất này cho thấy cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với cộng đồng người Hong Kong ở nước ngoài đã đạt đến tầm cao mới. “Điều đó làm cho các nền dân chủ phương Tây thấy rõ hơn rằng Trung Quốc đang hướng tới chủ nghĩa độc tài chuyên chế cực đoan hơn và sẽ gây ra nhiều mối đe dọa hơn cho thế giới".

Hong Kong treo thưởng 120.000 USD cho thông tin về các nhà bất đồng chính kiến sống ở Mỹ, Úc, Anh
Ông Ted Hui, cựu ủy viên hội đồng Hong Kong hiện đang sống lưu vong ở Adelaide (Úc), bay tới Sydney để tham gia một cuộc diễu hành. (Ảnh: Huang Jiachuan/ The Epoch Times)

Phương Tây lên án

Các nhà lãnh đạo ở các quốc gia phương Tây tương ứng đã nhanh chóng cất tiếng nói lên án hành động của chính quyền Hong Kong.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Matthew Miller cho biết trong một tuyên bố: “Việc áp dụng ngoài lãnh thổ Luật An ninh Quốc gia do Bắc Kinh áp đặt là một tiền lệ nguy hiểm, đe dọa nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của người dân trên toàn thế giới”.

“Chúng tôi kêu gọi chính quyền Hong Kong ngay lập tức rút khoản tiền thưởng này, tôn trọng chủ quyền của các quốc gia khác và ngừng đưa ra những xác nhận có tính quốc tế về Luật An ninh Quốc gia do Bắc Kinh áp đặt".

“Chúng tôi sẽ tiếp tục phản đối các nỗ lực đàn áp xuyên quốc gia của [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] - những nỗ lực làm suy yếu nhân quyền", ông Miller nói thêm.

Ngoại trưởng Vương quốc Anh James Cleverly gọi động thái mới nhất của Bắc Kinh là “độc đoán”. “Quyết định ban hành lệnh bắt giữ 8 nhà hoạt động, một số người trong đó hiện đang ở Anh, là một ví dụ nữa về tính độc đoán của luật ngoài lãnh thổ của Trung Quốc", ông Cleverly viết trên Twitter.

Ngoại trưởng Úc Penny Wong nói vào hôm thứ 3 rằng Úc quan ngại sâu sắc về Luật An ninh Quốc gia của Hong Kong và về phạm vi áp dụng của luật. “Tôi muốn nói rõ ràng rằng, Úc có niềm tin vào quyền tự do ngôn luận", bà Wong nói. “Chúng tôi tin vào quyền bày tỏ quan điểm chính trị một cách hòa bình của mọi người; và những người ở Úc làm như vậy sẽ được chính phủ hỗ trợ".

Thủ tướng Úc Anthony Albanese gọi số tiền thưởng là “điều không thể chấp nhận được”. Ông nói với chương trình Nine's Today vào ngày 05/07: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với Trung Quốc ở những khía cạnh chúng tôi có thể, nhưng chúng tôi sẽ không đồng ý ở những khía cạnh chúng tôi không thể đồng ý. Và chúng tôi không đồng ý về các vấn đề nhân quyền".

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Hong Kong treo thưởng 120.000 USD cho thông tin về 8 nhà bất đồng chính kiến ở Mỹ, Úc, Anh