Huy chương Bạc cuộc thi vẽ tranh NTD: Kể chuyện thần thoại của con người thời nay

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tín ngưỡng và những lời tiên tri ở phương Đông và phương Tây đều lan truyền những truyền thuyết như Đấng Cứu Thế và Đại thẩm phán. Đây là sự tưởng tượng của con người, hay là một câu chuyện có thật đang diễn ra? Bộ ba bức tranh "Phật ân hạo đãng", đã giành huy chương bạc trong "Cuộc thi quốc tế tranh sơn dầu tả thực nhân vật NTD" lần thứ 6, đã thể hiện sự kiến giải của các họa sĩ ngày nay. 

Tại khu triển lãm Cuộc thi tranh sơn dầu, ba bức tranh khổ lớn cùng chủ đề có khung cảnh hoành tráng, màu sắc rực rỡ và nội hàm phong phú đã thu hút nhiều thí sinh và khán giả dừng lại xem. Đó chính là bộ 3 bức tranh “Phật ân hạo đãng” đã giành huy chương bạc trong cuộc thi. Giáo sư Trương Côn Luân, giám khảo cuộc thi, đánh giá cao tác phẩm bức tranh bên phải: "Nó khá hoàn hảo".

Tác giả của bức tranh này là một họa sĩ trẻ đến từ Đài Loan Thái Thiếu Hàng. “Tôi rất biết ơn vì đã nhận được sự công nhận cao như vậy từ cuộc thi, tôi nghĩ đó là một sự khích lệ rất lớn” - Anh khiêm tốn nói: “Tôi biết rằng những sáng tạo của mình vẫn chưa thành thục, và tôi sẽ tiếp tục nỗ lực trong tương lai".

Bức bên phải của bộ ba bức tranh "Phật ân hạo đãng" do họa sĩ Đài Loan Thái Thiếu Hàng sáng tác. (Đơn vị tổ chức cung cấp)
Họa sĩ Thái Thiếu Hàng, người đoạt huy chương bạc "Cuộc thi quốc tế vẽ tranh sơn dầu tả thực nhân vật NTD" lần thứ 6 và bức tranh của anh (bức bên phải) của bộ ba tác phẩm "Phật ân hạo đãng". (Đới Binh/The Epoch Times)

Bức tranh lớn thể hiện Thiên quốc và nhân gian

Cảm hứng sáng tạo của Thái Thiếu Hàng xuất phát từ cảm hứng từ lịch sử và hiện thực. “Có rất nhiều bức tranh về chủ đề ‘Ngày phán xét cuối cùng’ ở phương Tây. Tôi muốn kết hợp toàn bộ hoàn cảnh xã hội với những truyền thuyết và lời tiên tri cổ xưa, để vẽ nên một câu chuyện Thần thoại về con người ngày nay”.

Thái Thiếu Hàng là một học viên Pháp Luân Đại Pháp, anh sử dụng tranh sơn dầu truyền thống để thể hiện không gian vũ trụ mà anh đã lĩnh ngộ được trong quá trình tu luyện. Trong ảnh, Pháp Luân bằng vàng nằm ở phần trên của trục trung tâm, phía trên Pháp Luân là tầng tầng Thần Phật, phía dưới là các sinh mệnh sa ngã. "Pháp Luân đại diện cho cơ chế vận hành của vũ trụ và là 'Pháp' của vũ trụ" - Thái Thiếu Hàng giải thích: "Phần trên tượng trưng cho thế giới Thiên quốc thiêng liêng. Ở phần giữa và phần dưới, Pháp Luân phát ra những chùm ánh sáng và những đám mây xoắn ốc đẩy những sinh mệnh sa đọa đi xuống".

Vào ngày 15 tháng 1 năm 2024, Thái Thiếu Hàng đến từ Đài Loan đã tham gia "Cuộc thi quốc tế vẽ tranh sơn dầu tả thực nhân vật NTD" lần thứ 6 và có bài phát biểu tại lễ khai mạc. (Đới Binh/The Epoch Times)

Anh nói: “Một số sinh mệnh sa đọa đã từ chối bản chất thiện lương của vũ trụ, thể hiện trạng thái sa đọa”. Những thay đổi trong vũ trụ đã ảnh hưởng đến xã hội loài người. "Trong thế giới thực, nó chủ yếu thể hiện là chủ nghĩa cộng sản phương Tây. Vì vậy, ở phía dưới bức tranh có một biểu tượng cộng sản do lửa cấu thành”. Anh đặc biệt khắc họa một "hố Trời" dẫn đến Địa ngục ở phía dưới tác phẩm, “thể hiện một cách tượng trưng về tác động của chủ nghĩa cộng sản đối với thế giới".

Kết hợp ba bức tranh, Thái Thiếu Hàng cho biết: "Ba bức tranh là một tổng thể, mỗi bức cũng có thể được thưởng thức riêng biệt". Vị trí của ba tác phẩm được xác định bởi tính đối xứng của bố cục. Anh nói: "Bức tranh của tôi là bố cục đường chéo từ phía trên bên phải đến phía dưới bên trái. Bức bên trái (do Trần Hồng Dư vẽ) là một đường chéo đối diện, và bức ở giữa (do Lý Viên vẽ) là chuyển động hướng xuống".

Anh cũng tiết lộ, 3 tác giả của bộ tác phẩm này đều là giáo viên và học sinh trường Phổ thông Trung học Nghệ thuật Điểu Tùng, Đài Loan. Thái Thiếu Hàng và một thí sinh khác là Trần Hồng Dư đều đã tốt nghiệp trường Điểu Tùng. Để chuẩn bị cho cuộc thi vẽ tranh sơn dầu, họ trở về trường cũ và cùng với người hướng dẫn Lý Viên để sáng tạo. Sau hơn một năm làm việc nỗ lực, cuối cùng họ cũng hoàn thành tác phẩm.

Học cách “sáng tác”, dùng nghệ thuật để ca tụng Thần

Họa sĩ Đài Loan Thái Thiếu Hàng. (Lâm Nghi Quân/The Epoch Times)

Năm nay là lần thứ ba Thái Thiếu Hàng tham gia cuộc thi tranh sơn dầu của NTD, nhưng anh đã trải qua nhiều cái “lần đầu tiên”: lần đầu tiên anh vẽ nhiều nhân vật như vậy, lần đầu tiên anh tạo ra một tác phẩm quy mô lớn như vậy, lần đầu tiên anh đã lọt vào danh sách rút gọn của một cuộc thi, và là lần đầu tiên anh giành được giải thưởng lớn. Tuy nhiên, quá trình sáng tạo là một thách thức rất lớn.

Đầu tiên anh vẽ một bản phác thảo trên máy tính, và sửa đi sửa lại nhiều lần, điều chỉnh bố cục, chuyển động của từng nhân vật, cũng như mối quan hệ giữa các nhân vật. "Mỗi người trong nhóm chúng tôi có thể có hai mươi đến ba mươi phiên bản”. Khi vẽ, anh đã tìm rất nhiều người mẫu. "Mọi động tác đều do người thật thực hiện, rồi chuyển thành hình ảnh trong tranh".

Từ một tân binh không thành công trở thành người đoạt huy chương bạc, Thái Thiếu Hàng nhìn lại kinh nghiệm tham gia các cuộc thi của mình trong những năm qua, anh tin rằng, sự tiến bộ lớn nhất là học cách "sáng tác". “Lúc đầu tôi còn ở trạng thái học sinh, không nhận thức rõ ràng về sáng tác”. Để nâng cao chất lượng hội họa của mình, Thái Thiếu Hàng có ý thức nghiên cứu tác phẩm của các bậc thầy hội họa cổ xưa, và đọc rất nhiều sách để hấp thụ chất dinh dưỡng của sáng tạo. Anh nói: “Hiểu được những ý tưởng khác nhau, bao gồm các triết lý bí truyền và tín ngưỡng tôn giáo truyền thống, đồng thời không ngừng làm phong phú thêm suy nghĩ của riêng mình”.

Sau nhiều năm rèn luyện và tích lũy, Thái Thiếu Hàng cũng có quan điểm riêng về nghệ thuật vẽ tranh sơn dầu truyền thống. “Dù ở lĩnh vực nào thì cuối cùng cũng phải hỏi: ý nghĩa của kỹ thuật này là gì?” Anh nói: “Nguồn gốc của hội họa nghệ thuật truyền thống phương Tây là để thờ phượng và ca tụng Chúa”. Do đó anh cũng để sử dụng nó trong sáng tạo của riêng mình, thể hiện thế giới Thiên quốc trong trái tim mình, hy vọng sẽ mang lại một số gợi mở cho khán giả.

Thái Thiếu Hàng vô cùng cảm ơn cuộc thi tranh sơn dầu, giúp anh không ngừng hoàn thiện bản thân trên con đường khám phá hội họa truyền thống. Ngoài việc nâng cao kỹ thuật, anh còn có cơ hội gặp gỡ những họa sĩ cùng chí hướng trên khắp thế giới. "Khi tôi vẽ trong studio mỗi ngày, tôi khó có thể tiếp xúc với các nghệ sĩ truyền thống từ bên ngoài. Đây là cơ hội hiếm có để giao tiếp với mọi người".

Diệp Trăn - Epoch Times
Hoàng Mai biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Huy chương Bạc cuộc thi vẽ tranh NTD: Kể chuyện thần thoại của con người thời nay