Huyền Trang tây du ký (3): Trở về Đại Đường

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngoài việc giảng Pháp, phiên dịch kinh Phật, ngài Huyền Trang còn thuật lại những gì mắt thấy tai nghe ở các nước Tây Vực, để đệ tử Biện Cơ chấp bút viết lại thành "Đại Đường Tây Vực ký", kể lại câu chuyện về các nước Tây Vực mà ngài đã từng đến thăm trong những năm du học. 

Hoàng đế Đường Thái Tông đích thân viết "Bài tựa Đại Đường Tam Tạng Thánh Giáo", sau đó đã cho mời pháp sư Huyền Trang đến điện Khánh Phúc. Tại đây, trước mặt các quan trong triều, Thái Tông lệnh cho học sĩ Thượng Quan Nghi của Hoằng Văn Quán đọc "Bài tựa Đại Đường Tam Tạng Thánh Giáo" cho các quan nghe.

Tháng 6 năm Trinh Quán thứ 12, Thái tử Lý Trị viết "Thuật Thánh ký" và "Bồ Tát tạng kinh hậu tự" để tặng ngài Huyền Trang.

Sau đó, Thái tử Lý Trị cho lập “Phiên kinh viện”, đích thân đến chùa Hoằng Phúc mời pháp sư Huyền Trang trở thành thượng tọa ở chùa Ân Đức. Hoàng đế Đường Thái Tông, Thái tử và các phi tần ở hậu cung v.v...kính cẩn bưng lư hương nghi ngút trầm ở cổng An Phúc, rước pháp sư Huyền Trang đến cổng chùa. Thái Tông lệnh cho Triệu Công Anh, Trung thư lệnh Chử Toại Lương dẫn đường, diễn tấu chín bộ nhạc phá trận vũ trong điện (theo "Đại đường Tam tạng đại biến giác pháp sư tháp minh tinh tự”). Thái Tông đích thân ban tặng "Bài tựa Đại Đường Tam Tạng Thánh Giáo" cho ngài Huyền Trang. Sự hỗ trợ của Thái Tông đã giúp ngài Huyền Trang hoàn thành sự nghiệp phiên dịch kinh Phật vĩ đại.

"Thánh giáo tự" do hòa thượng Hoài Nhân lấy theo mẫu chữ của Vương Hy Chi để khắc (Ảnh thuộc miền công cộng)

Năm Trinh Quán thứ 22, Thái Tông cho mời ngài Huyền Trang đến cung Ngọc Hoa. Thái tông hỏi rằng: "Trẫm mê muội, không thể không dựa vào những nhà hiền triết. Nay muốn mời pháp sư cởi bỏ áo hòa thượng, mặc vào quan phục, cùng trẫm thảo luận công việc của đất nước, nghĩ cách để trị vì thiên hạ, không biết ý của pháp sư thế nào?"

Ngài Huyền Trang đáp rằng: "Bệ hạ nói một mình ngài không thể hoàn thành trách nhiệm trị nước, phải dựa vào các nhà hiền triết, cùng nhau trị vì thiên hạ. Đây là những lời khiêm nhường của bệ hạ. Hiện tại thiên hạ thái bình, trong ngoài yên ổn, đều là nhờ bệ hạ không xao nhãng, không kiêu căng, không xa xỉ, không lãng phí, cẩn thận cần cù, trong thời bình vẫn nghĩ đến thời loạn nên mới được như vậy. Bệ hạ có thể ngăn chặn tai họa, an định thiên hạ, bảo vệ xã tắc khiến người dân yên vui. Bệ hạ thông minh tài đức, nhìn xa trông rộng, không cần dựa vào người khác. Đây là điều thứ nhất.

Bệ hạ lấy gốc bỏ ngọn, tôn sùng đức của Nho, thay đổi thói hư của tập tục, chánh sự thuần thiện như thời thượng cổ, trọng thi phú hơn sắc lệnh, dùng sử sách hơn dùng hình, chín châu bốn biển ghi nhớ không quên, ân vua rưới khắp, mọi nhà yên vui, ấy lại là đại tâm của Thánh nhân giáo hóa chứ đâu nhờ người khác, đó là điều thứ hai.

Bệ hạ gần thì thông đạo lớn, xa thì hợp với nhân từ, Đông thì qua đến Nhật Vực, Tây thì bước tới Côn Khâu, Nam thì đến tận Viêm Châu, Bắc thì đến tận Huyền Tái, đổi thay tục ăn uống, chuyển hóa cách trang phục, ai nấy đều đợi gió mong mưa, cúi đầu quỳ lạy, dâng hiến bảo vật, cống nạp đất đai, ấy là nhờ uy Trời mà có, chứ đâu nhờ người khác, đó là ba.

Ngoài biên ải, cái họa của rợ phương Bắc xưa nay đã lâu, Tam Vương Ngũ Đế đều chưa ngăn chặn được, khiến cho cả vùng sông Vị, sông Hà thành vùng đất của người rợ xõa tóc, làm cho đất Phong đất Cảo thành chiến trường đao binh. Đến thời Hán Vũ, dùng hết binh hùng tướng mạnh như Vệ Thanh, Hoắc Khứ Bệnh, mới giành được một số thành tích, nhưng chỉ mới chặt phá cành nhánh chứ gốc rễ của di địch vẫn còn. Bệ hạ lên ngôi, chinh phạt thì diệt tận, lấp ổ phá hang chẳng còn dấu vết. Những dải đất mênh mông bao la ấy đều tiếp nhập với vương triều, họ đâu chỉ cung cấp những người bắn cung cưỡi ngựa, mà còn cống hiến cả thần, thiếp. Nếu nói do người khác, thì từ Nghiêu Thuấn đến nay hiền thần phụ chánh rất nhiều, sao không lấy được? Vì thế mà biết hễ người có đạo đức thì được chứ đâu nhờ người khác, đó là thứ tư”.

Bức tranh Ngài Huyền Trang cõng kinh sách, đời Tống, hiện được lưu giữ tại bảo tàng Tokyo (Ảnh thuộc miền công cộng)

“Cao Ly là nước nhỏ thất lễ với thượng quốc, Dạng Đế đã đích thân đem hết binh lính trong nước chinh phạt đến ba lần, đều không thành công phải trở về. Đến khi bệ hạ xuất chinh, chỉ đem mấy vạn kỵ binh mà phá sạch thành kiên cố, cầm tù hơn ba mươi vạn, gióng trống khải hoàn. Bởi vì đạo dùng binh khiển tướng khác nhau, do đó nhà Tùy thì thua, nhà Đường lại thắng, thế mới biết là do người chủ, chứ nào phải nhờ vào ai khác, đó là năm.

Thần Huyền Trang nào có tài năng gì, làm sao có thể can thiệp vào việc xã tắc, vẫn nên ở nơi Phật môn để tuyên dương Phật Pháp. Thần chỉ có một tâm nguyện này, xin bệ hạ thương xót cho chí nguyện này”.

Thái Tông đáp rằng: "Những điều Pháp sư vừa kể đều là do Trời ban, nhờ tổ tiên tông miếu che chở. Một mình trẫm làm sao có thể làm được. Nếu Pháp sư đã muốn phát huy con đường đạo pháp huyền diệu, trẫm cũng không thể đi ngược với chí hướng lớn này".

Trung Thư Lệnh Chử Toại Lương nói rằng: "Đúng như Pháp sư nói, hôm nay bốn biển được trong sạch, chín châu được yên bình đều là nhờ Thánh đức của bệ hạ".

Thái Tông cười nói rằng: "Không phải như vậy đâu. Một chiếc áo lông quý giá há có thể chỉ do một tấm da hồ ly có thể làm thành? Xây dựng lầu cao phải dựa vào các loại vật liệu mới có thể tạo thành. Làm sao có chuyện vua của một nước có thể một mình trị vì được thiên hạ muôn dân?” ("Phật tổ lịch đại thông tải" - quyển 10)

Pháp sư Huyền Trang rất giỏi tiếng Phạn. Ngài có thể đọc kinh điển tiếng Phạn giống như xem bản thảo do chính mình biên soạn, trực tiếp dịch miệng thành tiếng Hán nhưng vẫn không mất đi phong vận của bản gốc. Ngài Huyền Trang vâng lệnh Hoàng đế tiến hành phiên dịch kinh Phật, dịch nguyên nghĩa không trau chuốt. Ở những chỗ tiếng Hán không có chữ tương ứng, dịch âm tiếng Phạn cũng khó có thể biểu đạt được nghĩa gốc, ngài sẽ rất đắn đo cân nhắc, dựa vào các kinh điển để chọn chữ. Ngài Huyền Trang luôn tỉ mỉ, suy nghĩ tìm tòi, sợ rằng văn dịch sẽ không giống với nghĩa gốc của nguyên tác. (Trong cuốn "Đại Đường tây vực ký" quyển 10)

Bản sao "Đại Đường tây vực ký" đời Càn Long nhà Thanh (Ảnh thuộc miền công cộng)

"Đại Đường tây vực ký" chép rằng, cách Pháp sư Huyền Trang phiên dịch kinh văn không giống với ngài Đồng Thọ (Cưu Ma La Thập, cao tăng nước Khâu Từ) dịch kinh Phật ở vườn Tiêu Diêu, có sự sửa chữa và lược dịch của các vị Tăng Triệu, Đạo Dung, Đạo Duệ, v.v... Phiên dịch kinh Phật có ý nghĩa huyền diệu, phải sử dụng từ ngữ đơn giản trong sáng, nhưng không được sai khác với nghĩa gốc, như vậy mới là cách phiên dịch tốt nhất. Trau chuốt câu chữ quá mức sẽ không tránh khỏi việc sa vào những điều hoa mỹ, hào nhoáng, thế nhưng quá mức đơn giản sẽ tạo ra cảm giác nông cạn, thô tháo. Chính xác ngay thẳng, không quá trau chuốt, rõ ràng trong sáng mà không thô tục, như vậy mới không mắc sai lầm, vậy mới gọi gọi là phiên dịch. Mọi người thử nghĩ xem, làm sao có thể vì muốn kinh Phật thêm hoa mỹ, mà tự ý thêm bớt so với nguyên ý của kinh Phật

Hoàng đế Đường Thái Tông nghe nói rằng ngài Huyền Trang đã đi qua hơn 100 nước, liền lệnh cho ngài kể lại tường tận sông núi phong tục những quốc gia này, biên soạn ra “Đại Đường tây vực ký” để lưu lại cho đời sau. Ngài Huyền Trang tuân mệnh làm theo. Do vậy, ngoài việc giảng Pháp, phiên dịch kinh Phật, ngài Huyền Trang còn thuật lại những gì mắt thấy tai nghe ở các nước Tây Vực, để đệ tử Biện Cơ chấp bút viết lại thành "Đại Đường Tây Vực ký", kể lại câu chuyện về các nước Tây Vực mà ngài đã từng đến thăm trong những năm du học.

"Đại Đường Tây Vực ký" ghi lại câu chuyện về các nước ở Tây Vực, giúp cho người đời sau giống như được tận mắt chiêm ngưỡng những quốc gia này, giống như tự mình đi qua hành trình ngàn dặm ấy. Trên quãng đường đi du học, ngài Huyền Trang đã nhớ lại sơ lược tình hình của các nước Tây Vực, tận mắt nhìn thấy những nước đã thần phục, nhận sự giáo hóa của Đại Đường và cả những nước rất ngưỡng mộ Đại Đường. Người dân nơi ấy truyền tụng về công lao của Thái Tông, tán dương sự thịnh trị của Đại Đường, cho rằng Đại Đường là quốc gia đứng đầu trong thiên hạ.

"Đại Đường Tây Vực ký" (Wikipedia - Ảnh thuộc miền công cộng)

110 nước mà ngài Huyền Trang tự mình viếng thăm, và 28 quốc gia mà ngài đã được nghe người khác thuật lại, đều nhận ân đức của Đại Đường. Vua của những nước Nhung Di khi nhìn thấy chim hồng nhạn từ phương Đông bay tới (chỉ ngài Huyền Trang) đều nghiêng mình, đối đãi cung kính. Những quốc gia này hoặc là xin thần phục Đại Đường hoặc, là xin Đại Đường phái đến giúp họ trị nước. Họ sử dụng lễ nhạc của Trung Quốc, xin được trở thành thần dân của Đại Đường, vì thế trèo đèo lội suối, vượt đường xá xa xôi để đến triều cống cho Đại Đường.

Trong hành trình mấy vạn dặm, những quốc gia ngài Huyền Trang từng đi qua có những quốc gia ở phía tây bắc Trung Quốc ngày nay, khu vực Trung Á, Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Sri Lanka, Iran và các nước Tiểu Á. Đây là hành trình xưa nay chưa từng có, điển tịch của các thế hệ trước cũng chưa từng ghi lại.

Trong hành trình mấy vạn dặm đường một mình từ Đại Đường đến Thiên Trúc, chẳng phải dựa vào công lao tạc xuyên Tây Vực (nghĩa là mở mang đường lối cho thông suốt) của Trương Khiến, ngài Huyền Trang vẫn có thể khiến núi Linh Thứu của Ấn Độ xuất hiện ở Trung Nguyên, khiến vườn Lộc Uyển của Ấn Độ trở thành khu vườn của Đại Đường. Đó là bởi vì sự thuần hậu của Hoàng đế Đại Đường đã theo gió bay đến bốn phương, mỹ đức cao quý của Thái Tông truyền khắp thiên hạ, được uy đức của Hoàng đế che chở, ban phúc đức khắp thiên hạ mới có thể tạo nên câu chuyện tây du vang danh sử sách của ngài Huyền Trang.

Đúng như trong "Đại Đường Tây Vực ký", từ xưa đến nay, từ sự nghiệp dùng đức hạnh để giáo hóa dân của Tam Hoàng, đến những ghi chép về Ngũ Đế, Phục Hy sáng tạo văn minh ở phương Đông, Hiên Viên Hoàng Đế vô vi mà trị vì thiên hạ, phân chia lãnh thổ, giáo hóa dân chúng. Tiếp đó vua Nghiêu tiếp nhận Thiên mệnh, ánh sáng đức hạnh chiếu sáng khắp bốn biển, vua Ngu Thuấn thu nhận vật cống nạp, ân đức trải khắp cửu châu. Thế nhưng lời giáo huấn của những bậc Thánh vương hiền đức này chỉ thấy trong sử sách. Trên thực tế, có lúc nào thiên hạ được thái bình, vô vi mà trị chăng? Vương triều Đại Đường thuận theo Thiên Đạo, thời vận mà thành lập, nắm giữ kỷ cương trong thiên hạ.

Dựa theo lời kể của ngài Huyền Trang về các nơi ở Tây Vực, tuy rằng không có phương pháp để khảo chứng rõ ràng, thế nhưng cũng đủ để chúng ta thấy uy danh của Đại Đường đã vươn xa khắp thiên hạ. Vạn vật trong thiên hạ đều được tắm trong ân trạch của Đại Đường, không ngừng khen ngợi công đức muôn đời của bậc Thánh vương.

(Hết)

Hoàng Phủ Dung - Epoch Times
Đức Nhân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Huyền Trang tây du ký (3): Trở về Đại Đường