Huyền Trang thỉnh kinh (1): Liều mình đi cầu Phật Pháp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hình mẫu có thật của nhân vật Đường Tăng trong tiểu thuyết Tây Du Ký chính là ngài Huyền Trang và cuộc đời truyền kỳ của ngài. Nội dung bài viết này là những điều được đệ tử ghi lại khi ngài Huyền Trang kể về hành trình thỉnh kinh và hồi ức của các đệ tử, kết hợp với những ghi chép trong lịch sử, giúp chúng ta hình dung được hình ảnh thật sự của pháp sư Huyền Trang trong lịch sử. 

Khi ngài vừa sinh ra, mẹ của ngài có một giấc mơ. Trong mơ, mẹ thấy ngài mặc một bộ đồ trắng, đi về hướng Tây. Mẹ ngài hỏi rằng: “Con là con trai của ta, con muốn đi đâu?”

Người con trai trả lời: “Con muốn đi cầu Pháp!”

13 tuổi đã đăng đàn thuyết Pháp

Ngài Huyền Trang sinh vào khoảng năm 600 ở Trần gia thôn cách thành Lạc Dương 30 km (Nay là huyện Yển Sư tỉnh Hà Nam)

Ngài Huyền Trang có gia thế rất hiển hách. Cha của ngài là Trần Tuệ, là người thông hiểu kinh điển và thuật quản lý thiên hạ, nhưng tính tình đạm bạc không màng danh lợi, không ham muốn chức tước. Lúc đó triều đình nhà Tùy suy bại, ngài Trần Tuệ từ quan về ở ẩn. Mặc dù nhiều lần được tiến cử và được bổ nhiệm làm quan, nhưng ngài Trần Tuệ đều cáo bệnh không ra làm quan, chỉ dốc lòng nghiên cứu học tập kinh điển.

Ngài Huyền Trang có tục danh là Trần Y, là con trai thứ tư trong gia đình. Lúc 8 tuổi, khi cha ngài ngồi ở chiếc bàn nhỏ dạy ngài đọc "Hiếu kinh", giảng đến đoạn thầy Tăng Tử rời chiếu đứng dậy, cậu bé Trần Y đột nhiên chỉnh sửa quần áo, đứng nghiêm trang một bên. Khi cha hỏi lý do, ngài đáp rằng: "Ngài Tăng Tử nghe thầy dạy dỗ, còn rời khỏi chỗ ngồi. Con làm con, nghe cha dạy bảo, làm sao có thể ngồi yên được!"

File:20231119 Hometown of Xuanzang 01.jpg
Quê cũ của ngài Huyền Trang (Wikipedia/Windmemories/4.0)

Dưới sự dạy dỗ của cha, cậu bé Trần Y thông minh hơn người, kính trọng các bậc Thánh hiền. Ngài học hỏi cách cư xử của Thánh nhân, không xem những loại sách không phù hợp, không kết bạn với những người thích chơi đùa, lại càng không đi dạo chơi nơi phố phường. Dù ngoài cửa có chiêng trống ồn ào, trăm trò tạp kỹ náo nhiệt, cậu bé Trần Y cũng không động tâm, chỉ chú tâm dùi mài kinh sử. Tính tình của ngài tao nhã lịch sự, kính cẩn giản dị.

Năm Trần Y 5 tuổi, mẹ ngài mất; năm 10 tuổi, cha của ngài cũng qua đời. Những biến cố lớn trong gia đình đã khiến ngài Huyền Trang sớm cảm nhận được sự vô thường của cuộc đời. Năm 11 tuổi, ngài theo anh trai đến chùa Tịnh Thổ ở thành Lạc Dương để học tập Phật Pháp.

Vào thời nhà Tùy, người xuất gia phải thi đạt tiêu chuẩn mới có thể nhận được giấy chứng nhận tăng nhân, gọi là độ điệp, mới có thể làm sa di. Thế nhưng người dự thi phải đủ 18 tuổi. Cậu bé Trần Y lúc này vẫn còn nhỏ tuổi, không thể dự thi. Chủ khảo của Đại Lý Tự Khanh là Trịnh Thiện Quả, nhìn thấy cậu bé Trần Ý trước cửa nha môn có thần thái hơn người, liền hỏi cậu bé vì sao muốn xuất gia. Trần Y trả lời rằng: "Con muốn kế thừa Phật Pháp của Như Lai, hoằng dương chính Pháp".

Trịnh Thiện Quả khen ngợi rằng cậu bé này có chí hướng lớn, phong thái phi phàm, sau đó còn biết được ngài xuất thân từ gia đình danh môn, nên đã đặc cách cho ngài làm sa di, ghi vào sổ tăng tịch. Từ đó về sau, cậu bé Trần Y có pháp danh là "Huyền Trang".

Sau đó, ngài Huyền Trang quên ăn, quên ngủ, chuyên tâm học tập kinh Phật. Đến năm 13 tuổi, ngài đã có thể đăng đàn thuyết Pháp, được mọi người khen ngợi.

So với danh tiếng, lợi ích, thì điều quan trọng hơn chính là hiểu được ngọn nguồn của Phật Pháp

Năm 20 tuổi, ngài Huyền Trang thọ giới cụ túc ở Thành Đô, chính thức trở thành tăng nhân. Sau khi thọ giới cụ túc, ngài phải tuân thủ hơn 250 điều giới luật.

Năm 24 tuổi, ngài Huyền Trang nhận được danh hiệu "Tam Tạng" - học vị dành cho người thông hiểu Tam Tạng Kinh, Luật, Luận, và là cấp bậc Pháp sư cao nhất.

Tuy nhiên trong nghiên cứu kinh điển Phật Pháp, ngài Huyền Trang phát hiện rằng, nội dung và ý nghĩa của kinh Phật không đầy đủ và không chắc chắn. Ngài không ngừng tìm đến những bậc cao tăng để xin chỉ giáo, đi khắp các vùng nam bắc hơn một nửa nước Trung Quốc. Thế nhưng những nghi hoặc của ngài ngày càng nhiều. Ngài phát hiện rằng nhận thức về Phật Pháp của mỗi người không giống nhau, bản thân cũng không biết nên theo đường nào.

Khi đó, ngài Huyền Trang nổi tiếng khắp kinh thành với danh xưng là “Phật môn thiên lý câu" (Tuấn mã ngày đi ngàn dặm của Phật môn), thế nhưng ngài cảm thấy so với danh tiếng, lợi ích, thì điều quan trọng hơn chính là hiểu được ngọn nguồn của Phật Pháp.

"Bức tranh ngài Huyền Trang tây du", trong bộ sưu tập ở bảo tàng quốc gia Tokyo (Ảnh thuộc miền công cộng)

Thế nên ngài Huyền Trang quyết định sẽ đi đến Thiên Trúc, nghiên cứu những kinh điển gốc bằng tiếng Phạn, tìm kiếm ý nghĩa chân chính của Phật Pháp. Ngài vừa học tiếng Phạn, vừa dâng tấu xin triều đình cho phép ngài đi Tây Trúc để thỉnh kinh.

Khi ấy, Đại Đường mới thành lập, lãnh thổ của đất nước chưa mở rộng đến vùng xa, chiến tranh loạn lạc, trộm cướp hoành hành, nên người dân bị cấm đi ra nước ngoài. Sau nhiều lần dâng tấu, ngài Huyền trang vẫn không nhận được chấp thuận, nhiều tăng nhân muốn cùng ngài lên đường đều lần lượt rút lui.

Vào thời ấy, rất ít tăng nhân đến Ấn Độ cầu Pháp có thể quay về được. Có người mất trên đường đi, có người mắc bệnh rồi mất ở nơi đất khách quê người. Dù đi bằng đường thủy hay đường bộ, hành trình từ Trung Quốc đến Ấn Độ đều ẩn chứa vô vàn nguy hiểm, thập tử nhất sinh.

Một đêm nọ, ngài Huyền Trang mơ thấy một tòa bảo sơn tạo thành từ vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh, sáng lấp lánh giữa biển. Sóng to gió lớn mãnh liệt, không thuyền nào có thể vượt qua. Thế nhưng ngài Huyền Trang vẫn quyết tâm nhảy xuống biển. Vừa đặt chân xuống, từ dưới biển xuất hiện một tòa sen đá theo bước chân của ngài. Ngài nhấc chân lên, toàn sen đá biến mất. Cứ như thế, ngài bước trên tòa sen, chẳng bao lâu sau đã đến được toàn núi kia. Nhưng tòa bảo sơn ấy vách núi cheo leo, khó có thể leo lên được. Ngài Huyền Trang thử nhảy lên, bỗng có một luồng gió xoáy nâng ngài lên, cơn gió đưa ngài lên đến đỉnh núi, một chân trời mênh mông hiện ra dưới chân ngài, bao nhiêu đất nước, xứ sở đều hiện rõ ra trước mắt…

Sau khi tỉnh lại, ngài Huyền Trang ngộ ra rằng, với sự gia trì của chư Thần, nguy hiểm nào cũng đều có thể hóa giải, đây là chư Bồ Tát đang khích lệ ngài. Thế là ngài càng thêm tin tưởng và quyết định cho dù không được cho phép, ngài cũng sẽ đi Tây thiên.

Năm Trinh Quán thứ 3 (năm 629), phía bắc gặp sương rét nghiêm trọng. Triều đình mở cửa thành để dân chúng tản ra khắp nơi tránh nạn. Ngài Huyền Trang lúc đó 29 tuổi. Ngài hòa vào dòng người tị nạn ra khỏi thành. Thế nhưng khác với những người dân chạy nạn kia, mục tiêu của ngài không phải là thức ăn, mà chính là Phật Pháp.

Ngài Huyền Trang không có giấy phép thông hành, "vi phạm luật pháp", xuất ngoại đi về về phía Tây, một khi bị phát hiện sẽ bị truy nã xử tội, con đường phía trước ẩn chứa vô vàn nguy hiểm khó khăn.

(Còn tiếp)

Tần Thuận Thiên - Epoch Times
Đức Nhân biên dịch

Tài liệu tham khảo:

  1. Cựu Đường thư - Liệt truyện thứ 141
  2. "Truyện Tam Tạng Pháp Sư Chùa Đại Từ Ân Đời Đường" - Tuệ Lập biên soạn bổn văn, Thích Ngạn Tông chú thích biên chép lạ
  3. "Tục cao tăng truyện", "Đại chính tạng" - Đạo Tuyên
  4. "Đại Đường cố Tam tạng Huyền phần pháp sư hành trang", “Đại chính tạng” - Minh Tường
  5. Tân An thị chí (cuốn thứ 7) - Nhân vật chí



BÀI CHỌN LỌC

Huyền Trang thỉnh kinh (1): Liều mình đi cầu Phật Pháp