Kẻ bỏ mẹ mình chết đói, sau khi chuyển sinh thành đệ tử của Đức Phật có số phận ra sao? [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi Đức Phật còn tại thế, trong thành phố có một người sinh ra trong gia đình Bà La Môn, sống rất nghèo khổ. Ông ta kiếm sống bằng nghề ăn xin, thậm chí vợ ông ta cũng phải ra ngoài đi ăn xin. Sau đó, họ sinh ra một bé trai không chỉ gầy gò, xấu xí mà còn bị gù lưng. Bố mẹ gọi cậu là “tiểu gù”. Sau này khi “tiểu gù” trở thành đệ tử của Đức Phật, anh ta cũng vẫn không thể thay đổi số phận nghiệt ngã của mình. Vậy rốt cuộc là nguyên do vì sao? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về câu chuyện Phật giáo nổi tiếng này.

Khi lớn lên, cậu bé gù cũng bắt đầu cuộc sống ăn xin của mình, nhưng vì nghiệp lực từ trước nên cậu thường xuyên không xin được thức ăn, và mỗi khi gần như sắp chết đói thì cậu mới kiếm được một chút thức ăn để duy trì sự sống. Vì vậy, cậu đều vô cùng đau khổ cả về thể xác lẫn tinh thần Sau đó, cậu dần dần dâng khởi tín tâm với những lời dạy của Đức Phật Thích Ca và được sự đồng ý của cha mẹ, cậu đã xuất gia và thụ giới.

Cậu dần dần dâng khởi tín tâm với những lời dạy của Đức Phật Thích Ca và được sự đồng ý của cha mẹ, cậu đã xuất gia và thụ giới. (Ảnh: Pixabay)

Đôi khi cậu cùng với các tăng chúng khác đi nhận đồ cúng dưỡng, và đôi khi một mình đi vào thành để khất thực hóa duyên. Nhưng ngay cả khi đi nhận cúng dường với các tỳ kheo, cậu thường không nhận được thức ăn, trong khi các vị tỳ kheo khác lại được ăn uống đầy đủ. Có khi đến lượt cậu, thì nếu không phải đồ ăn của người cúng dưỡng đã hết sạch thì cũng là người cúng dưỡng có việc đột xuất phải vội vã rời đi, khi quay lại thì bỏ sót cậu mà tiếp tục cung dưỡng cho tỳ kheo phía sau. Trong số tất cả các tăng nhân, anh là người sống khổ nhất.

Vì vậy, Đức Thế Tôn đã đặt ra một giới luật: “Trước khi các Tỳ kheo ở trên có được thức ăn, các tỳ kheo phía dưới không được nhận thức ăn”. Mặc dù vậy, tỳ kheo gù lưng kia vẫn thường xuyên không có được thức ăn, và ngay cả khi đi vào thành khất thực vẫn thường trở về tay không.

Sau này, có hai ngày anh quét dọn bên trong điện đường của Đức Phật, anh được ăn uống tốt và trở nên khỏe mạnh. Vì vậy anh nắm bắt thời cơ dũng mãnh tinh tấn tu luyện, ngay lập tức cắt bỏ mọi phiền não, và đạt được quả vị A-la-hán. Tuy nhiên, dù là một vị La Hán nhưng anh vẫn phải gánh chịu nghiệp báo.

Anh nghĩ: “Mình cứ hàng ngày quét dọn nơi Phật đường, thì có thể sẽ có cuộc sống tốt hơn chút”. Thế là anh lại vào Phật đường, nhưng hôm đó một tỳ kheo khác đã quét dọn sạch cả bên trong và bên ngoài điện đường rồi nên anh phải mang y bát đi vào thành phố để khất thực, Nhưng vẫn không xin được gì. Ngày hôm sau, anh tự tin cầm chổi đi vào điện đường từ sáng sớm, ai ngờ lại có một tỳ kheo khác đã quét dọn sạch sẽ bên trong, nên anh phải quay trở lại.

Sau khi trở về, nghe nói có một đại thí chủ sẽ cúng dưỡng cho Đức Phật và các tăng chúng vào buổi trưa. Tuy nhiên, thí chủ đó khi tới lại có việc gấp nên đã cúng dưỡng trước, còn tỳ kheo ‘tiểu gù’ đúng lúc đó đang ngồi thiền nên không biết. Khi Đức Phật Thích Ca nhận cúng dưỡng xong, thí chủ đó cũng rời đi, ‘tiểu gù’ lại không được ăn.

Khi Đức Phật Thích Ca nhận cúng dường xong, thí chủ đó cũng rời đi, ‘tiểu gù’ lại không được ăn. (Ảnh: Pixabay)

Đến ngày thứ ba, ‘tiểu gù’ lại quyết tâm cầm chổi đi vào điện đường sớm hơn nữa, đã thấy có tỳ kheo đang quét dọn, đành phải quay trở về. Tôn giả A Nan biết ‘tiểu gù’ đã ba ngày không được ăn nên đã cố ý đặc biệt giới thiệu anh ta với một vị thí chủ để buổi trưa đến nhà nhận đồ ăn. Tuy nhiên, phút cuối, thí chủ đó lại có việc phải lập tức đi ngay, ông vội vàng nên quên nói với người nhà rằng: “Trưa nay sẽ có một vị tỳ kheo đến nhận cúng dưỡng”. Vì vậy, khi ‘tiểu gù’ đến khất thực, không ai thèm để ý tới. Khi đi khất thực trở về, Tôn giả A Nan biết được La Hán ‘tiểu gù’ vẫn không có gì ăn, liền động lòng thương an ủi: “Đừng lo, ngày mai ta sẽ hỗ trợ”.

Sáng ngày thứ tư, Tôn giả A Nan mang theo hai cái bát đi vào thành, ông đã xin được hai bát đầy đồ ăn, ông ăn một bát và bát còn lại chuẩn bị mang về cho ‘tiểu gù’. Khi đi đến rừng Chích Đà, rất nhiều con chó dữ xông tới cướp đồ ăn trong bát. Mặc dù A Nan đã cố gắng hết sức nhưng không thể làm gì, cuối cùng chỉ còn lại chiếc bát trống rỗng. Tôn giả A Nan nghĩ: “Cho dù có đi khất thực thêm lần nữa, dù có quay về nhanh thì cũng đã quá trưa rồi. Mà sau trưa, dù thế nào thì A La Hán đều không được ăn”. Vậy là ‘tiểu gù’ vẫn không được ăn. Mục Kiền Liên nghe nói ‘tiểu gù’ đã bốn ngày không ăn nên rất thương, và muốn giúp cậu ta khất thực.

Tôn giả Ananda mang theo hai cái bát đi vào thành, ông đã xin được hai bát đầy đồ ăn, ông ăn một bát và bát còn lại chuẩn bị mang về cho ‘tiểu gù’. (Ảnh: Pixabay)

Vào ngày thứ năm, Mục Kiền Liên mang hai chiếc bát vào thành đi khất thực, sau khi hóa duyên được cho hai bát đầy thức ăn, ông ăn một bát và bát còn lại chuẩn bị mang về cho ‘tiểu gù’. Đến rừng Chích Đà, đột nhiên có một bầy quạ bay đến cướp hết chỗ cơm trong bát. Mục Kiền Liên dù cố gắng hết sức cũng không thể giữ được chút nào. Mục Kiền Liên thầm nghĩ: “Nếu ta quay lại thành phố để khất thực, thì lúc quay về đã quá trưa rồi”. Ông lại đành phải trở lại với một cái bát trống rỗng. Thế là, ‘tiểu gù’ vẫn không có chút thức ăn nào vào bụng. Tôn giả Xá Lợi Tử biết được ‘tiểu gù’ đã bị đói trong năm ngày, nên đã đến an ủi anh ta và dự định sẽ giúp anh ta vào ngày mai.

Đến ngày thứ sáu, Tôn giả Xá Lợi Tử cũng mang theo hai cái bát đi khất thực ở trong thành, sau khi xin được hai bát đầy thức ăn, ông đã ăn một bát và bát còn lại mang về cho ‘tiểu gù’. Nhưng tới rừng Chích Đà, do nghiệp lực tiền kiếp của ‘tiểu gù’, một nhóm người xấu đã đến và giật chiếc bát, và sau đó biến mất. Xá Lợi Tử thấy nếu lại đi khất thực tiếp thì cũng quá buổi trưa, lại đành phải trở về tay không. La Hán ‘tiểu gù’ vẫn chưa có đồ ăn, Xá Lợi Tử lại an ủi: “Dù thế nào thì ngày mai ta nhất định sẽ tìm cách giúp cậu khất thực”.

Ngày thứ bảy, Xá Lợi Tử lại vào thành khất thực, hóa duyên. Ông lại xin được hai cái bát đầy thức ăn. Ông ăn một bát còn bát kia mang về được tới trước cửa phòng ‘tiểu gù’. Nhưng bất chợt tất cả các cửa và cửa sổ đều bị bịt kín và không thể vào được. Xá Lợi Tử triển hiện thần thông, biến hóa để vào được trong phòng, bảo La Hán ‘tiểu gù’ đi rửa mặt và nhận đồ ăn. Tuy nhiên, ngay khi bàn tay của ‘tiểu gù’ giơ vươn, chiếc bát đã rơi xuống đất và rơi thẳng xuống đất Kim Cang đại địa (cách mặt đất hơn 4 vạn do tuần - đơn vị đo lường Ấn Độ cổ, một do tuần khoảng 4.68 km). Xá Lợi Tử lại sử dụng thần thông lấy lại cái bát từ Kim Cang đại địa, rồi đưa cho ‘tiểu gù’. Nhưng ‘tiểu gù’ vừa cầm bát lên, ăn miếng đầu tiên, vừa đưa tới miệng đã bị quỷ cướp lấy, và miếng thứ hai cũng bị giật đi. Xá Lợi Tử đích thân đút cho anh, nhưng miệng 'tiểu gù' bị đóng chặt và không thể mở ra được. Xá Lợi Tử thi triển các loại thần thông để giúp mở miệng cho ‘tiểu gù’, nhưng làm thế nào cũng không mở ra được. Sau một lúc thì đã qua mất buổi trưa, không được ăn nữa thì miệng của 'tiểu gù' lại có thể mở ra được. Xá Lợi Tử bất lực hỏi ‘tiều gù’ cảm thấy thế nào? Tiểu gù nói: “Tôi chỉ khát, cho tôi uống một ngụm nước!”

Xá Lợi Tử lấy một bát nước, lại là nghiệp lực xuất hiện, rất nhiều quỷ đã ném tro xuống nước và biến thành bát nước tro. La Hán ‘tiểu gù’ biết rằng đây là sự ngăn trở của nghiệp lực từ kiếp trước của mình, anh liền húp một ngụm nước tro, sau khi thể hiện các loại thần thông như giáng mưa đá, sấm chớp… ‘tiểu gù’ đã nhập Niết bàn. Các tỳ kheo xây thành một tòa tháp đặt di thể La Hán 'tiểu gù' và cúng dưỡng nhiều loại đồ khác nhau.

Sau đó, các tỳ kheo hỏi Đức Phật Thích Ca: “Thưa Thế Tôn, ‘tiểu gù’ đã gây ra ác nghiệp gì mà trong suốt bảy ngày dù các vị tỳ kheo đã nỗ lực hết sức để cứu anh ấy, và dù anh ấy đã là bậc La Hán mà phải nhập Niết bàn trong tình trạng đói khát? Kính mong Đức Thế Tôn diễn thuyết về nhân duyên của anh ấy”.

Đức Phật thuyết Pháp cho các đệ tử về câu chuyện tiền kiếp của cậu bé lưng gù (Miền công cộng)

Đức Phật nói với các vị tỳ kheo: “Đây là do nghiệp của đời trước. Nghiệp lực của tất cả chúng sinh không phải chín muồi ở những thứ bên ngoài như đất, nước, lửa, gió, mà nó chín muồi ở trong thân thể và tâm trí của bản thân mỗi người. Như có câu nói rằng ‘trải qua muôn ngàn vạn kiếp, nghiệp tạo nên không trốn thoát được, đến lúc nhân duyên hội ngộ thì phải tự chịu quả báo’.

Cách đây rất lâu, có cặp vợ chồng thí chủ đều bố thí rất rộng rãi. Sau khi con cái khôn lớn, vị thí chủ đó qua đời, vợ ông ấy tiếp tục làm từ thiện rất nhiều nhưng người con đã phản đối và nhiều lần cảnh báo người mẹ: ‘Lúc cha còn sống đã bố thí nhưng chúng ta không thể làm thế, mẹ không được mang hết tài sản của gia đình đem cho người khác’. Nhưng người mẹ vẫn hào phóng bố thí như trước.

Một ngày nọ, không ngờ người con thực sự nhẫn tâm đã nhốt mẹ mình trong phòng và không cho bà ăn uống, ý định bỏ đói bà cho đến chết. Mặc cho mẹ van xin hết lần này đến lần khác, anh ta vẫn không cho mẹ một ngụm nước hay một chút thức ăn nào, cũng không cho mẹ ra ngoài. Sự việc cứ thế kéo dài liên tục trong bảy ngày. Người thân và bạn bè anh ta đến và trách móc, anh ta mới buộc phải thả mẹ mình ra ngoài. Lúc đó, người mẹ đã đang hấp hối. Người thân hỏi bà: ‘Bây giờ bà cần gì?’

Bà nói: ‘Tôi muốn uống một ngụm nước’.

Nghe xong, người con trai nghĩ: ‘Nếu đổ tro vào nước, bà ấy uống vào chắc chắn sẽ chết ngay lập tức’.

Anh ta liền rắc tro vào nước cho mẹ uống. Người mẹ uống một ngụm nước tro rồi lìa đời.

Này các tỳ kheo, các ngươi nghĩ thế nào? Người con trai bất hiếu lúc đó chính là ‘tiểu gù’ ngày nay. Vì anh ta dùng thủ đoạn đó để sát hại mẹ nên anh ta đã bị đọa vào địa ngục ngàn đời, dù có đầu thai đến đâu cũng chết đói như thế. Tuy rằng đây là kiếp cuối cùng của anh ta, sẽ không còn luân hồi, nhưng vẫn là phải uống một ngụm nước tro cốt rồi mới nhập Niết Bàn.”

Minh An
Theo Secretchina



BÀI CHỌN LỌC

Kẻ bỏ mẹ mình chết đói, sau khi chuyển sinh thành đệ tử của Đức Phật có số phận ra sao? [Radio]