Khám phá ý nghĩa 8 bức tranh thủy mặc nổi tiếng của Trung Hoa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tranh thủy mặc Trung Hoa là một loại hình nghệ thuật độc đáo và sâu sắc, có đặc trưng bởi sự đơn giản vốn có của nó, chỉ dựa vào các công cụ cơ bản như giấy, bút vẽ và mực. Tuy nhiên, các bức tranh thể hiện sự tinh tế thông qua khả năng khắc họa vô số câu chuyện bằng hình ảnh, cách sử dụng sắc thái của tông màu và độ bóng.

Phải mất nhiều năm các họa sĩ vẽ tranh thủy mặc mới có thể trau dồi kỹ năng và nắm vững các kỹ thuật vẽ đa dạng. Việc điều chỉnh lượng mực và áp lực trong một nét vẽ có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể về tông màu.

Trong bài viết này, chúng tôi muốn giới thiệu với bạn 8 tuyệt tác tranh thủy mặc vĩ đại nhất Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng sẽ thu hút sự chú ý của bạn đến vẻ đẹp yên bình và những chi tiết đặc biệt mà những bức tranh này thể hiện, khám phá ý nghĩa văn hóa và nội hàm ẩn giấu đằng sau những nét mực độc đáo của chúng.

Bức tranh thứ nhất: “Buổi sáng mùa xuân” khoảng năm 1072, Bắc Tống, Họa sĩ: Quách Hy (1020–1090)

Nơi trưng bày: Bảo tàng Cung điện Quốc gia, Đài Loan. Chất liệu: Mực trên lụa. Kích thước: 28,6 x 36,5 cm

Bức tranh "Buổi sáng mùa xuân" của Quách Hy đời Bắc Tống. (Bảo tàng Cố Cung Đài Bắc)

Bức tranh “Buổi sáng mùa xuân” (1072) của Quách Hy, được xem là một trong những tuyệt tác nổi tiếng nhất của triều đại Bắc Tống, các tác phẩm phong cảnh của thời nhà Tống đã đạt đến mức độ rất tinh xảo. Bức tranh này miêu tả những ngọn núi vào đầu mùa xuân. Ông không sử dụng màu sắc để nhấn mạnh sắc hồng của hoa đào hay sự sống động của cỏ non mới mọc, mà chỉ sử dụng màu mực cơ bản, và ông đã thành công khi nắm bắt được sự đổi mới của đất trời sau một mùa đông khắc nghiệt.

Khi trái đất thức dậy sau giấc ngủ mùa đông, những ngọn núi xuất hiện bị che phủ trong lớp sương mù dày đặc, được miêu tả qua những vệt mực và những nét cọ vô định hình. Với sự tan chảy của băng và tuyết, các dòng suối trên núi đã hoạt động trở lại và tạo ra một dòng chảy nhỏ trên các tảng đá một lần nữa. Trên tảng đá lớn dưới chân đồi là một mảnh gỗ khô với mầm non mới mọc, biểu thị sự đổi mới và khả năng phục hồi của sự sống.

Chinese-Ink-painting-6

Những triết lý và kỹ thuật vẽ tranh phong cảnh do Quách Hy để lại có giá trị rất lớn, và cũng là kim chỉ nam cho thế hệ họa sĩ sau này. Người xem rất ngạc nhiên khi đứng trước những bức tranh phong cảnh vô vùng sống động của ông. Người ta gần như có thể nghe thấy tiếng chim hót líu lo và tiếng nước chảy róc rách khi xem tranh.

Họa sĩ Quách Hy đã để lại lời bình thể hiện tình yêu của ông với tranh phong cảnh trong chuyên luận nổi tiếng “Núi và Nước” rằng: “Ngày nay con người đang bị giam cầm trong sự ô nhiễm của thế giới trần tục. Điều mà họ muốn tìm kiếm đó là sự kết nối với linh hồn của thiên nhiên, núi sông, sương mù … và nó thật sự khó”.

Chinese-Ink-painting-3

Trong tranh phong cảnh của Quách, nước là huyết mạch của núi non. Vào đầu mùa xuân, một thác nước đổ xuống từ đỉnh cao nhất và chảy xuống thung lũng, tạo thành một đường liên tục trong bức tranh và biến những ngọn núi khác nhau thành những sinh mệnh có sự sống.

Chinese-Ink-painting-4

Một trong những kỹ thuật mang tính biểu tượng của Quách Hy là xếp lớp mực để tạo ra hình dạng 3 chiều thực tế. Trong bức tranh này, những đỉnh núi cao hơn được đóng khung một cách tỉ mỉ bởi khoảng trắng rộng, dường như chúng được bao phủ bởi những đám mây thanh khiết.

Bức tranh thứ hai: “Lặng nghe gió thông”, 1246, Nam Tống. Họa sĩ: Mã Lân (1180– 1256)

Nơi trưng bày: Bảo tàng Cung điện Quốc gia, Đài Loan. Chất liệu: mực và màu trên lụa. Kích thước: 226,6 x 110,3 cm

Bức tranh "Lặng nghe gió thông" của Mã Lân đời Nam Tống. (Bảo tàng Cố Cung Đài Bắc)

Khi quan sát bức tranh này, bạn có nghe thấy tiếng nhạc êm dịu của lá thông xào xạc và cảm nhận được sự vuốt ve nhẹ nhàng của gió núi không?

Chinese-Ink-painting-12

Tác phẩm “Lặng nghe gió thông” là một kiệt tác của họa sĩ Mã Lân thời Nam Tống, thể hiện tài năng sáng tác đặc biệt của ông. Giống như tất cả các bức tranh truyền thống của Trung Hoa, con người không nhất thiết phải là tâm điểm của bức tranh. Đúng hơn là để khắc họa triết lý thiên nhân hợp nhất của Đạo giáo, hình ảnh con người ẩn mình trong sự hùng vĩ của cảnh quan thiên nhiên trở thành một phần không thể thiếu.

Chinese-Ink-painting-8

Họa sĩ Mã miêu tả một học giả hiền triết ngồi dưới gốc cây, lắng nghe những giai điệu của thiên nhiên. Ông ấy dường như thêm trầm tư sâu sắc và không bị bận tâm bởi thế giới trần tục. Những lá thông, vỏ cây và bộ râu thưa của nhân vật đều được vẽ rất chi tiết. Những nét cọ cực kỳ mịn được sử dụng để làm nổi bật các kết cấu khác nhau của chủ thể.

Chinese-Ink-painting-9

Những ngọn núi mờ ảo trên nền bức tranh nhắc nhở người xem rằng sự bao la của thiên nhiên vượt xa giới hạn của bức tranh này, từ đó tạo cho tác phẩm một chiều sâu ba chiều. Trong khi đó, sự khắc họa tỉ mỉ những cành cây đung đưa mang lại cảm giác rõ ràng của gió, mang lại sự sống động cho bức tranh.

Bức tranh thứ ba: “Muôn vàn gió thông”, thời nhà Tống. Họa sĩ: Lý Đường (khoảng 1049 – 1130)

Nơi trưng bày : Bảo tàng Cung điện Quốc gia, Đài Loan. Chất liệu: mực và màu trên lụa. Kích thước: 188,7 x139,8 cm

Bức tranh "Muôn vàn gió thông" của Lý Đường đời Tống. (Bảo tàng Cố Cung Đài Bắc)

“Muôn vàn gió thông” là một bức tranh phong cảnh của họa sĩ Lý Đường thời Nam Tống (1127–1279), ông từng theo học tại học viện hội họa hoàng gia của Hoàng đế Tống Huy Tông. Họa sĩ Lý và các đệ tử đã điều chỉnh lại phong cách hội họa thời Bắc Tống, cuối cùng phát triển thành một phong cách vẽ độc đáo cho thời kỳ này, họ chú trọng vào sự thay đổi mực và thể hiện được nhiều góc nhìn.

Chinese-Ink-painting-16

Trong bức tranh này, danh họa Lý đã sử dụng kỹ thuật “ cắt rìu” để khắc họa kết cấu gồ ghề, phong hóa của các sườn núi. Tác phẩm được ông thực hiện chỉ ba năm trước khi triều đại Bắc Tống suy tàn, và là minh chứng cho phong cách cảnh quan hoành tráng của triều đại này.

Những đám mây được đặt có chủ ý để phân chia sườn núi, giảm bớt mật độ của khung cảnh không làm cho bức tranh ngột ngạt đối với người xem. Những đám mây và sương mù được khắc họa bằng cách để trống tờ giấy, kỹ thuật này thường được sử dụng trong các bức tranh truyền thống của Trung Quốc.

Chinese-Ink-painting-14

Đối lập với sự tĩnh lặng vững chắc của những ngọn núi bất động là những thác nước đang chảy không ngừng. Dòng thác đổ xuống những tảng đá dưới chân núi, hình ảnh chi tiết của dòng nước phun gợi lên sự chuyển động dồn dập. Tuy nhiên, khi con suối chảy vào một vùng nước lớn hơn nó dường như ngay lập tức trở nên tĩnh lặng, như thể cuối cùng nó đã tìm được một nơi để nghỉ ngơi.

Chinese-Ink-painting-15

Mức độ chân thực trong bức tranh của ông dường như đã đạt được ở mức độ đỉnh cao, có thể nhận thấy qua các chi tiết của đá. Bề mặt gồ ghề thô ráp của núi được thể hiện bằng những nét vẽ nhỏ và tỉ mỉ.

Ngoài ra, môi trường của các tảng đá cũng được xem xét cẩn thận, vì các tảng đá sẽ có hình dạng khác nhau tùy thuộc vào vị trí của ngọn núi ở khu vực nào. Ví dụ, những tảng đá gần mặt nước được sơn bằng mực dày hơn để trông có vẻ ướt, trong khi những tảng đá ở trên cao được sơn màu nhạt hơn để thể hiện sự khô ráo của chúng.

Bức tranh thứ tư: “Lữ khách giữa núi và suối”, đầu thời Bắc Tống. Họa sĩ: Phạm Khoan (960 – 1030)

Nơi trưng bày: Bảo tàng Cung điện Quốc gia, Đài Loan. Chất liệu: mực và màu nhẹ trên lụa. Kích thước: 206,3 x 103,3 cm

Bức tranh "Lữ hành giữa núi và suối" của Phạm Khoan đời Bắc Tống. (Bảo tàng Cố Cung Đài Bắc)

Bức tranh “Lữ hành giữa núi và suối” là tác phẩm duy nhất còn sót lại của họa sĩ Phạm Khoan thời Bắc Tống (960-1030). Đây là phong cách điển hình về tranh phong cảnh hoành tráng của thời này, bức tranh này lớn gần 2m, đóng vai trò như một sự thể hiện mạnh mẽ về phong cảnh núi non.

Tranh phong cảnh luôn có tầm quan trọng bậc nhất đối với phong cách hội họa truyền thống Trung Hoa xưa. Theo triết lý của Đạo gia cho rằng sự hòa hợp với thiên nhiên đã nâng cảnh quan thiên nhiên lên tầm triết học. Mặc dù có rất ít thông tin về người họa sĩ này, nhưng chúng ta biết rằng ông sống ẩn dật trên núi sau khi trải qua tình trạng hỗn loạn chính trị thời Ngũ Đại và ông có niềm đam mê với rượu vang và núi non.

Người Trung Quốc cổ đại cho rằng những ngọn núi như là nơi Thần Tiên cư trú. Vì vậy người xem tranh của Phạm Khoan có thể dễ dàng thấy những ngọn núi mà ông thể hiện một cách thuần thục chính là những nơi như vậy.

Chinese-Ink-painting-21

Những ngọn núi cao chót vót ngay lập tức thu hút ánh nhìn của người xem vì sự thể hiện ngoạn mục về sự rộng lớn của thiên nhiên. Ông sử dụng các đường nét có độ đậm khác nhau cũng như các kỹ thuật tạo họa tiết và tạo bóng để vẽ chính xác kết cấu của đá và làm nổi bật hình ảnh ba chiều của những ngọn núi.

Một thác nước đổ xuống sườn núi, biến mất sau tấm màn sương mù và dẫn dắt sự chú ý của người xem về tiền cảnh.

Chinese-Ink-painting-19

Ở tiền cảnh của bức tranh, chúng ta có thể thấy một con đường rộng được bao quanh bởi những tảng đá lớn và những cây thông xù xì được bao bọc bởi một con suối. Mặc dù những người du hành có đề cập trong tiêu đề của bức tranh, nhưng hai hình người và con la đi trên đường đều rất nhỏ bé và không đáng kể so với những ngọn núi khổng lồ, họ chỉ để làm nền cho bức tranh.

Chinese-Ink-painting-18

Một ngôi đền ẩn mình trong rừng trên vách đá được ông khắc họa rất tinh tế thể hiện cuộc sống của con người. Thông qua việc miêu tả hoạt động của con người, tác giả muốn nhắc nhở người xem về sự nhỏ bé của con người trước sự hùng vĩ của thiên nhiên. Các chi tiết của tiền cảnh đẹp đến mức du khách thường sử dụng ống nhòm để quan sát cận cảnh tính nghệ thuật tinh tế của nó.

Bức tranh thứ năm: “Thuyền buồm và nhà ven sông”, nhà Đường. Họa sĩ: Lý Tư Huấn (651–716)

Nơi trưng bày: Bảo tàng Cung điện Quốc gia, Đài Loan. Chất liệu: mực và màu trên lụa. Kích thước: 101,9 x 54,7 cm

Bức tranh “Thuyền buồm và nhà ven sông” của Lý Tư Huấn đời Đường. (Bảo tàng Cố Cung Đài Bắc)

Từ xa xưa, du xuân là một hoạt động truyền thống rất được yêu thích của người xưa, vì mùa xuân tượng trưng cho sự hồi sinh, do đó mùa xuân là nguồn cảm hứng đặc biệt cho giới tri thức và nghệ sĩ.

Tác phẩm này do họa sĩ thời Đường Lý Tư Huấn vẽ, miêu tả cảnh sắc mùa xuân sống động với hình ảnh con người đang kết nối với thiên nhiên. Đó là một thể loại về tranh phong cảnh màu vàng và xanh của Trung Quốc, một thể loại phụ của tranh phong cảnh Trung Quốc sử dụng màu vàng, xanh lam azurite và xanh lục khoáng làm màu trung tâm.

Chinese-Ink-painting-23

Giữa màu vàng, xanh dương và xanh lá của cây cối, chúng ta thấy màu đỏ và đen của một tòa nhà, và một người đang đứng trước hiên nhà.

Chinese-Ink-painting-24

Đi dọc bờ sông gần cuối bức tranh là bốn người đàn ông, một người ngồi trên lưng một con la, một người khác đang dẫn nó đi, hai người còn lại thì đi theo sau. Nhìn xa hơn là hình ảnh của hai người đàn ông đứng gần bờ sông, đang trò chuyện khi quan sát khung cảnh trước mặt. Các nhân vật trong tranh đều mặc trang phục nhà Đường, tác giả đã sử dụng những đường nét đơn giản để khắc họa những nếp gấp mềm mại trên trang phục của họ.

Chinese-Ink-painting-26

Khi quan sát kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy nhiều loại cây khác nhau xuất hiện trong bức tranh. Ngoài những cây xanh như thông, linh sam, cây liễu và những cây có hoa nở màu đỏ, còn có nhiều chồi non thay cho lá đã rụng. Từng chi tiết đều được viền tinh xảo bằng mực đen.

Chinese-Ink-painting-25

Họa sĩ Lý sử dụng những đường lượn sóng mờ để khắc họa mặt nước sông gợn sóng. Xa xa là ba chiếc thuyền buồm nhỏ. Khi nhìn từ xa, chúng chỉ giống như một đường nét đơn thuần, nhưng khi đến gần, đó là những chiếc thuyền được vẽ rất chi tiết. Cánh buồm, cột buồm và cabin đều được sơn và tô màu tỉ mỉ, đồng thời cũng có thể nhìn thấy một hình người nhỏ đang điều khiển con thuyền.

Chinese-Ink-painting-28

Chinese-Ink-painting-29

Sườn núi đã chia bức tranh thành hai nửa. Thảm thực vật tươi tốt của nửa bên này tương phản với dòng nước đang chảy ở nửa bên kia. Khi xem tranh, chúng ta ấn tượng với sự sống động của nó. Chúng ta gần như có thể nghe thấy tiếng nước vỗ vào bờ sông, nghe được âm thanh con người trò chuyện, cảm nhận được không khí trong lành của mùa xuân tràn ngập hương thơm của các loài hoa và cây thông.

Chinese-Ink-painting-27

Bức tranh “Thuyền buồm và nhà ven sông” đánh thức người xem niềm khao khát được hòa mình vào các nhân vật trong tranh và nhìn thấy toàn bộ khung cảnh mà họ đang chiêm ngưỡng.

Bức tranh thứ sáu: “Lầu quán núi sông”, Bắc Tống. Họa sĩ: Yến Văn Quý (khoảng 967-1044)

Nơi trưng bày: Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Osaka. Chất liệu: mực trên giấy Tuyên. Kích thước: 31,9 x 161,2 cm

“Lầu quán núi sông” của Yến Văn Quý đời Bắc Tống. (Bảo tàng Mỹ thuật Osaka)

Là một họa sĩ nổi tiếng vào đầu thời Bắc Tống, Yến Văn Quý chủ yếu được biết đến với những bức tranh phong cảnh. Trước đây ông là một quân nhân và học tại Học viện Hàn lâm - một cơ sở giáo dục dành cho các học giả ưu tú của triều đình. Nơi ông làm việc chủ yếu sản xuất tranh treo tường.

Những bức tranh của ông tinh tế và trang nhã đến mức chúng được gọi là tranh “phong cách Yến”, và đại diện cho một trong hai trường phái lớn của tranh phong cảnh miền Bắc.

Chinese-Ink-painting-230

Bức tranh “Lầu quán núi sông” của họa sĩ Yến miêu tả toàn cảnh dọc theo một dòng sông. Người nghệ sĩ sử dụng kỹ thuật tạo họa tiết “cắt rìu” trong nét vẽ của mình để làm nổi bật sự gồ ghề của núi và đá. Các nét ngắn, dày được thực hiện bằng cọ thô, được sử dụng để phác thảo các đường viền của sườn núi đá.

Chinese-Ink-painting-30

Khi cuộn giấy được mở ra, những ngọn đồi nhô cao được bao phủ bởi thảm thực vật tươi tốt cũng lộ ra, khúc dạo đầu cho những đỉnh núi cao chót vót vẫn chưa được nhìn thấy.

Chinese-Ink-painting-31

Khi quan sát xa hơn về phía giữa cuộn tranh, mây mù dày đặc bao phủ những ngọn núi, làm cho cảnh quan thêm huyền ảo và thần thánh. Các ngôi đền và nhà đứng giữa khung cảnh thiên nhiên tĩnh lặng. Chúng trông nhỏ bé khi đứng trước sự to lớn hùng vĩ của những ngọn núi, nhưng cũng có giá trị với hình thức tổng thể của bức tranh.

Chinese-Ink-painting-33

Cành và thân cây thông nghiêng về bên phải, truyền tải sự hiện diện của một cơn gió núi đang thổi mạnh. Sự tập trung vào gió còn được thể hiện qua những chi tiết tinh tế hơn. Ví dụ, chúng ta thấy ba người đang trở về một ngôi làng ở chân đồi, và một trong ba người đang cầm một cái ô trước mặt, như thể anh ta đang đẩy chống lại cơn gió.

Chinese-Ink-painting-32

Cuối cuộn tranh là đỉnh cao của dãy núi. Trong lòng các thung lũng của những ngọn núi lớp lớp, có thêm những ngôi nhà, khi xem cẩn thận các chi tiết của bức tranh chúng ta thấy một nhóm thợ chặt gỗ, một số cưỡi ngựa và một số khác đi bộ, đang trở về với gỗ đã chặt.

Một thác nước đổ xuống từ đỉnh núi, ào ạt gặp dòng sông đang dâng cao bên dưới, dường như chảy vượt ra ngoài bức tranh và mời gọi người xem vượt qua giới hạn của cuộn giấy và mở rộng khung cảnh hùng vĩ trong trí tưởng tượng của họ.

Bức tranh thứ bảy: “Cây khô đá lạ”, Bắc Tống. Họa sĩ: Tô Đông Pha (1037 – 1101)

Bộ sưu tập tư nhân. Chất liệu: mực trên giấy Tuyên. Kích thước: 26,3 x 50 cm.

Bức tranh "Cây khô đá lạ" của Tô Thức - Bắc Tống.

Chinese-Ink-painting-34

Danh họa Tô Đông Pha được ca ngợi là một trong “Tám vĩ nhân của triều đại nhà Đường và nhà Tống”, ông còn là một nhà văn, nhà chính trị lớn, ngoài ra ông còn làm thơ và là nhà tiểu luận, họa sĩ nổi tiếng.

Vào ngày 26/11/2018, bức tranh “Cây khô và đá lạ” này đã được bán đấu giá tại cuộc đấu giá mùa thu của Christie với mức giá cuối cùng là 463,6 triệu đô la Hồng Kông, tương đương hơn 56 triệu USD, lập kỷ lục mới về giá đấu cao nhất của tranh cổ Trung Quốc.

Chinese-Ink-painting-36

Thoạt nhìn có thể thấy bức tranh rất đơn giản, chỉ vẽ một cái cây khô và một tảng đá có hình dáng kỳ lạ. Cây dù đã già đi theo năm tháng nhưng vẫn toát lên một tinh thần bất khuất. Thân cây có một vòng xoắn và các nhánh trên cùng của nó giống như những chiếc gạc vươn thẳng lên trời.

Cái cây trong tranh đã khô héo và chết, nhưng chúng ta có thể thấy rằng tuy hình dáng nó bị uốn cong nhưng tinh thần của nó vẫn không bị uốn cong. Điều này tương tự với tinh thần tỏa sáng trong thơ của Tô Đông Pha, từ đó người xem có thể thấy được quyết tâm kiên định của ông, để luôn lạc quan bất chấp những khó khăn trải dài trên con đường ông đi.

Chinese-Ink-painting-37

Với hình dáng độc đáo của gốc cây cũng có thể là sự phản ánh khác về tính cách tự phát và chủ nghĩa cá nhân của tác giả. Phía sau tảng đá là những mầm cỏ và tre. Đây là những dấu hiệu của sự sống và hy vọng, tương phản với đá và gốc cây vô hồn, nhắc nhở người xem rằng mặc dù hoàn cảnh của một người có vẻ ảm đạm, nhưng luôn có điều gì đó để hy vọng, miễn là chúng ta tìm kiếm nó trong những yếu tố chi tiết hơn của cuộc sống.

Bức tranh thứ tám: “Song hỷ” (Chim hỷ thước và thỏ), 1016, Bắc Tống. Họa sĩ: Thôi Bạch (1050–1080)

Xuất xứ: Bảo tàng Cung điện Quốc gia, Đài Loan. Chất liệu: mực và màu trên lụa. Kích thước: 193,7 x 103,4 cm

Song hỷ - Thôi Bạch-Bắc Tống. (Bảo tàng Cố Cung Đài Bắc)

Mãi đến những năm 1960, khi phát hiện chữ ký của họa sĩ Thôi Bạch trên một gốc của một bức tranh, ông mới được xác định là tác giả của bức tranh này. Có hai cái tên cho một tác phẩm “Chim hỷ thước và thỏ” hay còn gọi là “Song hỷ”, tuy nhiên chúng ta không biết tựa đề ban đầu ông dự định đặt cho tác phẩm này là gì.

Cảnh sắc mùa thu muộn trong tranh được khắc họa qua những cành cây trơ trụi, những bụi cỏ khô. Một cặp chim hỷ thước đậu trên cành cây đã thu hút sự chú ý của một con thỏ trong giây lát. Con thỏ tò mò quan sát những con chim phía trên nó với một chân co lên giữa không trung.

Chinese-Ink-painting-39

Các con vật đều được vẽ chính xác đến từng chi tiết. Bộ lông màu nâu đen của con thỏ rừng có lốm đốm, cho thấy nó đã khoác một chiếc áo mùa đông và một dấu hiệu khác cho thấy khung cảnh trong tranh lấy bối cảnh vào cuối mùa thu

Bề mặt lông của con thỏ được tạo ra bằng những nét vẽ mờ và những nét vẽ tinh tế. Có thể thấy rằng ông rất chú ý đến việc điều chỉnh chiều dài và kết cấu của bộ lông tùy theo phần cơ thể mà nó che phủ. Ví dụ, lông dọc theo cột sống của thỏ rừng dài hơn và mềm hơn, trong khi lông ở chân của nó ngắn hơn và thô hơn.

Chinese-Ink-painting-41

Chinese-Ink-painting-340

Những con chim hỷ thước trong bức tranh cũng nhận thức được sự hiện diện của con thỏ cũng như con thỏ nhận thức về chúng. Có thể thấy chúng đang kêu lên về phía con thỏ. Lông đuôi và cánh của chim hỷ thước được phác thảo phức tạp bằng mực mỏng.

Chim hỷ thước và thỏ được sắp xếp theo bố cục vô cùng khéo léo giống với cấu trúc biểu tượng thái cực (âm dương) của Đạo giáo. Các cành cây cong và độ dốc chia đôi hình ảnh một cách tinh tế, và chúng ta tìm thấy con thỏ và một con chim ở góc đối diện. Bộ lông sẫm màu của thỏ rừng tương phản với phần sáng hơn của nền tranh, trong khi phần bụng nhạt màu và phần đuôi dưới của chim hỷ thước tương phản với phần nền tối hơn.

Chúng tôi hy vọng rằng bạn sẽ thích thú với cuộc hành trình khám phá tám bức tranh thủy mặc vĩ đại nhất trong lịch sử nghệ thuật Trung Hoa và bạn đã có cái nhìn sâu sắc hơn về nền nghệ thuật cổ điển này.

Tạp chí Magnifissance
Thiên Hòa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Khám phá ý nghĩa 8 bức tranh thủy mặc nổi tiếng của Trung Hoa