Khảo sát: Công chúng phương Tây vẫn tin kinh tế Trung Quốc sẽ sớm vượt Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong lúc các tin tức về khó khăn kinh tế của Trung Quốc đang xuất hiện ngày một nổi bật, công chúng phương Tây dường như vẫn ôm giữ cái nhìn có phần lạc hậu về đất nước này. Do đó, có thể sắp tới sẽ có một sự thay đổi lớn về thái độ ở phương Tây.

Nhận thức của công chúng, đặc biệt là ở phương Tây, về Trung Quốc hầu như không thay đổi trong năm qua. Điều này thật đáng kinh ngạc khi xét tới tất cả những tin tức tồi tệ về kinh tế và tài chính trong 12 - 18 tháng qua. Trung Quốc bây giờ rất khác so với cái nhìn lạc hậu này. Khi tin tức về các rắc rối trở nên phổ biến hơn, nhận thức toàn cầu sẽ có một cú sốc và sau đó sẽ thay đổi nhanh chóng.

Đây là đoạn mở đầu của bài viết “Cuộc thăm dò gần đây cho thấy thái độ toàn cầu vẫn chưa tiếp thu được tin tức về Trung Quốc”, đăng ngày 16/1, trên tờ The Epoch Times, của tác giả Milton Ezrati. Tác giả Ezrati là nhà kinh tế trưởng của Vested, một công ty truyền thông có trụ sở ở New York.

Ông Ezrati cho biết, bức tranh mới nhất về thái độ quốc tế đến từ một cuộc thăm dò được thực hiện hàng năm bởi Quỹ Marshall Đức của Mỹ. Trong nhiều năm, nhóm này đã hỏi người dân ở cả hai bờ Đại Tây Dương về thái độ và kỳ vọng của họ về tất cả các vấn đề quan trọng, bao gồm cả các sự kiện ở Trung Quốc.

Cuộc khảo sát năm nay bao gồm rất nhiều câu trả lời từ người dân ở 14 quốc gia phương Tây: Vương quốc Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Thụy Điển, Ý, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Tây Ban Nha, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Litva và Romania. Đáng buồn thay, cuộc khảo sát không bao gồm người châu Á, những người đương nhiên sẽ cập nhật nhiều hơn về tình hình ở Trung Quốc cũng như các vấn đề kinh tế và tài chính quan trọng của quốc gia này. Tuy nhiên, kết quả khảo sát đưa ra một cơ sở tốt để hiểu về dư luận phổ biến ở phương Tây và do đó báo hiệu nhận thức có thể sẽ thay đổi như thế nào trong những tháng tới khi tình trạng khó khăn của Trung Quốc được biết đến rộng rãi hơn.

Một trong những điều đáng chú ý nhất về cuộc khảo sát gần đây này là sự tồn tại dai dẳng - bất chấp tin tức về những rắc rối của Trung Quốc - của nhận thức phổ biến một thời rằng Trung Quốc sẽ sớm vượt qua Mỹ về ảnh hưởng toàn cầu và sức mạnh kinh tế. Nhìn chung, những người được hỏi đều xác định Mỹ hiện nay là quốc gia có ảnh hưởng toàn cầu lớn nhất. Tuy nhiên, những người được hỏi cho biết họ dự đoán rằng trong vòng 5 năm tới, ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ sánh ngang với ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới.

Khảo sát: Công chúng phương Tây vẫn tin kinh tế Trung Quốc sẽ sớm vượt Mỹ
Người dân đi bộ trong một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 15/6/2023. (Ảnh: WANG ZHAO/AFP qua Getty Images)

Theo ông Ezrati, trong nhiều năm, đây là những niềm tin phổ biến và là một suy luận hợp lý từ các xu hướng phát triển kinh tế đã tồn tại từ lâu. Trung Quốc đã phát triển với tốc độ gây sửng sốt và dường như đang trở nên giàu có hơn mọi dự đoán trước đó. Quan điểm đó dường như vẫn tiếp tục tồn tại. Nhưng vài năm qua đã làm gián đoạn những xu hướng tích cực mạnh mẽ về phát triển kinh tế tại Trung Quốc. Thực tế hiện nay nói lên một điều gì đó rất khác. Giờ đây, Trung Quốc phải đối mặt với một khối nợ nguy hiểm và tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này đã chậm lại hoàn toàn. Xuất khẩu đang giảm và đầu tư cũng như thương mại của phương Tây đang tìm kiếm các điểm đến khác. Nhận thức cũ của công chúng chắc chắn sẽ phải thay đổi. Vấn đề chỉ là sự thay đổi sẽ diễn ra nhanh như thế nào mà thôi.

Điều nói lên nhiều về sự lạc hậu trong đánh giá của công chúng là việc những người trả lời cuộc khảo sát này, đặc biệt là ở Tây Âu, cảm thấy một cách mạnh mẽ hơn về sự thống trị kinh tế và ngoại giao sắp tới của Trung Quốc so với năm ngoái. Những rắc rối kinh tế gần đây của Trung Quốc có thể không đủ để thay đổi hoàn toàn nhận thức, nhưng đối với những người quan tâm tới tình hình Trung Quốc, các tin tức chắc chắn phải khiến họ mất tự tin hơn. Hoặc là người Tây Âu đã bác bỏ các tin tức năm vừa qua từ Trung Quốc, hoặc họ đơn giản là không biết gì về điều đã xảy ra với nền kinh tế và hệ thống tài chính của đất nước này. Lời giải thích thứ 2 có nhiều khả năng là sự thật hơn.

Có một điều trong cuộc khảo sát này thực sự phù hợp với thực tế và có rất ít thay đổi. Đó là cái nhìn tiêu cực của người phương Tây về mục tiêu và hành vi của Bắc Kinh. Mặc dù những người được hỏi thường ủng hộ sự hợp tác giữa phương Tây và Trung Quốc, nhưng chỉ có 23% những người được khảo sát trên tất cả 14 quốc gia coi Trung Quốc là một “đối tác” kinh tế. Hơn một nửa coi Trung Quốc là đối thủ. (Phần còn lại của số người được hỏi không biểu đạt ý kiến.) Ý kiến tiêu cực nhất đến từ Mỹ và Tây Âu, đặc biệt là Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha. Thật vậy, nhóm người châu Âu thậm chí còn có thái độ tiêu cực hơn người Mỹ, hoàn toàn trái ngược với những lời lẽ khoa trương gay gắt hơn của giới lãnh đạo ở Mỹ so với ở châu Âu. Từ đánh giá này, hầu như không có gì ngạc nhiên khi người dân ở cả hai bờ Đại Tây Dương đều ủng hộ việc chính phủ của họ có đường lối cứng rắn hơn với Bắc Kinh.

Ông Ezrati kết luận, vì các vấn đề kinh tế và tài chính hiển hiện ngày nay sẽ tiếp tục gây khó khăn cho Trung Quốc trong thời gian tới, nên rất có thể thế giới nói chung – trước tiên là châu Á và sau đó là phương Tây – sẽ có nhận thức đầy đủ hơn về những thách thức nghiêm trọng của Trung Quốc và thay đổi quan điểm của họ. Cuộc khảo sát của Quỹ Marshall năm tới có thể sẽ cho thấy một bộ mặt rất khác so với năm vừa rồi. Những người được hỏi sẽ đánh giá Trung Quốc ít có khả năng đạt được ảnh hưởng toàn cầu hoặc với tốc độ chậm hơn. Đồng thời, nhận thức về việc Trung Quốc là đối thủ hoặc địch thủ chứ không phải đối tác sẽ trở nên rõ ràng hơn.

Các vấn đề tồn tại dai dẳng được thể hiện qua số liệu và thông tin kinh tế

Dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm thứ 6 (12/1) cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào tháng 12 đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù mức giảm đã thu hẹp 0,2 điểm phần trăm so với tháng trước (với mức giảm 0,5%), nhưng đây là tháng thứ 3 liên tiếp CPI của Trung Quốc nằm trong vùng giảm phát, chuỗi giảm phát dài nhất kể từ 2009.

Trong số đó, giá thực phẩm giảm 3,7%, tốt hơn một chút so với mức giảm 4,2% trong tháng 11. CPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính cả năm, CPI tăng 0,2%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức khoảng 3%.

Khảo sát: Công chúng phương Tây vẫn tin kinh tế Trung Quốc sẽ sớm vượt Mỹ
Khách hàng mua sắm tại một siêu thị ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc, vào ngày 13/10/2023. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 2,7% và đã giảm hơn một năm qua do giá hàng hóa sơ cấp giảm và nhu cầu trong nước và quốc tế yếu.

Trong khi đó, xuất khẩu của Trung Quốc giảm 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm đầu tiên kể từ năm 2016. Xuất khẩu là trụ cột chính của nền kinh tế Trung Quốc. Sự suy giảm trong đà tăng trưởng xuất khẩu là một đòn giáng mạnh nữa vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo dữ liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố hôm thứ 6, xuất khẩu trong tháng 12 tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước, điều này một phần là do số liệu xuất khẩu trong tháng 12/2022 thấp. Vào thời điểm đó, đại dịch đang hoành hành trên khắp Trung Quốc và chính quyền Trung Quốc đã áp dụng chính sách nghiêm ngặt zero-Covid, khiến xuất khẩu giảm gần 10%.

Ông Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại Australia & New Zealand Banking Group Ltd. (ANZ), nói với Bloomberg: “Trung Quốc cần có hành động táo bạo để phá vỡ chu kỳ giảm phát, nếu không sẽ rơi vào một vòng luẩn quẩn”.

Ông nói thêm, khi áp lực giá giảm vẫn tiếp tục, các công ty đã giảm giá bán và người lao động nhập cư cũng bị cắt giảm lương đáng kể.

Tình trạng giảm phát đang diễn ra cũng làm giảm giá trị các sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc. Vào tháng 10 năm ngoái, chỉ số giá xuất khẩu chạm mức thấp mới kể từ năm 2006 và chỉ tăng nhẹ trong tháng 11.

Đồng thời, ngành bất động sản Trung Quốc vẫn trì trệ, điều này có thể làm giảm chi tiêu của hộ gia đình và làm tăng áp lực giá cả.

Cùng với xuất khẩu yếu hơn và việc giá cả giảm làm giảm doanh thu kinh doanh, vấn đề của ngành bất động sản có thể gia tăng ảnh hưởng đối với tiền lương và lợi nhuận. Giảm phát cũng có thể làm tăng gánh nặng nợ nần và khiến người tiêu dùng trì hoãn việc mua hàng. Với việc giảm pháp tiếp tục diễn ra dai dẳng, động lực chi tiêu của người tiêu dùng tiếp tục là một vấn đề lớn đối với Bắc Kinh.

Trong khi đó, “công xưởng thế giới" chứng kiến lĩnh vực sản xuất chìm trong diện thu hẹp trong tháng thứ 3 liên tiếp (với chỉ số PMI sản xuất dưới ngưỡng 50) vào tháng 12/2023.

Ngoài các số liệu mới được cập nhật trên, rất nhiều các tin tức về khó khăn kinh tế và sự eo hẹp tài chính xuất hiện trong xã hội Trung Quốc lúc này. Khủng hoảng nhân khẩu học vẫn là một mối lo lớn. Tiêu dùng gặp khó với xu hướng “hạ cấp chi tiêu" (hướng chi tiêu tới các sản phẩm giá rẻ) và sự nghèo đi của người dân. Thất nghiệp trong thanh niên vẫn ngày một nghiêm trọng, với mức cao kỷ lục 21,3% trong tháng 6/2023, trước khi số liệu này bị Bắc Kinh ngừng công bố. Vấn đề nợ vẫn là một mối đe dọa lớn với nền kinh tế. Trong khi rủi ro về nợ của chính quyền địa phương đang cản trở việc đầu tư để phát triển kinh tế, thì các nhà phát triển bất động sản tại Trung Quốc vẫn đang vật lộn với mối lo vỡ nợ, và áp lực trả nợ dường như tăng cao hơn trong năm 2024 so với 2023.

Khảo sát: Công chúng phương Tây vẫn tin kinh tế Trung Quốc sẽ sớm vượt Mỹ
Các container vận chuyển từ Trung Quốc và các nước châu Á khác được dỡ xuống cảng Los Angeles ở Long Beach, California, Mỹ, vào ngày 14/9/2019. (Ảnh: Mark Ralston/AFP/Getty Images)

Trên thực tế, những tin tức về giảm phát và xuất khẩu hay sản xuất trì trệ đã xuất hiện nhiều trong năm 2023, chỉ là giờ đây, chúng trở nên nổi bật với những kỷ lục tiêu cực. Điều này cho thấy, các biện pháp nhằm phục hồi kinh tế của Bắc Kinh không tạo ra nhiều hiệu quả, và nền kinh tế Trung Quốc vẫn ngày một chìm trong khó khăn. Mặc dù Bắc Kinh vẫn thường phủ định các thách thức kinh tế, và mới gần đây còn ra tay trấn áp các hành vi “nói xấu” kinh tế Trung Quốc, nhưng nhà lãnh đạo Tập Cận Bình trong bài phát biểu năm mới đã công khai thừa nhận các khó khăn về kinh tế mà Trung Quốc đang gặp phải. Dường như vấn đề đã quá rõ nét, và ngay cả Bắc Kinh cũng không thể không thừa nhận.

Bắc Kinh là bạn của Washington?

Theo khảo sát, người dân phương Tây tiếp tục có cái nhìn không mấy thiện cảm về Trung Quốc. Nhìn chung, khối phương Tây đang dần xa lánh Trung Quốc, cả ở cấp chính phủ và ở phạm vi các doanh nghiệp. Bắc Kinh không hề muốn như vậy, vì họ vẫn còn phải phụ thuộc vào sự ủng hộ của phương Tây. Đặc biệt, Bắc Kinh rất cần sự ủng hộ của một quốc gia đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong xu hướng tách rời là Mỹ.

Trên thực tế, trong nỗ lực níu kéo “đối tác" là Mỹ, Bắc Kinh đã có các động thái “thân thiện”, nhằm thay đổi xu hướng tách rời từ phía chính quyền Mỹ cũng như các doanh nghiệp Mỹ.

Tuy nhiên, Washington và các doanh nghiệp Mỹ cần phải cẩn thận, vì sự thân thiện đó không tốt đẹp như vẻ bề ngoài, và họ không nên bị lay động và hy vọng vào sự thay đổi từ phía Bắc Kinh.

Tại những lần gặp gỡ trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 30 vào tháng 11 vừa qua, Bắc Kinh đã thay đổi thái độ ngoại giao chiến lang đối với Mỹ. Nhà lãnh đạo Tập Cận Bình nhắc lại rằng "không có lý do gì khiến quan hệ Trung - Mỹ bị hủy hoại.

Sự tách rời của Mỹ đóng góp không nhỏ vào sự khó khăn về kinh tế của Trung Quốc hiện nay. Rõ ràng, việc Mỹ tách rời hoàn toàn không có lợi, và chính bản thân Bắc Kinh cũng hiểu điều đó. Chuyên gia truyền thông cấp cao Cheng Xiang cho rằng sự thịnh vượng kinh tế của Trung Quốc trong quá khứ có liên quan đến tình trạng hài hòa trong quan hệ Mỹ - Trung.

Ông Cheng Xiang kể lại rằng khi Phó Thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đến thăm Mỹ vào năm 1979, ông Li Shenzhi, người sau này trở thành giám đốc Viện Nghiên cứu Mỹ thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, đã đi cùng ông Đặng. Ông Li Shenzhi hỏi ông Đặng tại sao ông coi trọng mối quan hệ với Mỹ. Ông Đặng đáp: “Nhìn lại mấy chục năm qua, tất cả các nước có quan hệ tốt với Mỹ đều trở nên giàu có”. Giờ đây, nhà lãnh đạo hiện tại của Đảng Cộng sản Trung Quốc hẳn phải muốn gặp Tổng thống Mỹ Biden với nụ cười trên môi và gác lại chính sách ngoại giao chiến lang vì ông muốn có mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ và tìm cách cải thiện nền kinh tế Trung Quốc.

Ông Cheng Xiang dẫn quan điểm của ông Liu Mengxiong, cựu thành viên Ủy ban Quốc gia Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, cho rằng nguyên nhân sâu xa của các vấn đề kinh tế nằm ở chính trị. Ông Cheng Xiang cho rằng Bắc Kinh từng nói về “sự trỗi dậy ở phía đông và xuống dốc ở phía tây” và “một cộng đồng hướng đến tương lai chung cho nhân loại”, nhằm từ bỏ trật tự quốc tế do Mỹ thiết lập từ Thế chiến thứ hai. Trung Quốc luôn là kẻ thù của Mỹ và các doanh nhân nước ngoài đã e sợ, gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay ở Trung Quốc.

Khảo sát: Công chúng phương Tây vẫn tin kinh tế Trung Quốc sẽ sớm vượt Mỹ
Quang cảnh tòa nhà nơi đặt cơ sở của tập đoàn bán dẫn khổng lồ Micron của Mỹ tại Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 22/05/2023. (Ảnh: Hector Retamal/AFP qua Getty Images)

Vậy việc Bắc Kinh thay đổi thái độ với Mỹ có phải là một bước rút lui chiến lược? Ông Cheng Xiang nói rằng bản chất chống Mỹ của Bắc Kinh vẫn không hề thay đổi, đặc biệt là khi ông Tập lên nắm quyền.

Nhưng tại sao bây giờ Bắc Kinh lại tỏ ra ưu ái Mỹ? Ông Cheng phân tích rằng đó là chiến lược của ĐCSTQ (Đảng Cộng sản Trung Quốc). Trong chiến tranh du kích, Bắc Kinh nhấn mạnh “nói và đánh, đánh và đánh để nói”. Khi thực lực kém hơn đối phương thì Bắc Kinh sẽ thương lượng và ngược lại. Nếu Bắc Kinh không mạnh bằng Mỹ thì Bắc Kinh sẽ đàm phán.

Ngoài ra, Bắc Kinh nhấn mạnh luôn áp dụng chiến lược hai mặt là đấu tranh và hợp tác, tùy theo tình hình, nhưng mục tiêu cuối cùng là đánh bại đối thủ. Có rất nhiều dẫn chứng trong lịch sử chính quyền Bắc Kinh thể hiện điều này.

Ông Cheng Xiang cho biết Bắc Kinh hiện đang hy vọng sẽ giảm bớt áp lực của cuộc suy giảm kinh tế mà nước này đang trải qua; thứ hai là Bắc Kinh muốn “đánh lừa và làm tê liệt kẻ thù”. Ví dụ lừa dối điển hình nhất là việc đích thân ông Tập Cận Bình nói với (cựu Tổng thống Mỹ) Obama rằng Biển Đông sẽ không bị quân sự hóa, nhưng sau đó Bắc Kinh đã thiết lập căn cứ quân sự trên các đảo ở Biển Đông.

Ông Cheng chỉ ra rằng ĐCSTQ thường sử dụng đối thoại như một chiến thuật trì hoãn để câu giờ để có thể chuẩn bị tốt hơn cho cuộc chiến tiếp theo. ĐCSTQ đã lừa dối Quốc Dân Đảng trong cuộc Nội chiến Trung Quốc theo cách đó. Năm 1946, trong cuộc họp ở Trùng Khánh, Mao Trạch Đông đã hội đàm với nhà lãnh đạo Tưởng Giới Thạch và thậm chí còn hét lên "Tưởng Chủ tịch muôn năm". Tuy nhiên, tại thời điểm đó, Mao Trạch Đông đang triển khai một cuộc chiến tranh mới và phát động ba trận đánh lớn ngay sau khi trở về Diên An.

Ông Cheng Xiang cũng cho rằng ĐCSTQ đội lốt người theo chủ nghĩa hòa bình thông qua các cuộc “đối thoại” để giành được sự ủng hộ của dư luận, đồng thời sử dụng “đối thoại hòa bình” để đưa đối thủ của mình vào thế “bị cáo” vì đã phát động chiến tranh. Bắc Kinh lợi dụng điều này để giành được sự ủng hộ của người dân thường.

Ông Cheng Xiang chỉ ra rằng đằng sau khuôn mặt tươi cười của Tập Cận Bình trong hội nghị thượng đỉnh APEC, "bạn phải hết sức cẩn thận. Đằng sau khuôn mặt tươi cười của ông ta, (hãy xem) những chiến lược quỷ quyệt của ông ta là gì". Ông Cheng Xiang cảm thấy thật đáng tiếc khi một số người tin rằng Trung Quốc và Mỹ sẽ bắt đầu lại quan hệ hữu nghị thân thiện. “Tôi nghĩ ý tưởng này xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về ĐCSTQ”.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Khảo sát: Công chúng phương Tây vẫn tin kinh tế Trung Quốc sẽ sớm vượt Mỹ