Khổng Minh hùng biện, khẩu chiến quần Nho

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tài năng của một bậc anh hùng có thể đạt đến trình độ nào? Võ, có thể liên tiếp điều binh một cách bất ngờ, bất khả chiến bại trên chiến trường; văn, có thể bày mưu lập kế sau màn trướng, hùng biện tung hoành. Gia Cát Lượng, nhân vật "trí tuyệt" trong thời kỳ Tam Quốc chính là một đại anh hùng tài năng như vậy.

Khi làm quân sư nước Thục, kế sách của Gia Cát Lượng có thể đẩy lùi mấy vạn đại binh của Tào Tháo; khi bàn về sách lược trị quốc, sự thông minh tuyệt diệu và tài hùng biện siêu phàm của Gia Cát Lượng lại càng thể hiện rõ ràng hơn.

Gia Cát Lượng đưa ra Long Trung đối sách để xây dựng bá nghiệp cho Lưu Bị, dùng trí nói khích Tôn Quyền để hình thành liên minh Tôn Lưu, những ghi chép trong chính sử đã sớm bộc lộ rõ khả năng hùng biện và tài thao lược vô song của Gia Cát Lượng. Những tình tiết "hư cấu" trong tiểu thuyết diễn nghĩa càng làm nổi bật hơn nữa tài hùng biện của Gia Cát Lượng. Trong đó, ngay ở thời khắc quan trọng để hình thành liên minh Tôn Lưu đã xuất hiện một màn khẩu chiến vô cùng đặc sắc của thời đại Tam Quốc.

Trên sa trường, võ tướng thường dùng binh khí và hỏa lực để đọ sức, nhưng trên chiến trường của văn sĩ, thì tài năng và trí tuệ chính là công cụ để tranh tài. Khi đó,Tào Tháo hội quân đánh về phía nam, hùng cứ ở vùng Giang Hán. Lưu Bị rơi vào thế cô lập, không có cách nào kháng cự, bỏ chạy khỏi Giang Hạ. Giữa lúc nguy nan, Gia Cát Lượng đề ra sách lược liên minh với Ngô để kháng Tào. Gia Cát Lượng theo Lỗ Túc đi sứ đến Đông Ngô để thương thuyết việc liên minh. Trận khẩu chiến quyết liệt tại đây chính là quan ải đầu tiên Gia Cát Lượng phải đối mặt trong nhiệm vụ lần này.

吴大帝孙权像(唐·阎立本《古帝王图》局部)(公有领域)
Tranh vẽ Tôn Quyền (Một phần bức tranh Cố Đế Vương Đồ của họa sĩ Diêm Lập Bản thời nhà Đường) (Ảnh thuộc miền công cộng)

Dùng sự thật để bác bỏ luận điểm sai lầm, tài biện luận khiến người ta kinh ngạc

Vào thời điểm đó, bản hịch của Tào Tháo khiến quân thần nước Ngô đều cảm thấy bất an. Việc nên đánh hay nên hàng vẫn chưa thể quyết định được, nhưng những mưu thần trong phái chủ hàng lại chiếm số đông. Khi Tôn Quyền biết Gia Cát Lượng đến, muốn thăm dò tài năng của ông, nên đã lệnh cho các quần thần "tiếp đãi".

Lúc bấy giờ trong quần hùng nước Ngô, ngoài những người thật lòng ngưỡng mộ Gia Cát Lượng, còn có những người vì tư lợi cá nhân và những người sợ hãi mưu sĩ dưới trướng Tào Tháo, họ đều cho rằng vua tôi Lưu Bị không có khả năng chống lại quân Tào. Hơn nữa họ còn cho rằng Gia Cát Lượng vốn xuất thân từ nơi nhà tranh vách đất, làm sao có thể bày mưu tính kế cho Đông Ngô? Nhiều người có tâm khinh thường, dùng lời nói để châm biếm, muốn thực hiện chính sách hàng Tào.

Ngày hôm sau, khi Gia Cát Lượng cùng Lỗ Túc vào doanh trại nước Ngô, Trương Chiêu cùng hơn 20 vị mưu sĩ "mũ cao đai rộng, quần áo chỉnh tề", bày ra thế trận sẵn sàng nghênh chiến, không khí căng thẳng giống như sắp xảy ra chiến tranh. Gia Cát Lượng một mình vào doanh trại nước Ngô, "tràn đầy tinh thần, ung dung phóng khoáng, khí thế hiên ngang", khiêm nhường bình tĩnh chào hỏi từng người, rồi ngồi vị trí tân khách.

Người chất vấn đầu tiên là Trương Chiêu, mưu sĩ số 1 của Đông Ngô. Trương Chiêu dùng lời nói khiêu khích, đầu tiên hỏi rằng Gia Cát Lượng chẳng phải tự so sánh tài năng của mình với Quản Trọng, Nhạc Nghị sao, rồi lại nói Lưu Bị được Gia Cát Lượng phò trợ, vốn có hy vọng chiếm được vùng Kinh Tương, thế nhưng sao lại bị Tào Tháo chiếm mất?

Khi Tôn Sách lâm chung, từng dặn dò Tôn Quyền: "Việc trong triều không quyết được thì hỏi Trương Chiêu, việc ngoài triều không quyết được thì hỏi Chu Du". Từ đó, có thể thấy được vị trí quan trọng của Trương Chiêu ở nước Ngô. Nhưng Trương Chiêu lại là người đứng đầu phái chủ hàng. Điều này khiến quần thần nước Ngô chìm ngập trong bầu không khí hàng Tào không đúng với đạo nghĩa. Lời nói của Trương Chiêu dùng sự thật làm chứng cứ, nắm lấy hoàn cảnh khó khăn hiện tại của Lưu Bị để làm khó Gia Cát Lượng.

Gia Cát Lượng biết rằng Trương Chiêu đứng hàng đầu trong các mưu sĩ dưới trướng Tôn Quyền. Vì vậy, lời nói của Trương Chiêu có sức ảnh hưởng rất lớn. Gia Cát Lượng cần phải bác bỏ hoàn toàn luận điểm của Trương Chiêu mới có thể đảm bảo việc liên minh được tiến hành thuận lợi. Thế là, Gia Cát Lượng chậm rãi trả lời rằng, Lưu Bị thi hành chính sách nhân nghĩa, không muốn cướp lấy đất đai cơ nghiệp của tông thất, thế nhưng người kế vị của Kinh Tương lại âm thầm hàng Tào, đem đất Thục nhường cho giặc. Khi đó Lưu Bị đành phải đến Giang Hạ, nhưng vẫn đang ôm chí lớn, chờ đợi thời cơ.

Trương Chiêu vẫn chưa từ bỏ ý định, cố gắng dồn ép, hỏi rằng từ xưa đến nay, Nhạc Nghị và Quản Trọng phò tá quân chủ, thì quân chủ hoặc là có xưng bá với chư hầu, hoặc là có thể chiếm thành đoạt đất. Hai người này đều là bậc kỳ tài tế thế. Trước khi được Gia Cát Lượng phò trợ, Lưu Bị còn có được một thành trì. Nhưng không ngờ rằng sau khi có Gia Cát Lượng, Lưu Bị lại rơi vào cảnh phải vứt giáp lui binh, không còn chỗ an thân, còn không được như ban đầu, điều này là vì sao?

Nghe được những lời chất vấn có chứa dao như vậy, Gia Cát Lượng "cười ha hả". Ông lấy việc chữa trị cho một bệnh nhân nặng làm ví dụ, phải theo thứ tự cháo thuốc, thịt rồi mới đến thuốc mạnh thì mới có thể trừ được tận gốc. Tiếp theo Gia Cát Lượng lại giải thích việc chiến bại của Lưu Bị. Khi đó Lưu Bị đang đầu quân cho Lưu Biểu, trong tình thế tướng ít binh yếu, giống như "bệnh đã vào xương tủy". Nhưng chính trong tình huống hiểm yếu như vậy, Gia Cát Lượng có thể đưa ra một kế sách thần kỳ giúp đẩy lui quân Tào, khiến chúng run đến vỡ mật. Cho dù là Quản Trọng hay Nhạc Nghị sống lại, thì cũng chỉ có thể làm như vậy. Nhưng Lưu Bị bỏ Tân Dã, vốn là điều bất đắc dĩ, yếu không thể địch lại mạnh. Hơn nữa Lưu Bị không nhẫn tâm bỏ mặc những bách tính đi theo mình, tình nguyện bỏ Giang Lăng, trong tình huống sinh tử vẫn thế hiện được tấm lòng nhân nghĩa.

Lời của Gia Cát Lượng có nghĩa là, việc thất bại của Lưu Bị cũng chỉ là chuyện thường của binh gia, nhưng trong hoàn cảnh chiến tranh ấy, Gia Cát Lượng cũng thể hiện ra tài năng quân sự của mình. Vì vậy những lời của Trương Chiêu đã "trở thành trò cười cho thiên hạ". Gia Cát Lượng vẫn dùng chính lời của đối thủ, đưa ra bằng chứng lý lẽ, dựa trên sự thật để bác bỏ. Hai lần đối đáp đã khiến cho vị mưu sĩ số 1 của Đông Ngô cứng miệng, không biết nói thêm gì.

刘备像(唐·阎立本《古帝王图》局部)(公有领域)
Tranh vẽ Lưu Bị (Một phần bức tranh Cố Đế Vương Đồ của họa sĩ Diêm Lập Bản thời nhà Đường) (Ảnh thuộc miền công cộng)

Quân Tào không có gì phải sợ, nho sĩ Đông Ngô thật đáng cười

Một con sóng vừa qua thì con sóng khác lại đến. Một mưu sĩ khác lớn giọng hỏi: Hiện tại quân của Tào Tháo có đến trăm vạn, đang muốn chiếm lấy Giang Hạ, không biết ý kiến của Gia Cát Lượng như thế nào?

Người vừa chất vấn chính là Ngu Phiên. Phái chủ hàng vốn nhát gan sợ sệt, không dám đối đầu với Tào Tháo, đã thế lại còn lấy bụng tiểu nhân đo lòng quân tử, muốn lấy uy thế quân Tào để làm tan rã lòng quân của Lưu Bị. Thế nhưng, Ngu Phiên không biết rằng Gia Cát Lượng đã có mấy lần giao tranh với quân Tào, hiện tại đang muốn liên minh với nước Ngô để kháng Tào, làm sao có thể sợ hãi được?

Quả nhiên, Gia Cát Lượng nói rằng, đám quân của Viên Thiệu, hàng binh của Lưu Biểu dưới trướng Tào Tháo chỉ là một đám người ô hợp. Cho dù là trăm vạn người cũng không có gì phải sợ. Ngu Phiên lại dùng lời lẽ sắc bén, ra sức công kích, nói rằng Lưu Bị đại bại dưới tay của Tào Tháo, chỉ có thể đến Đông Ngô cầu cứu, lúc này mạnh mồm nói không sợ, chẳng phải tự dối mình dối người đó sao?

Gia Cát Lượng cũng trả lời một cách mạnh mẽ: Lưu Bị chỉ nắm giữ mấy nghìn binh mã, đương nhiên không thể địch nổi một đội quân trăm vạn, nhưng vẫn giữ được tinh thần quyết chiến. Ngược lại Giang Đông có quân lính tinh nhuệ, lương thảo đầy đủ, lại chiếm giữ nơi hiểm yếu của sông Trường Giang, thế nhưng các mưu thần đều xin chúa công đầu hàng, rốt cuộc là ai đang sợ quân Tào. Điều này không cần nói cũng biết được.

Sau đó, Bộ Chất lại đứng ra, trực tiếp nói ra ý đồ của Gia Cát Lượng là đang bắt chước Tô Tần, Trương Nghi đến nước Ngô làm thuyết khách. Gia Cát Lượng cũng không che giấu mà trực tiếp khen ngợi kế sách hợp tung liên hàng của Tô Tần và Trương Nghi, cho rằng họ đều là những nhà mưu lược gây dựng quốc gia, chứ không phải là phường sợ hãi kẻ mạnh ức hiếp kẻ yếu, tham sống sợ chết. Đường đường là mưu thần Đông Ngô, chỉ một bức chiến thư của Thào Tháo mà hốt hoảng xin đầu hàng, còn mặt mũi gì mà cười chê bậc tiên hiền?

Bộ Chất vốn muốn mượn chuyện xưa để chê cười chuyện nay, không ngờ tự chuốc nhục, thất bại thảm hại.

Nho sĩ tiếp theo đứng lên xuất trận là Tiết Tông. Tiết Tông bàn về Tào Tháo, cho rằng việc đầu hàng là hoàn toàn hợp lý. Ông ta cho rằng, số mệnh của tông thất nhà Hán đã tận, Tào Tháo đã chiếm được hơn nửa lãnh thổ, Lưu Bị tranh đấu với Tào Tháo, cũng giống như trứng chọi đá, không biết thức thời.

Gia Cát Lượng không còn giữ thái độ nho nhã, mà quát to: Ngươi làm sao có thể nói ra những lời vô phụ vô quân như vậy! Quân Thần nước Ngô đều thần tử của nhà Hán, nhưng không biết lo nghĩ cho giang sơn xã tắc, chỉ biết chạy theo lợi lộc, tránh điều có hại cho bản thân, còn nói ra những lời đại nghịch bất đạo như vậy. Gia Cát Lượng lớn tiếng trách mắng rằng: "Ngươi không xứng đáng để bàn luận! Chớ có nói nữa!", khiến Tiết Tông vô cùng xấu hổ.

Lục Tích lại tiếp tục làm khó, hỏi rằng Tào Tháo là con cháu của Tào Tham, còn Lưu Bị tự xưng là con cháu của Trung Sơn Tĩnh Vương, nhưng lại không có bằng chứng. Hơn nữa Lưu Bị chỉ là một người dệt chiếu, bán giày, về xuất thân làm sao có thể so sánh được với Tào Tháo. Gia Cát Lượng cười nhẹ, đầu tiên nhắc lại hành vi thất lễ của Lục Tích khi xưa thờ phụng Viên Thuật, làm mất sĩ khí của ông ta. Sau đó Gia Cát Lượng giải thích rằng thân phận của Lưu Bị đã được Hoàng đế tra xét gia phả, còn ban cho tước vị, làm sao có thể nói là không có căn cứ. Huống hồ Hán Cao Tổ xuất thân từ một đình trưởng, như vậy thân thế của Lưu Bị làm sao lại có thể là nghèo hèn? Gia Cát Lượng cho rằng "Kiến thức của ông như trẻ con, không nên ngồi nói chuyện với cao sĩ", khiến Lục Tích chỉ biết nghẹn lời, không nói gì được nữa.

京剧中诸葛亮的扮相(公有领域)
Hóa trang Gia Cát Lượng trong Kinh kịch (Ảnh thuộc miền công cộng)

Gia Cát Lượng, bậc kỳ tài đương thời.

Sau vài hiệp khẩu chiến, có những lúc cười, có lúc lại tức giận trách mắng, lúc thì lấy ví dụ, lúc thì so sánh, lúc thì trực tiếp bác bỏ, có lúc lại lấy thủ để công, ra sức đối đáp, hóa giải những đòn công kích liên tục của Nho sĩ Đông Ngô. Tình huống này quả giống như chỉ cần một người đã đủ sức để giữ được quan ải, tạo ra khí thế mà vạn người cũng không thể thắng được. Dù là nói về hoàn cảnh của Lưu Bị, thực lực của Tào Tháo, hay mưu trí của Gia Cát Lượng, Nho sinh của Đông Ngô dường như đã cố gắng hết sức nhưng cũng không thể tranh biện được. Thế nhưng lúc này Nghiêm Tuấn lại một lần nữa khiêu khích, tránh chỗ mạnh đánh chỗ yếu, nói rằng lập luận của Gia Cát Lượng đều là cưỡng từ đoạt lý, rồi lại hỏi Gia Cát Lượng trị quốc theo những sách vở kinh điển nào.

Đối với một vấn đề rỗng tuếch như vậy, Gia Cát Lượng cũng không gặp khó khăn, dùng chính những lời của Nghiêm Tuấn: "Người trị quốc nhất định phải trích dẫn sách vở, kinh điển" để phản bác, đáp rằng: "Tìm từng chương, dò từng câu, chỉ là bọn hủ Nho mà thôi, làm sao có thể dựng nên được nước non cơ nghiệp". Sau đó Gia Cát Lượng lại liệt kê những danh tướng trọng thần thời cổ đại như Y Doãn, Khương Tử Nha… hỏi xem có ai dựa vào kinh điển để trị quốc? Chỉ có những tên thư sinh bo bo sách vở, múa văn khua bút, nghị luận thị phi về người khác, không đáng để mang ra làm gương. Gia Cát Lượng liên tục hỏi lại, làm nổi bật sự rỗng tuếch của Nghiêm Tuấn. Hiệp này Ngọa Long tiên sinh lại chiến thắng.

Lúc này, cuối cùng lão Nho sĩ Trình Đức Khu cũng ra mặt, lớn tiếng chỉ trích Gia Cát Lượng: "Chỉ biết nói khoác là giỏi, chưa chắc đã có thực học, chỉ sợ bọn nhà Nho cười cho mà thôi".

Gia Cát Lượng cũng hề nao núng, lấy "nhà Nho" để phân tích rằng: Nho quân tử là những người "trung quân ái quốc, giữ chính ghét tà", còn Nho tiểu nhân chỉ là "chỉ biết dùi vào câu chữ, đầu bạc đọc kinh". Nho tiểu nhân dù có ngàn lời cũng không có đóng góp gì cho quốc gia. Cảnh giới giữa quân tử và tiểu nhân khác nhau một trời một vực, nếu vậy Gia Cát Lượng bị Nho tiểu nhân cười nhạo thì có làm sao?

Nho sĩ đều ngạo mạn vì chữ "Nho" này, thế nhưng Gia Cát Lượng đã phân tích một cách thấu đáo đâu ra đó khiến tất cả Nho sĩ Đông Ngô "đều biến sắc".

Cuối cùng là lão tướng Hoàng Cái đi vào, phá vỡ cục diện bế tắc, nói một lời trúng ngay chỗ hiểm: "Khổng Minh là bậc kỳ tài đương thời, các ngươi lấy môi mép vặn người ta, đó không phải kính trọng khách. Đại quân của Tào Tháo đã đến bờ cõi, tìm kế chống giặc chẳng tìm, cứ ngồi đấu khẩu như thế ích gì?".

Màn khẩu chiến kịch liệt với nho sĩ Đông Ngô đến đây đã kết thúc. Sau đó, Gia Cát Lượng có cơ hội gặp được Ngô vương Tôn Quyền, thúc đẩy việc hình thành liên minh.

"Văn tâm điêu long" có câu rằng: "Thuyết nhĩ phi kiềm, hô hấp trở khuyến". Chính là tài biện luận cao siêu giống như "phi kiềm" có thể nắm được lòng người, từ đó có thể có tác dụng động viên hoặc cản trở. Đồng thời, tài hùng biện cao thấp cũng phản ánh được cảnh giới trí tuệ và khát vọng. Gia Cát Lượng có thể một mình đối đầu với Nho sĩ Đông Ngô mà vẫn có thể nắm chắc phần thắng. Điều này bắt nguồn từ sự nhìn xa trông rộng, muốn liên kết với Đông Ngô của ông. Ngược lại những Nho sĩ Đông Ngô này, chưa chiến đã hàng, vốn thua xa sự gan dạ sáng suốt cùng mưu lược của Gia Cát Lượng. Như vậy nhưng Nho sĩ này làm sao có thể đấu lại những lời lẽ và lập luận sắc bén của Ngọa Long tiên sinh?

Liễu Địch - Epoch Times
Đức Nhân biên dịch

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Khổng Minh hùng biện, khẩu chiến quần Nho