Khổng Tử có công năng đặc dị - Khổng Tử và Lão Tử ai cao hơn?

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Mọi người đều biết Đạo Trung Dung và Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín của Khổng Tử, nhưng vị tị tổ của Nho gia, người có ảnh hưởng tới hậu thế trong suốt hơn 2000 năm này, khi đánh giá về mình thì nói rằng, nếu tôi được sống lại, từ 50 tuổi bắt đầu học tập Kinh Dịch, thì tôi đã không phạm nhiều sai lầm lớn như thế này.

Nghe thêm: Radio Văn Hóa

Thánh nhân Khổng Tử cũng phạm sai lầm sao? Rốt cuộc ông đã phạm sai lầm gì? Chỉ cần từ quá trình trải nghiệm ngộ Đạo một đời của Khổng Tử, là biết được những sai lầm mà ông nói đến đó là gì.

Khổng Tử sống vào thời Xuân Thu, chư hầu ai nấy cát cứ một phương, vì lợi ích mà chinh phạt lẫn nhau, chiến tranh không ngừng nghỉ. Người dân các nước khổ không nói nên lời.

Trước hiện trạng lễ băng nhạc hoại, Khổng Tử đề xuất khôi phục Chu lễ, thực thi nhân chính lễ chế, giáo hóa mọi người tôn sùng đạo đức, tuân theo nhân nghĩa lễ trí tín, ai nấy giữ bổn phận của mình, khôi phục lại trật tự nhân luân “quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử”, từ đó đạt được thiên hạ thịnh trị.

Nhưng cả cuộc đời Khổng Tử long đong lưu lạc, chu du liệt quốc, chịu mọi nỗi khổ cực, vẫn không tìm được nơi nào để thi triển tài hoa. Đến những năm cuối đời, Khổng Tử bắt đầu nghiên cứu Dịch học. Lúc này, ông mới phát hiện ra rằng, thì ra hết thảy mọi sự việc thế gian đều do Thiên mệnh đặt ra, Thiên mệnh quy định. Thực ra Khổng Tử là một người thiên phú, ông có cái mà ngày nay chúng ta gọi là công năng đặc dị.

Khổng Tử hội tụ những đỉnh cao của nền văn hóa Trung Hoa cổ đại, ông cho rằng Chu Lễ đối với tín ngưỡng Thần và Thiên mới có thể giúp con người tìm lại cái gốc của làm người (Ảnh: Wikipedia)
Khổng Tử hội tụ những đỉnh cao của nền văn hóa Trung Hoa cổ đại, ông cho rằng Chu Lễ đối với tín ngưỡng Thần và Thiên mới có thể giúp con người tìm lại cái gốc của làm người (Ảnh: Wikipedia)

Thần thông của Khổng Tử

Thiết Phù Thiên sách Liệt Tử có ghi chép 2 sự kiện như sau:

Nước Tống có một người thích làm việc thiện, thích bố thí, trượng nghĩa, làm những việc nhân đức. Nhà ông có con bò đen sinh ra một con bê trắng, cảm thấy rất kỳ lạ, nên tìm đến Khổng Tử thỉnh giáo. Khổng Tử nói, đó là điềm tốt, hãy đem nó đi hiến tế Thần linh.

Một năm sau, không biết tại sao, mắt người này bị mù. Sau đó không lâu, con bò đen lại sinh ra một con bê trắng. Ông sai con trai đi hỏi Khổng Tử. Người con nói: “Lần trước cha hỏi và làm theo, rồi mắt bị mù, việc gì phải hỏi nữa?”

Người cha nói: “Lời nói của Thánh nhân có đạo lý rất sâu, có những lúc, những lời của họ sau này mới ứng nghiệm. Con cứ đi hỏi ông ấy đi”.

Thế là người con trai lại đi hỏi Khổng Tử. Lần này, Khổng Tử vẫn không nói nguyên do, vẫn nói giống như lần trước: “Đây là điềm lành, hãy hiến tế con bê đó cho Thần linh đi”.

Hai cha con làm theo. Lại một năm sau, hai mắt người con không biết nguyên nhân tại sao cũng bị mù.

Không lâu sau, nước Sở đem quân tấn công nước Tống, đàn ông nước Tống đều bị trưng binh, và đại bộ phận đều chết ở chiến trường. Hai cha con nhà này vì bị bệnh về mắt, nên được không bị bắt đi lính, và đã giữ được tính mạng.

Sau khi chiến tranh kết thúc, mắt hai cha con bỗng sáng trở lại một cách thần kỳ. Lúc này, hai cha con mới hiểu những lời của Khổng Tử đều có hàm nghĩa.

Giáo dục đúng nghĩa bắt đầu từ triết lý giáo dục đúng đắn. (Ảnh Khổng Tử dạy các học trò. Nguồn: công cộng)

Một năm nọ, có loài chim một chân tụ tập đến triều đình nước Tề, xòe cánh nhảy múa. Tề Hầu lấy làm lạ lắm, bèn sai người đi hỏi Khổng Tử. Khổng Tử nói: “Loài chim này gọi là thương dương, là điềm báo của lũ lụt. Trước đây, trẻ con khuỵu chân, lắc vai, vừa nhảy vừa hát ‘Trời sắp mưa lớn, thương dương nhảy múa’. Năm nay nước Tề có thể ứng với điềm báo này”.

Thế là Tề Hầu hạ lệnh cho nhân dân khơi ngòi sửa đê. Sau đó có mưa lớn, nước Tề do chuẩn bị phòng chống trước nên không bị thiệt hại.

500 năm sau khi Khổng Tử qua đời, vào những năm Vĩnh Bình thời Đông Hán, người đất Cối Kê là Chung Ly Ý, tự Tử A, làm thừa tướng nước Lỗ. Sau khi nhậm chức, ông đã lấy ra 1 vạn 3 nghìn đồng tiền xu từ bổng lộc của mình, giao cho con cháu nhà họ Khổng là Hộ tào Khổng Hân, để tu sửa xe ngựa mà Khổng Tử đã từng đi. Chung Ly Ý đích thân vào Khổng Miếu lau chùi bàn ghế, chỗ ngồi, bảo kiếm và giày.

Ông còn sai một người đàn ông tên là Trương Bá cắt cỏ trước giảng đường của Khổng Tử. Trong quá trình cắt cỏ, Trương Bá phát hiện ra 7 miếng ngọc bích, ông ta giấu đi một miếng, rồi đem 6 miếng ngọc báo cáo với Chung Ly Ý.

Chung Ly Ý sai chủ bạ đặt những miếng ngọc này ở chiếc án trước giảng đường của Khổng Tử. Ông phát hiện ra trước giường trong giảng đường có treo một cái vò. Ông bèn gọi Khổng Hân đến, hỏi là dùng để làm gì. Khổng Hân nói: “Đây là chiếc vò của Khổng Phu Tử, bên trong có đan thư, chưa có ai dám mở ra”.

Chung Ly Ý mở vò, chỉ thấy bên trong có một quyển sách lụa, trên có viết: “Đời sau có người sửa sách của ta, đó là Đổng Trọng Thư. Người bảo vệ xe của ta, lau giày của ta, mở hòm sách của ta, là Chung Ly Ý người Cối Kê. Ngọc bích có 7 miếng, Trương Bá giấu một miếng”.

Chung Ly Ý vội vàng gọi Trương Bá lại, Trương Bá khấu đầu tạ tội, và giao nộp miếng ngọc bích đã giấu.

Từ khi Khổng Tử qua đời đến lúc mở cái vò này, thời gian cách nhau hơn 500 năm, làm thế nào mà Khổng Tử nói rõ chi tiết không sai một ly những sự việc xảy ra sau 500 năm? Câu trả lời chỉ có một, đó là Không Tử là người có công năng đặc dị. Ông có công năng túc mệnh thông, có thế nhìn thấy những thứ mà người thường không nhìn thấy được.

Trong các đệ tử của Khổng Tử có một người tên là Công Dã Tràng, người này có thể nghe hiểu tiếng chim, vì vậy đã có lần bị nhầm là hung thủ giết người, bị tống ngục.

Sau này, ở trong ngục, ông nghe thấy tiếng chim sẻ ríu ra ríu rít, nói rằng ở một nơi nào đó có một chiếc xe chở lương thực bị lật, lương thực vãi tung khắp nơi, bầy chim sẻ ồn ào gọi nhau đi ăn lương thực.

Cai ngục sai người đi xem xét, quả nhiên đúng như vậy. Thế là Công Dã Tràng được phóng thích.

Sau khi Khổng Tử nghe tin Công Dã Tràng bị tống giam trong ngục, ông nói, Công Dã Tràng là một người xứng đáng gả con gái cho anh ta. Anh ta tuy bị tai họa lao tù, nhưng không phải là tội lỗi của anh ta. Thế là Khổng Tử gả con gái cho Công Dã Tràng.

Công Dã Tràng. (Ảnh baike)

Nói rằng Khổng Tử có công năng đặc dị, rất nhiều người có thể không tin, bởi vì Tư Mã Thiên viết “Tử bất ngữ quái lực loạn Thần”, nghĩa là Khổng Tử không nói chuyện quỷ Thần. Điều này để lại ấn tượng cho người đời sau rằng, Khổng Tử là người không tin quỷ Thần.

Thực ra, sau này có người đã đưa ra những giải nghĩa khác nhau. Ngữ cảnh lúc đó là, Diệp Công hỏi Tử Lộ rằng, Khổng Tử là người như thế nào. Tử Lộ không trả lời. Sau khi biết chuyện, Khổng Tử nói: “Sao trò không nói rằng, ông ấy là người dụng công học tập quên cả ăn, đến mức vui thú quên cả ưu sầu, không biết rằng tuổi già sắp đến”.

Khổng Tử nói: “Thực ra không phải ta sinh ra là đã là người có tri thức, mà là người yêu thích lễ đức cổ đại, cần cù mẫn tiệp cầu có được tri thức”.

Nói đến đây, Khổng Tử dừng lại không nói nữa, chỉ sợ dùng sức sẽ phân tâm, nhiễu loạn tâm thần.

Sau một lúc, Khổng Tử lại nói: “Ba người cùng đi, ắt có người là thầy của ta, chọn sở trường của họ để học tập, và sửa chữa những khuyết điểm mà người ấy có và ta cũng có”.

Trong khoảng thời gian Khổng Tử dừng lại đó, rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì? Người có công năng đã nhìn thấy tình cảnh đó là, khi Khổng Tử nói tri thức của mình đều là dựa vào cần cù cầu học mà có được, bỗng ông nhìn thấy một cảnh tượng khiến người ta bất an.

Khổng Tử biết mình đã nói sai rồi, bởi vì rất nhiều đạo lý và tri thức mà ông nói ra, là có nguồn gốc từ sự khai thị của Thần, mà ông hoàn toàn không nói rõ điểm này cho mọi người, mà lại quy về do sự nỗ lực học tập hậu thiên mà có được.

Càng tệ hơn là, sau khoảnh khắc ông dừng lại chốc lát đó, lại không kịp thời sửa chữa sai lầm, mà lại tiếp tục nói theo tư duy lúc trước: Ba người cùng đi, ắt có người là thầy của ta. Ông vẫn quy học thức của mình là nhờ cần cù hiếu học, không xấu hổ học hỏi những người thấp kém.

Cần cù hiếu học đương nhiên là không sai, nhưng Khổng Tử là Thánh nhân giáo hóa thế nhân, nên chính vì thế đã hạn chế sự lĩnh ngộ của hậu nhân đối với Đạo, giống như chúng ta thường nghe nói: Ba phần thiên tài, bẩy phần nỗ lực.

Câu nói này không sai, nhưng điều quan trọng hơn là 3 phần thiên tài mới là then chốt nhất. Nếu thiếu 3 phần thiên tài này, thì cho dù 10 phần nỗ lực, cũng không thể nào đạt đến thành tựu và trình độ cao như thế được. Đây chính là con đường đã đi của những nhà khoa học thiên tài mà chúng ta quen thuộc như Einstein, Tesla, Newton.

Khổng Tử cũng như vậy, thiên phú đặc biệt của ông khiến ông có đại học vấn, nhưng đến những năm cuối đời, ông mới thực sự ngộ Đạo.

Vấn Đạo Lão Tử

Mọi người thường bàn luận, Khổng Tử vào Lão Tử, người cùng thời đại với ông, ai cao hơn. Thực ra họ không có cái để so sánh. Khổng Tử là người sáng lập văn hóa Nho gia. Ông dạy đạo lý làm người, do đó, người đời sau và xã hội phương Tây đều coi ông là nhà triết học, nhà giáo dục, là một đại sư.

Còn Lão Tử là ông tổ của Đạo gia. Ông dạy mọi người đạo lý xuất thế gian, làm thế nào để ngộ Đạo thành Tiên. Ông viết Đạo Đức Kinh 5000 chữ để lại cho hậu nhân, rồi đoạn tuyệt duyên trần ra đi.

Cũng có nghĩa là, Khổng Tử giảng đạo lý nhân thế, còn Lão Tử giảng đạo lý siêu xuất thế gian, một cái là đạo lý làm người, một cái là đạo lý thành Tiên, ai cao ai thấp, mọi người tự phán đoán.

Trong cả cuộc đời, Khổng Tử đã có nhiều cơ hội thỉnh giáo Lão Tử. Lần đầu tiên khi Khổng Tử 17 tuổi, Lão Tử đã chủ động mời Khổng Tử cùng chủ trì tang lễ một người bạn. Lần thứ 2 khi Khổng Tử 25 tuổi, ông vẫn thỉnh giáo Lão Tử những sự tình về phương diện Chu lễ như an táng…

Sau năm thứ 26 đời Lỗ Chiêu Công, theo Sử Ký và Khổng Tử Gia Ngữ ghi chép, Khổng Tử và Nam Cung Kính Thúc đến Lạc Ấp thỉnh giáo Lão Tử. Lần này, Khổng Tử không còn nói về Chu lễ nữa, mà nói về nhân nghĩa.

Trước khi từ biệt, Lão Tử tiễn Khổng Tử đến bên bờ sông Hoàng Hà. Thấy nước sông chảy cuồn cuộn không ngừng, Khổng Tử than rằng: “Thời gian cũng trôi đi như thế này, ngày đêm không ngừng nghỉ. Không biết nước sông chảy đi đâu? Đời người không biết đi về đâu?”

Lão Tử nói: “Con người sinh ra giữa trời đất, là một thể cùng với trời đất. Trời đất là sản vật của tự nhiên, đời người cũng là sản vật của tự nhiên. Con người có sự biến đổi từ tuổi thơ, thiếu niên, tráng niên, và tuổi già, cũng giống như trời đất có sự đổi thay Xuân Hạ Thu Đông, có gì sầu bi đâu?

“Sinh ra bởi tự nhiên, chết đi bởi tự nhiên, bất kỳ thứ gì theo tự nhiên thì bản tính không loạn. Không theo tự nhiên, bận rộn bôn tẩu giữa nhân và nghĩa, thì bản tính bị trói buộc”.

“Công danh ở trong tâm thì sinh ra tình cảm tiều tụy lo nghĩ. Lợi dục ở trong tâm thì tăng thêm tình cảm phiền nhiễu”.

Khổng Tử nói: “Trò lo Đại Đạo không được thực hành, nhân nghĩa không được thực thi, thì chiến loạn không ngừng, quốc gia loạn lạc. Do đó mới than thở rằng, đời người ngắn ngủi, không có công gì với đời, không có giúp gì cho dân”.

Lão Tử đáp rằng: “Trời đất không người đẩy mà tự vận hành, nhật nguyệt không người thắp mà tự chiếu sáng, tinh tú không người bày mà có trật tự, cầm thú không người tạo mà tự sản sinh. Đó đều là tự nhiên làm, việc gì phải mệt sức người làm?”

“Con người sở dĩ sinh ra, sở dĩ chết đi, sở dĩ vinh hoa, sở dĩ nhục nhã, đều là có cái lý của tự nhiên, là Đạo của tự nhiên. Thuận theo cái lý của tự nhiên mà đi, tuân theo Đạo của tự nhiên mà hành xử, quốc gia sẽ tự thịnh trị, con người sẽ tự quy chính, việc gì cần phải say mê với lễ nhạc và đề xướng nhân nghĩa?”

“Say mê với lễ nhạc và đề xướng nhân nghĩa, thì càng rời xa bản tính của con người, giống như người ta gióng trống để tìm người bỏ trốn vậy, đánh trống càng lớn thì người ta tháo chạy càng xa”.

Trở về nước Lỗ, các đệ tử hỏi về tình hình khi Khổng Tử gặp Lão Tử, Khổng Tử nói: “Chim, ta biết nó bay, cá, ta biết nó bơi, rồng ở giữa gió mây, ta không biết nó lên hay nó xuống. Lão Tử là rồng chăng?”

Câu nói này có thể thấy, Khổng Tử cho rằng, tư tưởng của Lão Tử sâu xa không thể chạm tới được.

Lão Tử nói: "Đức cao nhất vô hình vô danh, nuôi dưỡng vạn vật mà không cần nói, không bao giờ có ý triển hiện đức hạnh, khiến cho người ta cảm giác nó không tồn tại, đó là đức chân chính." (Ảnh: hk.epochtimes.com)
Lão Tử nói: "Đức cao nhất vô hình vô danh, nuôi dưỡng vạn vật mà không cần nói, không bao giờ có ý triển hiện đức hạnh, khiến cho người ta cảm giác nó không tồn tại, đó là đức chân chính." (Ảnh: hk.epochtimes.com)

Lần gặp Lão Tử lần nữa, Khổng Tử đã 51 tuổi rồi. Khổng Tử nghe nói, Lão Tử trở về đất Bái, nước Tống ẩn cư, nên đã dẫn theo đệ tử đến bái kiến Lão Tử. Lão Tử thấy Khổng Tử đến thăm, thì hỏi: “Từ khi từ biệt đã hơn chục năm, nghe nói ông đã thành bậc đại hiền tài phương Bắc, lần này hạ cố, có gì chỉ giáo chăng?”

Khổng Tử bái lạy và nói: “Đệ tử bất tài, tuy chăm chỉ suy nghĩ, chuyên cần học tập, nhưng chu du hơn chục năm trời vô ích, chưa bước vào được cánh cửa của Đạo, do đó đến xin thỉnh giáo”.

Lão Tử nói: “Đạo thâm sâu như biển, cao lớn như núi, trài khắp vũ trụ, mà không nơi nào là không có, chuyển vần không ngừng nghỉ, mà không vật nào không động đến. Cầu mà không thể đắc được, luận mà không thế tiếp xúc được”.

“Đạo, sinh ra trời đất mà không suy bại, giúp vạn mật mà không khuyết thiếu. Trời đắc được nên mới cao, đất đắc được nên mới dày, nhật nguyệt đắc được nên mới vận hành, tứ thời đắc được nên mới trật tự, vạn vật đắc được nên mới có hình hài”.

Khổng Tử nghe xong bất giác than rằng: “Rộng thay, mênh mông thay! Vô biên vô tế! Trò sống trên đời 51 năm rồi, vẫn chưa biết hoàn vũ to lớn mênh mông như thế”.

Lão Tử nói: “Thánh nhân xử thế, gặp việc mà không trái, việc chuyển mà không giữ, thuận theo vật mà lưu chuyển, để sự việc tự nhiên. Người điều hòa và thuận ứng theo, thì đó là người có đức. Người tùy thế mà thuận ứng theo, thì đó là người đắc Đạo”.

“Biết được Đại Đạo này, nhật nguyệt thay đổi, trời đất rung động, gió gầm biển thét, sấm rền chớp giật, mà vẫn an nhiên tự tại”.

Khổng Tử nói: “Trò 30 tuổi lập chí học Đạo, 40 tuổi không còn nghi hoặc. Nay 51 tuổi mới biết Tạo hóa là gì. Tạo mình làm chim thì thuận theo tính của chim mà hóa. Tạo mình làm cá thì thuận theo tính của cá mà hóa. Tạo mình làm ong thì thuận theo tính của ong mà hóa. Tạo mình làm người thì thuận theo tính của người mà hóa”.

“Chim, cá, ong, người khác nhau, nhưng biến hóa thuận theo bản tính tự nhiên thì lại tương đồng. Thuận bản tính mà biến hóa, tức là thuận theo Đạo mà hành xử. Lập thân ở những hoàn cảnh khác nhau, thần du ở cảnh giới đại đồng, thì hợp với Đại Đạo”.

Thế là, cuối cùng Khổng Tử cũng đã bước chân vào cánh cửa của Đại Đạo. Từ câu nói của ông rằng, ông “50 tuổi biết mệnh Trời, 60 tuổi nghe gì cũng thuận tai, 70 tuổi làm theo những gì tâm mong muốn mà vẫn không vượt ra ngoài đạo lý”, có thể thấy, Khổng Tử thực sự đắc Đạo là sau năm 70 tuổi.

Trung Hòa
Theo weiyushiguang



BÀI CHỌN LỌC

Khổng Tử có công năng đặc dị - Khổng Tử và Lão Tử ai cao hơn?