Khổng Tử ngưỡng mộ Chu Công, nhưng tại sao hậu thế chỉ tôn thờ Khổng Tử, không thờ cúng Chu Công?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều người biết Chu Công chế tác văn hóa lễ nhạc, ảnh hưởng suốt mấy ngàn năm văn hóa Trung Hoa. Chu Công có một người kế thừa xuất sắc đó là Khổng Tử. Nhưng tại sao hậu thế chỉ tôn thờ Khổng Tử, không thờ cúng Chu Công?

Thời Khổng Tử sống là thời lễ băng nhạc hoại, chư hầu chiến loạn liên miên, ông vô cùng ngưỡng mộ Chu Công, hy vọng theo gương người xưa để khôi phục trật tự xã hội, nên ông dành cả đời dốc sức phục hồi văn hóa lễ nhạc của nhà Chu.

Theo lý thì Chu Công là vị khai sáng văn hóa lễ nhạc, Khổng Tử là vị kế thừa, vậy tại sao chúng ta thấy có rất nhiều miếu thờ Khổng Tử, cử hành lễ tế long trọng mà không tế tự Chu Công?

Kỳ thực, Chu Công có ảnh hưởng quan trọng đối với văn hóa Trung Hoa. Trước thời Tùy Đường, khi ấy trong văn miếu chủ yếu thờ cúng Chu Công, Khổng Tử chỉ ở vai trò phụ theo. Hiện nay vẫn còn lưu lại nhiều miếu đường thờ cúng Chu Công, như miếu Chu Công ở Lạc Dương, Kỳ Sơn Thiểm Tây…

Về sau, từ thời nhà Đường đã có sự thay đổi, chủ yếu tế tự Khổng Tử mà không tế tự Chu Công.

Thời đầu nhà Đường, Đường Cao Tổ Lý Uyên, vẫn chủ yếu thờ phụng Chu Công, nhưng triều Đường về sau lại đưa linh vị Chu Công ra khỏi văn miếu. Khi ấy có đại thần can gián nói, Chu Công phò tá Chu Thành Vương, tuy không phải là hoàng đế, nhưng cũng tương đương với đế vương, nên lấy nghi lễ đế vương mà tế cúng. Ngoài ra, còn có một nguyên nhân quan trọng nữa, liên quan tới một vị nữ nhân, là hậu phi của Đường Cao Tông: Võ Tắc Thiên.

Trong lịch sử Trung Quốc, Võ Tắc Thiên là vị nữ nhân duy nhất lên làm Hoàng đế, đây là sự kiện chưa bao giờ xảy ra trong mấy ngàn năm lịch sử. Trước là hậu phi của Hoàng đế, sau lại tự muốn lên làm Hoàng đế, làm thế nào để danh chính ngôn thuận được đây?

Bởi vì bà mang họ Võ, họ Võ có nguồn gốc từ họ Cơ. Hoàng Đế (Hiên Viên Hoàng Đế) họ Cơ, người nhà Chu Vương mang họ Cơ, như Chu Văn Vương Cơ Xương, Chu Vũ Vương Cơ Phát, cho nên Võ Tắc Thiên nói: Ta mang họ Võ, là hậu duệ của Chu Vương, tìm lại nguồn gốc thủy tổ là Chu Văn Vương, thay đổi quốc hiệu thành Chu, đồng thời di chuyển đô thành về Lạc Dương.

Tại sao lại dời đô về Lạc Dương? Bởi Lạc Dương từng là thủ đô của nhà Chu, cũng là đô thành mà Chu Công từng tuyển định.

Chu Công. (Miền công cộng)

Thay đổi quốc hiệu, đặt định đô thành, sau khi danh chính ngôn thuận, Võ Tắc Thiên còn thực thi nhiều động tác, ví dụ cho xây dựng thành Lạc Dương to lớn, bà cho kiến tạo bảy kiến trúc đồ sộ đối ứng với bảy tinh tú trên Thiên Thượng dọc theo trục tuyến thành Lạc Dương.

Võ Tắc Thiên lên ngôi ở thành Lạc Dương, sau đó còn cho cử hành đại lễ ‘Phong thiền’, một đại lễ mà rất nhiều Hoàng đế cổ đại chưa từng thực hiện.

Năm 705 Võ Tắc Thiên 80 tuổi bị ép thoái vị. Tháng 12 năm đó bà mất. Võ Tắc Thiên 14 tuổi nhập cung, bắt đầu từ một người hầu, trở thành phi tần rồi lên Hoàng hậu, cuối cùng làm Hoàng đế, một đời tranh đấu chốn vương quyền, đúng sai thành bại ngoảnh đầu hư không.

Bà lưu lại di chiếu: Sau khi chết bỏ xưng hiệu Hoàng đế, gọi bà là Tắc Thiên Đại Thánh Hoàng Hậu, hợp táng cùng Đường Cao Tông, để lại một tấm bia đá không chữ.

Đúng sai công tội để tùy hậu nhân bàn. Sau khi triều Chu do Võ Tắc Thiên tạo dựng diệt vong, vương quyền lại quay về vương tộc Lý.

undefined
Võ Tắc Thiên. (Miền công cộng)

Theo “Cựu Đường thư” ghi chép, sau khi Đường Huyền Tông Lý Long Cơ lên ngôi, để tiêu trừ ảnh hưởng của Võ Tắc Thiên, bởi vì bà đã cải tên nhà Đường thành nhà Chu, nên Đường Huyền Tông truy phong Khổng Tử là Văn Tuyên Vương, Chí Thánh Tiên Sư, hạ lệnh toàn quốc không thờ cúng Chu Công, chỉ tôn thờ Khổng Tử.

Sau thời nhà Đường, việc cúng tế Khổng Tử ở miếu đường nhiều dần lên. Về sau các triều Tống, Minh, Thanh đều theo lệ ấy mà tiếp nối.

Thời nhà Đường, có tới hơn nghìn miếu Khổng Tử ở khắp nơi, tới triều nhà Minh có tới 1560 ngôi miếu. Có rất nhiều quốc gia học theo văn hóa thời Tùy Đường, cho nên Khổng miếu không chỉ có ở Trung Quốc, mà còn phân bố rộng trong vùng văn hóa Á Đông, ở Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Đài Loan đều có miếu thờ Khổng Tử.

Hậu thế, những việc liên quan tới học tập, thi cử đều làm lễ tế Khổng Tử, nhưng người mà Khổng Tử nhất mực ngưỡng mộ là Chu Công, cả đời tuân theo văn hóa của Chu Công lưu lại. Khi về già, Khổng Tử còn nói: ‘Thậm hĩ ngô suy dã, cửu hĩ ngô bất phục mộng kiến Chu Công’, ông nói là ông sợ là đã già mất rồi, đã lâu quá rồi không mộng gặp Chu Công. Hậu thế liền cho rằng Chu Công phải chăng chỉ là người giải mộng. Kỳ thực, Chu Công mới chính là người thực sự sáng tạo ra văn hóa lễ nhạc của Trung Hoa.

Nhưng bất kể là tôn thờ vị khai sáng hay người kế thừa, thì đều hy vọng dùng phương thức lễ nhạc để tu nội mà an ngoại, chính lại mình mà cảm hóa người, dẫn lối cho phương thức lấy đức hạnh để quản lý thiên hạ, làm bách tính yên ổn thái bình.

Nhã Lan - Epoch Times
Thái Bình biên dịch

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Khổng Tử ngưỡng mộ Chu Công, nhưng tại sao hậu thế chỉ tôn thờ Khổng Tử, không thờ cúng Chu Công?