Kiếp nạn của ngôi chùa đầu tiên có lịch sử 2000 năm của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bạch Mã Tự tọa lạc tại thành Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc tương truyền là ngôi chùa Phật giáo đầu tiên tại Trung Quốc. Được xây dựng vào năm 67 sau Công Nguyên, vào thời của Minh Đế triều Đông Hán, trải qua gần 2000 năm phong ba bão táp, ngôi chùa cổ này đã không biết bao lần trải qua chiến tranh loạn lạc, nhưng hơn 50 trước, ngôi chùa này lại gặp phải một kiếp nạn thảm khốc chưa từng có.

Kiếp nạn của các chùa miếu, Đạo quán

Sau khi giành được chính quyền, Đảng Cộng sản Trung Quốc liền tiền hành đàn áp tôn giáo. Năm 1966, Đại Cách mạng Văn hóa nổ ra, cuộc vận động "Phá tứ cựu" cũng lên đến cao trào. "Phá tứ cựu" chính là phá bỏ tư tưởng cũ, văn hóa cũ, phong tục cũ, tập quán cũ. Lúc đó, đền chùa, Đạo quán, tượng Phật và các di tích danh thắng, thư họa, cổ vật đều trở thành đối tượng đập phá của lực lượng Hồng vệ binh.

Chúng ta có thể lấy tượng Phật làm ví dụ. Trên đỉnh núi Vạn Thọ ở Di Hòa Viên tại Bắc Kinh có 1000 bức tượng Phật phù điêu lưu ly. Trải qua phong trào "Phá tứ cựu”, ngũ quan của những tượng Phật đều này không còn toàn vẹn. Chùa Thiên Thai được xây dựng vào những năm Thái Diên thời Bắc Ngụy cách đây khoảng 1600 năm ở huyện Đại, tỉnh Sơn Tây, nổi tiếng với những bức tượng Phật và những bích họa vô giá. Thế nhưng, chỉ trong chốc lát lực lượng Hồng vệ binh đã hủy đi tất cả tượng Phật và các bích họa ở đây.

Lâu Quan Đài ở huyện Chu Chí, tỉnh Thiểm Tây chính là nơi Lão Tử từng giảng Đạo và lưu lại cho hậu thế cuốn "Đạo Đức Kinh" nổi tiếng. Thuyết Kinh Đài, nơi Lão Tử từng giảng Đạo làm trung tâm, trong phạm vi mười dặm xung quanh, có đến hơn 50 di tích, trong đó bao gồm cả "Tôn Thánh Cung" do Đường Cao Tổ Lý Uyên xây dựng cách đây hơn 1300 năm. Thế nhưng, trong thời Đại Cách mạng Văn hóa, không chỉ có Lâu Quan Đài và các di tích bị phá hoại, tất cả Đạo sĩ ở đây cũng bị bắt phải hoàn tục. Theo quy định, sau khi xuất gia, Đạo sĩ không được phép cạo râu, cắt tóc. Nhưng đạo sĩ bị bắt ép phải cắt tóc, cạo râu, có người còn bị bắt ép lập gia đình.

Ngoài ra, bảo vật quý giá nhất trong Phật giáo, một trong tam thánh tượng được Phật Thích Ca Mâu Ni đích thân khai quang khi còn tại thế: tượng bát tuế đẳng thân đã bị đập nát, phần mộ của Khổng Tử bị san bằng, tượng thờ trong miếu Khổng Tử cũng bị phá hủy.....Vô số đền miếu bị phá hủy, vô số tượng Phật bị đập nát, vô số người xuất gia bị bắt phải hoàn tục. Trung Quốc từng có đền chùa, đạo quán ở khắp nơi. Trải qua đại kiếp nạn Cách mạng Văn hóa, thì đã không còn gì. Bài viết này sẽ nói đến một ví dụ trong đó, Bạch Mã tự, ngôi chùa đầu tiên của Trung Quốc đã gặp phải kiếp nạn như thế nào trong Đại Cách mạng Văn hóa.

Nguồn gốc của chùa Bạch Mã

"Minh nguyệt khiếm cổ tự, lâm ngoại đăng cao lâu.
Nam phong khai trường lang, hạ nhật lương như thu".

Tạm dịch:

Trăng sáng chùa sừng sững, ngoài rừng leo lầu cao.
Gió nam thổi hành lang, ngày hè mát như thu.

Ngôi chùa được nhà thơ thời nhà Vương Xương Linh miêu tả trong bài thơ này chính là Bạch Mã tự nằm ở vị trí cách thành Lạc Dương, tỉnh Hà Nam 12 km về phía đông. Bạch Mã tự là ngôi chùa đầu tiên được xây dựng khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc. Vì vậy ngôi chùa này còn được gọi là "Tổ đình" và "Thích nguyên" của Phật giáo.

劉莊.jpg
Hán Minh Đế. (Wikipedia)

Về việc xây dựng Bạch Mã tự, có một câu chuyện thần kỳ như sau. Theo sử sách ghi lại, một đêm nọ trong những năm Vĩnh Bình thời Đông Hán, Hán Minh Đế Lưu Trang nằm mộng thấy một vị Thần thân vàng kim, trên thân của Ngài phóng ra vầng hào quang, bay vào hoàng cung, khiến lòng người vui mừng. Ngày hôm sau, Minh Đế triệu tập quần thần để hỏi về giấc mộng, có đại thần Phó Nghị tâu lên rằng:

“Vào ngày mùng 8 tháng Tư, năm thứ 24 thời Chu Chiêu Vương (tức là năm 972 TCN) triều đại nhà Chu, núi sông chấn động, các dòng sông đều cuộn lũ. Buổi tối có những ánh hào quang ngũ sắc chiếu lấp lánh ở phía trời Tây. Tô thái sử suy đoán rằng: “Vị Đại Thánh nhân này xuống nhân gian là để cứu khổ cứu nạn cho con người. Những lời răn dạy của Ngài, sau 1.000 năm, thì có thể truyền vào đất nước chúng ta. Giờ đây, 1.000 năm đã trôi qua và đã đến lúc. Hạ thần nghe nói có một vị thánh nhân ở Tây Vực, được người đời kính trọng gọi là “Phật”, và vì vậy có thể là vị ‘Phật’ mà Bệ hạ nằm mơ thấy”.

Vì để hiểu được "Phật", Minh Đế đã phái 12 người đến vùng Tây Vực đề cầu Pháp tìm Phật. 12 người này trải qua vô vàn nguy hiểm, cuối cùng đến được nước Đại Nguyệt Chi ở Tây Vực. Ở đó, Phật Pháp được truyền bá rộng rãi và có rất nhiều chùa chiền. Đoàn người này thu thập được một ít kinh Phật và tượng Phật, đồng thời còn mời hai vị cao tăng của Thiên Trúc là Nhiếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan đến Trung Nguyên giảng Pháp.

Vào năm Vĩnh Bình thứ 10 (năm 76 sau Công Nguyên), đoàn người quay trở về thành Lạc Dương. Minh Đế vô cùng vui mừng, cho triệu kiến hai vị cao tăng, sau đó mời hai vị cao tăng ở lại Hồng Lô Tự (quan thự của cơ quan ngoại giao), để phiên dịch những kinh văn đã mang về. Năm sau đó, Minh Đế hạ chỉ cho xây một tòa tăng viện ở ngoài cổng Ung môn của thành Lạc Dương. Chữ "tự" vốn có nghĩa là "quan thự". Bởi vì hai cao tăng Nhiếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan lúc mới đến là ở quan thự, lại là khách nước ngoài, để tiếp đãi long trọng, nên chỗ ở mới của họ được gọi là "tự". Từ đó về sau, những kiến trúc Phật giáo ở Trung Quốc cũng được gọi là "tự".

Ngoài ra, bởi vì lúc đi lấy kinh, có một chú ngựa trắng đã chở kinh Phật và tượng Phật từ Tây Vực về Trung Nguyên. Vì để tưởng nhớ công lao của chú ngựa trắng này, nên tăng viện này được đặt tên là "Bạch Mã Tự".

Ngày nay, trước cổng chùa Bạch Mã vẫn còn hai bức tượng ngựa đá. Hai con ngựa được chạm từ đá xanh này trước đây nằm ở phần mộ của Thái sư thái bảo, hữu vệ tướng quân, phò mã đô úy Ngụy Hàm Tín, sau đó được vận chuyển đến đây.

WhiteHorseTemple.jpg
Ngựa đá trước cổng chùa Bạch Mã. (Wikipedia)

Thời kỳ huy hoàng của Bạch Mã tự

Sau đó, hai vị cao tăng Nhiếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan cùng nhau dịch kinh truyền Pháp ở Bạch Mã Tự. Hai vị cao tăng đã dịch ra cuốn kinh Phật đầu tiên bằng tiếng Hán tên là "Tứ thập nhị chương kinh". Sau khi cao tăng Nhiếp Ma Đằng viên tịch, cao tăng Trúc Pháp Lan tiếp tục phiên dịch thêm một số kinh sách. Các bản dịch kinh sách của hai Ngài được cất giữ trong Đại điện để các tăng nhân lễ bái.

Vào thời Bắc Ngụy, trong rất nhiều tự viện của thành Lạc Dương, hương khói của Bạch Mã tự luôn hưng thịnh nhất. Tương truyền rằng, trong lúc các tăng nhân đang lễ bái những bản kinh Phật này, kinh sách đột nhiên phát ra ánh sáng ngũ sắc, chiếu sáng cả đại điện. Điều làm mọi người kinh ngạc hơn chính là, trong ánh hào quang còn có hình tượng của Phật.

Thời kỳ Võ Tắc Thiên đời nhà Đường, là thời gian Bạch Mã tự đạt đến cực thịnh. Lúc này có hơn ngàn tăng nhân cư ngụ ở chùa. Trong thời kỳ loạn An Sử và thời kỳ Hội Xương diệt Phật, Bạch Mã tự bị tàn phá nghiêm trọng, giống như được miêu tả trong câu thơ "Đoạn bi tàn sát gặp di tung" (Tạm dịch: Chỉ còn lại di tích của tấm bia vỡ và ngôi chùa đổ nát). Thời Tống Thái Tông, chùa được trùng tu. Vào những năm Gia Tĩnh thời nhà Minh và thời vua Khang Hy đời nhà Thanh, Bạch Mã tự tiếp tục được trùng tu sửa chữa.

ĐCSTQ đã lừa dối Sihanouk

Vào thời Dân quốc, Bạch Mã Tự dần dần lụi tàn, nhưng số lượng lớn các tượng điêu khắc bằng đất sét thời nhà Liêu, các bức tượng sơn thời nhà Nguyên như Tam Thế Phật, Nhị Thiên tướng, Thập bát La Hán, v,v..vẫn được bảo tồn rất tốt. Tháng 5 năm 1966, Đại Cách Mạng Văn hóa nổ ra, cuộc vận động "Phá tứ cựu" cũng theo đó đạt đến cao trào, bí thư chi bộ của đội sản xuất Bạch Mã Tự gần Bạch Mã Tự đã lãnh đạo cuộc cách mạng của nông dân, đập nát tượng Thập bát La Hán thời nhà Liêu, Bối diệp kinh do cao tăng Ấn Độ mang đến từ 2000 năm trước, ngựa ngọc hiếm có cùng tượng Phật, kinh thư đều bị hủy hoại. Ngay cả Bạch Mã tự cũng suýt chút nữa bị thiêu hủy.

Năm 1972, Sihanouk từ Campuchia sang tị nạn ở Trung Quốc, hy vọng được đến thăm Bạch Mã Tự. Vì không muốn cho Sihanouk nhìn thấy diện mạo đổ nát của Bạch Mã tự, và để che đậy sự tàn bạo, cũng như tội ác của Đại Cách mạng Văn hóa, Thủ tướng Chu Ân Lai của Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã hạ lệnh vận chuyển Bối diệp kinh ở Cố cung Bắc Kinh, tượng Thập bát La Hán đời nhà Thanh ở Bích Vân Tự tại Hương Sơn ngoại ô Bắc Kinh, tượng Phật La Hán ở Từ Ninh cung, Khang Thọ cung đến Bạch Mã Tự, đồng thời cho phép bảo tồn lâu dài những văn vật này ở Bạch Mã Tự. Đó là lý do tại sao Bạch Mã Tự ngày nay có nhiều văn vật thời Minh Thanh đến như vậy.

Lời kết

Mãi đến năm 1983, Bạch Mã Tự mới lại được cho mục đích tôn giáo, nhưng những tượng Phật, những văn vật gốc đã bị thiêu hủy sẽ không thể nào có lại được nữa. Thực ra kiếp nạn của Bạch Mã Tự cũng chỉ là hình ảnh thu nhỏ của hàng nghìn hàng vạn đền chùa, đạo quán trên khắp Trung Quốc. Sở dĩ ĐCSTQ dồn hết sức đàn áp tôn giáo, tấn công văn hóa và tín ngưỡng truyền thống, mục đích chính là để tất cả người dân đều tin vào chủ nghĩa "Vô Thần luận" của ĐCSTQ, nhờ đó duy trì quyền lực của chúng. Tuy nhiên, cùng với việc những tội ác của ĐCSTQ không ngừng vạch trần, chính quyền ĐCSTQ cũng đang bước trên con đường tan rã.

Theo Lâm Huy - Epochtimes

Đức Nhân biên dịch

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Kiếp nạn của ngôi chùa đầu tiên có lịch sử 2000 năm của Trung Quốc