Kim cương tọa có lai lịch thế nào? Tại sao Phật Thích Ca chọn khai ngộ dưới cội bồ đề?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đối với những người trong Phật môn, cây bồ đề có ý nghĩa rất quan trọng. Tại sao Phật môn lại tôn sùng cây bồ đề, coi như cây Thánh như vậy?

Trong các bức bích họa Đôn Hoàng có rất nhiều bức vẽ cây bồ đề. Ví dụ hang động thứ 17 (Tàng kinh động), trên bức tường quay về phía bắc có vẽ 2 cây bồ đề cành lá xum xuê tươi tốt. Đây cũng là 2 cây bồ đề cao lớn nhất trong các bức tranh tường Đôn Hoàng. Trên thân cây có dây leo vấn vít, trông rất tươi tốt khỏe khoắn.

Đây cũng là 2 cây bồ đề cao lớn nhất trong các bức tranh tường Đôn Hoàng. (Chụp video)

Trong “Đại Đường Tây Vực ký” của Đường Huyền Trang - cao tăng đời Đường, có kể lại một câu chuyện như sau.

Cây bồ đề liên quan đến một truyền thuyết Thần thoại rất xa xưa

Tương truyền từ xa xưa, bên sông Hằng, Ấn Độ có một cây bồ đề, cao hàng trăm thước, cành cây to chắc nịch, lá xanh tươi tốt, quanh năm xanh ngắt. Những thương gia, lữ khách đi nam về bắc thường xuyên ngồi nghỉ dưới gốc bồ đề này. Cây đại thụ này tỏa bóng mát um tùm, che chắn gió mưa cho con người, nó còn là loại gỗ tốt mang phúc lành cho bách tính.

Nhưng gỗ tốt trên thế gian có hàng ngàn vạn loại, và những cây đại thụ cho thể che nắng mưa còn nhiều hơn nữa. Vậy tại sao chỉ có cây bồ đề mới siêu thường như vậy?

Cây bồ đề ban đầu gọi là cây tất ba la. Từ rất xa xưa, nhân loại gặp trận đại hồng thủy cuốn phăng tất cả mọi thứ trên mặt đất, tất cả sinh mệnh đều chịu kiếp nạn tuyệt diệt này.

Thần Tịnh Cư Thiên quan sát thế giới trên mặt đất, thấy nơi nào cũng là nước, trong nước mọc ra nghìn bông sen tuyệt diệu. Trên mỗi bông sen phát ra ánh sáng vàng kim chiếu sáng mặt đất.

Vị Thiên Thần thấy cảnh tượng này thì dự ngôn rằng: Trong kiếp nạn này, sẽ có ngàn Phật xuất thế giáo hóa nhân loại, vì thế khai mở ra “Thời đại hiền kiếp”.

Phật gia coi vũ trụ từ cấu thành đến hủy diệt gọi là 1 kiếp. Hiền kiếp này tổng cộng 236 triệu năm. Thời đại hiền kiếp mới bắt đầu, vùng đất có cây tất ba la có một bảo tọa, nó sinh ra cùng với trời đất, vị trí ở giữa Tam thiên đại thiên thế giới. Bảo tọa cấu thành từ kim cương, kích thước trên 100 bước chân.

Trong toàn bộ thời kỳ hiền kiếp, từng có nghìn Phật ngồi ở trên đó tiến nhập vào kim cương định, do đó gọi là kim cương tọa. Mỗi khi mặt đất chấn động, chỉ có kim cương tọa vẫn như bàn thạch, không mảy may rung động. Bất kể bao cuộc bể dâu, mặt đất đã trải qua bao biến đổi, kim cương tọa vẫn luôn không đổi.

Cao tăng Đại Đường Huyền Trang giới thiệu rằng, từ khi tiến vào thời kỳ mạt kiếp, do phúc của chúng sinh ít đi, Phật Pháp sa sút, thế là bụi đất cõi trần che phủ kim cương tọa, mắt thường của mọi người không còn nhìn thấy nó nữa.

Lục địa Ấn Độ đã mấy lần trải qua cuộc bể dâu, rồi lại mở ra nền văn minh mới. Tuy mọi người không thấy kim cương tọa, nhưng vùng đất có kim cương tọa đó lại mọc lên một cây đại thụ. Đến thời điểm 2500 năm trước, Thái tử Kiều Đạt Ma, Tất Đạt Đa chào đời, thì cây tất ba la này đã cao mấy trăm thước.

Thái tử Tất Đạt Đa từ bỏ ngôi vua, xuất gia tu hành, ngồi trên kim cương tọa dưới gốc cây tất ba la này, tu hành khổ hạnh 6 năm, cuối cùng khai công khai ngộ, thành tựu Phật quả chính giác.

Phật Thích Ca Mâu Ni giảng cho tăng chúng nguồn gốc kim cương tọa dưới cội bồ đề. Vì vậy, cây tất ba la được đổi tên thành cây bồ đề. “Bồ đề” có nghĩa là “Giác ngộ”.

Phật Thích Ca dưới cội bồ đề khai ngộ thành đạo, và cũng dưới cội bồ đề, Ngài nhập niết bàn trở về Trời. Do đó các đệ tử Phật môn coi cây bồ đề là cây Thánh.

Từ xưa đến nay, đã có rất nhiều tăng nhân ngồi dưới cội bồ đề suy ngẫm, tọa thiền, ngộ đạo, tìm kiếm ý nghĩa đích thực của sinh mệnh. Các đệ tử Phật môn nhìn cây nhớ Phật, mỗi khi thấy cây bồ đề. cảm thấy như thời không quay ngược, như thấy Phật Thích Ca Mâu Ni đang tinh tấn tọa thiền, tu trì dưới gốc cây.

Do đó, trong các bức tranh hang động Đôn Hoàng, hình tượng Thần Phật Bồ Tát ngồi dựa vào cây bồ đề, hoặc đả tọa nhập định, hoặc suy tư ý nghĩa diệu mầu của Phật Pháp.

Sau khi Phật Thích Ca Mâu Ni nhập niết bàn, quốc vương các nước lần lượt biết tin, họ đi quanh vị trí kim cương tọa mà Đức Phật đã nói đến, đồng thời dựng 2 tượng Bồ Tát ở 2 bên cây bồ đề theo hướng Nam Bắc để đánh dấu.

Đường tăng Huyền Trang đi Tây Trúc thỉnh kinh, đến địa giới miền Trung Ấn Độ. Ông tinh thông tiếng Phạn, và đã giao lưu chia sẻ cùng bô lão địa phương. Bô lão nói với Huyền Trang rằng, từ các cụ tổ tiên đã để lại dự ngôn rằng: “Khi tượng Bồ Tát bị vùi lấp không còn thấy nữa, thì Phật Pháp (do Phật Thích Ca Mâu Ni truyền) sẽ biến mất”.

undefined
Cây bồ đề ở Bồ Đề Đạo Tràng - nơi Đức Phật tu hành thành đạo. (Wikipedia)

Những Thần tích của cây bồ đề

Khi đó Huyền Trang thấy tượng Bồ Tát ở phía nam đã bị ngập đến ngực rồi. Cây bồ đề này có linh tính, có thể cảm nhận được ý con người. Mỗi năm vào ngày Phật Thích Ca nhập niết bàn, toàn bộ lá trên cây rụng hết, chỉ còn lại những cành cây trơ trọi. Trên những cành cây trơ trọi đó còn tí tách rơi xuống những hạt nước giống như nước mắt, khiến trời đất vạn vật đều cảm động.

Thế nhưng qua 1 đêm, cây bồ đề trơ trụi đó lại khôi phục lại nguyên trạng. Người ta nói rằng cây bồ đề rụng hết lá, rơi lệ, rồi lại khôi phục nguyên trạng như thế, 1 truyền 10, 10 truyền trăm, rất nhanh chóng đã thu hút các quốc vương và tăng chúng các nước trên toàn cõi Ấn Độ, tăng chúng thập phương tìm đến tụng kinh cúng Phật, tưởng nhớ Thế Tôn.

Thế là hàng ngàn hàng vạn người không hẹn mà gặp, cùng tụ tập dưới gốc cây bồ đề, tấu nhạc nhảy múa, hoặc dâng hoa cúng Phật, tụng kinh niệm Phật, thậm chí có người còn dùng nước suối tinh khiết tưới gốc cây. Với sự cúng tế của mọi người, ngày hôm sau, cây bồ đề vốn rụng lá trơ trọi lại mọc ra những chiếc lá non xanh, sau một đêm đã thành cảnh tượng mới.

Khi A Dục Vương mới lên ngôi, do bị tà đạo xúi giục, ông ta hoành hành bá đạo, thực thi bạo chính, dốc hết sức tiêu diệt Phật Pháp của Phật Thích Ca Mâu Ni. Dưới sự uy hiếp của ông ta, rất nhiều các di tích liên quan đến Phật Đà khi tại thế đã bị phá hủy. Nhất là cây bồ đề được tăng chúng kính trọng, là đối tượng đầu tiên bị hủy diệt. A Dục Vương dẫn quân đi xa ngàn dặm để xử lý cây đại thụ. Xem ra những Thần tích của Phật Thích Ca Mâu Ni và sự thần kỳ của cây đại thụ khiến A Dục Vương như hóc xương cá, chỉ có trừ bỏ đi mới khoan khoái.

A Dục Vương trong tâm thầm tính toán: “Muốn diệt hết Phật môn, thì ắt phải chặt đổ cây bồ đề đó”.

Thế là A Dục Vương đích thân dẫn vương công đại thần, quân đội tinh nhuệ, rầm rầm rộ rộ đến dưới gốc cây. Một tiếng ra lệnh vang lên, các tướng sĩ tay cầm rìu thay nhau chặt các rễ cây, các cành cây cũng bị chặt vụn. Vẫn chưa hết, các tế tư Bà La Môn xưa nay vẫn thù hận Phật Thích Ca, đã chủ trì lễ tế lửa, đốt lửa thiêu cây bồ đề. Trong khoảnh khắc, lửa cháy rực trời, khói đen cuồn cuộn.

Khi những người Bà La Môn đang đắc ý mãn nguyện thì cây bồ đề đang cháy đó tỏa ra mùi hương thơm phức, thấm vào tâm can mỗi người, dường như đã tịnh hóa những nhân tâm tội nghiệt.

Đúng lúc mọi người còn đang kinh ngạc thì bỗng trong ngọn lửa rừng rực đó mọc ra 2 cây bồ đề, trong chớp mắt sinh trưởng, cành lá xum xuê, tốt tươi như bình thường. Rất nhanh chóng, ngọn lửa đang rừng rực đó bị dập tắt.

A Dục Vương đích thân chứng kiến cây bồ đề như phượng hoàng niết bàn tắm lửa tái sinh, chứng kiến thần tích của cây bồ đề, thì bỗng tỉnh ngộ: “Thì ra Phật Pháp có Pháp lực vô biên. Thần tích mà Phật Thích Ca lưu lại, khó mà phá hủy được”.

A Dục Vương hối lỗi buồn rầu, vô cùng hối hận vì mình không biết phân biệt thị phi, nghe theo tà đạo xúi giục. Ông quyết tâm sửa chữa lại hết những lỗi lầm trước đây, từ nay nhất tâm phụng sự Phật. Thế là ông lệnh cho người đem sữa bò tươi mới đến tưới lên rễ cây bồ đề, để cây bồ để trường thành cao lớn hơn, đồng thời mỗi ngày ông đều ngồi dưới cội bồ đề chuyên tâm nghe tăng chúng tụng kinh, say mê quên cả trở về.

Vương phi ở hoàng cung chờ đợi mong ngóng, nóng lòng như ngồi trên lửa. Thì ra vương phi từ nhỏ đã tín phụng ngoại đạo. Dưới sự xúi dục của vương phi, A Dục Vương mới nảy sinh ý nghĩ tiêu diệt Phật môn. Giờ đây, mãi không thấy A Dục Vương trở về, lúc này trong tâm vương phi nơm nớm không yên, chỉ sợ A Dục Vương cải đạo sang tín phụng Phật Pháp thì sau này bà sẽ bị thất sủng. Thế là vương phi bí mật phái người đi điều tra.

Khi vương phi được biết cây bồ đề không chỉ đã chết mà còn sống lại, mà ngay cả A Dục Vương cũng đã quy y Phật môn, vương phi lòng sinh tật đố uất hận, liện hạ mật lệnh, ngay trong đêm đó sai người chặt đổ cây bồ đề để giải hận trong tâm.

Sáng sớm hôm sau, A Dục Vương phát hiện ra cây bồ đề lại bị người ta chặt đổ rồi, thì lửa hận bốc lên trong lòng, đang muốn hạ lệnh điều tra thì ông thay đổi ý nghĩ: “Chẳng phải trước đó ta cũng đã chặt cây bồ đề này đó sao? Tuy ta đã chuyển sang tín phụng Phật Pháp, nhưng vẫn còn rất nhiều người chưa chứng kiến Thần tích, chưa giác ngộ, nên mới làm những sự việc ngu ngốc như thế này. Chỉ có làm cho cây bồ đề lại lần nữa sống lại thì mới gợi mở thiện niệm của họ”.

Thế là A Dục Vương với tâm thành kính quỳ trước cây bồ đề cầu nguyện, và lệnh cho người đem sữa bò đến tưới lên rễ cây. Không lâu sau, cây bồ đề lại lần nữa sống lại.

A Dục Vương lo lắng có người lại đến chặt trộm cây bồ đề, ông liền sai thợ thủ công xây bức tường cao bao quanh cây.

Đến thời Thiết Thưởng Gia Vương chủ trì chính sự, vì đố kỵ Phật Pháp, ông ta đã hạ lệnh phá hủy chùa chiền, và sai người đào gốc để cây bồ đề bị đổ. Mọi người đạo không ngừng, thậm chí đào ra mạch nước ngầm, nhưng vẫn không làm cây bồ đề đổ được.

Thiết Thưởng Gia Vương xấu hổ quá hóa giận dữ, hạ lệnh phóng hỏa thiêu đốt cây, rồi lại dùng nước mía tưới vào rễ cây, mục đích triệt để hủy hoại rễ cây, hủy hoại tất cả những sinh cơ mà Phật Đà lưu lại.

Mấy tháng sau, cháu nội của A Dục Vương là Mãn Trụ Vương đao lòng than thở rằng: “Những ngày trí tuệ đã ẩn mất, chỉ còn lại cái cây của giác giả này, đến nay lại bị phá hủy như thế này, chúng sinh còn có thể thấy được gì?”

Thế là ông lệnh cho người dùng sữa bò tươi tưới lên rễ cây, hy vọng sinh cơ còn lại có thể trường tồn trên thế gian.

Mãn Trụ Vương quỳ dưới đất, đau lòng khôn nguôi vì không thể nào lưu giữ được di tích mà Phật Đà lưu lại. Ông thành kính cầu nguyện, lòng chí chân chí thành của ông đã cảm động chư Thần trong trời đất. Dưới sự bảo hộ của chư Thần, sau một đêm, cây bồ đề lại lần nữa sống lại, khôi phục cành là xanh tốt, sức sống phơi phới như xưa.

Mãn Trụ Vương giống ông nội của ông - A Dục Vương, lo lắng cây bồ đề lại lần nữa bị chặt phá, nên đã xây bức tường đá cao 2 trượng 4 thước vây quanh cây.

undefined
Hình minh họa chùa và bức tường bao quanh cây bồ đề do A Dục Vương xây dựng. (Wikipedia)

Cao tăng Đại Đường Huyền Trang khi đến nước Ma Yết Đà, ông đã đến dưới cội bồ đề nơi Phật Đà viên tịch. Huyền Trang ngũ thể đầu địa, chí thành lễ bái, nhớ lại Thần tích khi Phật Đà trụ thế. Huyền Trang nhìn cây bồ đề xanh tốt trước mắt, trong lòng đau thương vô hạn, ông than rằng: “Khi Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo, thì rốt cuộc ta trầm luân phiêu bạt nơi nào mà không thể gặp được Phật Đà, không được gặp một lần? Ngày nay đã đến thời mạt kiếp rồi, ta mới đến Thánh địa, thì nay đã không còn như xưa nữa”.

Huyền Trang tự than mình nghiệp chướng nặng, nhất thời buồn đau nước mắt như mưa. Khi đó, có mấy ngàn người đang ở bên Huyền Trang, thấy cao tăng Đại Đường đau thương như thế này thì cũng bất giác nấc lên nghẹn ngào.

Hai bức tường đá xưa do A Dục Vương và Mãn Trụ Vương năm xưa xây dựng trải qua ngàn năm vẫn đứng sừng sững không đổ. Huyền Trang thấy cây bồ đề cao lớn, thân cây ẩn trong tường đá, còn ngọn cây cao hơn bức tường đá hơn 2 trượng. Cây bồ đề trải qua sự tàn phá mấy nghìn năm vẫn cành lá xum xuê tươi tốt, được Phật môn kính bái.

Trong các bức bích họa Đôn Hoàng, cây bồ đề dường như hiển hiện khắp nơi, trở thành sự gửi gắm của tăng chúng tưởng nhớ Phật Thích Ca Mâu Ni trụ thế tu hành.

Wenshidaguanyuan
Trung Hòa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Kim cương tọa có lai lịch thế nào? Tại sao Phật Thích Ca chọn khai ngộ dưới cội bồ đề?