Kinh tế suy thoái, quân đội Trung Quốc đối mặt với nguy cơ bị cắt giảm lương

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nền kinh tế Trung Quốc vẫn trì trệ ngay cả khi chính phủ đã dỡ bỏ các biện pháp phòng chống đại dịch, dẫn đến việc cắt giảm lương công chức trên diện rộng trên toàn quốc kể từ nửa cuối năm 2021. Giờ đây, quân đội phải đối mặt với việc bị cắt giảm lương, theo nhiều nguồn tin nói với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times.

Hầu hết những người được phỏng vấn đều sử dụng bí danh vì lo ngại có thể bị chính quyền trả đũa.

Cắt giảm lương trong quân đội

“Không có quỹ nào được dùng để trả lương và lương hưu cho công chức; việc trả lương bị trì hoãn hoặc không được ghi nhận đúng thời hạn”, ông Hứa, một doanh nhân, người đã giải ngũ khỏi quân đội Trung Quốc, cho biết.

Vào tháng 1/2022, như một phần của sáng kiến cắt giảm chi phí, Bắc Kinh đã ra lệnh cho chính quyền địa phương thu hẹp các đặc quyền và tiền thưởng khác nhau, và một số công chức đã chứng kiến mức lương hàng tháng của họ giảm tới 1/3. Ví dụ, vào tháng 7/2022, một số công chức ở Thượng Hải không nhận được tiền thưởng hàng quý.

“Nhiều đồng đội của tôi vẫn đang tại ngũ và đang phải đối mặt với việc bị cắt giảm các khoản trợ cấp khác nhau. Đến nay đã khoảng nửa năm kể từ lần cuối họ nhận được các khoản trợ cấp này".

Là một phần trong nỗ lực chống tham nhũng trong quân đội, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ đạo vào năm 2015 rằng thu nhập của các sĩ quan bị giới hạn ở mức "chỉ có tiền lương" và "không có nguồn thu nhập đáng ngờ nào khác".

Mức lương hàng tháng của một trung đội trưởng trong quân đội được cho là 3.000 nhân dân tệ (khoảng 421 USD) vào năm 2014.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin vào năm 2022, một đợt điều chỉnh lương đã diễn ra vào năm 2018 và mức lương hàng tháng của một trung úy dao động từ 4.500 nhân dân tệ đến 4.800 nhân dân tệ (khoảng 632 USD đến 674 USD).

Theo nhiều cơ quan truyền thông Trung Quốc, không có sự điều chỉnh lương nào trong quân đội trong 5 năm qua.

Ông Hứa làm rõ rằng tiền lương trong quân đội được lấy trực tiếp từ ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, các khoản trợ cấp bắt nguồn từ chính quyền địa phương và đã bị cắt.

“Những hạn chế về tài chính ở địa phương đã khiến cho việc trả lương cho nhiều công chức ở nhiều khu vực khác nhau trở nên chậm trễ. Ví dụ, giáo viên đang gặp phải tình trạng chậm trễ trong việc trả lương, thậm chí một số người không nhận được tiền trong hơn một tháng hoặc thậm chí vài tháng", ông nói.

Ông Vương Quân Đào (Wang Juntao), một nhà bất đồng chính kiến ​​Trung Quốc từng tham gia cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ do sinh viên lãnh đạo năm 1989 tại Quảng trường Thiên An Môn, giải thích rằng một số khoản trợ cấp trong quân đội về cơ bản là phúc lợi xã hội và được chính quyền địa phương tài trợ.

Ông nói: “Tuy nhiên, việc cung cấp một số khoản trợ cấp nhất định, như quỹ bồi thường thiệt hại cho những người làm việc trong ngành công nghiệp hạt nhân, có thể có sự chênh lệch giữa các khu vực”.

Ông Cai, một cựu chiến binh đã phục vụ trong quân ngũ hơn 10 năm, cho biết mức lương hàng tháng của ông tương đối thấp trong năm 2015 - 2016, dao động quanh mức 6.000 nhân dân tệ [khoảng 846 USD] mỗi tháng. Ông nói thêm: “Trợ cấp còn chưa bằng 1/3 tổng tiền lương”.

Ông chỉ ra rằng các khoản trợ cấp khác nhau tùy theo địa điểm đóng quân của binh sĩ.

“Những binh sĩ đóng quân ở Tây Tạng có thể nhận được mức trợ cấp cao hơn và những binh sĩ đồn trú ở tỉnh Phúc Kiến nhận được các khoản phụ cấp bổ sung, có tính đến các yếu tố như nhiệt độ cao vào mùa hè”.

Bà Bai, một quân nhân nghỉ hưu định cư ở nước ngoài, khẳng định lực lượng cảnh sát cũng đang bị cắt lương. Bà tiếp tục nói: “Phó giám đốc đồn cảnh sát của một thành phố ven biển đề cập rằng lương của ông này đã bị cắt giảm - mọi người đều phải đối mặt với việc bị cắt lương”.

Bà Bai nhấn mạnh: “Trả lương dựa trên hiệu suất gắn liền với nhiệm vụ cụ thể như trấn áp nạn cờ bạc bất hợp pháp hoặc giải quyết các vấn đề liên quan đến mại dâm. Thành phần hiệu suất về cơ bản là một phần trong tổng tiền lương của họ và mức lương cơ bản của họ khá khiêm tốn”.

Bà nhấn mạnh rằng “tất cả các ngành công nghiệp đang trải qua thời kỳ suy thoái lớn và việc cắt giảm lương đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc. Lực lượng cảnh sát là một phần không thể thiếu trong nỗ lực duy trì sự ổn định của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Bất cứ khi nào cảnh sát bị giảm lương thì chắc chắn sẽ dẫn đến việc cắt lương trong quân đội”.

Quân đội 'Nằm thẳng'

Theo ông Wang, việc cắt giảm lương trong quân đội và cảnh sát phản ánh khó khăn tài chính của chính phủ và đánh mất các biện pháp khuyến khích làm công cụ tạo động lực. Điều này có khả năng dẫn đến việc lực lượng an ninh áp dụng lập trường “nằm thẳng”, giống như hệ thống quan liêu ở địa phương.

Ông tuyên bố rằng mặc dù ông Tập được cho là đã củng cố quyền lực sau khi giành được nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ tại Đại hội Đảng lần thứ 20, nhưng ông ấy "không ghê gớm như một số người nghĩ".

“Toàn bộ giới quan chức đang áp dụng lập trường ‘nằm thẳng’, và đội ngũ quan liêu của ông Tập Cận Bình đang thiếu những nhân sự mới có năng lực. Hiện tại, ông Tập đang ở trạng thái yếu ớt nhất”, ông Wang nói thêm.

“Nằm thẳng” đề cập đến một xu hướng xã hội gần đây ở Trung Quốc, chủ yếu là trong giới trẻ, trong đó mọi người tạm gác công việc nặng nhọc và lựa chọn lối sống thụ động trong khi chỉ đáp ứng các nhu cầu cơ bản. Ví dụ: họ phản đối văn hoá “996”, nghĩa là lịch làm việc của một người là từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày/tuần.

Theo ông Anders Corr, nhà xuất bản Tạp chí Political Risk và là cộng tác viên của The Epoch Times, “Nằm thẳng dường như là mối đe dọa nội bộ lớn nhất đối với ĐCSTQ hiện nay”.

“Tangping [nằm thẳng] là một cách tốt để chống lại ĐCSTQ trong một xã hội mà bất kỳ hình thức phản kháng nào khác đều trở nên khó khăn. Mỗi đồng nhân dân tệ mà những người buôn bán không kiếm được đều là đồng nhân dân tệ mà chế độ này không thể đánh thuế. ĐCSTQ càng có ít tiền thì càng có ít khả năng chi tiêu cho quân sự”, ông Corr viết trong một bài xã luận.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch

Trung Quốc


BÀI CHỌN LỌC

Kinh tế suy thoái, quân đội Trung Quốc đối mặt với nguy cơ bị cắt giảm lương