Bình luận: Đừng cho rằng quân đội Trung Quốc chỉ là ‘con hổ giấy'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bài bình luận

Gần đây tôi vẫn nghe nói rằng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) là một ‘con hổ giấy’.

Vì vậy, không cần phải lo ngại về một cuộc tấn công vào Đài Loan. Và dù sao đi nữa thì Hoa Kỳ vẫn còn nhiều thời gian để chuẩn bị trước khi PLA trở thành mối đe dọa thực sự, thay vì chỉ đơn thuần là một “đối thủ cạnh tranh ngang hàng”.

Vậy những vấn đề của PLA là gì? Có thể nêu một vài ví dụ: thiếu kinh nghiệm chiến đấu thời gian gần đây, tham nhũng, quá nhiều "con một" trong hàng ngũ, và hải quân Trung Quốc không có khả năng thực hiện các hoạt động tác chiến ở những vùng biển xa xôi và làm chủ "các hoạt động đổ bộ" - được cho là phức tạp và khó khăn nhất trong tất cả các hoạt động quân sự.

Ngay cả các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng phàn nàn về “căn bệnh hòa bình” - rằng PLA đã không tham chiến trong nhiều thập kỷ và có quá nhiều chỉ huy cấp cao không có khả năng đáp ứng nhu cầu của chiến tranh công nghệ cao hiện đại.

Có lẽ vậy, nhưng trong 30 năm qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã hoàn tất việc xây dựng quân đội lớn nhất và nhanh nhất kể từ Thế chiến II. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc lớn hơn nhiều so với con số khoảng 220 tỷ USD mà nước này tuyên bố, thậm chí có thể vượt quá chi tiêu quốc phòng của Mỹ.

Hải quân Trung Quốc hiện đã lớn hơn Hải quân Mỹ và khoảng cách sẽ ngày càng tăng. Trung Quốc đang hạ thủy 5 chiếc tàu tương ứng với mỗi chiếc mà Hải quân Mỹ hạ thủy, đồng thời nước này cũng đang triển khai thêm nhiều trọng tải và tên lửa ra biển hơn.

Bắc Kinh cũng dành sự chú trọng tương tự đối với các lực lượng không quân và lục quân, và năng lực tên lửa của nước này (đặc biệt là vũ khí siêu thanh) có thể vượt xa năng lực của Mỹ. Ngay cả các chuyên gia về Trung Quốc cũng lo ngại về việc nước này tăng cường vũ khí hạt nhân. Họ đã bác bỏ điều đó trong nhiều năm.

Trung Quốc nhận thức được vấn đề của mình nhưng nước này có mục tiêu rõ ràng - đánh bại lực lượng Mỹ là số một - và họ nỗ lực hết sức để đạt được mục tiêu này. Tàu của họ không bị rỉ sét, không va chạm với tàu khác hoặc thường xuyên cháy rụi ở bến tàu.

Đúng là năng lực quân sự thông thường của Trung Quốc - hay “phóng chiếu sức mạnh” - giảm mạnh khi vượt quá 1.000 km tính từ biên giới Trung Quốc. Tuy nhiên, tên lửa phóng từ mặt đất của nước này có thể dễ dàng vươn tới đảo Guam và Hawaii, đồng thời nước này sử dụng tàu và máy bay thường xuyên hơn và xa hơn tới Thái Bình Dương và còn xa xôi hơn nữa.

Trung Quốc đang thiết lập một mạng lưới cảng và sân bay mà nước này có quyền tiếp cận trên toàn thế giới. Và họ đang chế tạo thêm nhiều tàu tiếp nhiên liệu, máy bay và các phương tiện vận tải tầm xa cần thiết cho việc triển khai sức mạnh toàn cầu - tương tự như những gì Mỹ có thể làm.

Nếu chơi trò này trong vòng 5 hoặc 10 năm thì thật khó mà lạc quan cho được.

Và bằng cách nào đó, “con hổ giấy” trên thực tế đã nắm quyền kiểm soát Biển Đông từ sáu hoặc bảy năm trước.

Một sân bay, các công trình trên đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng tại Đá Su Bi - mỏm đá ngầm ở Quần đảo Trường Sa, Biển Đông, hôm 25/10/2022. (Ảnh: Ezra Acayan/Getty Images)
Một sân bay, các công trình trên đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng tại Đá Su Bi - mỏm đá ngầm ở Quần đảo Trường Sa, Biển Đông, hôm 25/10/2022. (Ảnh: Ezra Acayan/Getty Images)

Hải quân và Không quân Mỹ có thể đi qua khu vực này và thậm chí họ có thể tiến hành các cuộc tập trận. Nhưng điều đó giống như việc Sở cảnh sát thành phố New York (NYPD) đi ngang qua Quảng trường Thời đại trước khi Cựu Thị trưởng New York Giuliani “xóa sạch dấu vết”. Cảnh sát chỉ có quyền kiểm soát khu vực mà họ có mặt; nhưng khi họ rời đi thì “kẻ xấu” lại tiếp quản khu vực đó.

Ngay cả bây giờ, PLA vẫn đang theo dõi (“hộ tống”) các tàu và máy bay Mỹ trên Biển Đông.

Không có gì đáng lo ngại?

Một ngày nào đó, thuyền trưởng một tàu khu trục của Hải quân Mỹ sẽ phải đối mặt với hàng tá tên lửa chống hạm hướng về phía mình với tốc độ siêu thanh và ông ấy chỉ có 12 giây để đáp trả.

Vị thuyền trưởng sẽ suy luận rằng PLA không phải là một “con hổ giấy” và không chỉ là một “đối thủ ngang hàng”.

Điều cần ghi nhớ

Nhưng đây là điều cần để tâm đối với Quân đội Giải phóng Nhân dân: Quân đội chỉ cần đủ tốt để thực hiện một việc nhất định tại một địa điểm nhất định vào một thời điểm nhất định.

Hãy hồi tưởng lại Chiến tranh Falklands năm 1982. Người Anh vượt trội hơn người Argentina ở hầu hết mọi khía cạnh. Khí tài của Argentina thường lỗi thời và nhiều quân nhân là "lính quân dịch".

Tuy nhiên, người Argentina gần như đã giành chiến thắng.

Lẽ ra họ đã chiến thắng nếu có thêm vài quả bom và ngư lôi nặng 500 pound (khoảng 227 kg) phát nổ, đánh chìm tàu Hải quân Hoàng gia.

Nước Anh thật may mắn khi có bà Margaret Thatcher làm Thủ tướng.

Quần đảo Falklands chỉ cách bờ biển Argentina khoảng 200 dặm (322 km). Đài Loan chỉ cách Trung Quốc đại lục 90 dặm (145 km).

Nếu người Trung Quốc chỉ quan tâm đến Đài Loan chứ không phải Des Moines thì điều đó có vẻ khả thi.

Và một cuộc tấn công vào Đài Loan sẽ không chỉ là một cuộc tấn công đổ bộ. Nó sẽ bao gồm các loạt tên lửa khổng lồ và chính xác, kiểm soát toàn diện trên không và trên biển, chiến tranh điện tử hung hãn và chiến tranh mạng - đồng thời các liên kết Internet và liên lạc sẽ bị cắt. Đạo quân thứ năm (fifth column) sẽ gây ra sự hỗn loạn. Và nó sẽ bao gồm việc đe dọa Hoa Kỳ bằng chiến tranh hạt nhân.

Đạo quân thứ năm nguyên là tên gọi chung của các phần tử phản cách mạng như nhóm người làm phản làm loạn cùng gián điệp và phần tử phá hoại hoạt động ở hậu phương nước Cộng hoà Đệ nhị Tây Ban Nha trong khoảng thời gian Nội chiến Tây Ban Nha từ năm 1936 đến năm 1939.

Trung Quốc đã luyện tập và chuẩn bị cho tất cả những điều này trong nhiều năm.

Chắc chắn, ông Tập Cận Bình muốn chiếm được Đài Loan bằng cách không gây chiến, nhưng vũ lực là một trong những điều cần thực hiện, và ông Tập đã tuyên bố như vậy.

Thật an ủi - nhưng nguy hiểm - khi cho rằng ông Tập và người Trung Quốc không đủ tốt, quá sợ hãi hoặc chỉ đang lừa gạt. Đây vốn là niềm tin phổ biến nhất ở Washington và thậm chí ở Đài Bắc.

Người ta phát hiện ra kiểu trịch thượng tương tự từ năm 1950 khi các chuyên gia - đặc biệt là ở tổng hành dinh của Tướng Douglas MacArthur - khẳng định: “Họ [PLA] sẽ không bao giờ băng qua sông Áp Lục”.

Nhưng Trung Quốc đã làm vậy.

Dòng sông Áp Lục là biên giới tự nhiên giữa Trung Quốc và Triều Tiên.

Và chưa có ai từng nghe một cựu chiến binh Chiến tranh Triều Tiên nói rằng ông ta muốn chiến đấu với người Trung Quốc thêm một lần nữa.

Quý vị sẽ cho rằng Thủy quân lục chiến sẽ hiểu rõ điều này hơn bất kỳ ai.

Tác giả bài viết này nhớ lại rằng người ta đã hết sức ngạc nhiên vào khoảng năm 2016 khi nghĩ rằng các lực lượng đổ bộ tương đương của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ và Hải quân Hoa Kỳ của Trung Quốc sẽ sớm thực hiện các chuyến tuần tra ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chỉ là không bằng Mỹ mà thôi, quý vị biết đấy.

Hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân (PLAN) đang nhanh chóng chế tạo các tàu đổ bộ và có thể triển khai hai hoặc ba lực lượng đặc nhiệm đổ bộ tương tự nếu cần thiết.

Việc huấn luyện phù hợp có thể bù đắp cho sự thiếu kinh nghiệm chiến đấu của PLA.

Và đừng quên rằng quân đội Hoa Kỳ ngày càng có ít cựu chiến binh hơn - không ai trong số họ có kinh nghiệm chiến đấu vượt trội chống lại đối thủ vượt trội trong lĩnh vực chủ yếu là hàng hải. Chiến đấu với người Iraq và Taliban không giống như chống lại một đối thủ hiện đại. Những chiến dịch này cũng không thành công rực rỡ.

Điều quan trọng cần ghi nhớ là chính phủ Trung Quốc đã tiến hành một cuộc chiến tranh phi động lực chống lại Mỹ và phương Tây trong nhiều thập kỷ. Chiến tranh chính trị, kinh tế và truyền thông, bắt giữ giới tinh hoa, tấn công mạng, gián điệp, chiến tranh hóa học (fentanyl) và chiến tranh sinh học đều là một phần của “chiến tranh không hạn chế” của Bắc Kinh. Và tất cả đều nhằm mục đích làm suy yếu ý chí và khả năng chống cự của kẻ thù. Chiến tranh động lực chỉ được sử dụng để kết thúc mọi thứ.

Nhưng Mỹ vẫn có đồng minh

Đúng là như vậy, và các đồng minh của Mỹ đã giúp ích rất nhiều, ngay cả khi năng lực quân sự của họ không đồng đều và các mục tiêu chính trị của họ không phải lúc nào cũng nhất quán.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có các đồng minh như Triều Tiên, Nga, Iran, Venezuela, Nicaragua và Cuba. Và phần lớn Nam bán cầu ít nhất cũng có thiện cảm với Trung Quốc.

Đây có thể không phải là những quốc gia đáng yêu nhất, và không phải lúc nào cũng là những người bạn tốt nhất, nhưng khi đoàn kết với nhau, họ có thể gây rắc rối cho Hoa Kỳ và các đồng minh.

Hiện tại, lợi ích chiến lược của họ đang trùng khớp với nhau.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Điện Kremlin ở Moscow, Nga, ngày 21/3/2023. (Ảnh: Grigory Sysoyev/Sputnik/AFP/Getty Images)
Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Điện Kremlin ở Moscow, Nga, ngày 21/3/2023. (Ảnh: Grigory Sysoyev/Sputnik/AFP/Getty Images)

Đó là điều mà Nhật Bản có thể chứng thực. Quốc gia này thường xuyên bị máy bay và trực thăng của Nga và Trung Quốc quấy rối và “xoay vòng” trên biển.

Và gần đây nhất, Trung Quốc, thông qua Iran và các lực lượng ủy nhiệm của họ là Hamas và Hezbollah, đã bao vây Hoa Kỳ và quân đội của nước này quanh một trục Trung Đông khác. Điều đó đã gây bất lợi cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

PLA còn có những thứ khác có lợi cho mình.

Mỹ sẽ không cắt giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, bao gồm nhiều mặt hàng thiết yếu cho sản xuất quốc phòng. Phố Wall và giới tinh hoa doanh nghiệp Mỹ tiếp tục cung cấp cho ĐCSTQ hàng trăm tỷ USD tiền tệ có thể chuyển đổi mỗi năm, từ đó tài trợ hiệu quả cho quốc gia (và quân đội) đang tìm cách đẩy họ ra khỏi khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Nhưng quay lại điểm chính: Đừng đánh giá thấp ĐCSTQ hay Quân Giải phóng Nhân dân.

Đây không phải là lần đầu tiên Washington đánh giá thấp một đối thủ:

"Saddam Hussein sẽ không tấn công Kuwait”.

“Một khi chúng ta chiếm được Baghdad, mọi chuyện sẽ ổn thôi”.

“Liệu Vladimir Putin có tấn công Ukraine không? Ông ấy không dám đâu”.

“Trung Quốc không muốn có lực lượng hải quân biển xanh”.

“Trung Quốc chỉ muốn kinh doanh và kiếm tiền”.

Chỉ có ông Tập mới biết chắc chắn

Ngoại trừ ông Tập, không ai biết ông sẽ làm gì.

Nhưng tốt nhất là lập kế hoạch cho tình huống tồi tệ nhất ngay từ bây giờ.

Và hãy nhớ rằng một quân nhân chỉ cần đủ giỏi để làm một việc nhất định vào một thời điểm nhất định và ở một địa điểm nhất định.

Và giới lãnh đạo của nước này phải sẵn sàng chấp nhận những hậu quả kinh tế và chính trị nhất định.

Nếu đúng như vậy, Trung Quốc chỉ cần lựa chọn địa điểm và thời gian.

Và hy vọng Hoa Kỳ tiếp tục thuyết phục chính mình rằng chính quyền Trung Quốc sẽ không dám tấn công.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất định phản ánh quan điểm của NTDVN.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch

Tác giả Grant Newsham là sĩ quan Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã nghỉ hưu, đồng thời là cựu quan chức ngoại giao và nhà điều hành kinh doanh với nhiều năm làm việc tại khu vực châu Á/Thái Bình Dương. Ông cũng là Giám đốc của One Korea Network và là thành viên cấp cao của tổ chức tư vấn Trung tâm Chính sách An ninh và của Viện Yorktown tại Mỹ.



BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Đừng cho rằng quân đội Trung Quốc chỉ là ‘con hổ giấy'