Kỳ lạ mơ trong mơ, mộng tỉnh rồi vẫn chưa tỉnh mộng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông là một tú tài nghèo nhưng học tài thi phận. Một lần trong lúc đợi vợ pha trà, ông chợp mắt và bước vào hành trình kỳ lạ trong mộng. Đó là giấc mộng kê vàng đầy ly kỳ gay cấn: Ông từ kẻ sĩ bần hàn trở thành bậc quyền quý, từ thần đồng thành Thiên nhân, lại từ con lừa biến thành con lợn ngu xuẩn… Trong thời-không đan xen dồn nén, ông lúc thì lên Thiên thượng lúc lại xuống nhân gian, khi phiêu bồng trên dương thế khi lại nổi chìm trong địa ngục. Những trải nghiệm trong mơ khiến ông tỉnh khỏi mộng hồng trần, không còn oán trời oán đất mà đã yên vui với cảnh nghèo, an bần lạc đạo.

Nhà họ Bốc là danh gia vọng tộc ở vùng Giao Hà, trải qua nhiều đời phong lưu quyền quý, đến đời tú tài Bốc Nguyên thì gia đạo sa sút. Sau chiến tranh, nhà họ Bốc lại càng bần cùng khốn khó, Bốc tú tài phải mở lớp dạy học trò trong thôn để có tiền trang trải cuộc sống. Vợ Bốc tú tài là Lưu Thị rất hiền đức thông tuệ, nàng không chỉ khéo tay thêu thùa mà còn giỏi xướng thơ ngâm vịnh. Vào mỗi đêm trăng thanh gió mát hay mỗi sáng ngan ngát hương hoa, hai vợ chồng lại ngâm thơ xướng hợp, tình cảm rất thắm thiết mặn nồng.

Bốc Nguyên có tài nhưng tiếc là không gặp may trên con đường công danh, lần nào đi thi cũng trượt. Ông cảm thấy tiền đồ vô vọng, lòng không khỏi căm phẫn cho rằng cuộc đời bất công. Càng ngán ngẩm vì gia cảnh khốn khó, ông lại càng thở dài ưu thương buồn bã. Đến kỳ khoa bảng năm ấy, Bốc Nguyên lại lần nữa thi rớt, trong tâm chao ôi là não nề thất vọng. Dù Lưu Thị đã cố gắng an ủi chồng, nhưng ông vẫn không buông bỏ được gánh nặng trong lòng.

Vào một ngày tháng Chín, Bốc Nguyên lên đài cao vọng nhìn ra xa rồi bất giác khóc rống lên. Lưu Thị bèn rút cây trâm đem bán để có tiền mua rượu, những mong chồng sẽ khuây khỏa phần nào. Bốc Nguyên uống đến lúc chếch choáng men say, bèn bảo vợ đi pha trà. Lưu Thị liền múc nước suối trong, nấu nồi nước sôi hãm trà đắng. Bốc Nguyên ngồi bên bàn chờ đợi, trong lúc mỏi mệt ông liền chợp mắt ngủ một giấc. Hai mắt vừa khép lại liền tiến vào mộng cảnh, quả là mơ trong mơ, mộng trong mộng, cuộc đời ông cũng theo đó mà chìm nổi thăng trầm.

Giấc mộng thứ nhất: Hàn sĩ trên bảng, thăng lên quyền thần

Trong mộng, Bốc Nguyên nghe thấy bên ngoài có tiếng huyên náo. Thì ra là các sai dịch của nha môn đến nhà chúc mừng Bốc tú tài có tên trên bảng vàng. Ông được xếp ở vị trí thứ tư, đứng trên một người họ Thích ở Đồng Lý. Ông thầm cảm ơn quan thái thú và những người đã giúp ông có kinh phí lên kinh dự thi, để hôm nay ông vinh quy về làng, mở mày mở mặt với họ hàng, không phụ lòng mong mỏi của tất cả mọi người. Với chức quan mới đảm nhận, Bốc Nguyên có tiền gửi về nhà để giúp vợ và nuôi dưỡng con cái, đồng thời mở rộng nhà cửa thêm khang trang, bề thế.

Khi quân giặc xâm phạm biên giới, Đốc phủ không thể chống cự được, Bốc Nguyên bèn viết tấu thư vạn chữ dâng lên vua để hiến kế sách chống địch, nhờ đó ông được hoàng thượng trọng thưởng. Hoàng đế ban cho ông tước hàm Tứ phẩm khanh và lệnh cho ông đem quân đi đánh giặc. Bốc Nguyên nhờ có diệu kế nên chỉ cần vài tháng ngắn ngủi đã có thể dẹp yên mối họa lớn nơi biên thùy. Ông thắng trận trở về và được hoàng đế bày tiệc khoản đãi, sau đó lại được thăng lên làm Đô viện Phó ngự sử. Mùa xuân năm sau, Bốc Nguyên xin nghỉ phép ba tháng để về thăm nhà, khi ấy Bốc gia đã trở thành danh môn vọng tộc nức tiếng trong vùng. Vợ ông mặc áo gấm bước ra nghênh đón phu quân, đám người hầu kẻ hạ cũng nhộn nhịp bày tiệc rượu chào mừng lão gia trở về.

Bốc Nguyên càng có tước quyền lại càng sinh lòng kiêu căng ngạo mạn. Ở nhà ông nhếch mép truyền lệnh, khi ông đằng hắng một tiếng thì những kẻ hầu người hạ bên dưới đều run rẩy sợ hãi. Các tiểu lại địa phương sợ uy quan lớn đều phải đôn đáo đến Bốc phủ, quan huyện, quan tỉnh nghe danh ông đều tranh nhau đến dâng lễ vật. Từ đó trong dinh phủ họ Bốc chất đầy không biết cơ man nào là vàng bạc, châu ngọc, lụa là, gấm vóc…

Tiền đã có, quyền cũng đã có, nhưng Bốc Nguyên vẫn buồn bực vì chưa có đủ năm thê bảy thiếp. Sau này có người dâng tặng ông bốn mỹ nhân như hoa như ngọc, trong đó có nàng Tố Hà là khiến người ta say đắm hơn cả. Một vị Bố chánh sứ có tai tiếng là tham quan, hắn sợ bị xử tội nên đã dâng cho Bốc Nguyên mười sáu vị danh ca kỹ nữ, và tất nhiên Bốc Nguyên đều giang tay nhận hết.

Khi Bốc Nguyên còn là hàn sĩ, ông từng để mắt đến tiểu thư nhà họ Quách. Quách gia chê ông nghèo hèn nên một mực từ chối, hơn nữa còn nhanh tay gả con gái cho kẻ khác. Giờ đây Bốc Nguyên là mệnh quan triều đình, với thế lực trong tay ông đã tìm cách đoạt lại Quách tiểu thư - lúc ấy là gái đã có chồng. Quách tiểu thư tủi nhục ê chê đành thắt cổ tự vẫn. Nhưng Bốc Nguyên không dừng lại ở đó, mọi nỗi uất ức lúc bần hàn nay ông đều ỷ vào quyền thế để báo thù. Ông bài trừ những người bất đồng chính kiến, đàn áp những kẻ dám lên tiếng phê bình, thậm chí còn vu khống bôi nhọ những đại thần cương trực trong triều. Bốc Nguyên độc đoán lạm quyền, tham ô hối lộ, dùng quyền thế mưu đòi lợi ích riêng, khiến quần thần trong triều đều sợ hãi, không ai dám gây oán chuốc thù với ông.

Một ngày, trở về nhà sau buổi yến tiệc trong triều, ông gọi nàng Tố Hà cùng lên giường đi ngủ. Ánh nến vừa tắt ông liền tiến nhập vào mộng cảnh…

Giấc mơ thứ hai: Thiên tử giáng phạt, tịch thu tài sản

Trong mộng, Bốc Nguyên nghe thấy tiếng gõ cửa. Thì ra Cẩm y Hiệu úy dẫn binh lính xông vào Bộc phủ. Cẩm y Hiệu úy tuyên đọc thánh chỉ, công bố mười bốn tội trạng nghiêm trọng rồi lệnh cho quân lính khám xét khắp dinh phủ. Thiên tử niệm tình Bốc Nguyên từng có công với xã tắc nên chỉ cách chức và đuổi về quê cũ, toàn bộ thê thiếp và mỹ nữ trong phủ đều bị đưa vào giáo phường làm ca kỹ.

Vào ngày Bốc Nguyên rời kinh thành, học trò cũ và bạn bè trong giới quan trường không ai ra tiễn biệt. Bốc Nguyên đơn độc trở về cố hương, thấy tường xiêu vách đổ, nhà cửa tan hoang xơ xác, ông không còn nơi tá túc nên đành nghỉ tạm trong ngôi chùa hoang gần đó. Ông đành đem bộ mặt dày đến gặp họ hàng và bạn bè mong được giúp đỡ, nhưng chỉ nhận về những lời mắng nhiếc thậm tệ.

Có một lão quy nô (thời cổ đại, “quy nô” là danh từ chỉ những người đàn ông giúp việc trong kỹ viện) muốn tìm thầy dạy học cho con trai mình. Người làng chê ông ta thân phận hèn mọn nên ai cũng từ chối, duy chỉ có Bốc Nguyên vì ở thế đường cùng nên tình nguyện nhận lời. Lão quy nô không biết đạo tôn sư, không biết trên dưới phải trái, cứ thản nhiên để thầy dạy ngồi cùng mâm với đám nô tỳ, hơn nữa lại thường xuyên sai bảo thầy dạy làm việc nhà. Bốc Nguyên không còn đường nào khác nên đành nhẫn nhịn cho qua ngày.

Bốc Nguyên nhận lời làm thầy đồ dạy học. (Tranh NTDVN)

Một hôm có vị khách làng chơi đến thăm, người hầu lại vắng mặt, bọn nô tỳ liền sai Bốc Nguyên bưng trà ra mời khách. Một kỹ nữ tên là Ái Nô ngồi trên đùi khách, chỉ tay vào Bốc Nguyên và giễu cợt rằng: “Nhìn kìa, ông ta từng là tể tướng đó”, khiến Bốc Nguyên xấu hổ đến mức không biết giấu mặt vào đâu.

Sau khi khách làng chơi ra về, Ái Nô phát hiện bị mất chiếc vòng vàng. Nàng ta không rõ sự thể ra sao nhưng vẫn đổ hết mọi tội lỗi lên đầu Bốc Nguyên. Ông vừa bị Ái Nô tát vào mặt, vừa bị lão quy nô đuổi đi, trong lòng phẫn chí vì nỗi oan không sao bày tỏ được. Bốc Nguyên thẫn thờ đến trước phần mộ của cha mẹ rồi khóc rống lên thảm thiết. Ông hét lên một tiếng rồi ngã lăn ra.

Bốc Nguyên nhìn thấy hai âm sai trói ông bằng dây thừng rồi lôi đi. Dọc đường, có hàng trăm tiểu quỷ chạy theo ông kêu gào đòi mạng, cứ như thế một mạch cho đến âm phủ.

Trong âm phủ khắp nơi đều là những tội hồn bị cắt cụt chân tay, máu thịt tả tơi dính vào xương trông thật vô cùng bi thảm. Các tội hồn đều lần lượt bị tra xét, cuối cùng cũng đến lượt Bốc Nguyên. Diêm Vương lệnh cho âm sai đọc sổ công tội, những tội ác chất chồng của Bốc Nguyên khiến Diêm Vương phừng phừng lửa giận, phán ông phải đả nhập vào địa ngục.

Địa ngục là nơi trừng phạt các tội hồn, những hình phạt tàn khốc như vạc dầu, núi đao, răng cưa, nghiền đá… ông đều phải nếm trải. Sau mỗi lần trừng phạt là một lần hồn tan phách tán, nhưng ngay lập tức hồn phách lại phục hồi để chịu hình phạt mới. Cứ như thế ông đã trải qua mười tám tầng địa ngục, cuối cùng đến địa ngục A Tỳ. Bên trong A Tỳ tối đen như mực, sức nóng như có lửa thiêu, những chồng thi thể cao chất ngất tỏa ra mùi xú uế nồng nặc. Xung quanh là tường sắt kiên cố, dưới đất nhung nhúc nào là rắn độc trùng độc, ở đây có đủ mọi hình thức tra tấn rùng rợn, tiếng rên rỉ và tiếng la hét vang lên không ngừng.

Bộc Nguyên vô cùng ăn năn hối hận, trong tâm thầm niệm Phật hiệu và Bồ Tát, dẫu thân thể phải chịu bao đau đớn thống khổ thì ông vẫn cứ niệm, cứ niệm. Cứ như thế trải qua ba năm, một ngày ông thấy trên đỉnh đầu xuất hiện một tia sáng. Lúc đầu tia sáng chỉ to bằng một ngón tay, cao hơn một xích, sau một tháng tia sáng ấy đã cao đến bảy, tám xích, dần dần cao đến hơn ba trượng.

Giấc mộng thứ ba: Thoát khỏi địa ngục, chuyển sinh làm thần đồng

Một ngày trong ngục, Bốc Nguyên đột nhiên cảm thấy buồn ngủ. Ông vừa nhắm hai mắt lại đã thấy trên không trung xuất hiện hàng trăm đạo kim quang. Ông ngẩng đầu nhìn thấy Bồ Tát trong y phục trắng đang ngồi trang nghiêm trên mây lành, bên cạnh có hai Tiên đồng Ngọc nữ theo hầu. Bồ Tát một tay cầm tịnh bình, một tay cầm cành dương liễu vẩy nước Cam Lộ xuống bên dưới. Cam Lộ ngào ngạt hương thơm thấm lên y phục và tưới mát khắp cơ thể ông. Sau đó, cành dương liễu từ không trung bay xuống, linh hồn của ông giống như cá đớp mồi theo dây câu bay lên.

Bốc Nguyên phiêu đãng bay lên theo cành dương liễu rồi đột nhiên rơi xuống. Ông thấy toàn thân ngâm trong nước ấm, nhìn lại, thì ra ông đã chuyển sinh thành một bé sơ sinh.

Ở kiếp sống này, cậu bé Bốc Nguyên mới 2 tuổi đã biết nói, chưa đi học đã biết chữ, sách trên kệ cậu chỉ cần nhìn qua liền biết là sách mình đã từng đọc trước đây. Cha cậu thử hỏi con về những kinh điển văn chương, cậu đều đọc thuộc trôi chảy, hễ cầm bút liền có thể viết thơ làm văn. Cha cậu kinh ngạc vì thấy con trai thông minh dĩnh ngộ, liền hỏi vì sao con biết? Nhưng cậu bé chỉ cười mà không nói lời nào.

Cậu bé Bốc Nguyên 4 tuổi bắt đầu đi học, tuổi còn nhỏ nhưng đã liên tiếp đỗ đạt trong các kỳ thi lớn. Quan chủ khảo kinh ngạc gọi cậu là thần đồng và dâng thư tiến cử cậu bé lên triều đình. Hoàng đế vui mừng cho gọi thần đồng vào gặp mặt, sau một tháng ở trong hoàng cung cậu được hộ tống về nhà. Hoàng đế hạ lệnh rằng đợi đến khi thần đồng đủ 10 tuổi sẽ cho cậu vào cung nhậm chức.

Vì mang theo ký ức tiền kiếp, thần đồng gặp ai cũng hỏi thăm về tể tướng Bốc Nguyên và thê tử của ngài là Lưu Thị, nhưng không ai hay biết. Thần đồng lớn lên được thiên tử triệu vào triều làm quan, vì nhớ lại nỗi rùng rợn trong địa ngục nên ông không dám tham luyến phú quý, liền xin nghỉ phép về nhà cưới vợ. Vợ ông là người có nhan sắc nhưng lại đanh đá chanh chua, thường hay cãi lời mẹ chồng. Có lần ông to tiếng tranh cãi với nàng ta, nàng ta liền kêu gào suốt cả ngày, thậm chí còn lôi kéo cả anh em bên ngoại vào hùa theo. Sau khi cha mẹ qua đời ông liền đoạn tuyệt quan hệ với vợ rồi lên núi ở ẩn, sống cách xa thế tục, trong lòng âm thầm tìm kiếm đạo trường sinh.

Một ngày khi lên núi Thiên Thai, ông tình cờ gặp một vị Đạo sĩ tóc trắng, Tiên cốt phiêu dật, bên cạnh có Đạo đồng đang nấu đá làm thức ăn. Đạo sĩ ăn xong liền nhắm mắt ngồi đả tọa. Bốc Nguyên biết Đạo sĩ là bậc kỳ nhân, liền bái ngài làm thầy. Đạo sĩ nói: “Tu luyện phải chịu khổ, ta e nhà ngươi sẽ không chịu được”.

Thấy Bốc Nguyên một lòng quyết tâm, Đạo sĩ mới nhận lời thu nạp đồ đệ. Từ đó, Bốc Nguyên cùng tiểu đồng ngày ngày chặt củi, nhóm bếp nấu cơm. Cả ngày ông chỉ được ăn một bữa, đêm đến lại phải canh giữ cửa. Trải qua hơn một tháng, Bộc Nguyên cảm thấy cuộc sống quá khổ cực, liền cầu xin sư phụ dạy cho mình Tiên thuật. Đạo sĩ liền khiển trách ông rằng nhà ngươi quá nóng vội, không kiên nhẫn chịu khổ sao có thể học được Tiên Đạo đây?

Thấy Bốc Nguyên một lòng quyết tâm, Đạo sĩ mới nhận lời thu nạp đồ đệ. (Tranh Angie - Epoch Times)

Một ngày, có vị khách đến thăm và ở lại chơi cờ với Đạo sĩ. Đạo sĩ lệnh cho Bốc Nguyên ngồi xem thế cục ván cờ. Bốc Nguyên xưa nay vốn không thích chơi cờ, xem tới xem lui liền mê mờ muốn ngủ, rồi ngủ gà ngủ gật lúc nào chẳng hay.

Giấc mộng thứ tư: Bay lên Tiên giới, vì phạm luật trời mà bị khiển trách

Hai mắt vừa khép lại, ông liền nhìn thấy Đạo đồng đến gọi ông tỉnh dậy. Sư phụ vẫn ngồi trên tảng đá, ngài lấy ra một quyển sách và đưa cho ông. Bốc Nguyên dành ba ngày chăm chú đọc sách, đọc xong liền hiểu ra toàn bộ, trong tâm bừng tỉnh, hốt nhiên khai ngộ. Bốc Nguyên bay lên Tiên giới và được liệt vào hàng Tiên. Hôm ấy, Ngọc Đế bày tiệc ở cung Vân Tiêu, các Tiên theo thứ bậc ngồi xuống, chắp tay vái chào gọi nhau là Đạo hữu.

Khi Phùng Nhị Cung Cửu công chúa kết hôn, các Tiên đều mang lễ vật đến chúc mừng, Bốc Nguyên cũng làm bài từ “Thôi trang” (bài thơ trang điểm) để mừng ngày vui của Cửu công chúa.

Đến năm sau, Thiên đình cử hành hội thi để xếp đặt Thần Thành Hoàng dưới hạ giới. Theo danh sách Bốc Nguyên được phong quan ở Thái Sơn, chưởng quản đám hồ ly yêu mị. Bốc Nguyên được đám Hồ tiên cung phụng, chúng thường ở trước mặt ông mà nịnh nọt, khoe sắc khoe tài. Lúc đầu Bốc Nguyên sợ Trời trách phạt nên không dám buông thả, nhưng trong tâm vẫn thầm để mắt đến một tiểu hồ ly tên là A Phụng. Hồ ly bà biết ý liền mạo muội đến làm mai mối, khuyên Bốc Nguyên đừng chê kẻ dị loài mà kết lương duyên với A Phụng. Bốc Nguyên ngoài mặt thì lấy Thiên quy làm điều răn đe, nghiêm túc cự tuyệt, nhưng trong lòng đã có phần dao động.

Sau đó A Phụng ốm nặng, ông không nỡ nhìn nàng đau khổ, cuối cùng ông đã động tâm phá giới, vi phạm Thiên quy và chức vụ Trời giao phó. Chẳng bao lâu sau, Bốc Nguyên bị Thiên binh Thiên tướng xử tội, một chiếc chùy lớn giáng mạnh xuống đầu khiến ông ngã lăn ra bất tỉnh…

Ma từ tâm sinh, mộng tỉnh rồi cũng không tỉnh mộng

Trong cơn hoảng loạn, Bốc Nguyên đột nhiên tỉnh dậy và phát hiện ván cờ ấy vẫn chưa hạ màn, còn ông thì vẫn đang trực bên cạnh sư phụ. Bốc Nguyên lấy làm lạ, lòng đầy nghi hoặc liền hỏi sư phụ. Đạo sĩ nói: “Ma từ tâm sinh ra, ta làm sao có thể giải thay con được đây?”. Bốc Nguyên không hỏi thêm nữa, ngày ngày vẫn ra ngoài chặt củi như trước.

Một ngày, khi ông đang nằm nghỉ dưới chân núi thì bỗng có vị sứ giả khâm sai đến bắt ông áp giải về triều đình. Hoàng đế đối đãi với ông rất trọng, cớ sao ông lại vi phạm lệnh vua mà tự ý bỏ trốn? Hoàng đế bèn lệnh cho thị vệ lôi Bốc Nguyên ra phạt đòn.

Thị vệ giáng đòn như vũ bão. “Rắc” một tiếng xương đùi gãy làm đôi, Bốc Nguyên kinh hãi hồn lìa khỏi xác. Lúc này ông chợt tỉnh dậy, phát hiện bản thân vẫn đang ở trong địa ngục tối tăm. Phải mất một lúc rất lâu ông mới định thần lại và nhận ra: những gì đã xảy ra đều là mộng!

Nhận được điệp văn, thoát khỏi chốn âm tào

Nhân ngày xá tội vong nhân, các tội hồn chốn Cửu U được lên dương gian nhận đồ cúng tế. Những tội hồn từng mắc trọng tội chỉ cần có được điệp văn nhà Trời liền có thể siêu sinh. Bốc Nguyên theo chúng quỷ ra ngoài, đến một nơi thấy hơn mười vị cao tăng đang mở hội Vu Lan.

Trên pháp đàn có một vị tăng nhân tỏa hào quang trên đầu, trong hào quang ấy lại xuất hiện hình ảnh một tăng nhân cao chưa đầy một thước, nhưng thần quang chói lọi tỏa ra xung quanh, trong tay ông cầm tờ điệp văn từ Thiên đình. Chẳng bao lâu sau có một tờ điệp văn bay về phía Bốc Nguyên, ông vội vàng cất giữ lấy.

Trong hội Vu Lan ấy chỉ có duy nhất năm tội hồn đắc điệp văn và được quỷ sai dẫn đi gặp Diêm Vương. Diêm Vương kiểm tra lại một lượt và nói: “Họ Bốc tội nặng, nên xử lý thế nào đây?”.

Âm sai nói: “Theo án lệ trước kia thì có thể đọa họ Bốc vào đường súc sinh, phạt làm kiếp lừa, kiếp sau mới có thể chuyển sinh thành người”. Diêm Vương gật đầu ân chuẩn.

Âm sai liền dẫn Bốc Nguyên đến một căn phòng, trên không là chiếc bánh xe lớn bằng gỗ đang xoay chuyển, nan hoa bên trong là những thân gỗ to vài người ôm không xuể. Một lát sau, có tràng phướn cờ xí mở đường, vài âm sai dẫn một người phụ nữ bước đến, vị nữ nhân này trông gầy gò xanh xao nhưng lại tỏa ra mùi hương thơm ngát, trên đỉnh đầu cũng tỏa ánh kim quang sáng rực. Bốc Nguyên vừa định theo bà leo lên thì bị quỷ sai kéo xuống. Quỷ sai nói: “Đây là đường Thiên nhân, chỉ những bậc trung hiếu tiết nghĩa mới được phép lên, còn ngươi tội nghiệp đầy thân sao có thể lên được?”.

Làm súc sinh vẫn không bỏ dục tâm, lại chuyển sinh thành lợn

Khi bánh xe xoay chuyển đến, quỷ dịch liền nhấc bổng Bốc Nguyên lên rồi ném lên trên. Ông thấy khắp thân mát lạnh, đến khi nhìn lại thì phát hiện bản thân đã biến thành một con lừa nhỏ. Con lừa lớn lên phải đi cày ruộng, phải cõng vác vật nặng. Nhưng con lừa này tính tình nóng nảy, bướng bỉnh chẳng nghe lời chủ, cho dù bị quất roi nó vẫn không chịu sửa đổi.

Chớ trở thành 'con lừa' trên núi đó...
Bốc Nguyên đầu thai thành con lừa. (Ảnh minh họa pexels)

Ông chủ có một cô con gái rất xinh đẹp, thi thoảng cô gái vẫn đến thăm và leo lên lưng lừa dạo chơi một chuyến. Con lừa được cô gái cưỡi lên mình thì cúi đầu ngoan ngoãn, đi lại rất vững vàng. Từ đó, con lừa Bốc Nguyên mỗi khi làm việc thì ngang bướng không vâng lời, duy chỉ khi cô chủ đến nó mới chịu thuần phục. Chủ nhân thấy nó quá ngoan cố liền bán đi, con lừa phải xa cô chủ nên buồn bã, liền tuyệt thực mà chết.

Khi Bốc Nguyên trở lại âm tào, Diêm Vương tức giận nói: “Ngươi đã chuyển sinh thành súc vật rồi mà cái tâm dâm dục vẫn không sửa đổi là sao? Ta sẽ phạt ngươi phải đọa kiếp súc sinh một lần nữa, lần này sẽ chuyển sinh thành lợn!”.

Con lợn được gia chủ vỗ béo rồi bán cho đồ tể, bị phanh thây cắt thịt thành từng miếng, từng miếng, thực là đớn đau không lời nào tả xiết.

Tham quan chẳng tránh khỏi số trời

Mộng đến đây, Bốc Nguyên bỗng choàng tỉnh dậy, ông mở mắt ra nhìn và phát hiện bản thân vẫn là đương kim tể tướng. Ông thở phào một tiếng rồi bất giác phá lên cười ha ha.

Tể tướng Bốc Nguyên sau giờ thiết triều vẫn thường gieo xúc xắc chơi cờ cùng với các thê thiếp. Ông có một tiểu thiếp tên là Phương Thị vốn là người hiền thục, nàng vẫn thường khuyên chồng gần người hiền, xa kẻ ác, tận tâm tận lực làm một vị thanh quan. Nhưng những lời nàng nói Bốc Nguyên đều bỏ ngoài tai. Sau này Phương Thị thất vọng tự thắt cổ mà chết, để lại di thư viết những lời tuyệt mệnh: “Đãi chánh đam dâm, bất nhẫn kiến quân phúc một”, ý tứ là: Vì chàng lười việc quan, mê dâm dục, thiếp không nỡ nhìn chàng tự hủy hoại chính mình. Bốc Nguyên trong tâm khiếp đảm, liền sai gia nhân hậu táng Phương Thị chu đáo.

Không lâu sau, quân địch xâm phạm vào biên giới, quan giữ thành không trụ được phải bỏ mạng. Hoàng đế biết Bốc Nguyên có tài cầm quân nên đã sai ông thống lĩnh 10.000 quân đi đánh giặc. Bốc Nguyên luyến tiếc những thê thiếp xinh đẹp mỹ miều, lưu luyến mãi chẳng muốn rời đi. Sau đó ông nghĩ kế bảo nàng Tố Hà cải trang thành nam rồi theo đoàn quân cùng lên đường.

Quân địch dùng vàng bạc lụa là và mỹ nữ hối lộ Bốc Nguyên, chúng ngoài mặt giả vờ rút quân nhưng bên trong lại ngấm ngầm chờ thời cơ đánh úp. Khi quân triều đình buông lơi phòng bị, tướng soái cũng lơ là, quân địch liền tấn công bất ngờ, ngay đêm ấy toàn quân bị thảm sát không biết bao nhiêu cho kể, Tố Hà cũng chết thảm trong quân.

Tỉnh giấc mộng hồng trần, an bần lạc đạo

Bốc Nguyên bị áp giải về kinh, xử tội giữa pháp trường. Đao phủ vung dao hạ xuống, hồn phách Bốc Nguyên cũng phiêu đãng bay đi. Tiếng khóc than thảm thiết vừa cất lên thì đột nhiên có người vỗ vào vai ông và nói: “Trà pha xong rồi, chàng vẫn còn mơ màng chưa tỉnh như thế sao?”.

Thời không giao thoa trùng điệp, trong chớp mắt mọi chuyện diễn ra thật kỳ lạ: chỉ vài giây trước ông vẫn ở pháp trường chịu chém, mà nay đã tỉnh dậy đầu còn nằm trên cổ. Bốc Nguyên hoảng hốt chưa định thần lại được, ông ngửa mặt lên nhìn, phát hiện bản thân vẫn ở trong căn nhà bần hàn. Lưu Thị đang pha trà, tiếng nước sôi rót ra ục ục. Ông ngẩn ngơ một hồi lâu, vợ ông thấy mặt chồng ngơ ngác thì phá lên cười hỏi là chuyện vì sao.

Bốc Nguyên liền kể lại một lượt cho vợ nghe, vừa kể vừa cẩn thận dò xét ý nàng. Lưu Thị nghĩ chồng say rồi, nhưng Bốc Nguyên vẫn khăng khăng nói: “Không phải, ta không say, chỉ là ta lo rằng vẫn đang nằm trong mộng mà thôi”. Bốc Nguyên vẫn không tin, đưa tay lên véo vào mặt một cái, rồi ông bước ra sân, vừa nhảy vừa hét to lên, nhìn vầng trăng vằng vặc mà bất giác cười vang một tiếng.

Bốc Nguyên vào trong nhà ghi chép lại tỉ mỉ giấc mộng trong mộng kỳ lạ này và kể lại cho mọi người nghe. Từ đó về sau ông không còn oán thán vận mệnh bất công, tâm cũng không còn vọng tưởng gì nữa, vui vẻ an nhiên với cảnh nghèo. Thường ngày ông viết sách kiếm sống, những lúc nhàn rỗi lại cùng thê tử thưởng trà ngâm thơ, hai người sống vui vẻ đến giai lão bạch đầu.

Câu chuyện trên được tác giả thời nhà Thanh là Vương Thao (1828-1897) ghi chép trong “Tùng Tân Tỏa Thoại”. Vương Thao từng bày tỏ:

Vạn vật trên đời luôn thay đổi, nhưng hết thảy chẳng qua chỉ là sinh, lão, bệnh, tử, vui và buồn. Mỗi người chỉ cách nhau vài chục năm nóng lạnh trên đời, có sống ắt có chết. Trong mấy chục năm nóng lạnh này, từ tuổi thơ vô minh cho đến khi lâm chung phút cuối, chúng ta đã trải qua bao đau đớn, có xáo trộn, có buồn lo, tưởng như chúng ta đã gánh chịu mọi ưu phiền của thế gian. Nhưng dám hỏi mỗi người trong chúng ta: Gặp nghịch cảnh mà tâm hồn thanh thản, hay gặp lúc thuận buồm mà lòng ưu tư mệt mỏi thì điều nào tốt hơn? Vậy nên, tốt hơn hết là tâm trí được thong dong tự tại, không bị mắc kẹt trong ngoại cảnh.

Cuộc đời quá ngắn ngủi, giàu sang hay vinh nhục thảy đều là nhân duyên. Bạn thoải mái và dễ chịu, hạnh phúc và vui vẻ, thì những người nuôi dưỡng tâm hồn cũng như vậy. Tâm hồn có thể đi vào cảnh giới nhưng vượt ra ngoài cảnh giới, có thể tự mang lại cho mình niềm vui bằng cách tạo ra điều kỳ diệu. Và “Mộng trong mộng” là một điều kỳ diệu như thế.

Theo Tống Bảo Lam - Epoch Times
Minh Hạnh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Kỳ lạ mơ trong mơ, mộng tỉnh rồi vẫn chưa tỉnh mộng