Kỳ ngộ dưới âm tào: Tú tài, ăn mày và cao tăng cùng luân hồi chuyển thế

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Con người suốt đời lao lực bôn ba, nào đâu biết thế gian vạn sự vô thường, công danh phú quý thảy đều không. Tú tài và người ăn mày nhờ Pháp lực của cao tăng mà biết được kiếp trước kiếp này, từ đó thực hiện những tâm nguyện còn dang dở trong tiền thế.

Nghe thêm: Radio Văn Hóa

Nhân duyên kỳ ngộ dưới âm tào

Vào thời nhà Thanh có vị quan Lang trung có thể nhớ được những sự việc trong tiền kiếp.

Vị Lang trung này là người Võ Lâm, kiếp trước là một tú tài nghèo ở Tô Quận. Năm ấy tú tài đã 60 tuổi mà vẫn chưa có con, vì gia cảnh bần hàn nên ông phải dựa vào nghề dạy học kiếm sống, thu nhập ít ỏi chỉ đủ cho hai vợ chồng trang trải qua ngày. Nhà tú tài nghèo xác nghèo xơ, ba thế hệ từ thời ông cố bà cố cho đến đời tú tài đều không có ai được chôn cất tử tế. Trong lòng ông luôn khắc khoải vì chưa làm tròn đạo hiếu, vì thế mỗi đêm ông đều thắp một nén nhang và quỳ xuống thỉnh cầu Thượng Thiên: “Con cầu xin Trời xanh ban ân, con nguyện ý giảm thọ mệnh của bản thân để đổi lấy trăm lượng bạc làm phí tổn an táng ba đời tiên tổ. Được như thế, con dẫu chết cũng sẽ yên lòng nhắm mắt”.

Thế nhưng mặc dù đã nhiều năm thành tâm lễ bái, tú tài vẫn phải ngậm ngùi tạ thế khi chưa thực hiện được tâm nguyện của mình.

Hồn phách tú tài theo hai vị Hắc Bạch Vô Thường đến âm phủ. Diêm Vương phán: “Ngươi là người con có hiếu, sẵn lòng giảm thọ mệnh để có tiền mai táng tằng tổ phụ mẫu. Nhưng ngươi không biết rằng cha mẹ ngươi đã từng tạo rất nhiều ác nghiệp, do đó đến đời nhà ngươi mới bị tuyệt tự như vậy. Tuy ngươi vô cùng thành tâm cầu nguyện suốt mấy năm ròng, nhưng ngươi chẳng qua chỉ là sống an phận qua ngày, không lập được công đức gì to lớn, do đó không thể vãn hồi tạo hóa. Dù sao lòng hiếu thảo của người cũng thực đáng khen, vậy ta ban cho ngươi một chỗ ngồi trong điện đường này”.

Lúc này âm sai vào báo tin: “Thưa đại vương, đại hiếu tử đã đến”.

Diêm Vương bèn đích thân ra nghênh đón, trước cửa là một người ăn mày gầy gò tiều tụy, mái tóc dài hơn một thước xõa ngang mặt, thân khoác chiếc áo cũ rách tả tơi. Người ăn mày tiến vào điện đường, vừa nhìn thấy Diêm Vương liền lập tức sụp xuống quỳ lạy. Diêm Vương liền đỡ ông ta dậy và sắp xếp cho ông ta ngồi ngay phía trước tú tài, miệng không ngớt lời khen ngợi.

Diêm Vương chỉ tay vào người ăn mày rồi nói với tú tài:

“Vị hiếu tử này là người Trấn Giang, sinh ra trong một gia đình bần cùng, từ nhỏ đã mồ côi cha, phải sống với mẹ, hàng ngày đều theo mẫu thân đi xin ăn. Năm 7 tuổi, ông quỳ xuống đường xin ăn để phụng dưỡng mẹ già. Vài năm sau, vì mẹ mắc trọng bệnh không thể đi lại được, ông ấy liền cõng mẹ ra chợ xin đồ bố thí. Ai nhìn thấy hai mẹ con cũng đều rơi lệ, người qua đường ra sức giúp đỡ, có người cho nắm cơm, có người cho miếng bánh. Hễ xin được gì ông ấy đều nhường mẹ ăn trước, sau đó mới ăn những gì còn sót lại.

Cứ như thế trải qua hơn 10 năm, mẫu thân qua đời, ông khó khăn lắm mới xin được một tấm chiếu để an táng mẹ, sau đó thì trầm mình xuống sông mà chết. Ông ấy đã dành cả đời hiếu thuận mẹ già, hết lòng làm tròn chữ hiếu mà không có tham vọng nào khác. Bách thiện hiếu vi tiên, người ăn xin ở dưới đáy xã hội mà có thể làm đến như vậy thì Thần linh sao không cảm động đây?”.

Đúng lúc ấy, trên điện đường có hồng quang chiếu rọi, tỏa ra ánh sáng rực rỡ sắc màu. Các âm sai sĩ tốt đều phủ phục dưới đất, sau đó một vị phán quan mặc áo đỏ bước đến báo tin rằng Thánh tăng đã đến. Diêm Vương liền xuống điện quỳ bái, chỉ thấy mây ngũ sắc từ trời giáng hạ, đứng trên mây là một vị hòa thượng tóc bạc phơ.

Hòa thượng đỡ Diêm Vương dậy rồi cười rằng: “Lão tăng đã bảy đời tu hành mà vẫn cần phải đi qua điện phủ của ngài, không biết đến khi nào mới có thể viên mãn lên Phật quốc đây?”.

Diêm Vương cung kính đáp: “Thánh tăng căn cơ thâm hậu, tiểu Thần tin rằng ngày chứng đắc quả vị sẽ không còn xa đâu”.

Vị hòa thượng nói: “Chừng nào còn luân hồi trong cõi hồng trần thì lão tăng vẫn còn lo lắng sẽ có ngày trụy lạc ở chốn nhân gian”.

Diêm Vương chắp tay bái lạy rồi mời hòa thượng ngồi xuống trước công án. Vị hòa thượng thấy tú tài và người ăn mày dưới điện đường có ý lánh mặt đi chỗ khác, liền chỉ tay vào hai người và nói: “Hai vị hiếu tử, xin mời đến gặp mặt”. Hai người họ cùng bước lên trước hành lễ.

(Ảnh: Khu vực công cộng)

Một âm sai dâng trà lên, hòa thượng liền nâng cốc nói với hai người: “Thứ trà này gọi là canh Mạnh Bà, uống vào rồi sẽ quên hết thảy mọi chuyện trong tiền kiếp, nhưng nếu không uống lại vi phạm luật Trời. Vậy lão tăng sẽ dùng Pháp lực để hóa giải”. Nói xong, hòa thượng tụng đọc chú ngữ, nước trà trong cốc theo đó cũng tự khô cạn.

Lúc này, một vị phán quan cầm cuốn sổ dâng lên Diêm Vương và nói: “Đã đến giờ lành, xin mời Thánh tăng bước lên thang chuẩn bị hạ thế”.

Dứt lời, hai âm sai khênh chiếc thang dài đặt trước điện. Hòa thượng nói: “Hai vị hiếu tử này có duyên với lão tăng, xin hãy cho phép họ cùng lên với lão tăng”.

Diêm Vương lệnh cho hai người cùng leo lên thang, hòa thượng đi đầu, người ăn mày ở giữa, tú tài đi theo sau. Tú tài vừa lên được một đoạn thì cảm thấy chân không còn sức lực liền ngã xuống, oa oa một tiếng khóc chào đời, tú tài đã biến thành em bé sơ sinh.

Gặp nhau kiếp trước kiếp này

Tú tài mở mắt nhìn thấy cha mẹ ngắm đứa con trai còn đỏ hỏn mà mừng vui khôn xiết. Trên đỉnh đầu chỗ thóp mụ có một cảm giác kỳ lạ khiến cậu bé không thể nói, chỉ có thể khóc. Lên ba tuổi thì thóp mụ khép lại, cậu bé liền có thể nói chuyện, hơn nữa còn nhớ lại được một số sự việc trong tiền kiếp, thấy quá khứ sống động như hiển hiện ngay trước mắt. Cậu biết rằng quỷ thần luôn kính người có hiếu, do đó thời thời khắc khắc cậu đều tận lực hiếu kính cha mẹ, cha mẹ cũng yêu thương cậu và nâng niu như báu vật trong nhà.

Bởi vì tú tài vẫn nhớ được học vấn trong tiền kiếp, do đó cậu bé mới 5, 6 tuổi đã có thể làm thơ, viết văn, người trong vùng đều gọi cậu là thần đồng. Cậu bé lên 8 tuổi thì nhập học, 13 tuổi đỗ cử nhân trong kỳ thi Hương, 17 tuổi đỗ tiến sĩ, được triều đình phong chức Lễ bộ Chủ sự. Sau đó, cha mẹ cậu lần lượt qua đời, sau ba năm để tang, cậu mới nghĩ đến chuyện thành gia lập thất, lúc này triều đình cũng phục chức cho cậu làm Chủ sự như trước.

Hôm ấy sau giờ thiết triều ngày đầu năm mới, một thái giám đến trước mặt Lễ bộ Chủ sự dâng lên tấm nha bài ra vào vương phủ và nói: “Thân vương có lệnh, thỉnh mời Chủ sự vào phủ có lời muốn nói”.

Chủ sự vô cùng bối rối, ông thầm nghĩ trước nay chưa từng quen biết vị Thân vương nào, lần này bị triệu vào vương phủ, liệu có gì khuất tất hay không? Trong tâm ông lo sợ bất an nhưng lại không cách nào cự tuyệt, đành nhận lấy nha bài rồi cáo tạ.

Tối hôm ấy, Chủ sự đến vương phủ và được lính gác dẫn vào gặp Thân vương. Tướng mạo Thân vương trông giống hệt như vị hòa thượng mà tú tài từng gặp dưới âm phủ. Thân vương mỉm cười nghênh đón ông và nói: “Cố nhân còn nhớ chuyện trước kia không?”.

Chủ sự bái lạy đáp lễ: “Hạ quan sao dám quên đại vương”.

Thân vương ban cho ngồi rồi nói: “Sáng nay trên đại điện ta thấy ngài từ xa, dung mạo của ngài vẫn hệt như xưa nên ta nhận ra ngay, do đó mới mời ngài đến đây để ôn lại chuyện cũ. Ngài biết chăng, hôm nay hai ta vinh quang trên con đường quan lộ nhưng nào đâu biết ngày mai sẽ ra sao? Thế sự rối ren, nhân gian chìm nổi, gấm hoa nhung lụa sánh sao được với niềm vui tu hành?

Từ khi chuyển thế đến nay, ta không ăn mặn cũng không ăn thịt, hồi ức lại những kinh văn từng đọc trong tiền kiếp, ta liền dựa theo lời Phật dạy mà làm. Ta dẫu ở ngôi cao quyền quý, ngày ngay an hưởng vinh hoa, nhưng lòng ta vẫn thời thời lo lắng bản thân mê trong hồng trần mà sa đọa rớt xuống. Ta rất nhanh sắp rời thế gian rồi, nếu không nói với ngài những lời này e rằng không còn cơ hội nữa. Ngài đã hiểu rằng nhân gian như mộng, vì sao không sớm bỏ quan mà nhập Đạo đi thôi?”.

(Ảnh: Khu vực công cộng)

Chủ sự đáp: “Đại vương dạy thật chí phải. Đây cũng là tâm nguyện của hạ quan, chỉ hiềm một nỗi nhà hạ quan thì nghèo, mà con trai vẫn còn nhỏ, thật khó thoát ra khỏi gánh nặng thế tục này”.

Thân vương đáp: “Chuyện này đâu có khó gì? Ngài còn nhớ người ăn xin hiếu thuận năm xưa không? Ta sẽ an bài để anh ấy đến giúp ngài, nhưng ngàn vạn lần ngài nhất định không được tiết lộ cho người ngoài biết, chỉ cần kiên nhẫn chờ thời vận là được rồi”.

Sau đó Thân vương dặn Chủ sự sau này có chuyện gì cũng không cần phải đến đây nữa, trước lúc chia tay ông chúc Chủ sự “lấy tu tâm làm trọng”. Chủ sự lạy tạ rồi rời khỏi vương phủ.

Dứt nợ hồng trần, tìm đường quy Phật

Một thời gian sau, nước Lưu Cầu (Ryukyu, thuộc Nhật Bản ngày nay) dâng lễ vật cống nạp, đồng thời cũng xin được sắc phong. Hoàng thượng liền hạ chiếu lệnh cho Lễ bộ Chủ sự làm quan Chánh sứ dẫn đầu phái đoàn sứ giả đến Lưu Cầu quốc. Chủ sự cúi lạy nhận bộ phục sức nhất phẩm mà triều đình ban cho, sau đó đoàn người cùng vượt biển đến Lưu Cầu.

Quốc vương nước Lưu Cầu đích thân ra nghênh tiếp đoàn sứ giả. Chủ sự thấy quốc vương xõa tóc che ngang mặt trông giống như người ăn mày hiếu thuận dưới âm phủ. Quốc vương hành lễ và thụ phong xong, liền kéo tay Chủ sự lại rồi nói: “Cố nhân còn nhớ người ăn xin nghèo hèn năm xưa không?”.

Chủ sự đáp: “Đại vương có đức hiếu cảm động trời xanh, đời này được làm chúa tể một vương quốc, còn kẻ thấp hèn như tôi thật không đáng kể chút nào”.

Quốc vương cười nói: “Sứ giả thượng quốc hà tất phải khiêm nhường như vậy? Nay tôi có chút việc riêng muốn nhờ ngài: Khi ngài trở về nước, xin hãy mang theo vạn lượng vàng đến Trấn Giang, tìm lại nơi chôn cất mẫu thân đời trước của tôi. Dưới cây bạch dương bên bờ sông, nhờ ngài lấy ra một phần vàng mua cho mẹ tôi cỗ quan tài đựng xương cốt, rồi dời đến nơi đất cao để mai táng. Phiền ngài lập một ngôi miếu trước mộ, đồng thời mua trăm mẫu đất, mời một vị cao tăng đến chủ trì, quanh năm hương hỏa cúng tế để độ trì cho hương hồn mẹ tôi. Số vàng còn lại xin biếu tặng ngài, coi như món quà tình cảm chỗ quen biết cũ. Ngoài ra tôi còn chuẩn bị lễ tạ như thường lệ gửi đến hai vị sứ giả chánh phó, xin các ngài đừng từ chối”.

Sau khi về nước, Chủ sự được thăng làm Lang trung. Ông đến dinh phủ thăm Thân vương, nhưng Thân vương đã qua đời từ một tháng trước rồi. Ông càng thêm thấm thía rằng nhân sinh như mộng, thế sự hư vô, trong lòng không còn vương vấn chuyện thế gian tục sự nữa, bèn lập tức xin từ quan, đến Trấn Giang giúp quốc vương Lưu Cầu hoàn thành tâm nguyện.

Vì nghĩ rằng tổ tiên ba đời trong tiền kiếp chưa được an táng, ông lại đến Tô Quận tìm về quê cũ. Người vợ năm xưa (kiếp trước) đã qua đời từ lâu, trong căn phòng chật hẹp vẫn còn mấy cỗ quan tài bơ vơ không người lo liệu, ông liền sụp xuống lạy rồi đem tất cả đi mai táng. Sau khi về nhà, ông giao lại cho vợ hơn vạn lượng bạc, dặn bà dùng số tiền ấy nuôi dưỡng con trai chu đáo. Thu xếp mọi việc ổn thỏa rồi, ông bèn tìm đến một ngôi chùa thanh tịnh xin quy y cửa Phật, từ đó ông chuyên cần tu hành cho đến cuối đời.

Rất nhiều người trên thế gian đều vì những việc trước mắt mà suốt đời lao lực bôn ba, chìm nổi trong phong ba trần thế. Nhưng con người đâu phải chỉ có một đời, trong luân hồi đằng đẵng, dẫu nếm hết mọi ngọt bùi cay đắng, trải qua hết phú quý vinh hoa thì cũng không thấy có điều gì đáng giá, vậy sao còn nấn ná lưu luyến cõi hồng trần làm chi?

Theo Chu Hiểu Huy - Epoch Times
Minh Tâm biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Kỳ ngộ dưới âm tào: Tú tài, ăn mày và cao tăng cùng luân hồi chuyển thế