Làm người hay là hổ, chỉ một niệm khắc thành

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một vị tăng nhân khoác bộ da hổ làm điều ác, kết quả biến thành hổ. Con hổ ở nơi rừng sâu lòng bỗng sinh thiện niệm, không ngờ lại biến thành tăng nhân. Câu chuyện tưởng chừng chỉ có trong tưởng tượng này được ghi chép trong “Thái Bình quảng ký” - một trong “Tống tứ đại thư” thời nhà Tống.

Hồi ấy ở núi Viên Châu có một nhà sư nọ không rõ pháp danh là gì. Một ngày, vị tăng nhân tình cờ có được bộ da hổ, ông bèn khoác thử lên người rồi lắc đầu, vẫy đuôi, trông giống hệt như một con hổ lớn. Ông ngẫu hứng khoác bộ da hổ chạy ra ngoài thử dọa người qua đường, ai nhìn thấy cũng sợ hãi quay đầu bỏ chạy. Có người gồng gánh trên vai đi qua, nhìn thấy hổ dữ liền hoảng loạn đến mức quẳng đòn, vứt gánh, ba chân bốn cẳng chạy thục mạng. Vị tăng nhân thấy mọi người tưởng mình là hổ thật, trong lòng rất khoái chí, bèn nhặt những thứ đồ bị bỏ lại kia rồi ẩn núp ở bên đường chờ đợi. Hễ thấy có người mang theo vật phẩm đi đến gần, “con hổ” lại từ bụi cỏ nhảy chồm ra, điệu bộ giống hệt như hổ thật khiến không ai là không kinh hồn khiếp đảm. Mỗi lần như vậy, vị tăng nhân lại thu được rất nhiều tài vật, từ đó ông càng thêm hả dạ đắc chí, lấy việc giả hổ dọa người làm thú vui tiêu khiển.

Một ngày kia, vị tăng nhân vừa khoác lên mình tấm da hổ thì khẽ rùng mình, dường như bộ da ấy đã bén rễ bám chặt vào da thịt. Ông nằm trong bụi cỏ rất lâu mà không thấy có bóng người xuất hiện, lòng thầm nghĩ: “Hôm nay vắng vẻ, hay là ta cứ tạm thời cởi bỏ bộ da hổ này đã”. Nhưng kỳ lạ chưa, dù ông có làm cách nào, thậm chí đã thử đủ mọi biện pháp mà vẫn không cởi ra được. Trong tâm ông khẽ máy động, bèn cúi đầu nhìn thử thì thấy tay và chân đều đã biến thành chân hổ. Ông lại xoa xoa tay rồi sờ sờ lên mặt, thấy móng vuốt và răng nanh cũng đã thành hổ rồi. Ông không dám tin vào cảm giác của mình, liền vội vã chạy đến soi xuống dòng nước, thấy từ đầu, tai, mi, mắt, cho đến miệng, mũi, đuôi, lông… thảy đều là hổ, không còn là người nữa. Đã là hổ thì không thể tụng kinh gõ mõ, không thể đường đường chính chính trở về làm tăng nhân, chỉ có thể sống cuộc đời một con hổ.

Ông lại xoa xoa tay rồi sờ sờ lên mặt, thấy móng vuốt và răng nanh cũng đã thành hổ rồi. (Ảnh pexels)

Thế là từ đó, vị tăng nhân đành lòng học cách sống của loài hổ, ngày ngày đều phải rình rập trong bụi cỏ, bắt cáo, gà, dê, thỏ… để thỏa mãn cơn đói. Dần dần các động tác từ nhún mình đến đuổi rượt, vồ mồi… toàn bộ đều là tập tính của loài hổ. Ông cũng vào rừng sâu, gia nhập bầy đàn với những con hổ khác, cả ngày chỉ lo tìm cái ăn và chỗ ngủ, bất chấp gió thổi, mưa rơi, buốt giá, nóng nực… đều vì cái ăn mà không lúc nào ngơi nghỉ. Ngày ngày đều trôi qua như vậy khiến ông cảm thấy chán ghét cuộc sống hoang dã vốn dĩ không thuộc về mình này. Trong tâm ông vô cùng thống khổ, mặc dù mang thân hổ, nhưng tâm lý lại rõ ràng rằng mình là người, chỉ là không thể nói ra lời mà thôi.

Ngày tháng như nước chảy, chớp mắt đã một năm trôi qua.

Một ngày, hổ thấy đói cồn cào, đã hơn một ngày trời chưa tìm được con mồi nào, nó liền ẩn nấp ở bên đường chờ đợi. Đột nhiên thấy một vị khách bộ hành đi qua, con hổ lập tức chồm lên cắn một phát chí mạng rồi há miệng nhe nanh xé xác. Nhưng không rõ vì lý do gì, con hổ ngẩn người ra một lát rồi nhìn lại con mồi mà nó vừa săn được. Thì ra, đó là một tăng nhân!

Con hổ thầm nghĩ: “Ta vốn là người, vì cầu được giải thoát khỏi luân hồi nên mới xuất gia làm hòa thượng. Nhưng ta lại không biết giữ giới luật, không tinh tấn tu hành mà lại buông thả bản thân, làm những điều sai trái, kết quả biến thành hổ, tạo nghiệp vô biên. Giờ đây chỉ vì muốn thỏa mãn cơn đói ta lại giết chết người tu Phật, địa ngục kia sao có thể buông tha cho ta? Chao ôi, ta đã làm gì thế này? Từ nay ta thà chết đói, chứ nhất quyết không tạo thêm tội nghiệp nữa”.

Sau đó vị tăng nhân ngẩng mặt lên trời khóc thống thiết, tiếng khóc nỉ non như tiếng một nhà sư đang sám hối. Nước mắt chảy xuống đến đâu bộ da hổ tuột ra đến đó, giống như cởi một chiếc áo vậy. Ông nhìn thử bản thân, không rõ tự lúc nào đã trở về là một tăng nhân. Ông vui sướng chạy ngay về nơi ở ban đầu, nhưng nơi đó đã trở nên hoang phế rất lâu rồi. Vì trên người không một manh áo, ông phải dùng tạm lá cây che thân rồi đến nhà dân xin vài bộ quần áo cũ.

(Ảnh: Pixabay)

Từ đó, vị tăng nhân bắt đầu vân du tứ phương rồi dừng chân tại chùa Sùng Thọ ở Lâm Xuyên. Tại đây, hòa thượng Viên Siêu Thượng Nhân đang trông coi phòng kinh sách, ngài cảm thấy vị tăng nhân mới đến chùa rất tinh tấn, liền hỏi: “Trưởng lão là người địa phương nào? Xuất gia mấy năm rồi? Tu tập kinh điển như thế nào? Vì sao ngài có thể siêng năng chuyên cần đến như vậy?”.

Ông đáp: “Tôi luôn cảm thấy hối hận về các hành vi trước đây, nếu Thượng Nhân có nhã ý, mong ngài hãy cho tôi đôi lời khuyên nhủ”.

Sau đó, ông liền kể lại một lượt rồi chắp tay dập đầu, khẩn cầu Thượng Nhân giúp ông sám hối.

Viên Siêu Thượng Nhân nói: “Sinh tử hay họa phúc của đời người đều do tâm niệm quyết định. Một niệm lên Thiên đường, nhưng một niệm cũng có thể xuống địa ngục. Kiếp này ra sao, chẳng lẽ cứ phải dựa vào kiếp trước mới có thể quyết định hay sao? Trong tâm ngài vừa sản sinh ác niệm liền biến thành hổ, nhưng hễ sản sinh thiện niệm lại trở thành người. Đây chẳng phải là minh chứng rõ ràng nhất đó sao? Nếu như ngài có đủ quyết tâm, đủ chính niệm, đủ tín tâm vào Phật Pháp, vậy sẽ có ngày đạt được trí huệ vô thượng, trở về được với bản nguyên sinh mệnh. Còn nếu như không đạt được đến mức ấy, thì người không thể biến thành hổ, hổ cũng không thể trở lại làm người”.

Vị tăng nhân như cởi được nút thắt trong lòng, bèn cúi đầu lạy tạ. Từ đó, ông càng tinh tấn thực tu hơn nữa.

Minh Hạnh
Theo Tịnh Âm - Sound of Hope



BÀI CHỌN LỌC

Làm người hay là hổ, chỉ một niệm khắc thành