Làm sao để lựa chọn lời chúc Tết phù hợp và có ý nghĩa nhất

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bởi vậy, người xưa hay nói: hãy tích đức hành thiện, sẽ được phúc báo. Phú Quý Phúc Thọ, Thịnh vượng hanh thông, mưu sự thành công, bình an may mắn… đều là nhờ tích đức hành thiện mà nên.

Theo truyền thống, lời chúc mừng năm mới âm lịch thường được thực hiện từ sau thời điểm Giao Thừa và kéo dài suốt những ngày đầu năm. Như lệ thường, thế hệ trẻ phải thực hiện nghi lễ này với người lớn tuổi trước, rồi sau đó người lớn tuổi sẽ chúc lại người trẻ, những em nhỏ vừa được chúc Tết lại được mừng tuổi (còn gọi là “lì xì” - theo phát âm tiếng Quảng Đông).

Người Việt thường có câu: “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”. Mùng 1, con cháu chúc Tết bậc cao niên bên nội, mùng 2 chúc Tết bậc cao niên bên ngoại, mùng 3 Tết thì chúc Tết những người đã có công giáo dục mình. Lời chúc Tết ban đầu chủ yếu là chúc thọ người cao tuổi, thể hiện truyền thống trọng chữ “Hiếu” của người xưa.

Mở rộng ra bên ngoài gia đình, nội tộc, trong mấy ngày Tết người ta chúc nhau theo nghi thức xã giao khi thăm viếng ngoại giao. Và nội dung chúc Tết khi ấy cũng thật là phong phú.

Trong mấy ngày Tết, câu cửa miệng khi người ta đi thăm viếng chúc Tết nhau chính là lời chúc Tết. Tại sao chọn thời điểm này để chúc tụng?

Ý nghĩa của lời chúc Tết

Năm mới được coi là thời điểm thay cũ đổi mới, đất trời dường như cũng đổi khác, vạn vật canh tân. Trong thời khắc Giao Thừa thiêng liêng, lòng người cũng hồi hộp mong chờ những thay đổi tốt đẹp, lời cầu chúc lúc này có ý nghĩa nhất.

Người Việt có câu: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Bởi vậy lời chúc Tết thường là hay, kêu, đôi khi còn nhiều quá mức hay nói quá lời. Nhưng điều quý nhất của lời chúc Tết lại nằm ở chỗ “chính tâm, thành ý” vì văn hóa chúc Tết thuộc phạm trù của Lễ. Mục đích của Lễ là định ra tôn ti trật tự thứ bậc trong gia đình và xã hội, để ai ai ở vị trí của mình cũng phải làm tròn bổn phận của mình, Lễ quy ước về hình thức đối đãi bên ngoài để mong đạt được sự biến đổi tốt đẹp bên trong của nội tâm.

Sách “Luận Ngữ” có câu: “Lễ chi dụng hòa vi quý”, công dụng của Lễ quý nhất là làm hài hòa. Trước hết là hài hòa với chính mình, đạt đến nội tâm yên tĩnh bình ổn. Sau đó là hài hòa với mọi người, cung kính thuận hòa, chung sống hài hòa với mọi người. Cuối cùng là hài hòa với Trời đất vạn vật, đạt đến trạng thái “Thiên - nhân hợp nhất”.

Do vậy, lời chúc Tết bề ngoài cần trang trọng, tự nhiên, tích cực, lễ phép, nhưng phải xuất phát từ thành ý thực sự mong muốn đều tốt đẹp cho đối phương (thành ý), lại cũng phải tuân thủ những giá trị đạo đức truyền thống (chính tâm), như vậy mới có thể mang lại năng lượng tốt đẹp.

Xưa vào thời Tống, nhiều người chúc Tết nhưng không gặp mặt trực tiếp mà bằng danh thiếp, có khi sai người đi gửi, với những lời chúc khách sáo, ai cũng như ai, không chân thật và không đúng đối tượng. Đối với việc chúc Tết hời hợt này, tể tướng - học giả Tư Mã Quang có nói rằng: “Một việc không thành tâm, không nên làm”.

Người xin chữ không chỉ lặng im thưởng ngoạn nét bút tài hoa, mà còn muốn xin cả cái đức độ, tài năng của ông đồ, lấy chữ để răn mình.
Lời chúc Tết thì có rất nhiều, nhưng hay nhất, ý nghĩa cô đọng sâu sắc nhất, lại mang tính truyền thống là ở dạng câu đối Tết. (Getty)

Lời chúc Tết thì có rất nhiều, nhưng hay nhất, ý nghĩa cô đọng sâu sắc nhất, lại mang tính truyền thống là ở dạng câu đối Tết. Chúng ta có thể chọn ra một số ví dụ đại diện để phân tích, bình luận, coi như một gợi ý thú vị khi lựa chọn sử dụng lời chúc Tết.

Phân tích một số câu đối chúc Tết điển hình

1. Chúc Phú, Quý, Phúc, Thọ

Chẳng hạn phổ biến như:
“Đa lộc, đa tài, đa phú quý - Đắc thời, đắc lợi, đắc nhân tâm”
“Tân niên, tân phúc, tân phú quý - Tấn tài, tấn lộc, tấn bình an”
“Trúc báo bình an, tài lộc đến - Mai khai phú quý, lộc quyền lai”
“Cung hỷ phát tài - Tấn tài tấn lộc.”
“Phúc như Đông Hải - Thọ tỷ Nam Sơn”
“Bách thuận vi phúc - Lục hợp đồng xuân.”
“Phúc đem lễ nghĩa trong nhà thịnh - Lộc nảy vinh hoa phú quý xuân”
v.v.

Phú, Quý, Phúc, Thọ nói chung mang đến cho con người ta sự thoải mái, nên đương nhiên là đối tượng truy cầu của nhiều người. Nhưng nên tránh những câu chúc thể hiện tâm truy cầu danh lợi thái quá, trở nên cực đoan, mất cân bằng, chẳng hạn như:

“Tiền vào như nước sông Đà - Tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin”

Một sự mất cân bằng nghiêm trọng, giống như ăn nhiều mà không tiêu hóa sẽ bội thực, vỡ bụng. Cả hai vế đều thiếu thực tế, biến thành chuyện tầm phào, không thành ý cũng chẳng chính tâm.

“Nhất bản vạn lợi”, tức là “một vốn vạn lãi”, giá bán vượt trội giá trị chính là chiếm đoạt lợi ích của thiên hạ, giống như làm ăn bất chính. Trong “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử có câu: “Đạo của Trời bớt dư bù thiếu”. Người Việt lại có câu: “của Thiên lại trả Địa”. Thường là cái “lãi” ấy không bền, hoặc phải trả giá bằng sự mất mát thất bại ở phương diện khác. Lại có câu “bạo phát, bạo tàn” phàm cái gì phát triển quá nhanh, quá nóng, thì sự suy sụp cũng nhanh chóng như thế, đó là lý âm dương tương sinh tương khắc.

Câu đối Tết. (Ảnh DKN)

“Chúc năm nay làm ăn bằng năm bằng mười năm ngoái”: trong bối cảnh mấy năm dịch bệnh, việc kinh doanh của rất nhiều người nói chung thất bại nhiều hơn thành công, thì câu chúc này không thực tế, thậm chí còn sáo rỗng và phản tác dụng.

2. Chúc vạn sự hanh thông, cầu được ước thấy

Chẳng hạn như là:
“Cầu được, ước thấy, Xuân như ý - Phúc ngập, lộc tràn, Tết phồn vinh
“Cát tường như ý - Cung chúc tân xuân.”
“Ngàn lần như ý - Vạn sự như mơ.”
“Xuân phong đắc ý - Hòa khí chí cường.”
v.v.

Bước sang năm mới, người ta hy vọng chuyện buồn, đen đủi, thất bại ở lại cùng năm cũ, vận hội mới mở ra, mọi sự sẽ hanh thông, tốt đẹp hơn. Nhưng “cầu được ước thấy”, “vạn sự như ý”, “tỷ sự như mơ”… lại là nói quá sự thật, dễ trở nên sáo rỗng viển vông và “mất thiêng”. “Tấn thư” có câu: “bất như ý sự thường bát cửu”, tạm hiểu là: “sự đời, trong mười việc thì thường có đến tám chín việc là không như ý”. Nếu đã biết đời chẳng chiều người là cái chân lý hiển nhiên, chi bằng thay cho mong cầu hoàn cảnh luôn thuận lợi, hãy xây dựng tâm thái vững vàng, kiên định và năng lượng dồi dào để vượt qua nghịch cảnh. Cũng nên mong cho tâm mình sáng suốt để nhìn ra và khắc phục sai lầm thiếu sót của bản thân.

3. Chúc bình an, sức khỏe, thành công, thịnh vượng

Chẳng hạn, phổ biến như:
“An khang thịnh vượng - Mã đáo thành công”
“Cung chúc tân niên - Sức khỏe vô biên.”
“Phát tài phát lộc - Công thành danh toại.”
“Xuân an khang thịnh vượng - Niên phúc thọ miên trường”
“Năm năm xuân như ý - Tuổi tuổi ngày bình an”

v.v.

Có câu nói rằng: “Khi có sức khỏe, ta có ngàn ước mơ; khi không có sức khỏe ta chỉ có một mơ ước duy nhất, đó là sức khỏe”. Khi bệnh tật đến tìm, tuổi già gõ cửa, sức khỏe mất đi, mấy ai còn cảm nhận được lạc thú nào nữa. Vì vậy, nhiều người chỉ chúc nhau sức khỏe, cảm thấy rằng miễn là còn sức khỏe thì còn thực hiện được mong ước của mình. Tương tự, khi đã trải qua nhiều thăng trầm, mất mát, thống khổ, đớn đau… ham muốn cũng dần nguội lạnh, có khi người ta chỉ xin được hai chữ “bình an”.

Hai năm 2020, 2021 vừa qua, chúng ta lại càng thấm thía giá trị của hai từ “bình an” và “sức khỏe”.

Khi hàng chục nghìn người Việt đã đánh mất sinh mệnh, hàng nghìn trẻ em nước Việt bỗng chốc mồ côi, hàng nghìn gia đình ly tán, hàng trăm nghìn người có nhà mà không được về, hàng vạn doanh nghiệp giải thể, cả triệu lao động thất nghiệp, hàng triệu người rơi vào cảnh cơ hàn, và cả xã hội hoang mang sợ hãi, đời sống đảo lộn… vì đại dịch mang tên “Viêm phổi Vũ Hán”, có nhiều người luyến tiếc những ngày chưa có con virus mang tên corona (COVID-19), khi mà “bình an” có nghĩa là không buộc phải sống trong “bình thường mới”.

Thì người ta lại càng mong cầu sức khỏe và bình an hơn hết. Chắc hẳn, năm 2022 này, nhiều người thay vì chúc nhau phú quý, sẽ chúc nhau “bình an”, “may mắn” và “sức khỏe”.

Nhưng nói cho cùng, cái gì là gốc rễ của Phú Quý Phúc Thọ, Thành công, Thịnh vượng, May mắn Hanh thông, hay Bình an Khỏe mạnh? Chúng ta đang tìm đến những lời chúc Tết có ý nghĩa nhất

“Đức” là cái gốc của muôn việc, muôn đời

Cổ ngữ Ấn Độ có câu: “Trăm triệu hạt mưa rơi, không có hạt nào rơi nhầm chỗ”, hết thảy phúc - họa, vui - buồn, sướng - khổ, đều là có sự an bài theo lẽ Nhân - Quả.

Khi gieo Nhân tốt, sẽ gặt được Quả tốt, và ngược lại, có thể không ngay lập tức, nhưng ắt là không cái gì có Nhân mà không có Quả.

Bởi vậy, người xưa hay nói: hãy tích đức hành thiện, sẽ được phúc báo. Phú Quý Phúc Thọ, Thịnh vượng hanh thông, mưu sự thành công, bình an may mắn… đều là nhờ tích đức hành thiện mà nên.

Người xưa nói: “Đạo Trời không thân với ai mà thường ban phúc cho người thiện”; “Ông Trời không thân với ai mà chỉ giúp người có đức”. Cũng có câu cổ ngữ rằng: “Họa do ác tạo ra, phúc do đức sinh ra”. Tôn Tư Mạc – y học gia nổi tiếng đời Đường, đã viết trong “Phúc thọ luận” rằng: “Phúc là tích lũy của việc thiện; họa là tích lũy của việc bất thiện”; “Phúc có thể dùng thiện lấy được”.

Người Việt có câu: “có đức mặc sức mà ăn”, chữ “Lợi”, chữ “Phú” nào phải mong cầu, nào nhờ chúc tụng mà có. Chỉ nhờ có “Đức”.

Cái “Đức” ấy cũng quyết định công danh, tuổi thọ, hạnh phúc. Người xưa cho rằng để đỗ đạt có công danh ngoài tài năng, phải cần có đức dày. Nhiều người nhờ tích đức hành thiện mà gia tăng thọ mệnh, ngược lại bị chiết giảm tuổi thọ vì thất đức hay hành ác.

Đức mới là nguồn gốc của hết thảy cát tường hay tai ương. Chi bằng hãy chúc nhau tích được nhiều “Đức”, hành được nhiều “Thiện”.

Chữ đức là quá trình mà nhân tâm được rèn luyện, tu sửa một cách kiên nhẫn từng chút một để hoàn thiện và quay trở về với bản nguyên của sinh mệnh, của vạn vật vốn hết sức tốt đẹp...
Chữ đức là quá trình mà nhân tâm được rèn luyện, tu sửa một cách kiên nhẫn từng chút một để hoàn thiện và quay trở về với bản nguyên của sinh mệnh, của vạn vật vốn hết sức tốt đẹp... (Ảnh: Shutterstock)

Chẳng hạn như:

“Trời đất vô tư, làm điều thiện tự nhiên được thiện - Thánh hiền có dạy, lo tu thân có thể được vinh”
(Thiên địa vô tư, tích thiện tự nhiên thiện - Thánh hiền hữu giáo, tu thân khả dĩ vinh)

“Năm có bốn mùa, bắt đầu bằng mùa xuân - Người có trăm đức, bắt đầu bằng hiếu”
(Tuế hữu tứ thời xuân tại thủ - Nhân bách hạnh hiếu vi tiên)

“Phúc đầy nhà, năm thêm giàu có - Ðức ngập tràn, ngày một vinh hoa”
(Phúc mãn đường, niên tăng phú quý - Ðức lưu quang, nhật tiến vinh hoa)

“Nhà cỏ ở yên, tích kim quang được đức - Áo vải an thân, cầu phúc đức đến tài”
(Thảo ốc an cư, tích kim quang đắc đức - Bố y tùy phận, cầu phúc đức lai tài)

“Phúc đem lễ nghĩa trong nhà thịnh - Lộc nảy vinh hoa phú quý xuân.”
(Phúc sinh lễ nghĩa gia đường thịnh - Lộc tiến vinh hoa phú quý xuân)

v.v.

Chúc thọ trưởng bối - chúc Đức muôn người

Sử cũ có ghi chuyện vua Gia Long quy định quan lại không được tặng quà Tết cho vua, mà chỉ được vào cung chúc tụng vua muôn tuổi. Còn vua Minh Mạng rất quan tâm đến ngày Tết của nhân dân, đặc biệt với người cao tuổi. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), vua xuống dụ: "Trẫm nghe, trăm tuổi là kỳ hạn thực là điềm tốt trong nước. Người trên mà nghĩ đến người già, thì kẻ dưới không dám biếng nhác với cha mẹ, ấy là dạy dân lấy đạo hiếu…". Tiếp đó, năm thứ 4 (1823), vua xuống dụ: "Thượng cổ đều lấy 100 tuổi làm kỳ hạn. Nhưng đời trước đến nay, phàm người nào thọ đến 70 tuổi, đã gọi là ít có. Huống chi thọ đến hơn 100 tuổi. Được gặp người tuổi kỳ dị như thế, thực là điềm người thọ lúc thái bình. Trẫm cầu lấy nước thọ, dân thọ, để cho ơn lớn được rộng khắp…"

Những trường hợp người thọ bách niên, sống trong gia đình tứ đại đồng đường, ngũ đại đồng đường… đều được vua Minh Mạng quan tâm ban khen, ban thưởng. Như vậy có thể thấy rõ người xưa coi rằng, chúc Tết trước hết và trên hết là chúc thọ trưởng bối, người cao tuổi, vì người xưa coi trọng chữ “Hiếu”, coi “Hiếu” là đứng đầu của trăm đức hay là “bách thiện hiếu vi tiên”.

Thông qua việc chúc thọ người cao tuổi trong nhà, con cháu thực hiện đạo hiếu, là tu đức. Vậy nói cho cùng, “Đức” mới là điều đáng cầu chúc cho nhau nhất khi Tết đến Xuân về. Có “Đức” không cầu mà được, thất “Đức” cầu chúc gì cũng vô ích.

Tết Nhâm Dần sắp đến, tác giả thành tâm cầu chúc độc giả một năm mới dồi dào việc thiện, cần mẫn gom đức, chính là:

Thiên địa vô tư, tích thiện tự nhiên thiện - Thánh hiền hữu giáo, tu thân khả dĩ vinh

“Trời đất vô tư, làm điều thiện tự nhiên được thiện - Thánh hiền có dạy, lo tu thân có thể được vinh”.

(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)

Nguyên Phong



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Làm sao để lựa chọn lời chúc Tết phù hợp và có ý nghĩa nhất