Lắng nghe là hàm dưỡng, nói năng thận trọng là giáo dưỡng, im lặng là tu dưỡng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có người từng nói: “Chúng ta phải mất hai năm để học nói, nhưng phải mất cả đời để học cách im lặng”.

Nói năng là một loại học vấn và là sự rèn luyện suốt đời. Lời nói, cử chỉ của một người quyết định hoàn cảnh sống của người đó.

Có người không nói nhiều, nhưng trong miệng lại tràn ngập hương thơm, khiến người ta có cảm giác như gió xuân; có người nói không ngừng, nhưng trong miệng lại đầy gai, khiến người khác khó chịu.

Đi qua nửa đời người mới hiểu lắng nghe là hàm dưỡng, nói năng cẩn thận là giáo dưỡng, im lặng là tu dưỡng, đó là phương thức hòa hợp tốt nhất giữa người với người.

1. Lắng nghe là hàm dưỡng

Có câu nói: "Sự im lặng khi lắng nghe có thể lay động lòng người hơn vạn lời nói”.

Trên thế giới này, cách nói chuyện thú vị nhất giữa người với người là một người thoải mái nói, một người nghiêng tai lắng nghe.

Lắng nghe, là một loại hàm dưỡng cũng là một loại tôn trọng, thường có thể rút ngắn khoảng cách với nhau giữa hai bên.

Ảnh Pixabay

Có một chàng trai trẻ yêu thích môn sinh học. Sau đó, cậu tham gia nghiên cứu liên quan đến sinh học và đạt được một số thành công. Một ngày nọ, chàng trai đi dự một bữa tiệc quan trọng ở ngoại thành. Tại bữa tiệc, cậu gặp nhà sinh vật học nổi tiếng thế giới mà mình rất ngưỡng mộ.

Tuy nhiên, chàng trai trẻ vẫn chưa nói được mấy lời với nhà sinh vật học. Từ đầu đến cuối, đều chỉ là hết sức chăm chú lắng nghe. Khi bữa tiệc kết thúc, người thanh niên giành được thiện cảm của nhà sinh vật học.

Nhà sinh vật học khen ngợi, nói: "Đúng là một người biết nói chuyện, biết khích lệ người khác”.

Trí tuệ thực sự của một người không nằm ở khả năng nói, mà nằm ở khả năng lắng nghe. Một người nói giỏi có thể thu hút được khán giả, nhưng một người biết lắng nghe có thể thu hút được bạn bè. Thay vì huyên thuyên và khó chịu, hãy lắng nghe bằng cả trái tim và được đánh giá cao.

Trong suốt quãng đời còn lại, hãy lắng nghe nhiều nói ít hơn, để có thể trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình và đón nhận vô số những điều tốt đẹp của cuộc sống.

2. Nói năng cẩn trọng là giáo dưỡng

Trong Cách Ngôn Liên Bích có câu: "Tu kỷ dĩ thanh tâm vi yếu, ra đời dĩ thận ngôn vi tiên”. (Muốn tu thân, điều quan trọng nhất là phải có tấm lòng trong sáng, ứng xử với thiên hạ, việc đầu tiên phải làm là cẩn thận với lời nói của mình).

Khi ở cùng mọi người, không biết giữ mồm giữ miệng chính là kiêng kị lớn nhất.

Vào thời Nhà Thanh, có một tài tử, kiến thức sâu rộng về đông tây kim cổ, tài hoa xuất chúng.

Nhưng khi còn trẻ, ông hay nói nhiều, ăn nói sắc sảo, thường bởi vì nhiều lời mà đắc tội với không ít người.

Từng nhiều lần ở yến tiệc, giễu cợt người khác, cũng bị người ta chế nhạo, giễu cợt khiến tình hình trở nên xấu hổ vô cùng.

Về sau, tài tử thi đậu công danh, làm quan trong triều.

Một ngày, lúc vào triều, vô tình nói thêm vài câu không ngờ làm dấy lên sự nghi ngờ của các bá quan trong triều, tất cả đều tránh né ông.

Ảnh Pixabay

Sau này, Hoàng đế nghe lời gièm pha của gian thần, cho rằng tài tử cấu kết với ngoại bang, ý đồ mưu phản, liền nhốt tài tử vào ngục. Mà người trong triều biết rõ sự thật, lại không một ai giúp đỡ. Cuối cùng, tài tử không những bị cách chức mà còn mất mạng.

Cẩn trọng khi nói chuyện không những có trách nhiệm với người khác mà còn có trách nhiệm với chính mình. Khi người đau buồn, chớ khuấy thêm vào chỗ thương tổn của người ta. Khi người nở mày nở mặt, chớ vạch trần khuyết điểm của họ.

Dù thân nhau đến đâu, chúng ta cũng nên nói năng thận trọng, tiết chế, biết tiến và lùi. Nói những điều vô nghĩa là khởi đầu của mọi rắc rối. Lời đã nói ra thì khó mà rút lại được.

Nếu là không quản được miệng, nói không lựa lời, sẽ chỉ rước họa vào thân, hại người hại mình. Hiểu được lời nói đến miệng lưu ba phần, đúng lúc ngậm miệng, mới là giáo dưỡng tốt nhất của một người.

3. Im lặng là tu dưỡng

Hoàng Đình Kiên viết trong thơ: "Vạn ngôn vạn đương, không bằng nhất mặc”. Có câu chuyện như thế này:

Ngày xưa, có một người nông dân cùng bạn bè đi chợ mua một chiếc vò đất. Trên đường về nhà, gặp một người qua đường đang cầm cái cào, vô tình vướng vào làm vỡ chiếc vò đất của ông. Tuy nhiên, người nông dân cứ thế tiếp tục đi về phía trước. Bạn ông thấy vậy tò mò hỏi: “Người đó đã làm vỡ chiếc vò đất của ông, sao không ngăn lại và yêu cầu họ bồi thường?”

Người nông dân mỉm cười đáp: “Họ không cố ý đâu, chiếc vò đã vỡ nên dù có tranh cãi với họ bao nhiêu cũng chẳng ích gì, ngược lại sẽ khiến người khác chê cười”.

Sau khi nghe điều này, bạn ông vô cùng ngưỡng mộ và giơ ngón tay cái lên biểu thị thái độ.

Liệt Tử có câu: “Nước sâu tĩnh lặng, người ổn định im lặng”.

Trong cuộc sống, mọi thứ không cần đều tốt hơn người khác trong lời nói. Tranh cãi một cách mù quáng với người khác không chỉ làm phiền họ, mà còn khiến chính mình mệt mỏi. Làm tổn thương người khác cũng tổn hại chính mình.

Ảnh Pixabay

Biết im lặng là cách tốt nhất để một người giữ được phẩm giá của mình. Im lặng đúng mức, không phải nhu nhược, không phải hèn nhát mà là trí tuệ vô thanh thắng hữu thanh. Điều chỉnh cuộc sống sang “chế độ im lặng”, ngắm phong cảnh của mình, đi con đường của mình, mới có thể không bị thế sự quấy nhiễu, không bị cuộc sống vây khốn.

Khi tương tác với mọi người, điều quan trọng nhất là cảm thấy thoải mái với nhau.

Nói năng liến thoắng không bằng nghiêng tai mà nghe, nói bốc nói phét không bằng cẩn thận nói năng khéo léo, giỏi ăn nói không bằng thận trọng, im lặng không nói.

Trong suốt quãng đời còn lại, dùng suy nghĩ thay vì nói, sẽ thêm phần hàm dưỡng; dùng lý trí để kiểm soát miệng mình, có thêm một phần giáo dưỡng; dùng sự im lặng để kiềm chế cảm xúc của mình, liền thêm một phần tu dưỡng.

Như một nhà thơ nổi tiếng đã nói: “Đôi tai là đường dẫn đến tâm hồn. Trong mọi việc, hãy nghe nhiều và nói ít”.

Nguyện cho mọi người trên thế giới đều có nụ cười trên môi, ánh mắt trong sáng và được thế giới đối xử dịu dàng.

Theo Vương Hoà - Nguồn: Chinese Studies Life
Nguyên Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Lắng nghe là hàm dưỡng, nói năng thận trọng là giáo dưỡng, im lặng là tu dưỡng