Lão Tử giáng thế truyền Đại Đạo

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vì để đạo đức nhân loại có thể duy trì ở một mức độ nhất định, đồng thời để những người hữu duyên có thể đắc Đạo về Trời. Thần Phật đã phái sứ giả xuống thế gian để truyền bá văn hóa chân Pháp, chân Đạo. Lúc này Lão Tử đã nhập thế để lưu lại "lý luận Đạo gia" một cách hệ thống hóa cho con người.

Nguồn gốc Đạo gia

Tư tưởng "Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp Đạo" (Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo Đạo) xuất hiện sớm nhất từ Phục Hy, một trong “Tam Hoàng” thời thượng cổ. Ông dựa vào nguyên lý biến hóa âm dương trong trời đất, dựa vào sự lên xuống của mặt trời và mặt trăng, ngộ được chỗ huyền diệu thâm sâu của càn khôn, từ đó đề xuất ra Thái cực, định ra Ngũ hành, tạo ra Bát Quái.

Phục Hy còn dùng âm dương bát quái để giải thích quy luật diễn hóa của thiên địa vạn vật, và trật tự nhân luân. Đây cũng là nền tảng tư tưởng để người đời sau vận dụng “Kinh dịch” cùng bát quái để xem quẻ cát hung. Bát quái của Phục Hy còn tiết lộ rằng, cần phải tuân theo một quy luật: Con người phải tuân theo đất, đất phải tuân theo trời, trời phải tuân theo "Đạo". "Đạo" chính là quy luật tự nhiên, tức là quy luật vũ trụ. Con người ở trong trời đất, cần phải biết trời biết đất, cần hiểu vị trí của con người trong thế giới tự nhiên, vị trí trong xã hội, và cũng cần tuân theo trời đất. Phục Hy cảm ngộ được quy luật vận động biến hóa của thiên địa vạn vật, đặt ra một hệ thống hoàn chỉnh và quan niệm tổng thể Tam tài thống nhất "thiên, địa, nhân".

Vào thời đại của Hoàng Đế năm nghìn năm trước, cùng với việc dùng đức cảm hóa thiên hạ, Hoàng Đế còn tích cực cầu Đạo, cuối cùng đắc Đạo thành Tiên. Hiển nhiên, Hoàng Đế xuất hiện ở thế gian với hình thức "Đế vương trị thế" kiêm “người tu luyện đắc Đạo”, đã làm nổi bật, thể hiện sự giao hòa giữa "thiên văn" và "nhân văn".

Với thân phận "Nhân văn sơ tổ", ông đã dẫn dắt thiên hạ thực hành "Thiên nhân hợp nhất" trong năm ngàn năm tiếp theo. Hoàng Đế cuối cùng viên mãn trở về, chính là để con người thế gian biết, tu Đạo đã có từ thời cổ đại. Con người có thể thông qua tu luyện để trở về Trời, và con đường duy nhất kết nối giữa người và Thần chính là "tu luyện".

Hoàng Đế cuối cùng đắc Đạo viên mãn cưỡi rồng trở về Thiên giới. (Tranh Winnie Wang)

Tuy nhiên, cùng với sự trượt dốc của đạo đức nhân loại, Đại Đạo cũng dần dần mất đi. Vì để đạo đức nhân loại có thể duy trì ở một mức độ nhất định, đồng thời để những người hữu duyên có thể đắc Đạo về Trời. Thần Phật đã phái sứ giả xuống thế gian để truyền bá văn hóa chân Pháp, chân Đạo. Lúc này Lão Tử đã nhập thế để lưu lại "lý luận Đạo gia" một cách hệ thống hóa cho con người.

Lão Tử giáng thế

Lão Tử, không rõ ngày sinh và ngày mất của ông. Sách "Sử ký" có chép rằng ông là người làng Khúc Nhân, huyện Khổ, nước Sở (nay là huyện Lộc Ấp, tỉnh Hà Nam), sống vào thời Xuân Thu, sau này cũng có người nói là ông người nước Tống. "Sử ký" cũng chép Lão Tử họ Lý, tên là Trọng Nhĩ.

Sách “Liệt Tiên toàn truyện” và truyền thuyết dân gian ghi lại rằng, thời nhà Chu, Lão Tử từ Thái Thanh Tiên Cảnh phân thần hóa khí, ngồi trên mặt trời, cưỡi chín rồng, hóa thành chuỗi trân châu ngũ sắc từ trời giáng xuống. Lúc con gái Huyền Diệu vương, Doãn thị ban ngày đang nằm nghỉ ngơi, cảm ứng và nuốt chuỗi châu, nàng tỉnh lại thì phát hiện có thai.

Doãn thị sau khi mang Thánh thai, thần khí an nhàn, dung nhan chuyển thành thiếu nữ, nơi phòng ở lục khí bình hòa, tường quang phủ khắp, sau đó sinh ra một người con trai. Đứa trẻ khi sinh ra, bước đi chín bước, những nơi bước qua, đều mọc lên hoa sen. Bởi vì sau khi sinh, đầu tóc đã bạc phơ, vì vậy đặt tên là "Lão Tử", cũng có tên là Lão Đam. “Đam” có nghĩa là tai lớn.

Tương truyền khi chào đời, cơ thể Lão Tử rất yếu nhưng đầu lại to, mày rộng tai lớn, mắt tròn đen láy, mũi cao thanh thoát.
Bởi vì sau khi sinh, đầu tóc đã bạc phơ, vì vậy đặt tên là "Lão Tử". (Ảnh: Wikipedia)

Đoạn Thành Thức thời Đường trong “Dậu dương tạp trở - Ngọc cách” cũng ghi chép tương tự: "Lão Quân có mẹ là Huyền Diệu ngọc nữ. Trên trời giáng xuống màu sắc của thiên địa, nhập vào mà mang thai.....ở tuổi 60 sinh hạ Lão Tử." Lão quân chính là Lão tử, là người sáng lập ra Đạo giáo.

“Thái bình quảng ký” cũng tổng kết những truyền thuyết được truyền qua các đời có liên quan đến lai lịch thân thế của Lão Tử. Tương truyền rằng mẹ của Lão Tử sau một lần trông thấy ngôi sao băng lớn bay ngang qua bầu trời thì mang thai ông. Bởi vì khí của Thần linh trên thượng giới xuất hiện tại Lý gia, cho nên Lão Tử sau khi sinh ra là mang họ Lý của người phàm.

Có người nói, Lão Tử sinh ra trước cả khi khai thiên lập địa, là tinh linh thần phách của trời đất, nên đương nhiên đã là một vị Thần. Còn có người nói, mẹ của Lão Tử mang thai ông trong 72 năm mới từ nách trái sinh ra ông, vừa sinh ra tóc đã bạc phơ, vì vậy mới đặt tên là "Lão Tử".

Cũng có người nói mẹ của Lão tử tình cờ sinh ông ở dưới cây mận (mận tiếng Hán là Lý (李) cùng cách viết với họ Lý). Lão tử vừa sinh ra đã biết nói, chỉ vào một cây mận trong sân, nói rằng: "Đây là họ của ta". Đây có lẽ là nguyên nhân trong “Sử ký” chép rằng ông có họ Lý.

Còn có người nói, Lão Tử vào thời Thượng Tam Hoàng là Huyền Trung Pháp sư, vào thời Hậu Tam Hoang là Kim Khuyết Đế Quân, thời Phục Hy thị là Uất Hóa Tử, vào thời Thần Nông Thị là Cửu Linh Lão Tử, vào thời Chúc Dung là Quảng Thọ Tử, vào thời Hoàng Đế là Quảng Thành Tử, vào thời vua Nghiêu là Vụ Thành Tử, vào thời vua Thuấn là Doãn Thọ Tử, vào thời Hạ Vũ là Chân Hành Tử, vào thời nhà Ân là Tích Tắc Tử, vào thời Chu Văn Vương là Văn Ấp tiên sinh.

Cũng có thể nói, phàm là người tuân theo mệnh Trời, tất nhiên là người có thể hiểu rõ những điều thần bí, khí chất bẩm sinh của Lão Tử cũng không giống người thường, người như vậy tự nhiên sẽ mang sứ mệnh trên thân, cũng tự nhiên có được sự bảo hộ Thần. Tuy có nhiều truyền thuyết, nhưng nội dung quan trọng hàm chứa trong đó không gì ngoài việc Thiên Thượng đã an bài Lão Tử đến thế gian truyền bá Đạo gia, văn hóa tu luyện phản bổn quy chân và tu Đạo trở về Trời.

Phàm là người tuân theo mệnh Trời, tất nhiên là người có thể hiểu rõ những điều thần bí, khí chất bẩm sinh của Lão Tử cũng không giống người thường, người như vậy tự nhiên trên thân sẽ mang theo sứ mệnh, cũng tự nhiên có được sử bảo hộ Thần. Ảnh: Tiên Sơn lầu cát của Triệu Bá Câu đời nhà Tống (Viện Bảo tàng Cố cung Quốc gia Đài Bắc cung cấp)

Thương Dung khởi ngộ

Lão Tử từ nhỏ đã thông minh, trầm tư hiếu học. Ông từng theo học Thương Dung. Thương Dung thông hiểu thiên văn địa lý, uyên thâm lễ nghĩa cổ kim, được người thời bấy giờ xưng là “Thần Nhân”.

Những câu chuyện về quan hệ thầy trò của Lão tử và Thương Dung, và việc Thương Dung dạy học cho Lão tử, được ghi chép trong "Cao sĩ truyện" của Hoàng Phổ Mịch đời nhà Đường: Thương Dung bị bệnh, dường như không phải là bệnh nhẹ, Lão Tử đến thăm. Thương Dung nhấn mạnh ba vấn đề với Lão Tử, thứ nhất là không được quên cố hương, không được quên gốc, thứ hai là phải tôn kính trưởng bối, thứ ba là lấy nhu thắng cương.

Những ghi chép có liên quan đến Thương Dung, ít nhất còn có hai tài liệu nữa. Trong "Lã thị Xuân Thu. Bất nhị" có chép: “Lão Đam quý nhu”, tức là tư tưởng "quý nhu". Tư tưởng "lấy nhu thắng cương" của Lão Tử là học từ Thương Dung. Vì vậy "Hoài nam tử . Mậu xưng huấn" viết: "Lão tử học Thương Dung, nhìn lưỡi mà biết giữ đức tính mềm mại, khiêm nhường"

Đến Lạc Dương cầu học

Truyền thuyết dân gian kể rằng, Thương Dung tiên sinh sau khi dạy Lão tử được ba năm, tiến cử Lão Tử đến thành Lạc Dương, kinh đô nhà Chu để học tập. Sau khi Lão Tử đến Lạc Dương, bái kiến vị tiến sĩ được Thương Dung giới thiệu. Sau đó ông vào học ở Thái học, ba năm sau đã có tiến bộ rất lớn. Tiến sĩ lại tiến cử ông vào Thủ tàng thất làm quan (tương đương với người quản lý thư viện quốc gia ngày nay hay người quản lý bảo tàng lịch sử). Thủ tàng thất là nơi cất giữ thư tịch của nhà Chu, tập hợp văn chương trong thiên hạ, thu thập sách khắp thiên hạ, sách cao như núi, không gì không có.

Tại Thái học, Lão tử giống như người trong đại hạn được mưa, ông đọc rộng hiểu sâu, thiên văn, lịch pháp, địa lý, lịch sử v.v.. không gì không đọc. "Thi", "Thư", "Dịch", "Lịch", "Lễ"," Nhạc" không sách nào ông chưa xem qua. Văn vật, điển chương, sách sử không gì không học. Sau đó, ông làm Sử Thủ tàng thất của vương thất nhà Chu, phụ trách quản lý tấu chương của trung ương, hồ sơ, đồ thư và tài liệu của các địa phương gửi lên v.v...

thi đỗ quan to khi hối cải
Lão Tử được vào học ở Thái học, thiên văn, địa lý, nhân luân, không gì là không học; văn vật, điển chương, sử sách, không gì là không đọc, sau 3 năm đã có trưởng thành rất lớn. (Ảnh: Secretchina)

Trong lúc Lão Tử làm quan Thủ tàng thất, đọc được rất nhiều sách vở. Ông cảm thấy hứng thú đối với những việc thịnh suy của quốc gia, chiến tranh thành bại, cúng tế xem quẻ, quan sát tinh tượng. Lão Tử với kiến thức uyên bác, thông hiểu cổ kim, chú trọng đạo đức, trở thành một người rất nổi tiếng thời đó. Khổng Tử cũng từng ngưỡng mộ mà đến Lạc Dương bái kiến Lão Tử.

Vương thất nhà Hậu Chu xảy ra nội loạn, những điển tịch trong cung do Lão Tử quản lý được Vương tử Triều đưa đến nước Sở. Lão Tử bị cách chức, thế rồi ông cũng đến huyện Khổ, nước Sở (nay là huyện Lập Ấp, tỉnh Hà Nam) ẩn cư. Vào thời Đường ở đó vẫn còn miếu và nơi ở của Lão Tử. "Quát địa chí" có chép: "Huyện Khổ nằm ngay tại nơi giao giới của hai huyện Bạc Châu và Cốc Dương, có miếu và nơi ở của Lão Tử, trong miếu còn có 9 cái giếng".

Còn việc Lão Đam ẩn cư ở nước Sở, không những trong được ghi chép rõ ràng trong "Sử ký - Lão Tử Hàn Phi liệt truyện" mà cũng nhiều lần được đề cập đến trong các tài liệu thời Tiên Tần khác.

Còn có một cách nói khác, là sau khi Lão tử bị cách chức đã chọn ẩn cư ở nước Bái (Giang Tô ngày nay). Trong phần "Trang Tử - Thiên vận” có chép: “Đã năm mươi mốt tuổi, mà chưa được nghe về Đạo, nên Khổng Tử đi đến nước Bái yết kiến Lão Đam". Cũng chính là nói, Lão Tử và Khổng Tử gặp nhau ở nước Bái. Về việc này, "Kinh điển thích văn" được Tư Mã Bưu giải thích như sau: "Lão Tử, người huyện Tương, nước Trần. Huyện Tương nay thuộc huyện Khổ, gần nước Bái."

Khổng Tử vấn lễ Lão Tử. (Tranh zhengjian)

Dân gian tương truyền rằng, Lão Tử ở nước Bái, tự trồng trọt để ăn, tự dệt vải để mặc. Những người ngưỡng mộ thanh danh của ông lần lượt kéo đến, để hỏi về phương pháp tu Đạo, để học về kiến thức và cách đối nhân xử thế.

Truyền Đạo cho Doãn Hỉ

Sử Ký chép, một ngày nọ, Lão Tử đến nơi quan ải. Quan lệnh Doãn Hỉ nói: "Thầy chuẩn bị đi ẩn cư, xin viết sách cho con".

Thế là Lão tử liền viết sách nói về đạo đức hơn 5000 chữ, chia thành hai quyển thượng hạ, rồi rời đi, không ai biết ông đã đi đâu. Tuy nhiên, trong “Sử ký” cũng không hề nhắc tới tên của quan ải kia.

Trong “Lịch thế chân Tiên thể đạo thông giám” thời nhà Nguyên có chép: "Thời Chu Khang Vương, Doãn Hỉ làm chức đại phu, sau khi quan sát khí tượng trời đất, lắng tâm suy nghĩ cầu Đạo. Một ngày nọ, ông theo thấy phía Đông xuất hiện sắc tím, phía Tây hiển điềm lành, dự đoán có Thánh nhân xuất quan, vì vậy xin làm quan lệnh ở Hàm Cốc. Gặp được Lão Tử, bái làm thầy dạy Đạo. Lão Tử liền viết thành "Đạo" "Đức" hơn 5000 chữ truyền cho Doãn Hỉ. Doãn Hỉ vui mừng tụng đọc, thực thi thành Đạo"

Khi đó còn xảy ra một chuyện, trong “Sử ký” chép rằng, có một người tên là Từ Giáp, từ thời thiếu niên đã làm người hầu cho Lão Tử. Lão Tử mỗi ngày sẽ trả cho ông ta 100 tiền, tổng cộng đã thiếu ông ta 720 vạn tiền công. Từ Giáp thấy Lão Tử chuẩn bị xuất quan đi xa, muốn mau chóng đòi lại tiền công nhưng cũng sợ đòi không được, liền nhờ người viết cáo trạng kiện lên quan lệnh Doãn Hỉ.

Người thay Từ Giáp viết cáo trạng không hề biết rằng Từ Giáp đã theo Lão tử hơn 200 năm, chỉ biết rằng nếu ông ta đòi được tiền công từ Lão Tử sẽ trở thành phú ông, vì vậy đồng ý gả con gái cho Từ Giáp. Từ Giáp thấy cô gái vô cùng xinh đẹp, càng thêm vui vẻ, đem cáo trạng trình lên Doãn Hỉ.

Doãn Hỉ xem xong cáo trạng vô cùng kinh ngạc, liền đến báo cho Lão Tử. Lão Tử nói với Từ Giáp: "Ngươi đáng lẽ đã chết từ lâu, ta lúc đó bởi vì chức quan nhỏ, nghèo túng, đến một người giúp việc vặt cũng không có, nên mới thuê ngươi, đồng thời cũng cho ngươi "Thái huyền thanh sinh phù", vì vậy ngươi mới có thể sống đến hôm nay. Ngươi vì sao lại muốn kiện cáo ta? Ta lúc đầu cũng từng hứa với ngươi, khi ta vào "An Tức quốc", ta sẽ dùng vàng trả toàn bộ tiền công cho ngươi. Vì sao ngươi lại gấp gáp không đợi được như vậy?"

Nói xong liền bảo Từ Giáp cúi mặt xuống đất, há miệng ra, chỉ thấy "Thái huyền thanh sinh phù" lập tức bị nôn ra. Chữ chu sa trên phù giống như vừa mới viết, còn Từ Giáp trong phút chốc biến thành một bộ xương.

Doãn Hỉ biết được Lão Tử là Thần nhân, liền quỳ xuống khấu đầu cầu xin cho Từ Giáp, đồng thời xin thay Lão Tử trả nợ. Lão Tử đem "Thái huyền chân phù" ném trả lại Từ Giáp, Từ Giáp liền lập tức sống lại. Doãn Hỉ cho Từ Giáp 200 vạn tiền, rồi đuổi đi.

Còn Doãn Hỉ thì từ quan theo Lão Tử, xuôi theo dãy Tần Lĩnh núi Chung Nam, đi về phía Tây, khai hóa Tây Vực. Sau khi Lão Tử dạy Doãn Hỉ 5000 chữ, Doãn Hỉ liền ghi chép lại, người đời sau gọi là “Đạo đức kinh". Bởi vậy Lão Tử được xem là thủy tổ của Đạo gia. Đồng thời, Lão Tử còn truyền cho Doãn Hỉ phương thức bí truyền của đạo trường sinh.

Lão Tử cưỡi trâu (Viện Bảo tàng Cố cung Quốc gia Đài Bắc)

Bạch nhật phi thăng

Sau khi Lão Tử xuất quan rốt cuộc đã đi đâu, cũng không có ghi chép rõ ràng. Căn cứ vào di tích tu Đạo và nghiên cứu địa phương chí, Lão Tử cuối cùng có khả năng nhất đã ở núi Nhạc Lộc, huyện Lâm Thao tỉnh Cam Túc ngày nay mà "bạch nhật phi thăng". Đó chính là người tu luyện đắc đạo vào ban ngày bay lên Thiên giới thành Tiên. Lão Tử cưỡi phượng hoàng bay lên mây, thân hiện kim quang, tỏa sáng rực rỡ, mây ngũ sắc chiếu sáng một hồi lâu. Ngày đó nước sông dâng cao, sông núi chấn động, ánh sáng ngũ sắc phát ra trên trời, sao Thái Vi chiếu khắp bốn phương.

Người đời sau lập nên “Phi thăng đài”, cũng gọi là "Phượng đài" hoặc là "Siêu nhiên đài" tại nơi Lão tử bay lên để kỉ niệm. Ngoài ra, ngày nay ở Lâm Thao còn lưu lại một lượng lớn những di tích tu luyện của Lão Tử, chẳng hạn như "Thuyết kinh đài" nơi Lão Tử truyền Đạo. Hơn nữa, Đường triều hoàng tộc Lý Thị trong "Lý Thị Chí" viết rằng: "Họ Lý ở 13 quận vọng, thì Lũng Tây đứng đầu”, đồng thời tự xem mình là hậu nhân của Lão Tử.

Còn về Doãn Hỉ, ông kiên trì theo hướng dẫn của Lão Tử mà tu hành, đồng thời hoằng dương học thuyết Đạo gia, cuối cùng tu luyện thành Tiên, được xưng là "Vô Thượng Chân Nhân" hoặc là "Doãn Chân Nhân".

Ngoài ra, sau khi Thần tích "Tử khí đông lai" (Khí tím đến từ phía đông) xuất hiện lúc Lão Tử xuất quan, người đời sau xem "khí tím" là biểu tượng cát tường, may mắn.

Lão Tử truyền Đại Đạo.

Tư tưởng Đại Đạo được Lão Tử lưu lại phần lớn được ghi chép trong sách "Lão Tử". Sách "Lão tử" có tổng cộng 81 chương, phân thành hai quyển thượng và hạ, 37 chương đầu thành quyển thượng, 44 chương sau thành quyển hạ, tổng hơn 5000 chữ. Bởi vì những điều mà ông giảng là vấn đề "Đạo” và “Đức”, người đời sau gọi là "Lão Tử Đạo đức kinh", gọi tắt là “Đạo đức kinh"

Nhưng vào năm 1973, tại Mã Vương Đôi khai quật được sách lụa “Lão Tử", đều là “Đức kinh” ở trước, “Đạo kinh” ở sau. Trong Đôn Hoàng Tàng kinh động phát hiện bản chép tay “Đạo đức kinh", cũng là Đức Kinh là quyển thượng, Đạo Kinh là quyển hạ. Điều này nói rõ rằng người đắc Đạo nhất định là người có đức, người không có đức thì không thể nào đắc Đạo

Sách “Lão Tử” mà chúng ta thấy ngày nay, cũng không phải là nguyên tác của Lão Tử. Bởi vì người thời Chiến quốc đã thêm chữ vào, nhưng tư tưởng chủ đạo trong đó là của Lão Tử. Phạm trù tư tưởng cơ bản là Đạo, xưa gọi là Đạo gia. Từ những tư liệu hiện có mà xét, cách xưng Đạo gia xuất hiện sớm nhất trong "Luận lục gia yếu chỉ" do Tư Mã Đàm thời nhà Hán viết. Nhưng trên thực tế, trước khi Lão Tử xuất thế và lưu truyền 5000 chữ chân ngôn, sự tích tu luyện Đạo gia, Thần tích đã sớm được lưu truyền, như Hoàng Đế vấn đạo Quảng Thành tử, Hoàng Đế "Long khứ đỉnh hồ" v.v...

Sách Lụa Lão tử ở Mã Vương Đôi. (Phạm vi công cộng)

Người đời sau có rất nhiều người xem sách Lão Tử chỉ là một tác phẩm triết học vĩ đại, nhưng người thật sự có duyên lại hiểu rằng Lão Tử đã lưu lại văn hóa tu luyện Đạo gia.

Ngay chính Lão Tử trong chương mở đầu đã giảng: “Đạo, khả đạo, phi thường Đạo" (Đạo mà có thể dùng lời nói biểu đạt ra được thì không phải Đạo thường hằng bất biến). Đạo của Lão tử không phải Đạo thường hằng bất biến, nhưng người có Đạo như ông với người thường cũng là khác nhau một trời một vực. "Người đời rực rỡ, riêng ta tối tăm. Người đời sắc sảo, riêng ta hồn hậu. Mọi người đều có chỗ dùng, riêng ta ngoan cố mà bỉ lậu. Riêng ta khác người, mà quý mẹ nuôi muôn loài".

Trong chương 70, Lão Tử tiến thêm một bước giảng rõ sự quý giá của chân Đạo: “Lời ta dễ biết dễ làm. Thiên hạ không biết không làm. Lời ta nói có nguyên do, việc ta có mấu chốt. Thiên hạ không biết ta. Hiếm người hiểu ta nên ta mới quý. Cho nên Thánh nhân mặc áo vải mà chứa ngọc”.

Chính vì ông không phải là Đạo thông thường, không thể tùy tiện để con người đắc được, vì vậy mới vô cùng trân quý, mà Đại Đạo truyền ra, người đang trong mê ở thế gian thái độ cũng không phải như nhau. “Bậc thượng sĩ được nghe Đạo, cố gắng cần cù theo học; bậc trung sĩ nghe Đạo, có lúc học theo cũng cũng có lúc không theo; bậc hạ sĩ nghe Đạo thì cười chê, không cười thì không đủ gọi là Đạo”.

Vì để người có duyên đắc Đạo, khiến bậc thượng sĩ cuối cùng có thể phản bổn quy chân, Lão tử chỉ trong 5000 chữ ngắn ngủi nói cho mọi người một loạt các vấn đề về hàm nghĩa của Đạo và sự hình thành của vũ trụ, quan hệ nguồn gốc của vạn vật, làm người thế nào, đồng thời cuối cùng làm thế nào có thể phản bổn quy chân v.v.., mà việc trình bày những vấn đề khác, hoàn toàn là để làm nền cho mục đích cuối cùng kia

Ngoài ra, Lão Tử vì để người tu Đạo hiểu được phương pháp tu Đạo, còn nhiều lần đàm luận khi những Thánh nhân có Đạo đối diện với nhiều vấn đề thì làm thế nào, để làm gương cho mọi người. Vì vậy, lưu lại văn hóa tu luyện Đạo gia, đồng thời, “Đạo đức kinh" của Lão tử cũng bao hàm đạo của vương giả Thánh nhân và đạo lý làm người, đối nhân xử thế, từ góc độ của Đạo, chính là lưu lại nội hàm văn hóa Thiên nhân hợp nhất.

Đức Nhân
Theo Lưu Hiểu - Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Lão Tử giáng thế truyền Đại Đạo