Liên minh cướp biển mạnh nhất thế giới, sánh với Hải quân Hoàng gia Anh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nói đến cướp biển mạnh nhất thế giới, có thể có người nghĩ đến cướp biển Caribe xưa và cướp biển Somalia ngày nay. Thực ra chúng đều không phải là mạnh nhất. Cướp biển mạnh nhất trong lịch sử thế giới là cướp biển Trung Hoa, và đã từng là thủy quân triều Tây Sơn Việt Nam.

Năm 1809, trong vịnh biển phụ cận núi Đại Dữ, Hồng Công, một trận đại hải chiến đang hình thành. Đề đốc Quảng Đông Tôn Toàn Mưu dẫn hơn 100 chiến thuyền thủy quân triều Thanh xếp thành hàng ngang bao vây chặt vùng vịnh. Viên chỉ huy đội quân bị triều đình bao vây tên là Trương Bảo - một trùm cướp biển, chỉ huy hạm đội cướp biển.

Hạm đội quân Thanh siết chặt vòng vây, xem ra có hy vọng chiến thắng rồi. Tin tức này truyền đến tai của Bách Linh - Tổng đốc Lưỡng Quảng đang ở trên bờ, Bách Linh vui mừng chảy cả nước mắt nước mũi ra. Băng nhóm cướp biến khiến ông ta ngày đêm lo nghĩ này, xem ra cuối cùng cũng phải bó tay chịu trói rồi.

Có người cho rằng, cướp biển có lợi hại thế nào đi nữa thì cũng không thể nào đọ sức được với quân đội chính quy. Chúng ta không nói đến cướp biển Somalia ngày nay, mà thời còn dùng sức gió làm động lực, hễ đội thương thuyền nào có hạm đội triều đình hộ tống, thì các tàu cướp biển đều lẩn tránh thật xa. Không phải vì cướp biển không đánh lại được quan quân, mà là triết lý hành sự của cướp biển: Hết sức giảm thiểu trả giá và mạo hiểm để giành lấy lợi ích lớn nhất. Cướp biển cố gắng tránh các cuộc đọ sức sống chết, đặc biệt tránh kích thích các chính quyền có thực lực chiến đấu vượt xa họ.

Thế thì băng nhóm cướp biển ghê gớm này từ đâu ra, lại có thể giương cờ gióng trống đối đầu trực diện với thủy quân triều Thanh? Hơn nữa Đế quốc Đại Thanh vẫn không làm gì được chúng.

Hơn 100 chiến thuyền thủy quân triều Thanh xếp thành hàng ngang bao vây hạm đội cướp biển do Trương Bảo chỉ huy. (Bảo tàng Hàng hải Hong Kong)

Băng nhóm cướp biển này mạnh nhất lịch sử Trung Quốc, và cũng nằm trong nhóm 3 băng nhóm cướp biển mạnh nhất lịch sử thế giới.

Băng nhóm cướp biển mạnh nhất lịch sử

Vào những năm Càn Long triều Thanh, vùng duyên hải các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến xuất hiện cướp biển. Chúng đi trên những con thuyền gỗ nhỏ cướp bóc những tàu thuyền qua lại ở vùng nước nông. Tuy chúng gây ra phiền phức nhất định cho thương nhân, nhưng chỉ cần một chiếc tàu tuần tra của thủy quân Quảng Đông cũng khiến chúng sợ hãi bỏ chạy rồi.

Những tên cướp biển chèo thuyền gỗ nhỏ này không gây ảnh hưởng nhiều đến thương mại trên biển đương thời. Bởi vì thời đó, các thương thuyền phương Tây đều là thuyền buồm lớn có lắp hỏa pháo, các tàu cướp biển Trung Quốc nhỏ bé, không trở thành mối uy hiếp đối với họ được. Thế nên các thương nhân phương Tây thời đó cảm thấy rằng, so với vùng biển Caribe cướp biển như ong, thì thương mại trên vùng biển Trung Quốc là tuyến đường biển khá an toàn.

Tuy nhiên, tình hình đã xảy ra biến đổi rất nhanh chóng. Khoảng năm 1795 vùng phụ cận cửa sông Châu Giang xuất hiện đội thuyền cướp biển cỡ lớn. Thuyền của chúng chắc chắn, có pháo uy lực, tốc độ cao, thủy thủ trên những con thuyền lớn này có kỹ năng thành thục, có chiến thuật hải chiến cao siêu. Những thương thuyền nào bị chúng nhắm vào, đều không thể đối đầu được với chúng.

Thủy quân Quảng Đông đã mấy lần phái hạm đội ra biển tiễu trừ, đều bị cướp biển đánh cho tan tác. Tuyến đường thương mại trên biển đã trở nên không an toàn, giá trị mậu dịch và thu nhập hải quan đều giảm sút đột ngột. Hơn nữa, các vùng biển duyên hải của Trung Quốc cũng trở nên không yên ổn.

Hoàng đế Gia Khánh rất nóng mắt, vội vàng phái thám tử đi thám thính tin tức, xem rốt cuộc băng nhóm cướp biển hung hãn này từ đâu ra. Thám tử ra đi, sau đó không lâu về báo cáo một tin tức khiến người ta kinh ngạc: Băng nhóm cướp biển hung hãn này, đứng đầu là Trịnh Thất, vốn từ quân đội chính quy của An Nam (tức Việt Nam).

Thế kỷ 18, Việt Nam khi đó là triều Lê. Nhưng năm 1771, quyền lực nhà Lê đã sa sút, Việt Nam rơi vào tình thế Nam Bắc phân tranh, miền Nam họ Nguyễn, miền Bắc họ Trịnh nắm quyền. Lúc này, vùng Tây Sơn miền Trung Việt Nam có một nhóm người do 3 anh em họ Nguyễn - Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, lãnh đạo phát động khởi nghĩa vũ trang, giành được thành công, lịch sử gọi là Khởi nghĩa Tây Sơn, quân khởi nghĩa gọi là quân Tây Sơn.

Thế nhưng họ Nguyễn ở miền Nam và họ Trịnh ở miền Bắc vẫn kiểm soát đại bộ phận Việt Nam. Muốn tiêu diệt họ, thì quân Tây Sơn cần phải có hải quân. Ba anh em họ Nguyễn sau khi xây dựng triều Tây Sơn liền bắt đầu xây dựng hải quân, họ chiêu mộ các nhóm cướp biển hoạt động ở vùng duyên hải Quảng Đông - cũng gọi là cướp biển Hoa Nam.

Sau khi 3 anh em họ Nguyễn chiêu mộ nguồn chi viện từ nước ngoài, họ đã phong quan tước cho những cướp biển Hoa Nam như các tước Thượng tướng quân, Nguyên soái…

Ba anh em họ Nguyễn nắm rõ tâm lý người Hoa, cho tiền chưa chắc họ đã quy thuận, nhưng phong chức quan phong tước hiệu thì họ sẽ tranh nhau tìm đến. Hơn nữa 3 anh em họ Nguyễn còn cho phép các tướng lĩnh các nhóm cướp biển Hoa Nam này phong quan tước cho thuộc hạ của họ. Thế là những nhóm cướp biển nhỏ, xưa đánh nhỏ ăn nhỏ này, lắc người biến thành đội quân đánh thuê của triều đình Tây Sơn, đồng thời còn tiến hành chính quy hóa hải quân theo yêu cầu của triều đình, có chức, được hưởng quân lương và bổng lộc quốc gia, tính kỷ luật và sức chiến đấu đều lập tức tăng nhanh.

Sau đó, trong thời gian 20 năm, đội quân xuất thân cướp biển này không ngừng đọ sức với chính quyền miền Nam và miền Bắc Việt Nam, đã tích lũy được kinh nghiệm hải chiến phong phú, đồng thời hạm đội cũng không ngừng được nâng cấp, trở thành đội quân dám đương đầu trực diện với hải quân của bất kỳ quốc gia nào.

Đội quân này xuất thân từ cướp biển, do đó thỉnh thoảng lại thừa cơ khi chính quyền Nam - Bắc Việt Nam giao tranh, họ lẻn đến hải vực Trung Quốc cướp bóc các thương thuyền. Thủy quân Đại Thanh hoàn toàn không phải là đối thủ của họ.

Hoàng đế Trung Hoa lúc bấy giờ là Gia Khánh. Gia Khánh đế nghe báo cáo về nhóm cướp biển này thì không chỉ đau đầu mà còn cả đau tim: “Nếu cứ kéo dài như thế này, thương thuyền sẽ tìm đến những vùng đất khác, thương mại trên biển sẽ suy thoái, đó đều là những chuyện nhỏ, mà những chuyện lớn khác cũng sẽ xảy ra”.

Các hoàng đế triều Thanh vốn cũng không coi trọng thương mại với phương Tây, nhưng nếu những nhóm cướp biển này xúi giục và liên kết những ngư dân, du dân và những người vô lại (khi đó gọi người thất nghiệp là vô lại) ở miền duyên hải Trung Quốc lại với nhau, chiêu nạp họ vào tổ chức cướp biển, như thế sẽ uy hiếp đến sự ổn định của triều đình Đại Thanh.

Thấy Hoàng thượng lo lắng như thế, các đại thần vội vàng an ủi rằng: “Xin Hoàng thượng chớ lo lắng, vẫn còn một tin tốt, đó là họ Nguyễn ở miền Nam Việt Nam có khả năng sẽ thống nhất Việt Nam. Khi đó, những ngày tốt đẹp của cướp biển Hoa Nam sẽ kết thúc”.

Quả nhiên năm 1802, họ Nguyễn ở miền Nam Việt Nam đã tiêu diệt họ Nguyễn của triều Tây Sơn, và kiến lập nên triều Nguyễn. Triều Nguyễn để bày tỏ thành ý với triều Đại Thanh, đã lập tức bắt tay xử lý tập đoàn cướp biển Hoa Nam, thủ lĩnh Trịnh Thất bị bắt và bị trảm đầu.

Tin tức này truyền đến Tử Cấm Thành, Hoàng đế Gia Khánh vui mừng sung sướng, cho rằng nỗi lo lắng về cướp biển từ đây sẽ chấm dứt. Nhưng rất nhanh chóng, sự thực minh chứng rằng ông đã vui mừng quá sớm.

Năm 1802, chính quyền Tây Sơn sụp đổ, cướp biển Hoa Nam từ hải vực Việt Nam trở về hoạt động ở hải vực phụ cận Lưỡng Quảng. Lúc này, cướp biển Hoa Nam đã không còn sự trợ giúp của chính quyền Tây Sơn nữa, chia năm xẻ bảy, thành các băng nhóm khác nhau.

Lúc này có một người đứng lên, đó là Trịnh Nhất, ông là em họ của Trịnh Thất - thủ lĩnh đã bị trảm đầu. Khi phục vụ triều đình Tây Sơn, Trịnh Nhất đã học được phương thức quản lý của quân đội chính quy. Ông ta đã tập hợp các bang phái cướp biển Hoa Nam lại, thành lập liên minh cướp biển, và đặt ra quy định nghiêm minh, quân lệnh nghiêm khắc, tổ chức nghiêm mật, phân công hợp tác chặt chẽ. Cộng thêm chế độ phân phối thu nhập công bằng, nên lập tức khiến cho cướp biển Hoa Nam lại lần nữa khôi phục được sức mạnh chiến đấu như thời cực thịnh trước đó. Mỗi lần ra tay đều thắng lợi thu hoạch đầy thuyền trở về.

Quan binh triều Thanh hoàn toàn không phải là đối thủ của họ. Họ cũng đã liên tiếp đánh bại thủy quân triều Thanh. Tất cả cướp biển đều tâm phục khẩu phục đối với đại ca Trịnh Nhất.

Đúng lúc Trịnh Nhất đang mở rộng biên chế cướp biển thì trong một trận chiến cướp bóc, Trịnh Nhất bất ngờ tử trận. Thế là liên minh cướp biển như quần long vô thủ. Trong liên minh cướp biển cũng có không ít thủ lĩnh có thực lực, muốn tranh ngôi vị minh chủ này. Kết quả đã lựa chọn được người nào?

Vị minh chủ mới của liên minh cướp biển

Điều khiến mọi người kinh ngạc là, Long Tẩu - một quả phụ của Trịnh Nhất đã lên ngôi minh chủ.

Long Tẩu (còn gọi là Trịnh Nhất Tẩu) xuất thân kỹ nữ, nhan sắc xuất chúng, được Trịnh Nhất cướp về làm vợ. Tuy nhiên, không phải vì sắc đẹp mà cô được chọn làm minh chủ cướp biển, mà bản thân Long Tẩu có tố chất hơn người, cô có năng lực quản lý rất mạnh, lão luyện, gặp chuyện thì rất bình tĩnh xử lý. Tuy nói là bị cướp về làm Áp trại phu nhân, nhưng ai dám nói, vợ cướp về không có tình yêu?

Sự thực minh chứng, hai vợ chồng Trịnh Nhất rất tâm đầu ý hợp, Long Tẩu dần dần yêu say đắm vị hảo hán sát phạt quả đoán, có khí khái trượng phu này, và cô cũng lập tức giành được sự tín nhiệm hoàn toàn của Trịnh Nhất, trở thành nội tướng hiền thục của Trịnh Nhất, và trở thành đệ nhất cố vấn của ông. Khi xử lý sự vụ của liên minh, cô hành sự công chính, rành mạch quy củ, được tất cả cướp biển tôn kính. Do đó, hễ cô đưa ra mệnh lệnh, thuộc hạ đều làm theo.

Tuy nhiên, khi lên ngôi minh chủ, Long Tẩu biết rằng, liên minh vẫn cần một một trợ thủ nam có thực lực mạnh mẽ để trông coi đội quân cướp biển mà chồng cô để lại. Khi đó liên minh cướp biển Hoa Nam đã có trên 300 thuyền buồm và 3 vạn chiến sĩ, có thể nói là không thua kém bất kỳ hải quân chính quy của nước nào vào thời điểm đó.

Long Tẩu - một vị quả phụ của Trịnh Nhất đã lên ngôi minh chủ. (Tranh qua Aboluowang)

Long Tẩu cần một người trợ thủ tuyệt đối trung thành với mình, lại có năng lực siêu quần, lại có uy chiết phục mọi người. Lúc này hai người con trai của cô với Trịnh Nhất còn nhỏ tuổi, không thích hợp với vai trò này. Trong những nhân đinh gia tộc họ Trịnh còn lại, cũng không có ai phù hợp với vai trò này.

Thế là Long Tẩu đưa mắt nhìn về một người đàn ông - Trương Bảo - người ít tuổi hơn cô 11 tuổi. Trương Bảo là con nuôi của Trịnh Nhất. Khi đó chàng trai này mới 21 tuổi nhưng đã trải qua trăm trận chiến rồi, được triều đình Tây Sơn phong làm Đại nguyên soái. Trương Bảo dũng mãnh thiện chiến. Tuy nói cũng là cướp biển hung hãn, nhưng anh ta không lạm sát.

Một lần, một tài chủ họ Lưu bị một nhóm cướp biển khác bắt cóc đòi tiền chuộc, nhưng ông lão Lưu có bệnh tim, chưa chờ đến lúc Tiểu Lưu - con trai lão Lưu, giao tiền chuộc thì ông lão Lưu đã bị sợ hãi quá và qua đời. Tiểu Lưu cho rằng đây là do Trương Bảo làm nên quyết tâm phục thù. Anh ta mua một con dao găm, hàng ngày ngâm vào dung dịch độc vào lưỡi dao. Đến khi anh ta thấy cũng đã đủ rồi, anh ta cầm dao găm đến nơi tuyển mộ cướp biển để xin gia nhập, hơn nữa còn yêu cầu gia nhập bang hội của Trương Bảo.

Sau khi gia nhập bang hội, Tiểu Lưu cũng làm việc cần cù chăm chỉ, mọi người đều cho rằng, chàng trai trẻ này có triển vọng. Đợi chờ ngày đêm, cuối cùng cơ hội cũng đã đến.

Một ngày nọ, Trương Bảo đến kiểm tra công việc, đi đến gần Tiểu Lưu. Tiểu Lưu thấy kẻ thù đến gần, đúng là cơ hội ra tay đến rồi, nên có chút không nén nổi xúc động. Kết quả bị Trương Bảo - người rất sắc sảo, phát hiện ra: “Tiểu tử này có chút khả nghi”. Trương Bảo ra tay, liền bắt được Tiểu Lưu, sau đó lục soát được con dao găm.

Tiểu Lưu thấy cũng không thể che giấu được nữa, liền chửi rủa. Trương Bảo nghe, hiểu rõ đầu đuôi sự tình thì buông Tiểu Lưu ra, khen ngợi anh ta hiếu dũng song toàn. Sau đó Trương Bảo nhẹ nhàng giải thích việc bắt cóc tống tiền lão Lưu không phải là mình làm, sau đó còn cho Tiểu Lưu 4 nén bạc và đưa anh ta về nhà.

Sau khi nghe chuyện này, Long Tẩu lập tức xác nhận Trương Bảo là nhân tài. Long Tẩu lập tức tấn công chàng trai trẻ đẹp trai hàng cháu con này. Tục ngữ nói, nữ ba mươi như vàng mười. Long Tẩu như khối vàng mười, hơn nữa lại khéo ra tay. Lúc đó Long Tẩu cũng chỉ 32 tuổi, vẫn còn tràn đầy phong vận, là mỹ nhân nổi tiếng trong giới cướp biển.

Thế là Trương Bảo không nói năng gì, tiếp nhận quả tú cầu mà Long Tẩu ném qua, cưới người phụ nữ hơn mình 11 tuổi. Trương Bảo muốn cùng người vợ lớn tuổi này làm cho liên minh cướp biển lớn mạnh hơn nữa. Có mục tiêu chung, hai người dốc sức thực hiện.

Sau khi cưới, Long Tẩu tăng cường kỷ luật liên minh cướp biển, mức độ nghiêm khắc tương đương với quân đội Mông Cổ thời Thành Cát Tư Hãn, ví dụ như: hễ giấu riêng chiến lợi phẩm đều bị trừng phạt, nhẹ thì bị đánh roi, nặng thì xử tử; hiếp dâm nữ con tin thì bị xử tử; nam nữ (cướp biển) tư thông thì nam bị trảm đầu, nữ bị đeo đá dìm xuống biển; vắng mặt không lý do thì bị cắt tai…

Liên minh cướp biển đương nhiên là có lợi ích thì mới duy trì được đoàn kết. Long Tẩu quy định phương thức phân chia chiến lợi phẩm như sau: 80% tài sản cướp được sẽ là tài sản của liên minh, 20% chiến lợi phẩm là quy về cá nhân hoặc quy về nhóm hành động.

Có tổ chức kỷ luật, lại có huấn luyện chiến đấu chuyên nghiệp, hiệu suất phát triển của liên minh cướp biển khiến người ta kinh ngạc.

Năm 1809, liên minh cướp biển Hoa Nam đạt đến đỉnh cao, chiến sĩ có 7 vạn người, quá nửa trong số đó đều là tự nguyện gia nhập, chỉ có phần nhỏ bị ép gia nhập. Liên minh có hơn 2000 thuyền buồm, trong đó 200 chiếc thuyền buồm cỡ lớn có thể vượt các đại dương. Mỗi chiếc thuyền buồm này có thể chở 300-400 người và có lắp 20-40 khẩu hỏa pháo.

Dựa theo kích thước thuyền và hỏa lực, thì sức mạnh liên minh cướp biển này tương đương với chiến hạm cấp 4-6 của Hải Hoàng gia quân Anh quốc đương thời. Quy mô của liên minh cướp biển Hoa Nam thì tất cả các tổ chức cướp biển trong lịch sử thế giới đều không thể nào sánh nổi.

Thế kỷ 18, Cướp biển Râu đen - băng nhóm cướp biển nổi tiếng châu Âu, khiến những người đi biển ở Đại Tây Dương nghe tiếng đều khiếp đảm, thực tế tên của tướng cướp biển là Edward Teach, vì có bộ râu đen nên hắn được đặt biệt hiệu này. Thời kỳ cực thịnh của Cướp biển Râu đen cũng chỉ có 4 chiến hạm, so với liên minh cướp biển Hoa Nam thì kém xa hàng chục cấp.

undefined
Tranh miêu tả trận đánh của Cướp biển Râu đen. (Miền công cộng)

Đầu thế kỷ 19, thực lực của liên minh cướp biển của Long Tẩu và Trương Bảo đã đủ phong tỏa toàn bộ đồng bằng châu thổ Châu Giang. Họ tuy là cướp biển, nhưng đạo cũng có đạo. Chiểu theo quy định của liên minh cướp biển, tất cả thuyền bè chỉ cần giao nộp phí bảo hộ là có thể ra biển, do đó chủ thuyền chỉ cần đưa ra chứng nhận giao đủ phí là đảm bảo an toàn. Nếu băng nhóm cướp biển nào vi phạm quy định cướp thuyền thì minh chủ sẽ đứng ra yêu cầu cướp biển trả lại tài sản đã cướp, còn phải thêm tiền bồi thường cho chủ thuyền. Hệ thống chấp hành này rất nghiêm khắc, họ từ cướp biển đã bắt đầu chuyển sang hình thức nghề đảm bảo an toàn trên biển.

Liên minh cướp biển còn đặt ra cục thuế duyên hải ở Quảng Đông, và tổng bộ tài chính đặt ở Macao. Người đại diện liên minh cướp biển cũng ở Macao, họ còn mở ngành nghề bảo hiểm trên biển.

Cướp biển đã có nguồn thu nhập riêng, tài chính được đảm bảo, cuộc sống trở nên giàu có, thế nên công việc dùng đến đao kiếm đổ máu đã rất ít rồi. Họ không chỉ hoạt động trên biển, mà còn mở rộng nghiệp vụ khắp nơi trên đất liền, bất kể là mua thực phẩm, nước ngọt, hay mua vũ khí đạn dược, hay sửa chữa tàu thuyền, hay tiêu thụ chiến lợi phẩm, họ đều có người đại diện chuyên môn đứng ra xử lý, trở thành một chuỗi ngành nghề to lớn, làm ăn phát đạt như diều gặp gió. Thực tế khi đó, liên minh cướp biển đã có xu thế chuyển hóa từ ‘đi cướp’ sang ‘ngồi cướp’ rồi, có nhiều ngành trưởng thành trở thành doanh nghiệp.

Liên minh cướp biển tuy coi trọng chữ tín và nghĩa khí, nhưng việc tống tiền, sát nhân thì cũng không mềm tay, rốt cuộc vẫn là đạo tặc, do đó rất nhiều bách tính ở nhiều địa phương vẫn hận họ đến xương tủy. Hoàng đế Gia Khánh lo lắng nhất là cướp biển trưởng thành về chính trị, trở thành mối hiểm họa lớn trong tương lai. Thế là Hoàng đế lệnh cho Tổng đốc Lưỡng Quảng và Đề đốc thủy quân Quảng Đông nhất định phải tiêu diệt tập đoàn cướp biển này.

Sau đó, trong thời gian 2 năm, Lưỡng Quảng đã 3 lần thay Tổng đốc, và có 2 tướng lĩnh cấp Tổng binh tử trận, nhưng thành tích chiến đấu với liên minh cướp biển vẫn là con số 0. Do đó mới có cảnh như ở đầu bài viết, Đề đốc Quảng Đông Tôn Toàn Mưu nghĩ ra kế lạ, bao vây hạm đội cướp biển, xem ra sắp thành công đến nơi rồi, khiến cho Tổng đốc Lưỡng Quảng Bách Linh vui mừng khôn xiết, chảy cả nước mắt nước mũi. Ông ta lập tức dẫn theo thị vệ xông ra chiến trường để quan sát trận đánh, và cỗ vũ sĩ khí của tướng sĩ, nhất định phải hăng hái dốc toàn bộ sức lực giành toàn thắng.

Kế sách của Tôn Toàn Mưu là vây chặt thuyền địch, sau đó dùng hỏa công. Trên thuyền, ông đã cho bố trí các vật liệu cháy, đã tưới dầu, chỉ chờ hướng gió. Chỉ cần hướng gió thay đổi là châm lửa, thả những thuyền lửa xông vào đội hình chiến thuyền cướp biển đang dàn trận hình chữ nhất.

Ông Trời có mắt, Bách Linh đến chiến trường một lát thì hướng gió chuyển hướng có lợi cho thủy quân triều Thanh. Tôn Toàn Mưu hạ lệnh, những thuyền lửa cháy rừng rực lập tức xông về phía đội hình thuyền địch.

Nhìn thấy những chiếc thuyền lửa lao đến, phía bên này, đội quân cướp biển không hề hoảng sợ chút nào. Đầu tiên, họ dùng công cụ móc chặt thuyền lửa, không để chúng lại gần, sau đó sai người nhảy lên thuyền lửa và dễ dàng dập tắt lửa, thậm chí còn vận chuyển vật liệu cháy về thuyền của họ, và lớn giọng hô lớn: “Đa tạ Tổng đốc tặng vật liệu cháy”.

Điều này khiến Bách Linh và Tôn Toàn Mưu tức giận ngây người, mãi vẫn không nói nên lời. Lúc này hai người định thần nhìn lại, những chiếc thuyền lửa bỗng quay lại xông về phía đội hình chiến thuyền triều đình. Thì ra hướng gió lại thay đổi. Hai chiếc thuyền lửa xông về đội hình thuyền cướp biển lúc này quay đầu xông vào đội thuyền quân Thanh, khiến một chiếc thuyền buồm bị bốc cháy. Quan quân thủy binh lúc này vội vàng dập lửa, không còn nghĩ đến tấn công quân địch nữa.

Trong khi quân Thanh đang hỗn loạn, hạm đội cướp biển vượt qua vòng vây chạy thoát. Trận đánh này mất mặt quá, cả Bách Linh và Tôn Toàn Mưu không ai dám căn cứ thực tế dâng tấu bẩm báo, đành bịa ra một bản báo cáo, nói rằng, quân ta đã đánh một trận đại thắng.

Hoàng đế Gia Khánh nhận được báo cáo thì vui mừng lắm, ngửa mặt cười lớn những mấy phút. Nhưng sau đó khi Hoàng đế tiếp tục xem tấu chương thì thấy có gì không ổn, bởi vì trong báo cáo viết “đại thắng phá hủy 20 thuyền cướp biển, tiêu diệt 1400 tên cướp biển”. Một chút tổn thất này đối với đội quân cướp biển mấy vạn người mà nói thì chẳng là gì cả.

Hoàng đế Gia Khánh nghiến răng viết lời phê rằng: “Khá lắm, hãy làm cho tốt. Trẫm đợi tin tức tốt lành khi các khanh tiêu diệt toàn bộ đội quân cướp biển”.

Cơ hội Trời ban

Nhận được chỉ lệnh của Hoàng đế, Bách Linh quả là khổ mà không thể nói ra, khiến ông ta ăn không ngon ngủ không yên: Trận này đánh thế nào đây? Nhưng ông ta không thể ngờ rằng, cơ hội đến bất ngờ.

Về phía liên minh cướp biển, sau khi đột phá vòng vây, Trương Bảo rất đắc ý, vì ông ta biết quân Thanh là muốn bắt ông ta nhưng chẳng còn bài nào nữa, thế là ông ta có suy nghĩ táo bạo hơn: Nhờ người đem thư cho Tổng đốc Bồ Đào Nha ở Macao, đề nghị 2 bên hợp tác, đợi đến khi ông ta làm Hoàng đế Trung Hoa, sẽ lập tức tặng Tổng đốc Bồ Đào Nha 2 tỉnh.

undefined
Trương Bảo. (Miền công cộng)

Tuy nhiên, điều mà vị đầu lĩnh cướp biển đầy hào khí này không nghĩ đến là, có một đạo lý là “Thịnh cực tất suy”, nhất định không được đắc ý quá mức.

Thấy liên minh ngày càng lớn mạnh, những đầu lĩnh cướp biến ai nấy có tính toán riêng. Trong liên minh có một đầu lĩnh là Lão Quách vẫn luôn không thuận mắt với Trương Bảo. Ban đầu, cấp bậc của Trương Bảo thấp hơn ông ta rất nhiều, nhưng mỹ nhân Long Tẩu cam tâm tình nguyện quan tâm đến Trương Bảo, tại sao không phải là ông ta đáng được công việc tốt đẹp đó? Hơn nữa ông ta cũng đã là tổng chỉ huy quân sự của liên minh.

Kết quả là Lão Quách đã đi một bước, một nước cờ mà không ai ngờ tới: Đầu hàng quân Thanh.

Bách Linh đang lúc vò đầu bứt tai, nghe tin này thì vui mừng nước mắt nước mũi chảy ra.

Đánh không được thì gia nhập. Thường thì ta không đánh nổi ngươi thì ta gia nhập đội quân của ngươi. Nhưng hiện tại thì ngược lại, ta không đánh nổi ngươi, ngươi lại gia nhập đội quân của ta, quả là món hời lớn từ trên trời rơi xuống, Bách Linh có thể không vui mừng sao?

Bách Linh lập tức gióng trống khua chiêng nghênh đón Lão Quách. Kết quả là chỉ 2 tháng sau trận chiến núi Đại Dữ, liên minh cướp biển đã mất đi một viên tướng tài đắc lực.

Trương Bảo nghe tin thì tức giận, phổi như muốn nổ tung lên. Đang lúc ông ta nghĩ nên chỉnh đốn liên minh như thế nào thì liên minh cướp biển nghe được một tin rằng, sau khi đầu hàng quân Thanh, Lão Quách không chỉ được đại xá tất cả tội trạng mà còn được ban chức võ quan chính thất phẩm. Tất cả cướp biển nghe tin nay đều động tâm. Tuy họ đã đưa liên minh cướp biển lên thành tổ chức cướp biển lớn nhất thế giới, nhưng rốt cuộc vẫn là làm ăn kiểu hắc đạo, không dám đường hoàng ra ánh sáng, làm những việc cướp của giết người. Nếu được sống cuộc sống bình thường yên bình, thì có ai mà không mong muốn?

Được chiêu an, sau đó làm quan, đây là giấc mộng ngàn đời của các anh hùng hảo hán lục lâm. Thế là vào những đêm đen trời không trăng sao, từng loạt tiếp nối từng loạt cướp biển trốn về đầu hàng, ngay cả thuộc hạ họ hàng gần với Trương Bảo cũng có những người trốn về đầu hàng triều đình.

Lúc này, Trương Bảo và Long Tẩu biết rằng thế lớn đã qua, lòng người đã mất, thì không thể nào dẫn dắt đội ngũ được nữa. Tuy nhiên Long Tẩu tinh khôn vẫn muốn đi nước cờ cuối cùng.

Hôm đó, trước phủ Tổng đốc Bách Linh, có một nhóm phụ nữ phong tư trác việt tìm đến, dẫn đầu là Long Tẩu, vợ của đầu lĩnh cướp biển, cô dẫn đầu một nhóm vợ của những đầu lĩnh cướp biển, tìm đến Bách Linh đàm phán điều kiện đầu hàng. Chi tiết đàm phái thì không ai được biết.

Kết quả là trừ một số ít kẻ thập ác bất xá, còn lại tất cả các đầu lĩnh cướp biển đều được đại xá, có người còn được ban chức quan. Trương Bảo cũng được đại xá và được ban chức võ quan chính thất phẩm.

Trong 10 năm sau đó, Trương Bảo với chiến công trác việt, từ chức võ quan chính thất phẩm dần thăng lên chức Phó tướng Lục doanh tòng nhị phẩm, trấn thủ thị trấn trọng yếu Bành Hồ.

Đang lúc Hoàng đế xem xét có thăng cho Trương Bảo lên chức chính nhị phẩm hay không thì đại thần Lâm Tắc Từ báo cáo gấp rằng: “Hoàng thượng, không thể thăng cấp tiếp nữa. Trương Bảo rốt cuộc là xuất thân hải tặc”.

Nhưng Hoàng đế Đại Thanh vẫn phân vân, tuy nhiên cũng rất nhanh kết thúc. Bởi vì sau đó không lâu, Trương Bảo bệnh chết khi mới 36 tuổi vào năm 1822.

Sau khi Trương Bảo qua đời, Long Tẩu dẫn con trai về Quảng Châu mở sòng bạc, và qua đời năm 69 tuổi. Trong nhà bà luôn treo bức tranh chân dung Tổng đốc Lưỡng Quảng Bách Linh.

Về vấn đề hải tặc, triều đình nhà Thanh về cơ bản đã thực hiện đúng cam kết nên đã chiêu an thành công tuyệt đại đa số cướp biển. Những cướp biển được chiêu an cũng không phản lại triều đình.

Nhưng quân thanh - đội quân liên tiếp thất bại trong các cuộc hải chiến, vẫn không kịp thời tiếp thu bài học để nhanh chóng phải triển hải quân, cũng không tận dụng kinh nghiệm và sức chiến đấu của đội quân cướp biển biến thành tài sản của quân đội triều Thanh. Do đó, chỉ hơn 30 năm sau, trong cuộc chiến Nha phiến lần thứ nhất, quân đội Đại Thanh lại thất bại hoàn toàn. Đối diện với đội quân từ nền văn minh công nghiệp phương Tây, triều Thanh dù chiêu an hay dốc sức sử dụng vũ lực, hay bất kể chiêu gì cũng không có tác dụng.

Theo Wenzhao
Trung Hòa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Liên minh cướp biển mạnh nhất thế giới, sánh với Hải quân Hoàng gia Anh