Loạn thần chuyển sinh thành trung thần

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thời triều Thanh, vị trưởng bối Đồng Thành dạy con cháu và học trò rằng: “Đọc sách cầu học, đặc biệt nên tích đức. Xem những danh sĩ ở Đồng Thành của chúng ta, đều là tổ tiên tích đức càng dày, thì con cháu đời sau phát triển càng hưng thịnh”.

Trong những danh nhân ở Đồng Thành, nổi tiếng nhất là gia tộc hàn lâm Văn Thụy Công Trương Anh. Nhà họ Trương 6 đời làm quan trong hàn lâm viện, môn phong trong sạch vinh hoa, là chưa từng có thời nhà Thanh. Từ đời ông đến đời thứ 6 sau này, “12 người làm thị tòng, hiển quý tột bậc, các đời liên tiếp có người ở Hàn lâm viện, gia phong trong sạch vinh hoa, quả là chưa từng có”.

Hứa Thừa Ân, người Đồng Thành thời nhà Thanh đã trước tác sách “Lý thừa”, trong đó có ghi chép một câu chuyện về nhà họ Trương, bắt đầu từ chuyện Vương Đôn đầu thai thành Trương Anh - con trai nhà họ Trương.

Nhìn thấy phúc đức nhà họ Trương, Vương Đôn đến chuyển sinh đầu thai

Trương Anh - Đại học sĩ kiêm Lễ bộ Thượng thư triều Thanh (1637-1708), thụy hiệu Văn Thụy, hiệu Lạc Phố, Phố Ông, là người Đồng Thành, An Huy. Tên chữ của ông là Đôn Phục, Mộng Đôn. Tên chữ này thực tế đã ghi lại kiếp trước của ông: 2 lần duyên phận Vương Đôn đầu thai vào nhà họ Trương.

Phụ thân của Trương Anh là Trương Bỉnh Di, là tú tài thời Minh Mạt. Trước khi con trai chào đời, ông mộng thấy một vị Thần đem một vị quý nhân áo mũ đàng hoàng đến, nói đó là Vương Xử Trọng triều Tấn.

Vương Xử Trọng là nhân sĩ phương nào? Ông là đại quyền thần của triều Tấn, chính là Vương Đôn, anh họ của Vương Đạo. Hai anh em cùng nhau trợ giúp Tư Mã Duệ kiến lập chính quyền Đông Tấn. Vương Đôn xuất thân từ dòng họ Vương ở Lang Da.

Lịch sử ghi chép rằng, Vương Đôn mắt sáng, tính tình phóng khoáng, không chịu sự gò bó, có khả năng phân biệt người tài và đánh giá sự việc tốt xấu, đồng thời tinh thông “Xuân Thu Tả thị truyện”. Vương Đôn làm quan Phò mã Đô úy, vợ ông là Công chúa Tương Thành - con gái của Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm.

Vương Đôn luôn có tâm đoạt quyền, sau khi đắc chí, càng tàn bạo và ngạo mạn hơn, sau đó phát động chính biến, lịch sử gọi là “Loạn Vương Đôn”. Cuối cùng, việc đoạt quyền không thành, ông bị chết trong thời kỳ phản loạn, hưởng thọ 59 tuổi.

Tấn Thư có nói rằng, Vương Đôn có công lớn đối với việc kiến lập nhà Tấn, nhưng ông vọng tưởng bất chính, cậy thế lực của mình mà kiêu ngạo phóng túng, càng ngày càng vượt quá bổn phận, xâm phạm và ức hiếp hoàng thất. Ông mưu đồ cướp ngôi, sát hại trung lương, do đó đã bước vào tuyệt lộ.

Đúng vào đêm mà Trương ông mộng thấy Vương Đôn thì quả nhiên trong nhà ông có một bé trai chào đời. Trương ông rất vui mừng. Bé trai này dần dần lớn lên, khí vũ hiên ngang, lại thông minh lanh lợi. Tuy nhiên, đến năm 10 tuổi thì bé trai đột nhiên qua đời, khiến Trương ông đau buồn khôn xiết.

Mấy năm sau, Trương ông lại mộng thấy vị quý nhân áo mũ đường đường đó đến, và nói với ông rằng: “Tôi đã xem khắp thiên hạ, tìm không ra nhà nào có phúc đức như nhà ông. Lần này tôi lại đến nhà ông, không rời đi nữa”.

Không lâu sau, Trương Anh chào đời, dung mạo cử chỉ, lời nói quả nhiên giống hệt như bé trai trước đây. Thế là Trương ông đặt tên chữ cho cậu là Đôn Phục, cũng gọi là Mộng Đông, và đặt tên là Anh.

Trương Bỉnh Di sau khi có Trương Anh, lại sinh thêm một con trai nữa. Ông dạy 2 con trai đọc sách, và bồi dưỡng phẩm hạnh tốt cho chúng.

Trương ông tạo phúc cho nhân gian, phúc ấm con cháu đời sau

Trương ông đến già vẫn chưa thể thi đỗ để có công danh, cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn. Một ngày nọ, khi ông đang cuốc đất trồng rau, đột nhiên phát hiện ra một cái hang, bên trong chứa đầy vàng bạc, không dưới 100 vạn lượng. Ông tự hỏi: “Mình là một học trò, phúc khí mỏng thế này, đột nhiên có được khoản tiền khổng lồ như thế này, thì phúc khí của mình sao có thể chịu nổi?”

Thế là ông quyết định để nguyên xi như thế và lấp đất lại, và trồng rau bên trên, để lại đó để sau này dùng vào việc hành thiện trợ giúp người.

Mãi cho đến khi ông tuổi cao bệnh nặng, ông mới nói chuyện này cho 2 con trai biết, đồng thời căn dặn các con rằng: “Nhất định phải đợi đến năm mất mùa, thì mới được đào lên cứu tế người dân đói khổ. Các con phải cố gắng hoàn thành tốt di nguyện của cha, nếu vi phạm lời dạy của cha, khởi lòng tham không nên có, thì con cháu đời sau sẽ không thể nào hưng thịnh được”.

Hai người con trai nước mắt giàn giụa, hứa giữ vững lời di huấn của cha.

Mấy năm sau khi Trương ông qua đời, ở địa phương gặp nạn đói nghiêm trọng. Trương Anh và em trai tuân theo di chúc của cha, ra vườn rau đào hang đất lên, quả nhiên thấy số vàng bạc mà phụ thân đã nói.

Thế là hai anh em đi bái kiến quan Ấp lệnh địa phương, cung kính kể lại di nguyện của phụ thân, nguyện ý đem số vàng bạc trong hang đất đó ra để cứu tế người dân.

Viên quan Ấp lệnh vốn là người hiền minh có đức, đang khổ não vì không có cách gì cứu giúp người dân trong nạn đói, nghe được những lời này của hai anh em họ Trường thì vui mừng khôn xiết, đích thân đến giám sát đôn đốc việc lấy vàng bạc ở vườn rau nhà họ Trương. Lượng vàng bạc lấy được quả nhiên là trăm vạn lượng. Ấp lệnh bèn dùng tất cả số vàng bạc này để cứu tế người dân bị đói khổ, đã cứu sống được vô số người.

Sau khi kết thúc công việc, Ấp lệnh muốn xin triều đình khen thưởng cho hai anh em, nhưng cả hai anh em nhà họ Trương đều kiên quyết từ chối.

Một ngày nọ, vào lúc sáng sớm, anh Giáp người địa phương trông thấy có người gánh 2 cái sọt, bên trong là báu vật như san hô, pha lê, mỗi cái to bằng quả hạnh (quả mơ), trông như là được xuyên chuỗi rồi chất đống, nhưng anh vẫn không biết đó là thứ gì. Anh Giáp bèn hỏi người gánh sọt: “Anh gánh cái này đi đâu đấy?”

Người đó trả lời rằng: “Đem đến nhà họ Trương”.

Trương Anh cung kính cẩn thận, có phong thái của bậc đại thần cổ đại

Không lâu sau, vào năm Khang Hy thứ 6 (năm 1667), Trương Anh có tên trên bảng vàng đỗ tiến sĩ, được chọn làm Thứ cát sĩ, được trao chức quan Biên tu. Sau này ông làm quan đến chức Văn hóa điện Đại học sĩ, kiêm Lễ bộ Thượng thư. Sau này, con trai của ông cũng lần lượt làm đại học sĩ. Trong một thời gian, anh em, cha con, chú cháu đều thi đỗ khoa cử, đứng vào hàng ngũ hiển quý, nhiều không thể đếm bằng ngón tay được.

Thì ra báu vật như san hô mà người ta trông thấy có người gánh trên đường đó, chính là vật trang sức trên các mũ quan cao cấp. Những đồ trang sức mũ quan nhiều như thế này được đưa đến nhà họ Trương, đã dự báo trước là phúc ấm nhà họ Trương do phúc đức đem lại là vô cùng lớn, có thể kéo dài phúc ấm đến con cháu nhiều đời.

Từ Trương Anh đến đời chít - lai tôn (con trai của chút - huyền tôn) của ông, tổng cộng 6 đời có 13 tiến sĩ, trong đó có 12 người vào Hàn lâm viện. Năm Khang Hy thứ 16, Trương Anh vào Trực nam Thư phòng làm Thị giảng cho Hoàng đế Khang Hy. Khang Hy vô cùng tán thưởng Trương Anh, mỗi lần ngự lãm Nam Uyển, hay du hành tứ phương, Hoàng đế đều muốn Trương Anh tùy tòng.

Trong một thời gian, các chiếu mệnh của Hoàng đế Khang Hy đa phần đều từ tay Trương Anh. Trên Giảng kinh đường của triều đình, đối với những việc lợi điều hại của người dân, và tình hình hạn hán lũ lụt các nơi, không điều gì mà Trương Anh không nói. Thanh Thánh Tổ khen ngợi rằng: “Trương Anh luôn cung kính cẩn thận, có phong thái bậc đại thần cổ đại”.

Trương Anh đối với bản thân như thế nào? Trong thư phòng của ông có cặp câu đối do ông tự viết rằng:

Độc bất tận giá thượng cổ thư, khước yếu thời thời nỗ lực

Tố bất tận thế gian hảo sự, tất tu khắc khắc tồn tâm

Tạm dịch:

Đọc không hết sách cổ trên giá, thì phải thời thời nỗ lực

Làm không hết việc tốt thế gian, ắt phải khắc khắc ghi tâm

Sau khi Trương Anh cáo lão về quê, ông vẫn thời thời khắc khắc ghi nhớ phải làm việc có ích cho người khác. Ông đem sinh hoạt phí được triều đình cấp trong 1 năm chia làm 12 phần, mỗi tháng dùng 1 phần, và gắng hết sức tiết kiệm, rồi đem số tiền thừa tích cóp lại. Hễ nghe thấy nhà ai khó khăn, hoặc có người có nạn cần dùng tiền gấp, ông liền lấy ra tiếp tế người ta.

Khi đi tản bộ trên con đường nhỏ trong rừng, gặp bất kỳ ai, dù là tiều phu gánh củi, ông cũng khiêm tốn nhường đường, đứng nép sang bên đường, để người ta đi trước.

Mỹ đức, lễ nghĩa, khiêm nhường, tiếng thơm lưu chốn nhân gian

Huyện Đồng Thành có một di tích cổ là “Ngõ 6 thước”, dài hơn trăm mét, rộng 2 mét. Hai bên đầu ngõ đều có tấm biển cao lớn, một tấm biển viết chữ “Mỹ đức danh thơm”, một tấm biển bên kia là chữ “Lễ nghĩa khiêm nhường”. Theo “Đồng Thành huyện chí lược”, con ngõ này chính là có nguồn gốc từ Trương Văn Thụy Công.

Bên cạnh nhà Trương Anh có một mảnh đất trống, sau này, mảnh đất trống bị người hàng xóm họ Ngô xây tường chiếm dụng. Vì thế người nhà 2 bên tranh chấp mãi không giải quyết được. Người nhà của Trương Anh bèn viết thư lên kinh thành để ‘tố cáo’ với Trương Anh. Nhận được thư nhà, Trương Anh phê bằng một bài thơ và gửi lại người nhà rằng:

Một bức thư tới chỉ vì tường
Nhường họ 3 thước chẳng tổn thương
Trường Thành vạn dặm nay còn đó
Thủy Hoàng năm xưa còn vấn vương?

Người nhà Trương Anh nhận được thư thì lùi ranh giới lại, nhường ra 3 thước. Nhà họ Ngô cảm động, cũng nhường ra 3 thước. Thế là giữa 2 nhà hình thành “Ngõ 6 thước”. Văn Thụy Công Trương Anh đã khiến cho mỹ đức, lễ nghĩa và khiêm nhường của ông để lại tiếng thơm chốn nhân gian.

Hoài Nhẫn Nhẫn - Epoch Times
Trung Hòa biên dịch

Nguồn:

Lý Thừa
Thanh Sử Cảo - Trương Anh liệt truyện
Đồng Thành huyện chí lược
Tấn Thư - Liệt truyện



BÀI CHỌN LỌC

Loạn thần chuyển sinh thành trung thần