Mạn đàm về sự tinh thâm của thư pháp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giá trị của thư pháp dựa vào nhân phẩm, muốn học viết chữ trước tiên phải học cách làm người, tâm chính thì nét bút mới chính.

Thư pháp chữ Hán luôn chú trọng đến khí chất và thần vận của chữ, bởi chữ không chỉ liên quan đến văn hóa dân tộc, mà còn phản ánh tính cách, chí hướng và cảnh giới tư tưởng của người viết. Người xưa nói: “Chữ sao người vậy, người sao chữ vậy, văn sao người vậy, văn là để truyền tải Đạo”. Đề xướng rằng trước khi học viết chữ phải học cách làm người, tâm ngay chính thì nét bút cũng ngay chính.

Dương Hùng thời Tây Hán nói: “Thư, tâm hoạ dã”, tức là: Viết chữ cũng chính là vẽ ra tâm của mình. Lưu Hy Tái đời nhà Thanh cũng đã tổng kết đặc điểm thư pháp của những người có thân phận khác nhau như sau: “Chữ của bậc hiền triết mềm mại, chất phác; chữ của bậc anh hùng hào kiệt thì khoẻ khoắn cứng cỏi; chữ của người ẩn dật thì rành mạch phóng khoáng; chữ của tài tử thì thanh nhã đẹp đẽ”.

Sự thực quả là như vậy, các nhà thư pháp được lưu truyền thiên cổ trong lịch sử hầu hết đều là những người trung chính liêm khiết, phẩm chất cao thượng; đạo đức, nhân cách, khí tiết và các tác phẩm thư pháp của họ được lưu truyền thiên cổ, khiến cho hậu thế không hết lời ca tụng.

Ví như Vương Hi Chi, người có phẩm đức thanh tịnh thuần chính, chữ của ông thanh tú cao siêu, cử chỉ an hoà; Ngu Thế Nam, Liễu Công Quyền, văn chương diệu cổ kim, trung nghĩa xuyên thấu vầng nhật nguyệt, thư pháp chất phác tràn đầy chính khí; Tô Đông Pha, thư pháp khoáng đạt hào phóng; Nhan Chân Khanh cương trực không a dua nịnh hót, chữ viết khoẻ khoắn hùng dũng, khiến người ta cảm nhận được chính khí hào hùng trong đó. Chữ sao người vậy, nên có thể từ trong các tác phẩm thư pháp của họ mà thể hội được phẩm đức cao thượng của họ.

Nếu người viết thư pháp phẩm hạnh cao thượng, thì tác phẩm của ông cũng được thế nhân trân quý. Như các danh tướng yêu nước Nhạc Phi, Văn Thiên Tường, Lâm Tắc Từ; trung nghĩa chính trực, kiên tín khí tiết, thì chữ viết của họ cũng đặc biệt được bảo hộ và yêu mến.

Nếu người viết thư pháp phẩm hạnh cao thượng, thì tác phẩm của ông cũng được thế nhân trân quý. (Hình: thư pháp của Lưu Tích Đông - Epochtimes)

Nếu người biết thư pháp đạo đức bại hoại, thì tác phẩm của người đó cũng không được người đời xem trọng. Muốn dùng thành tựu thư pháp để che đậy hay bù đắp những khiếm khuyết trong nhân phẩm là điều không thể được. Ví như Tần Cối thời nhà Tống cũng nghiên cứu học viết thư pháp, nhưng hắn ta bán nước cầu vinh, hãm hại trung thần, nên chữ của hắn cũng bị bài xích. Những kẻ thất tiết, dù có tài viết chữ, cũng sẽ chịu ảnh hưởng nhân phẩm của họ, thư pháp của họ cũng sẽ mai một theo sự ra đi của họ, không được lưu truyền.

Trong văn hóa truyền thống, vẻ đẹp của sự vật được đo lường bằng các chuẩn mực đạo đức. Cho dù đó là thơ ca, văn chương, viết chữ hay hội họa, đều sẽ biểu hiện thái độ của họ đối với các nguyên tắc "thiện" và "ác", "chính" và "tà", Người ta khi xem một tác phẩm đẹp đẽ chân chính sẽ có cảm thụ mỹ hảo, cũng sẽ cảm nhận được nội dung của tác phẩm và phẩm đức của tác giả.

"Tự cổ giá trị của chữ viết phụ thuộc vào phẩm hạnh của người viết chữ. Cho nên không có học thì không thể nói về thư pháp, không có phẩm hạnh lại càng không thể bàn về thư pháp. Thư pháp là có đạo ở trong đó.”

Cho nên học viết chữ trước tiên phải học làm người, đặt việc tu dưỡng phẩm hạnh lên trước. Lục Du từng nói: “Ngươi muốn học làm thơ, công phu ở ngoài thơ”, cũng chính là nói đạo lý này, tất phải tu dưỡng nhân phẩm.

Bình phẩm về nghệ thuật thư pháp, không dựa vào sự tinh xảo của nét vẽ bố cục, mà dựa vào cái tâm, khí chất và sự tu dưỡng đạo đức của tác giả. Các loại nghệ thuật và kỹ năng, đều là để khiến con người sử dụng một cách chân chính, con người chỉ có tu tâm trọng đức, không ngừng tịnh hoá tâm linh của bản thân, không ngừng thăng hoa cảnh giới tư tưởng, mới có thể triển hiện thần thái và thần vận dưới nét bút, mới có thể càng giúp ích được cho con người.

Lam Sơn
Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Mạn đàm về sự tinh thâm của thư pháp