Nạn đói đang giết chết nhiều người Triều Tiên, nhưng giới tinh hoa Bình Nhưỡng lại không biết gì

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người dân Triều Tiên đang phải đối mặt với một đợt khủng hoảng lương thực mới, dù việc thiếu lương thực đã luôn là ‘bệnh kinh niên’ tại quốc gia này. Tuy vậy, những người đang sống cuộc sống đặc quyền ở thủ đô Bình Nhưỡng lại không biết gì về tình hình ở phần còn lại của đất nước.

Nhà nước độc tài toàn trị Triều Tiên đang trải qua một đợt đói thậm chí còn nghiêm trọng hơn nạn đói vào những năm 1990. Đợt khủng hoảng lương thực mới nhất này được cho là đã giết chết khoảng 1 triệu người, tương đương 5% dân số trước nạn đói, theo bài tin gần đây của BBC - được viết dựa trên chứng ngôn của 3 cư dân Bắc Triều Tiên.

Đợt đói mới này diễn ra sau đại dịch COVID-19. Năm 2020, Bình Nhưỡng đã phong tỏa biên giới phía bắc với Trung Quốc và Nga, chặn đứng dòng hàng hóa thiết yếu nuôi sống 26 triệu công dân của đất nước - bao gồm ngũ cốc, phân bón và máy móc nông nghiệp - chủ yếu từ Trung Quốc.

Ông Hyun-Seung Lee (Arthur Lee) - người đào thoát khỏi Triều Tiêu - nói trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “American Thought Leaders” (Những nhà lãnh đạo tư tưởng Mỹ) của EpochTV rằng: “Tôi nghĩ bài viết của BBC sử dụng những nguồn tin rất đáng tin cậy. Hầu hết người ở Bình Nhưỡng không biết những gì đã xảy ra ở các vùng nông thôn. Nhưng nhìn chung, người dân phổ thông đang phải chịu đựng cái đói mỗi ngày”.

“Nhiều người, đặc biệt là những người đứng đầu ở Bình Nhưỡng, không biết chuyện gì đang xảy ra bên ngoài thành phố, vì thông tin bị phong tỏa. Chế độ kiểm soát chặt chẽ việc phát tán thông tin, thậm chí từ người này sang người khác, đặc biệt khi thông tin đó nói xấu xã hội. Nếu chế độ nghĩ rằng nó [thông tin] nên biến mất, thì những ai muốn chia sẻ hoặc phát tán nó sẽ bị trừng phạt rất nghiêm khắc".

Lớn lên trong một gia đình thượng lưu ở Bình Nhưỡng và học tập ở Trung Quốc, ông Lee đã trốn khỏi Triều Tiên cùng gia đình vào năm 2014, một năm sau sự sụp đổ của Jang Song-Thaek (người đàn ông quyền lực thứ hai ở nước này).

Ông Jang, chú (chồng của người cô) của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, được cho là nhân vật lãnh đạo duy nhất ủng hộ cải cách kinh tế mà đích cuối cùng sẽ là mở cửa Triều Tiên với thế giới.

Ông Lee nói: “Việc hành quyết ông ấy [ông Jang] đã xóa bỏ mọi thứ mà tầng lớp ưu tú của Triều Tiên khi đó đang hình dung cho xã hội”.

Sau khi ông Jang bị xử tử, các cộng sự và phụ tá của ông đã bị giết và bị bỏ tù hàng loạt. Ông Lee và chị gái của ông là Seohyun, cả hai đều đang theo học một trường đại học ở Trung Quốc vào thời điểm đó, đã kinh hoàng khi chứng kiến cuộc thanh trừng tàn bạo diễn ra.

“Người bạn thân của tôi tại trường đại học Trung Quốc và toàn bộ gia đình anh ấy đã bị đưa đến trại tù nhân chính trị. Bạn cùng phòng [của chị gái tôi] đã bị bắt trước mặt chị ấy và bị đưa đến trại tù chính trị từ Trung Quốc đến Triều Tiên", ông Lee nói.

“Vụ việc đã để lại cho chúng tôi ấn tượng khó tin về chế độ. Trước đó, chúng tôi từng nghĩ rằng chúng tôi vẫn có thể thay đổi xã hội, rằng chúng tôi có thể làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Nhưng toàn bộ niềm tin đó đã sụp đổ. Sau đó, gia đình tôi quyết định đào tẩu".

Một thập kỷ sau cuộc thanh trừng phe ủng hộ cải cách, Triều Tiên đang bị cô lập hơn bao giờ hết. Viện dẫn đại dịch COVID-19, chế độ thậm chí còn từ chối cho phép người Triều Tiên đang làm việc tại Trung Quốc được trở về nhà.

Vào tháng 12/2019, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết yêu cầu công nhân Triều Tiên ở nước ngoài phải về nước, trong đó bao gồm các biện pháp trừng phạt kinh tế. Điều này nhằm cắt đứt nguồn tiền mà Triều Tiên sử dụng để phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Tuy vậy, việc Bình Nhưỡng quyết định đóng cửa biên giới với Trung Quốc đã khiến những công nhân đó mắc kẹt ở Trung Quốc.

Ông Lee nói: “Tất cả các công nhân đều được chế độ Bắc Triều Tiên chính thức phái đi. Kim Jong Un chỉ lo về việc nhận kiều hối từ những người mà chúng tôi gọi là lao động nô lệ. Vì thị thực hết hạn, tất cả họ đều đang làm việc bất hợp pháp tại Trung Quốc".

Các công nhân đã được hứa rằng họ sẽ nhận được tất cả số tiền kiếm được ở Trung Quốc khi trở về Triều Tiên, nhưng cuối cùng, họ chỉ có thể giữ lại một phần rất nhỏ trong số đó. Họ bị mắc kẹt ở Trung Quốc trong 3 năm qua; trong thời gian đó, họ không có lựa chọn nào khác ngoài làm việc, thường là trong điều kiện kinh khủng, để đảm bảo có được một dòng ngoại tệ chảy về chế độ Bắc Triều Tiên.

Ông Lee nói với người dẫn chương trình Jan Jekielek của “American Thought Leaders” rằng: “Nhiều công nhân [Triều Tiên] bên trong Trung Quốc hiện rất thất vọng và họ muốn đào tẩu”.

Nhưng cái giá của việc đào tẩu là rất cao, ngay cả đối với các quan chức cấp cao.

“Hệ thống khét tiếng nhất ở Bắc Triều Tiên là hệ thống kết tội do có quan hệ, có nghĩa là 3 thế hệ trong gia đình sẽ bị trừng phạt; nếu người ông bị coi là kẻ phản bội tổ quốc, thì con trai và cháu trai của người đó sẽ phải sống trong trại tù nhân chính trị", ông Lee nói. “Ngay cả những đứa trẻ sinh ra trong trại tù chính trị cũng phải sống cả đời ở đó".

Ông Lee kể rằng, gia đình của người hàng xóm của ông, một nhà ngoại giao Triều Tiên ở Bắc Kinh, đã bị đưa đến trại tù chính trị vào năm 2010, vì nhà ngoại giao đó đã gặp ông Kim Jong Nam - anh trai cùng cha khác mẹ của ông Kim Jong Un, người sau này đã bị ám sát.

“Sau đó, chúng tôi phát hiện ra rằng cả gia đình [nhà ngoại giao] đã biến mất, kể cả đứa con trai thứ ba của họ, một đứa trẻ 3 tuổi", ông Lee nói.

Khi được hỏi về tình trạng chung của nền kinh tế Triều Tiên, ông Lee nói rằng khó có thể tiếp tục gọi nó là một nền kinh tế.

“Nền kinh tế Triều Tiên đã bị phá vỡ", ông Lee nói. “Người dân kiếm sống bằng các hoạt động [bất hợp pháp] tại chợ ở cấp địa phương. Nhưng khi lên cấp cao nhất, chế độ giữ tất cả tiền kiếm được từ các nguồn như công nhân lao động, công nhân Công nghệ Thông tin và ngày nay là buôn lậu vàng”.

“Vì vậy, chúng tôi thậm chí không thể gọi nó là một nền kinh tế. Nó giống như một thủ lĩnh băng đảng kiếm tiền và chia sẻ một phần tiền với bang hội của mình".

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nạn đói đang giết chết nhiều người Triều Tiên, nhưng giới tinh hoa Bình Nhưỡng lại không biết gì