Nghèo khó có bán được không? Đệ tử 'Nghị luận đệ nhất' của Đức Phật giảng giải

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Có người muốn tự tử vì nghèo khó, có người suy sụp vì cái chết của vợ, có người tìm đến tận nơi muốn gây gổ, nhưng chỉ cần Tôn giả Ca Chiên Diên nói vài ba câu, người muốn tự sát liền từ bỏ ý định, người đau buồn vì mất vợ lấy lại tinh thần, kẻ muốn nhạo báng ông lại tâm phục khẩu phục.

Nghe thêm: Radio Văn Hóa

Vào thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, không ai là không biết về Tôn giả Ca Chiên Diên. Trong thập đại đệ tử của Đức Phật, ông đặc biệt giỏi lý luận nên được gọi là “Nghị luận Đệ nhất”. Vậy ông đã nói gì với những người kia mà họ lại có thể hồi tâm chuyển ý như vậy?

Nghèo khó có bán được không?

Theo ghi chép trong cuốn “Kinh Hiền Ngu” của Phật giáo, khi đang đi trên đường, Tôn giả Ca Chiên Diên nhìn thấy một người phụ nữ lớn tuổi đang khóc lớn bên dòng sông, trên tay bà cầm một bình nước. Tôn giả sợ bà có chuyện nghĩ không thông muốn nhảy sông tự vẫn, liền bước tới hỏi: "Này bà, điều gì khiến bà buồn như vậy? Tôi là đệ tử của Đức Phật, có thể giúp bà".

Người phụ nữ đáp: "Ngài không thể giúp tôi đâu. Ngài xem thế gian này thật bất công, giàu nghèo chênh lệch đến vậy. Tôi là một người nghèo, cả đời chịu khổ, bị đày đọa tới mức thực không muốn sống nữa!".

Vừa dứt lời người phụ nữ liền muốn nhảy xuống sông, nhưng Tôn giả Ca Chiên Diên đã kéo bà lại rồi từ bi khuyên giải:

"Chớ đau buồn, người nghèo chưa chắc đã bất hạnh, người giàu chưa chắc đã hạnh phúc. Làm người chỉ cần sống không thẹn với lòng, tâm hồn thanh thản, đó là một loại niềm vui và tốt đẹp, bần cùng có gì phải buồn chứ?".

Người phụ nữ và bình nước. (Ảnh minh họa: ASIF HASSAN/AFP via Getty Images)

Người phụ nữ vùng vẫy và nói:

"Ngài là người xuất gia, có thể nhìn thấu thế thái nhân tình, nhưng tôi thì không thể. Ngài phải biết rằng tôi là một nô lệ, làm quần quật quanh năm suốt tháng nhưng không đủ ăn đủ mặc, không có tự do. Vả lại chủ nhân của tôi là người vừa keo kiệt vừa tàn bạo. Nếu làm việc có chút sai sót, ông ta không đánh thì cũng mắng nhiếc tôi. Nghĩ tới những thống khổ này đều là do nghèo túng mà ra, làm sao không buồn phiền cho được?".

"Nếu bà thấy thống khổ vì nghèo đói, sao bà không bán cái nghèo của mình cho người khác đi!" - Tôn giả trả lời.

"Cái gì?" - người phụ nữ kinh ngạc kêu lên - “Nếu nghèo đói có thể bán cho người khác, vậy thì thế gian này không còn người nghèo nữa rồi. Có ai chịu mua nghèo khó chứ?”.

“Bán cho tôi, tôi sẵn lòng mua!” - ngài Ca Chiên Diên đáp.

Bà hỏi lại với vẻ nửa tin nửa ngờ: "Hả! Thật sao! Vậy bán thế nào?”.

Tôn giả Ca Chiên Diên giải thích: “Phải bố thí. Bà phải biết rằng, giàu nghèo của đời người đều có nguyên nhân. Tại sao người nghèo lại nghèo? Bởi vì đời trước họ không bố thí và tu phúc. Thế người phú quý tại sao lại giàu có? Là bởi đời trước họ sẵn lòng bố thí và tu phúc. Cho nên, bố thí và tu phúc là cách tốt nhất để bán nghèo mua giàu”.

Người phụ nữ khổ sở nói: “Ngài nói không sai, nhưng tôi nghèo tới mức chẳng có gì hết thì bố thí thế nào?”.

“Bố thí không nhất định phải dùng tiền” - Tôn giả đáp - “bà đựng đầy nước vào chiếc bình đó rồi mang tới cúng dường tôi là được”.

“Nhưng cái bình này không phải của tôi, nó thuộc về chủ nhân của tôi”.

“Cái bình là của chủ nhân, nhưng nước trong đó là do bà mang tới mà”.

Người phụ nữ vui mừng quá đỗi. Bà đâu phải không có gì, bà chỉ không có tiền mà thôi. Nhưng bà vẫn còn có sức lực, có sức khỏe, có thiện ý, thậm chí lúc nào cũng có cơ hội để cải biến vận mệnh. Những thứ này đều không ít hơn người khác.

Người phụ nữ đi đến bên dòng sông rửa sạch bình nước, đổ đầy nước tinh khiết vào rồi cung kính dâng tặng Tôn giả Ca Chiên Diên.

Về sau, bà làm theo những điều Tôn giả chỉ dạy, tích công đức bằng cách cúng dường nước, sau này được lên Thiên giới hưởng phúc.

Mất đi người yêu thương

Có một lần, Tôn giả Ca Chiên Diên đi hồng dương Phật Pháp ở một quốc gia khác, Quốc Vương nước này là Văn Đồ Vương vừa mất đi vương phi, người mà ông yêu thương nhất. Nhà vua đau đớn không thiết sống, không ăn không uống, bỏ bê triều chính, mỗi ngày đều nước mắt giàn giụa.

Nhà vua ra lệnh ngâm thi thể của vương phi vào dầu vừng để tránh bị phân hủy. Sau đó mỗi ngày đều túc trực bên cạnh tử thi mà lẩm nhẩm một mình: “Vương phi à, cái miệng này của nàng sao không nói chuyện với ta? Đôi tay này sao không ôm lấy ta? Sao nàng không nhìn ta lấy một cái?”.

Các đại thần đều bó tay không thể khuyên giải, liền đề nghị nhà vua tới gặp Tôn giả Ca Chiên Diên, không chừng sẽ có cách giải quyết.

Văn Đồ Vương mang theo những lễ vật long trọng, ngồi xe tới tìm Tôn giả Ca Chiên Diên. Vừa gặp mặt, nhà vua liền yêu cầu ngài làm cho ái phi sống lại. Tôn giả bẻ một nhành cây bên cạnh rồi nói với đức vua: “Đại Vương, hãy mang nhành cây này về đặt trong cung điện, phải giữ cho nó xanh tươi vĩnh cửu, không để khô héo, có được không?”.

Văn Đồ Vương trả lời: “Điều này không thể được, nó đã rời gốc rồi, không thể sống lại nữa”.

Tôn giả lại hỏi: “Vậy vương phi nghiệp báo đã tận, thọ mệnh đã hết, làm sao có thể khiến bà ấy sống lại đây?”.

Văn Đồ Vương đột nhiên giác ngộ đạo lý vô thường “chết rồi không thể sống lại”.

Thọ mệnh đã hết, như cành lìa cây, không thể sống lại. (Ảnh minh họa từ Pixabay)

Tôn giả Ca Chiên Diên lại nói: “Đại Vương, ngài là Quốc Vương của nhân dân toàn quốc, không phải của một mình vương phi. Ngài nên mở rộng tấm lòng yêu thương vương phi thành yêu thương dân chúng của mình, đặt lòng từ bi lên trên tình yêu cá nhân, đất nước của ngài mới có thể hưng thịnh, dân chúng mới có thể yêu mến và ủng hộ ngài làm vua”.

Sau khi nghe xong, Văn Đồ Vương như được khai mở, không còn đau thương, hồi cung an táng vương phi, khôi phục triều chính, yêu dân như yêu vợ. Nhân dân cả nước đều vô cùng cảm kích Tôn giả Ca Chiên Diên.

Đạo lý vô thường

Tôn giả Ca Chiên Diên tư duy mẫn tiệp, nói lý thấu triệt, tận tâm tận lực truyền bá và hồng dương Pháp lý của Phật Đà. Đức Phật mắt thấy, tai nghe những gì Tôn giả làm thì vô cùng vui mừng.

Có một lần, Phật Đà cho phép Ca Chiên Diên thay Ngài thuyết giảng về đạo lý vô thường cho chúng tăng và các cư sĩ. Ca Chiên Diên đảnh lễ với Đức Phật rồi bắt đầu thuyết giảng:

“Thưa các vị trí thức đại thiện, hết thảy đều có hợp có tan, có sinh có tử, có thành có hoại. Chư Pháp hữu vi trên đời, sơn hà đại địa, bao la vạn tượng, hết thảy đều không thoát khỏi quy luật vô thường”.

“Trông thấy trăm hoa khai nở mùa xuân, nhưng hễ thu tới thì lá vàng rợp đất. Vốn là hồng nhan ở độ thanh xuân tươi đẹp, nhưng trải qua bao độ đông qua hạ tới, cũng đến ngày da nhăn tóc bạc, mắt mờ chân chậm. Làm người, nếu như không giải thoát khỏi vô thường, thì đời người ngắn ngủi, thực sự là cô độc và bi ai”.

“Trông những giọt sương trên cánh hoa, nó chỉ có thể đọng lại tới khi Mặt trời mọc. Còn vầng Thái Dương kia, tuy tỏa ra vô lượng ánh sáng chiếu rọi đất trời, nhưng rồi cũng phải chìm vào màn đêm tăm tối”.

“Phu thê sinh thời ân ái, nhưng khi tuổi già và cái chết đến thì không ai thay thế được. Con cháu tuy có hiếu thuận, nhưng khi chư vị nhắm mắt xuôi tay trở về với cát bụi, họ vây quanh thi thể các vị khóc lóc, những tiếng bi thương đó cũng chẳng thể dọa dẫm cái vô thường kia để các vị có thể sống lại”.

Vạn vật trên đời, hết thảy đều không thoát khỏi quy luật vô thường. (Shutterstock)

“Vàng bạc châu báu cũng không thể dựa dẫm, thiên tai nhân họa có thể quét sạch chúng đi. Địa vị quyền thế cũng là thứ không thật, thế gian này từng có biết bao hoàng gia vương thất vật lộn vì địa vị, không minh bạch đạo lý vô thường sẽ bị thế gian rực rỡ sắc màu lừa dối”.

“Tự nhiên kia, non xanh nước biếc. Nhân sinh kia, kiện khang cường tráng. Xã hội kia, tiệc rượu phòng hoa. Hết thảy những điều này, trông như có sức hấp dẫn vô hạn, nhưng kỳ thực là cạm bẫy hại người. Bởi vì trong đó tiềm ẩn biết bao nỗi lo vô thường”.

“Ngẫm nghĩ kĩ, thế gian vì phá hoại lý vô thường mà nơi nào cũng chứa đầy những thứ hư giả, lừa dối. Thứ không hư giả, không lừa dối thì chỉ có chân lý nhân-quả với nghiệp lực do con người tạo ra, như hình với bóng. Vô luận là sống hay chết, chúng đều theo sát chúng ta không rời”.

“Vậy nên, các vị trí thức đại thiện, người tu đạo chúng ta phải có tinh thần thách thức với con ma vô thường. Dưới sự chỉ dẫn từ bi của Phật Đà, chúng ta phải gấp rút tu đạo, nhận thức bản thân, thoát khỏi thế gian vô thường, chứng đắc sinh mệnh vĩnh hằng. Chúng ta không màng sống, cũng chẳng màng chết”.

Những lời giáo huấn thống thiết của Tôn giả Ca Chiên Diên, nội dung và đạo lý rõ ràng, đã làm cảm động tất cả chúng sinh ngồi nghe giảng.

Có thể thấy Tôn giả Ca Chiên Diên là một đệ tử minh triệt Pháp lý của Đức Phật, nhưng trước đó ông từng là một tín đồ Bà La Môn giáo. Vậy tại sao ông lại chọn từ bỏ tôn giáo cũ và quy y Phật Đà?

Lời chỉ dạy của Tiên nhân

Tôn giả Ca Chiên Diên sinh ra trong một gia đình Bà La Môn giàu có ở Ấn Độ. Cha ông là quốc sư của vua nước A Bàn Đề (Avanti) thuộc miền nam Ấn Độ, mẹ ông là em gái của Tiên nhân A Tư Đà (Asita).

A Tư Đà chính là người được Tịnh Phạn Vương mời đến hoàng cung để đoán số mệnh cho Thái tử Tất-đạt-đa (sau này là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni) khi Ngài ra đời. Ông là nhà thông thái nổi tiếng, là Tiên nhân có thần thông của Ấn Độ thời đó. Khi ấy, Tiên nhân nói với Tịnh Phạn Vương: “Vị Thái tử này tương lai nhất định sẽ xuất gia học đạo. Đáng tiếc là ta không có phúc phận đó”.

Buddha cropped - JPG.jpg
Bức tranh tường tại một tu viện ở Penang, Malaysia, vẽ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đạt giác ngộ dưới cội bồ đề. (Hintha/Wikimedia Commons/CC BY-SA 3.0)

Từ thời niên thiếu, cậu bé Ca Chiên Diên đã được phụ thân gửi tới chỗ của Tiên nhân A Tư Đà để học tập. Trước khi A Tư Đà lâm chung, ông dặn đi dặn lại Ca Chiên Diên rằng: “Không lâu nữa Phật Đà sẽ thành đạo. Lúc đó con phải nhanh chóng đi tìm Phật Đà cầu Pháp và tu hành. Tương lai nhất định có thể trở thành nhân vật vĩ đại”.

Thế nhưng, sau khi A Tư Đà qua đời, do là đệ tử của Tiên nhân, là con trai của quốc sư, lại là một người có học vấn và tài năng xuất chúng, Ca Chiên Diên nhận được rất nhiều lời tán dương trong xã hội, và trở thành người vô cùng có địa vị cũng như uy danh trong Bà La Môn giáo. Dần dần, ông quên mất những lời dặn dò của Tiên nhân A Tư Đà.

Tấm bia đá

Vài năm sau, trên một vùng đất bỏ hoàng ở gần thành Ba La Nại (Vāraṇasi), người ta đào được một tấm bia đá. Không ai đọc được văn tự trên đó. Quốc Vương liền treo thưởng chiêu hiền.

Ca Chiên Diên từng theo học Tiên nhân A Tư Đà nên biết được các loại văn tự Ấn Độ cổ, văn tự trên Trời ông cũng biết được không ít. Thế là Ca Chiên Diên tới báo danh, ông nhận ra đây là chữ Phạn ở trên Trời và dịch được rất dễ dàng:

Vương của muôn Vương là ai?
Thánh của muôn Thánh là ai?
Thế nào là kẻ ngu?
Thế nào là người trí?
Làm sao để rời nơi dơ bẩn?
Làm sao để chứng được niết bàn?
Ai đắm chìm trong biển sinh tử?
Ai tiêu diêu ở cõi giải thoát?

Mặc dù đã hiểu được văn tự trên tấm bia, nhưng rốt cuộc đáp án của những câu hỏi trên là gì? Ca Chiên Diên cũng không trả lời được.

Quốc Vương lại treo thưởng lớn để tìm người có thể giải đáp. Ca Chiên Diên không chịu thua, liền hứa với Quốc Vương sẽ tìm được câu trả lời trong vòng 7 ngày.

Thỉnh giáo Phật Đà

Sau khi thỉnh giáo khắp nơi mà không có kết quả, Ca Chiên Diên liền nhớ ra lời dặn dò trước kia của Tiên nhân. Thế là, ông liền đi tìm Phật Đà. Khi thấy Đức Phật, Ca Chiên Diên mới nhận ra những lời Tiên nhân nói quả không phải là điều hư không. Chỉ riêng tướng mạo của Phật Đà đã trang nghiêm dị thường, khiến Ca Chiên Diên sinh tâm cung kính vô hạn. Ca Chiên Diên song thủ hợp thập, đọc lại câu hỏi trên tấm bia đá cho Đức Phật nghe một lượt, hy vọng Ngài sẽ giải đáp cho ông.

Thỉnh giáo Đức Phật. (Ảnh minh họa: Hintha/Wikimedia Commons/CC BY-SA 3.0)

Phật Đà không cần suy nghĩ, ngay lập tức trả lời:

Vương của muôn Vương là Đệ lục Thiên Vương
Thánh của muôn Thánh là Đại Giác Phật Đà
Bị nhuốm trong vô minh là kẻ ngu
Diệt được mọi phiền não là người trí
Tu đạo trừ bỏ tham - sân - si, là rời nơi dơ bẩn
Có thể hoàn thành Giới - Định - Huệ, là chứng được niết bàn
Người chấp vào Pháp hữu ngã, đắm chìm trong biển sinh tử
Người chứng duyên khởi Pháp tính, tiêu diêu ở cõi giải thoát

Mỗi một câu trả lời của Phật Đà đều giống như cam tuyền rót vào nội tâm của Ca Chiên Diên. Ông ngay lập tức khai ngộ, chứng đắc quả vị La Hán. Từ đó quy y Phật Đà, làm đệ tử của Đức Phật, tu hành tinh tấn, tích cực hồng dương Phật Pháp.

Lời răn dạy

Khi còn ở trong Bà La Môn giáo, Ca Chiên Diên rất có địa vị và uy danh, cho nên khi ông đổi tín ngưỡng sang Phật giáo liền gây chấn động các chức sắc cấp cao trong Bà La Môn giáo. Ông phải chịu rất nhiều lời chỉ trích, thậm chí lũ trẻ cũng bắt nạt ông.

Một hôm, khi Tôn giả Ca Chiên Diên đang đả tọa trong hang động đá ở quê nhà, một nhóm thanh niên Bà La Môn giáo nhìn thấy liền lớn tiếng nói cười chế giễu ngài, còn liên tục ném đá vào trong hang.

Một hôm, khi Tôn giả Ca Chiên Diên đang đả tọa trong hang động đá thì bị một nhóm thanh niên quấy nhiễu. (Ảnh minh họa từ Pixabay)

Tôn giả đành đứng dậy, đi ra ngoài răn dạy họ: “Này các thiếu niên, Bà La Môn của trước kia còn chuyên chú tu hành, cấm chỉ ngũ dục; Bà La Môn của ngày nay lấy vợ đẻ con, không khác gì con người thế tục. Hành vi của các anh thật giống những thiếu niên ngang ngược, vô văn minh. Sư phụ các anh dạy dỗ như vậy sao?”.

Lời nói uy nghiêm của Tôn giả như tiếng sư tử gầm. Các thiếu niên kia không dám phản bác lại, mà chạy về chỗ sư phụ của họ là Lỗ Ê Già để kiện cáo, rằng Ca Chiên Diên đã lớn tiếng mắng nhiếc Bà La Môn bất hảo.

Lỗ Ê Già và Ca Chiên Diên là bạn chơi với nhau từ nhỏ, mối quan hệ rất tốt. Cho dù Ca Chiên Diên đã quy y Phật Đà, chuyển đổi tín ngưỡng, Lỗ Ê Già vẫn giữ thái độ tôn trọng. Ông là một trong số ít những người Bà La Môn còn sáng suốt.

Nhưng khi nghe lời cáo trạng của các đệ tử, Lô Ê Già sát khí đằng đằng chạy tới hang động của Ca Chiên Diên. Ông nghĩ trong lòng: “Ta tôn trọng ông ta như vậy, thế mà ông ta lại mắng chửi chúng ta. Lần này thế nào cũng phải nói cho ra lẽ".

Nhưng sau khi gặp Ca Chiên Diên, Tôn giả đã lặp lại toàn bộ những lời đã nói trước đó. Lỗ Ê Già liền cúi đầu hổ thẹn không nói nên lời. Tôn giả nhân cơ hội thuyết Pháp cho ông:

“Tín ngưỡng và tu hành là vì để giải thoát khỏi sinh tử, có được tự do của sinh mệnh. Ngàn vạn lần đừng đem tín ngưỡng và tu hành biến thành nghề nghiệp. Bà La Môn hiện nay tế tự làm phép cho con người, giống như làm kinh doanh. Có mấy người là thực sự tu hành đây? Rất nhiều đều là vì nổi danh kiếm tiền, nhưng vẫn khoác vẻ thành kính, lấy danh nghĩa tôn giáo mà theo đuổi dục vọng cá nhân. Đây là nỗi bi ai rất lớn”.

Ngài nói tiếp: “Phật Đà là cứu tinh cho những người đang loay hoay trên con đường mê lạc. Ông là bạn tốt của tôi, hy vọng ông xả bỏ vọng tưởng chấp trước, đừng ham mê làm thầy người khác. Hãy dùng tâm thái nhất mực khiêm tốn cùng tôi học tập Phật Đà”.

Thế là, Lỗ Ê Già tâm phục khẩu phục, lòng vui phơi phới, cuối cùng quy y Phật Đà.

Thời gian vụt trôi, bãi bể nương dâu, Phật giáo ngày nay cũng đã bước vào thời kỳ mạt Pháp giống như Bà La Môn giáo của 2.500 năm trước, tràn ngập biết bao loạn tượng. Thế nhưng, văn hóa tu luyện mà Đức Phật và các đệ tử của Ngài lưu lại, cũng như những đạo lý mà các ngài giảng thuyết, vẫn lấp lánh ánh sáng của chân lý.

Nam Phương
Theo Vườn Văn Sử



BÀI CHỌN LỌC

Nghèo khó có bán được không? Đệ tử 'Nghị luận đệ nhất' của Đức Phật giảng giải