Ngô Việt tranh bá (1): Miệng lưỡi tuôn giông tố, nói cười đổi sao trời

Giúp NTDVN sửa lỗi

(Trích thuật) Năm 496 TCN, vua Hạp Lư của nước Ngô đánh Việt bại trận mất mạng. Khi Phù Sai lên ngôi, sau ba năm chuẩn bị, cuối cùng cũng đánh bại được nước Việt, báo thù rửa nhục. Việt vương Câu Tiễn và đại phu Phạm Lãi phải sang Ngô làm nô lệ chăn ngựa ba năm, sau đó được ân xá cho về nước. Câu Tiễn sau đó đã nếm mật nằm gai nuôi mưu đồ, chuẩn bị quân sự để tiêu diệt nước Ngô. Ông hối lộ Tể tướng Bá Dĩ để làm tê liệt sự cảnh giác của vua Ngô, tặng gỗ lớn để xây dựng cung điện cho vua Ngô, tiêu hao của cải của nước Ngô; hiến mỹ nữ Tây Thi nhằm mê hoặc tâm trí vua Ngô, ở trong nước thì tích luỹ tiền tài, huấn luyện quân binh, tuy nhiên, khi Câu Tiễn đang huấn luyện quân đội, cuối cùng đã làm dấy lên sự nghi ngờ của vua Ngô. Ngay khi vua Ngô đang chuẩn bị xuất binh chinh phạt Việt thì phát sinh một sự kiện.

Ở phía bắc nước Ngô là nước Tề, thủ đô ở Lâm Tri, gần thành phố Tri Bác, tỉnh Sơn Đông ngày nay. Phía tây nam của nước Tề là nước Lỗ, thủ đô ở Khúc Phụ, quê hương của Khổng Tử.

Năm 485 TCN, nước Ngô và nước Lỗ hợp lực tấn công Tề, vì vậy vào năm 484 TCN, nước Tề chuẩn bị chinh phục nước Lỗ. Tất nhiên đó chỉ là cái cớ để trả thù liên minh Ngô - Lỗ tấn công Tề năm trước, nguyên nhân quan trọng hơn là có một quan đại phu của Tề tên là Điền Thường, người rất giỏi về trị chính quốc gia. Trong nước còn có một số quan đại thần có thực lực rất lớn, chẳng hạn như nhà họ Cao, họ Quốc, họ Bào, họ Yến, vì vậy Điền Thường muốn tận dụng cơ hội phạt Lỗ để làm suy yếu sức mạnh của các gia tộc nọ.

Đại quân đã xuất phát từ nước Tề, lúc này Khổng Tử vừa chu du các nước về tới nước Lỗ. Ông nghe tin quê nhà sẽ bị tấn công nên nhất định phải cứu, ông hỏi các đệ tử của mình xem ai sẵn sàng đi sứ đến Tề để ngăn chặn cuộc chiến này. Lúc đó Tử Lộ, Tử Chương, Tử Thạch đều đứng dậy xin đi, nhưng Khổng Tử không cho. Lúc này Tử Cống đứng dậy hỏi Khổng Tử: “Thưa thầy, Tứ có thể đi được không?”

Khổng Tử đồng ý.

Tử Cống là một trong bảy mươi hai đệ tử hiền tài của Khổng Tử, việc làm của ông được ghi lại trong "Sử ký - Trọng Ni đệ tử liệt truyện". Trong chương "Sử ký" này, độ dài dành cho Tử Cống là dài nhất. Khổng Tử nhận xét về Tử Cống rằng Tử Cống rất giỏi du thuyết.

Tử Cống có lẽ là thương nhân Nho giáo đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, ông không chỉ là một học giả Nho giáo, mà còn tham gia kinh doanh. Những gì ông làm là trao đổi hàng hoá giao thương, ông nhanh chóng tích lũy được khối tài sản hàng nghìn vàng, trở nên rất giàu có. Vì vậy Tử Cống thường cưỡi xe ngựa sang trọng đi khắp các nước và tiếp xúc với các vị vua. Vua chúa nhiều nước rất kính trọng Tử Cống.

Nếu so sánh Tử Cống với Nhan Hồi, chúng ta sẽ thấy Nhan Hồi và Tử Cống hoàn toàn ngược nhau. Nhan Hồi vốn rất nghèo. Trong "Luận ngữ", Khổng Tử có câu nói rằng "Một giỏ cơm một bầu nước, ở trong ngõ hẻm, người ta ưu sầu không chịu nổi, nhưng Hồi chẳng thay đổi sự an lạc của mình, hiền thay anh Hồi!"

Khổng Tử ý nói là một bát cơm, một bát nước, sống trong khu bần cùng, hầu hết mọi người không thể chịu đựng được những lo lắng như vậy, nhưng Nhan Hồi luôn vui vẻ an lạc. Khổng Tử nói, Nhan Hồi thật sự là người hiền minh, đây được gọi là quân tử ‘an bần lạc đạo’ (vui với Đạo sống trong cảnh thanh bần).

Nhưng Tử Cống thì không như vậy, lời của Khổng Tử được ghi trong ‘Luận ngữ - Tiên tiến’: “Hồi dã kỳ thứ hồ, lũ không. Tứ bất thụ mệnh, nhi hoá thực yên, ức tắc lũ trúng”

Nghĩa là Nhan Hồi là thường dân, thường không có gì để ăn, nhưng đối với Tử Cống, thì không chịu an phận, đi làm ăn buôn bán, suy đoán tình hình thị trường là rất chính xác.

Chúng ta biết rằng muốn dự đoán chính xác xu hướng thị trường, thì một điều kiện tiên quyết là phải hiểu được tâm lý của công chúng, tức là phải có tâm lý học rất tốt. Vì vậy đối với một người hiểu tâm lý con người như vậy, dưới sự dạy dỗ của Khổng Tử, lời nói rất sắc bén thì tất nhiên Tử Cống rất xuất sắc về mặt du thuyết vận động hành lang.

Chân dung Tử Cống. (Phạm vi công cộng)

Thế là Tử Cống từ Lỗ đến Tề theo giao phó của thầy. Khi Điền Thường nghe tin Tử Cống từ Lỗ đến, tỏ ra rất kiêu ngạo và hỏi Tử Cống: "Ông tới để vận động cho Lỗ à?"

Tử Cống nói không, tôi đến đây vì nước Tề chứ không phải vì nước Lỗ. Các ngài muốn tấn công nước Lỗ, nhưng tôi muốn nói rằng nước Lỗ rất khó tấn công. Tại sao? Bởi vì tường thành nước Lỗ vừa thấp vừa mỏng, quan quân yếu đuối, vua bất tài, binh lính không giỏi đánh nhau, vũ khí không tốt, hào nước bảo vệ thành đã nông lại hẹp nên khó tấn công; Tôi đề nghị các ngài nên tấn công nước Ngô, vì tường thành của nước Ngô cao dày, vua giỏi đánh trận, vũ khí sắc bén, binh lính luyện tập chiến đấu, hào rộng và sâu, nên Ngô dễ đánh.

Điền Thường nói, ngươi đang nói nhảm cái gì vậy? Bởi vì những gì Tử Cống nói là khó, thì đối với người thường lại thấy dễ, còn những gì ông ấy nói dễ, thì đối với người thường lại thấy rất khó. Tử Cống dùng phương pháp này lập tức thu hút được sự tò mò của Điền Thường.

Tử Cống nói với Điền Thường: Không có gì khó hiểu, nếu ngài có thể cho người lui ra, tôi sẽ giải thích cặn kẽ.

Điền Thường cũng biết Tử Cống là một trong những đệ tử xuất sắc của Khổng Tử, cho rằng nhất định có điều gì đặc biệt muốn nói, nên bảo người đi ra hết.

Chúng ta biết rằng người xưa quỳ trên chiếu, Trung Quốc thực ra chỉ bắt đầu có bàn ghế từ sau thời nhà Tống, trước đó người ta quỳ trên chiếu. Nói cách khác, Điền Thường di chuyển tấm thảm của mình về phía trước, tiếp cận Tử Cống và yêu cầu Tử Cống giải thích chi tiết.

Tử Cống nói, tôi nghe nói nước có nội loạn thì tìm nước mạnh để đánh, nước có mối lo ngoại xâm thì tìm nước yếu mà hợp sức chống. Bây giờ nước Lỗ rất yếu, nếu cho vài đại thần dẫn quân tấn công nước Lỗ, sẽ đánh thắng ngay, kết quả là những vị này sẽ lập được chiến công. Họ chắc chắn sẽ thắng, danh tiếng của họ sẽ tăng lên, và tôi nghĩ ngài chắc là không muốn điều đó.

Nước Ngô rất hùng mạnh, nếu những quan viên đó tấn công nước Ngô, chắc chắn sẽ không thể đánh bại được, cho dù có thể thắng thì cũng sẽ tổn thất rất nhiều sức mạnh. Bằng cách này, vị thế của ngài ở nước Tề sẽ tiếp tục tăng lên, và các gia tộc khác sẽ bị suy yếu.

Tử Cống vừa nói lời này, Điền Thường lập tức hiểu ra.

Điền Thường hỏi Tử Cống: “Nếu bây giờ tôi muốn tấn công nước Ngô mà không có lý do gì thì sao?”

Tử Cống nói: “Không sao cả, bây giờ xin hãy án binh bất động. Tôi sẽ đi thuyết phục nước Ngô cứu nước Lỗ. Chẳng phải điều này sẽ cho các ngài một cái cớ để tấn công nước Ngô sao?”

Vì vậy Tử Cống rời nước Tề, đi liên tục đêm ngày đến nước Ngô để gặp Phù Sai. Tử Cống lợi dụng mong muốn bá chủ của Phù Sai để thuyết phục Phù Sai rằng, nước Tề hiện đang tấn công nước Lỗ, và sẽ tấn công nước Ngô sau khi đánh bại nước Lỗ. Tại sao không giải cứu nước Lỗ trước khi nước Tề xuất quân? Bằng cách này bệ hạ đã đánh bại nước Tề rộng lớn, chinh phục nước Lỗ nhỏ bé. Đây là một kỳ tích mà ngay cả nước Tấn cũng không thể đạt được, và đại vương có thể xưng bá Trung Nguyên.

Phù Sai nói, ngươi nói có lý, ta vẫn luôn hận Tề, đang muốn tấn công, nhưng ta lại lo lắng, Việt ở sau lưng ta, ta đi cứu Lỗ, Việt sẽ tấn công ta ở phía sau, sẽ rắc rối lớn. Cho nên hiện tại ta muốn trước tiên tiêu diệt Việt trước, sau đó quay lại tấn công Tề.

Tử Cống nói, nếu đại vương lo lắng nước Việt, vấn đề có thể dễ dàng giải quyết, tôi bây giờ sẽ đến nước Việt và yêu cầu vua Câu Tiễn của nước Việt dẫn toàn bộ quân đội của nước họ, bao gồm cả chính vua Câu Tiễn của nước Việt, dẫn ngựa và cầm cung tên làm tiên phong, nên ngài không có gì còn lo lắng phải không? Vua Ngô nói, nếu vua Việt có thể phái quân theo ta đánh Tề thì đương nhiên ta sẽ yên tâm.

Vì thế Tử Cống rời nước Ngô đến nước Việt. Khi nghe tin Tử Cống đến, vua Câu Tiễn nước Việt liền đi đón từ xa. Câu Tiễn hỏi: Tiên sinh lặn lội đường xa tới đây, phải chăng có gì chỉ bảo?

Tử Cống nói: Nếu ngài không có ý định tấn công nước Ngô, nhưng vua nước Ngô lại nghi ngờ , tức là ngài đã quá ngu ngốc. Nếu ngài có ý định tấn công nước Ngô, nhưng nước Ngô biết thì có nghĩa là ngài không cẩn thận. Dù sao đi nữa, điều đó rất nguy hiểm cho Việt. Tôi mới từ nước Ngô đến, vua nước Ngô lúc này đang chuẩn bị tấn công nước Tề, nhưng ông ấy rất lo lắng ngài sẽ tập kích hắn từ phía sau, nên tôi đề nghị với ông ấy rằng, hy vọng nước Việt sẽ đưa quân đi liên minh với ông ấy, vua nước Ngô đã đồng ý.

Sau khi nghe những lời Tử Cống nói, vua Việt cũng lo lắng Phù Sai sẽ tấn công mình, nên đã đồng ý với đề nghị của Tử Cống. Sau khi Tử Cống được sự chấp thuận của Việt Vương, ông về gặp Ngô Phù Sai và nói: Việt Vương đã đồng ý đích thân dẫn quân đi tiên phong cho các ngài.

Phù Sai hỏi: Điều này có phù hợp không?

Tử Cống nói rằng: Sử dụng quân của họ đã là quá lắm rồi, không nên mang cả vua của họ ra trận, hãy đưa quân của họ đến, nhưng Câu Tiễn thì không cần đến.

Phù Sai sau đó làm theo lời khuyên của Tử Cống.

Tử Cống rời Ngô đến Tấn. Ông nói với vua Tấn rằng, Tề sắp gây chiến với Ngô. Một khi nước Ngô đánh bại nước Tề, nhất định sẽ tranh bá với nước Tấn, hy vọng nước Tấn sẽ chuẩn bị sẵn sàng. Sau đó Tử Cống trở về nước Lỗ.

Cuộc vận động hành lang của Tử Cống đã thay đổi vận mệnh của năm quốc gia. Trong "Sử ký: Trọng Ni đệ tử liệt truyện" có viết rằng "Ngay khi Tử Cống xuất hiện, ông đã cứu Lỗ, loạn Tề, phá Ngô, ghìm Tấn, và giúp Việt xưng bá. Tử Cống một lần đi sứ, làm các thế lực giằng co lẫn nhau, trong vòng mười năm, các nước đều có biến động”.

Nói cách khác, sứ mệnh của Tử Cống lần này đã cứu nước Lỗ, phá vỡ nước Tề, tiêu diệt nước Ngô, củng cố nước Tấn, và giúp nước Việt có thể xưng bá. Tử Cống đi sứ lần này đã làm thay đổi tình hình chính trị và sức mạnh quân sự của năm nước trong mười năm. Nếu dùng một câu trong Tam Quốc Diễn Nghĩa để mô tả lần đi sứ và tài vận động hành lang của Tử Cống thì có thể nói rằng ông “Tung hoành thiệt thượng cổ phong lôi, tiếu đàm hung trung hoán tinh đẩu”, nghĩa là: Miệng lưỡi tuôn giông tố, nói cười đổi sao trời.

(Còn tiếp)

Chương Thiên Lượng - NTD
Thái Bình biên dịch từ: Chương trình lịch sử quy mô lớn của Đài truyền hình NTD (Tân Đường Nhân) "Tiếu đàm phong vân" do Giáo sư Chương Thiên Lượng chủ trì: Tập 8 - Ngô Việt tranh bá (1)

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Ngô Việt tranh bá (1): Miệng lưỡi tuôn giông tố, nói cười đổi sao trời