Ngoài ‘Tái ông thất mã’, sách ‘Hoài Nam Tử’ còn gửi gắm những triết lý nhân sinh gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

"Hoài Nam Tử" là một kiệt tác Đạo gia, được viết bởi Hoài Nam Vương Lưu An của hoàng tộc nhà Tây Hán và các môn khách của ông. Trên cơ sở kế thừa tư tưởng Đạo gia thời Tiền Tần, cuốn sách tích hợp các tư tưởng Âm Dương gia, Mặc gia, Pháp gia và một phần tư tưởng của Nho gia, nhưng tôn chỉ chính của nó quy về Đạo gia.

Sau đây là 15 câu nói kinh điển trong "Hoài Nam Tử", câu nào cũng thấu triệt sâu sắc, đi thẳng vào lòng người.

1. Tái ông thất mã, yên tri phi phúc?
(Tái ông mất ngựa, sao biết đó không phải là phúc?)
(Trích "Hoài Nam Tử - Nhân Gian Huấn")

Đại ý: Tái ông tức là chỉ ông già ở vùng biên cương. Sau khi ông này bị mất ngựa, mọi người đều đến an ủi. Ông nói: Làm sao biết được đó không phải là phúc? Sau vài tháng, quả nhiên con ngựa đó đã trở lại, nó còn mang theo một con tuấn mã từ vùng đất người Hồ tới.

Lão Tử nói: "Họa hề, phúc chi sở ỷ; Phúc hề, họa chi sở phục", nghĩa là: Họa là chỗ dựa của phúc, phúc là nơi ẩn náu của họa.

Rất nhiều điều trong cuộc sống vốn dĩ là do duyên số, trong số mệnh đã định. Một sự việc là phúc hay họa, thường không thể dựa vào bề ngoài mà đánh giá.

Việc trong đời thuận theo tự nhiên, gặp được việc vừa lòng thì đừng quá đắc ý, gặp phải việc chán nản hay thất bại cũng đừng quá nản chí ngã lòng. Hãy giữ sự thản nhiên mà đối mặt với những biến đổi thăng trầm trong cuộc sống.

2. Chu phúc nãi kiến thiện du, mã bôn nãi kiến lương ngự.
(Thuyền lật mới biết người bơi lội giỏi, ngựa bất kham mới biết người cưỡi ngựa giỏi)
(Trích "Hoài Nam Tử - Thuyết Lâm Huấn")

Đại ý: Khi thuyền bị lật, mới có thể nhìn ra ai là người thực sự biết bơi lội; khi con ngựa lồng lên, mới có thể nhìn ra ai là người cầm cương giỏi.

Những người thực sự có năng lực, thông thường đều rất khó nhận biết. Nhưng khi có những biến động bất ngờ hay tình huống nguy cấp, họ sẽ thể hiện ra. Điều con người phải làm là tu dưỡng cho tốt và chờ đợi, nếu thực sự có năng lực thì tự khắc có ngày bay vọt trời cao.

3. Mỹ chi sở tại, tuy ô nhục, thế bất năng tiện; ác chi sở tại, tuy cao long, thế bất năng quý.
(Thứ tốt đẹp, dẫu bị bôi nhọ nhục mạ, cũng không khiến nó trở nên thấp kém. Thứ xấu ác, dẫu được nâng cao, ca ngợi, cũng không khiến nó trở nên cao quý)
(Trích "Hoài Nam Tử - Thuyết Sơn Huấn")

Đại ý: Những điều tốt đẹp cho dù có bị bôi nhọ cũng không trở nên thấp kém; những điều xấu xa cho dù có người đánh trống thổi kèn, ca ngợi rùm beng để nâng cao giá trị của chúng, thì cũng không thể trở nên cao quý.

Tốt là tốt, xấu là xấu. Con người thường kiên trì với những gì bản thân cho là đáng để giữ gìn, và làm những gì bản thân cho là đúng. Nhưng con người cũng là đối tượng dễ bị cuốn theo dòng đời nhất, trở nên không biết phân biệt thị phi, đúng sai, thả trôi theo dòng đời.

4. Chính thân trực hành, chúng tà tự tức.
(Thân chính, hành vi chính, mọi thứ tà tự biến mất)
(Trích "Hoài Nam Tử - Mâu Xưng Huấn")

Đại ý: Làm người chính trực, hành động ngay thẳng, thì mọi thứ tà ác sẽ tự động rời xa.

Một người nếu có thể luôn hành động chính trực, điều đó ắt phải đến từ một trái tim ngay thẳng. Một khi cái tâm đã chính thì mọi việc không gì là không chính.

Thân chính, hành vi chính, mọi thứ tà tự biến mất. (Tranh Winnie Wang)

5. Mục vọng thị tắc dâm, nhĩ vọng thính tắc hoặc, khẩu vọng ngôn tắc loạn.
(Trích "Hoài Nam Tử - Chủ Thuật Huấn")

Đại ý: Mắt tùy tiện nhìn loạn sẽ bị làm cho mê muội, tai tùy tiện nghe loạn sẽ bị làm cho mê hoặc, miệng tùy tiện nói linh tinh sẽ mang tới rắc rối.

Cuộc sống trở nên hỗn loạn, tất cả đều vì hai chữ “tùy tiện”, vì vậy phải làm một người không tùy tiện. Đào sâu hơn nữa, điểm gốc rễ là phải giữ một trái tim đơn thuần, trong sạch và trong sáng. Tâm trong sáng thuần khiết, hết thảy đều thuận theo, giống như câu “tâm sinh tướng”.

6. Thiện du giả nịch, thiện kị giả đọa, các dĩ kỳ sở hảo, phản tự vi họa.
(Người giỏi bơi chết đuối, người giỏi cưỡi ngựa ngã ngựa, ai nấy vì sở trường của mình mà tự gây họa)
(Trích "Hoài Nam Tử - Nguyên Đạo Huấn")

Đại ý: Người bơi giỏi dễ bị chết đuối, người giỏi cưỡi ngựa thì dễ bị ngã ngựa, chính vì điểm mạnh của mình mà họ tự chiêu mời họa nạn.

Người càng giỏi, càng có sở trường thì càng dễ kiêu ngạo tự đại và xem thường mọi việc, nên càng dễ ngã dập đầu. Hết thảy đều cẩn trọng thì có thể tránh được hậu họa.

7. Bất tham tối tiên, bất khủng độc hậu.
(Đừng tham trước tiên, chớ sợ sau cùng)
(Trích "Hoài Nam Tử - Thuyên Ngôn Huấn")

Đại ý: Đừng cưỡng cầu luôn ở vị trí thứ nhất, đừng lo lắng nếu có rớt xuống vị trí cuối cùng.

Cố gắng hết sức trong mọi việc, đừng chỉ chăm chăm vào kết quả, ta sẽ thoát khỏi cái khuôn mẫu trần tục ‘muốn thắng sợ thua’. Khi ấy, ta mới có được điều tốt nhất – một tâm hồn thản đãng. Có như vậy, chúng ta mới càng dễ đạt được thành công, bởi vì có thể bình tĩnh, vững vàng tiến về phía trước mà không đi nhầm đường.

8. Duy bất cầu lợi giả vi vô hại, duy vô cầu phúc giả vi vô họa.
(Chỉ người không cầu lợi mới không bị hại, chỉ người không cầu phúc mới không bị họa)
(Trích "Hoài Nam Tử - Thuyên Ngôn Huấn")

Đại ý: Chỉ có người không cầu lợi ích mới có thể không rước tới tai hại, chỉ có người không cầu phúc phần mới có thể tránh được tai họa.

Đằng sau những truy cầu của con người đều là ham muốn và dục vọng cá nhân. Nó sẽ làm mê hoặc lòng người, khiến con người không từ thủ đoạn mà làm hại người khác để kiếm lợi cho mình, cuối cùng lại là tự mình gây họa. Vô dục vô cầu có lẽ là điều xa vời, nhưng ít nhất phải biết tiết chế dục vọng trong một phạm vi hợp lý và chính đáng. Như vậy thì cho dù phúc có cạn, tai họa cũng có thể tránh xa.

9. Thánh nhân bất quý xích chi bích nhi trọng thốn chi âm, thời nan đắc nhi dịch thất dã.
(Thánh nhân không coi trọng ngọc bích lớn mà coi trọng từng chút thời gian, thời gian khó có được lại dễ mất)
(Trích "Hoài Nam Tử - Nguyên Đạo Huấn")

Đại ý: Xưa nay các vị Thánh nhân hiền triết đều không xem trọng ngọc ngà châu báu, dù chúng có lớn cỡ nào, nhưng lại trân quý mỗi một tấc thời gian, bởi vì thời gian là thứ quý hiếm nhất, nhưng cũng là thứ dễ mất nhất.

Đúng vậy, sở dĩ thời gian rất quý giá là bởi vì nó là thứ khó có được nhất nhưng cũng là thứ dễ mất đi nhất. Những người lãng phí thời gian, hoặc vì họ thiển cận nên không có ý thức thực sự về sự ngắn ngủi của cuộc đời, hoặc vì họ không có chí lớn, nhàn rỗi rảnh tay, nên không có loại cảm giác không đủ thời gian mà người làm việc lớn thường có.

thời gian khó có được lại dễ mất. (Tranh Winnie Wang)

10. Phúc do kỷ phát, họa do kỷ sinh
(Phúc do mình tạo ra, họa do mình gây ra)
(Trích "Hoài Nam Tử - Mâu Xưng Huấn")

Đại ý: Phúc và họa đều tự mình mà ra.

Khi con người làm việc thiện, đi trên con đường thiện lành, thì sẽ gặp được người tốt, không bị kẻ ác oán hận, những gì họ tích lũy đều là “nhân” lành, cuối cùng chẳng phải kết được “quả” phúc sao? Còn người làm điều ác, đi trên con đường ác, thì người thiện sẽ tránh xa, kẻ ác sẽ lại gần, nhân tâm bất chính ở cùng một chỗ sẽ làm ra những việc càng xấu xa hơn, cuối cùng há chẳng phải là trái đắng?

11. Ngôn nhi tất hữu tín, kỳ nhi tất đang, thiên hạ chi cao hạnh dã.
(Nói phải giữ chữ tín, giao hẹn thì phải thực hiện, đó là phẩm hạnh cao trong thiên hạ)
(Trích "Hoài Nam Tử - Tị Luận Huấn")

Đại ý: Nói lời phải giữ chữ tín, đã hứa thì nhất định phải làm, đây là hành vi cao thượng trong thiên hạ.

Nói lời phải giữ lời, đã hứa phải làm, đây là điều cơ bản của đạo làm người. Nhưng những lời nói ra có thể làm được lại quá ít, khiến sự tín nhiệm trở thành của hiếm. Vậy nên nói lời giữ lời mới được gọi là hành vi cao thượng.

12. Lan sinh u cốc, bất vị mạc phục nhi bất phương; Chu tại giang hải, bất vị mạc thừa nhi bất phù; quân tử hành nghĩa, bất vị chân tri nhi chỉ thể.
(Trích "Hoài Nam Tử - Thuyết Sơn Huấn")

Đại ý: Hoa lan mọc trong sơn cốc tịch mịch, xa vắng, nhưng không phải vì không có ai ngắt hái mà không tỏa ra hương thơm quyến rũ. Tàu thuyền trên sông rộng biển lớn, không phải vì không có ai đáp thuyền mà nó ngừng trôi nổi. Người quân từ làm việc chính nghĩa, không phải vì không có người biết đến mà dừng tay.

Thiên tính của con người là chân thành, thiện lương, nhẫn nại. Đứng về phía chính nghĩa là việc nên làm, dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào. Cho dù người khác có biết hay không, người khác có nghĩ gì chăng nữa, chỉ cần bản thân cho rằng đó là điều đúng đắn, phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức là được. Nếu không phải vậy, nếu làm việc nghĩa mà có mục đích, có truy cầu, làm để cho người khác xem, thì đó chính là định nghĩa của đạo đức giả.

13. Đa dục khuy nghĩa, đa ưu hại trí, đa cụ hại dũng.
(Ham dục nhiều hại nghĩa, lo nghĩ nhiều hại trí, sợ hãi nhiều hại dũng)
(Trích "Hoài Nam Tử - Mâu Xưng Huấn")

Đại ý: Con người tham dục quá nhiều thì sẽ làm tổn hại đạo đức; âu lo quá nhiều sẽ làm tổn hại trí tuệ; sợ hãi quá nhiều sẽ làm tổn hại dũng khí.

Ngược lại với câu này là: Nghĩa giả vô dục, trí giả bất ưu, dũng giả bất cụ. Tức là người chính nghĩa thì không tham dục, người trí tuệ thì không lo lắng, người dũng cảm thì không sợ hãi. Nếu không làm được như vậy, thì chính là bất nghĩa, bất trí, bất dũng.

14. Phù đại hàn chí, sương tuyết giáng, nhiên hậu tri tùng bách chi mậu dã.
(Đại hàn đến, sương tuyết rơi, thì mới biết tùng bách vẫn tốt tươi)
(Trích "Hoài Nam Tử - Thục Chân Huấn")

Đại ý: Khi tiết khí Đại hàn tới, băng giá và tuyết rơi xuống, khi đó chúng ta mới biết rằng chỉ có cây tùng và cây bách là có thể chịu đựng được khảo nghiệm của cái lạnh khắc nghiệt mà vẫn tươi tốt.

Thời điểm khắc nghiệt và khó khăn nhất mới chính là thời điểm tốt nhất để kiểm tra sự tự tu dưỡng và nhân phẩm của mỗi một cá nhân.

15. Quốc bất nghĩa, tuy đại tất vong. Nhân vô thiện chí, tuy dũng tất thương.
(Nước bất nghĩa dẫu lớn ắt diệt vong, Người không có thiện chí dẫu dũng mãnh cũng bị tổn thương)
(Trích "Hoài Nam Tử - Chủ Thuật Huấn)

Đại ý: Nếu một quốc gia không có chính nghĩa và công lý, thì dù nó có mạnh đến đâu cũng sẽ bị diệt vong. Nếu một người không có chí hướng thiện lương, thì cho dù có dũng mãnh đến mấy cũng sẽ gặp cản trở thất bại.

Chính nghĩa là nền tảng của một quốc gia; lòng thiện lương là nền tảng của một con người. Nếu không đặt nền tảng tốt, nhà xây cao chắc chắn không thể đứng vững, xây càng cao thì đổ vỡ càng lớn.

Nam Phương
Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Ngoài ‘Tái ông thất mã’, sách ‘Hoài Nam Tử’ còn gửi gắm những triết lý nhân sinh gì?