Nhạc Phi mưu dũng vô song, hàng phục tướng giặc chỉ bằng lá thư

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từ lúc buộc tóc tòng quân tới khi thu phục Kiến Khang, Nhạc Phi đã trải qua tám năm chinh chiến, kinh qua hơn hai trăm trận đánh lớn nhỏ, cuối cùng đã trở thành một vị tướng trẻ thống lĩnh đội quân tinh nhuệ. Sau khi quân Kim triệt thoái, những binh sĩ nhà Tống bị lưu lạc trước đây tụ tập thành giặc cướp, hoành hành làm loạn vùng Giang Tây, Lưỡng Hồ. Nhạc tướng quân chưa kịp giũ bụi chiến trường, lập tức lao vào chiến sự bình định giặc cướp.

Vào ngày mùng 10 tháng 1 năm Thiệu Hưng thứ nhất (năm 1131), Nhạc Phi nhận chiếu chỉ, theo Giang Hoài Chiêu Thảo Sứ Trương Tuấn đi chinh phạt Lý Thành. Lý Thành tự xưng ‘Lý Đại Vương’, đã chiếm địa khu Giang Hoài nhân lúc quân Kim xâm lược. Sau đó Lý Thành trấn giữ vùng Giang Châu, quân số lên tới vài chục vạn, có ý thâu tóm toàn bộ Giang Nam. Triều đình xem đây là mối lo lớn. Trương Tuấn tự biết khó lòng thắng được, nên dâng tấu cho mời Nhạc Phi - vị chiến tướng dũng mưu quán tam quân, tới tương trợ.

Bình định Lý Thành, kỳ mưu thần toán

Vào tháng hai, Nhạc Phi hỏa tốc tiến quân, theo Trương Tuấn đóng quân tại Hồng Châu. Sau đó, viên tướng dũng mãnh Mã Tiến dẫn theo mười vạn quân giặc cướp hạ trại bên sông, ứng chiến với quân Tống bên bờ kia, khí thế ngùn ngụt. Đối diện với đại địch, Trương Tuấn triệu tập tướng lĩnh họp bàn, các tướng đều đề nghị chia quân hai lộ đánh giáp công. Bàn về phương thức hành quân tác chiến cụ thể, Nhạc Phi đề xuất: căn cứ theo tính cách của Mã Tiến ‘Tham nhi bất lự hậu’ (tham lam không suy xét tới hậu quả), kiến nghị sử dụng kỳ binh thủ thắng.

Nhạc Phi dùng kỳ mưu đánh thắng 10 vạn quân Lý Thành, kiến lập kỳ công. Bức tranh "Xuất kỳ phá tặc đồ" trong tập tranh "Bắc quan di tích đồ thiếp" của Triều Tiên. (Miền công cộng).

Kế hoạch của ông là: Đầu tiên phái ba nghìn kỵ binh vượt sông từ phía thượng du, xuất kỳ bất ý đánh xuống. Nhạc Phi cùng Nhạc gia quân nguyện làm nhánh quân tiên phong này, lấy ít địch nhiều. Sau khi vượt sông, ông dẫn quân xung phong hãm trận, mãnh liệt tấn công cánh phải của quân doanh Mã Tiến, một nhánh quân Tống khác cũng cùng lúc đánh giáp công trợ chiến. Quả nhiên Mã Tiến đại bại, năm vạn địch quân bị bắt làm tù binh. Mã Tiến dẫn tàn quân cuống cuồng trốn chạy, bị Nhạc gia quân truy kích.

Khi Mã Tiến chạy tới một cây cầu đất, muốn vượt sông chạy trốn, ai ngờ cầu gãy không đường lui, đành dẫn năm nghìn quân đánh ngược trở lại. Nhạc Phi một lần nữa triển hiện tài bắn cung, một mũi tên bắn ra hạ sát ngay viên tướng tiên phong của đối phương. Các dũng sĩ Nhạc gia quân ào lên sát địch, quân giặc tan tác, Mã Tiến chạy sang Quân Châu. Hôm sau, Mã Tiến gom đám tàn quân, dồn hết binh lực để đánh trận sống còn với quân Tống. Nhạc Phi đã chuẩn bị sẵn trận địa, chỉ dẫn theo hai trăm dũng sĩ, giương cao lá cờ chữ ‘Nhạc’ ra ngoài thành nghênh chiến.

Quân địch thấy lực lượng Nhạc Phi mong manh, khinh suất phát động tấn công ngay, ai ngờ hai bên giao chiến được một lúc thì bốn bề đại quân Tống xuất hiện, bao vây tứ phía tấn công. Hình thế chiến cục bị đảo ngược, quân đội Mã Tiến kinh hoàng thất sắc, sĩ khí tiêu tan, tám ngàn người ngựa quy hàng. Mã Tiến tháo chạy, nhiều lần trúng mai phục, mất đi năm ngàn quân, mất sạch sức phản kháng, bên thân chỉ còn lại hơn chục người.

Đầu lĩnh Lý Thành nghe tin, mang mười vạn đại quân giao chiến, bị Trương Tuấn đánh bại. Nhạc Phi thừa thắng truy kích, cho bày trận cách Vũ Ninh Giang Tây ba mươi dặm, chuẩn bị đánh trận cuối cùng tiêu diệt toàn bộ mấy vạn quân giặc. Khi đại chiến nổ ra, như có Thần tương trợ, nước sông dâng cao chặn đứng đường qua sông của Lý Thành, Nhạc gia quân có cả thiên thời địa lợi, quân địch không đánh mà tự bại. Đúng như lời sử sách ghi : ‘Bất minh nhất phù, bất thi nhất thốc, nhi giải nhất ấp đảo thùy.’ (Không gõ một tiếng trống, không bắn một mũi tên, mà làm sụp đổ một thành ấp). Cuối cùng Lý Thành đành mang thân tàn đầu quân cho chính quyền ngụy Tề.

Thư pháp Nhạc Phi. (Miền công cộng)

Hàng phục Trương Dụng, lá thư thắng nghìn quân

Trận chinh thảo tiếp theo là năm vạn phản quân của Trương Dụng. Ông ta là đồng hương của Nhạc Phi, có dũng lực nổi danh, xưng hiệu ‘Trương mãng đãng’ (Trương dũng mãnh), vợ của ông hiệu ‘Nhất trượng thanh’ cũng là một đầu lĩnh võ nghệ phi phàm. Khi gia tộc họ còn ở phủ Khai Phong thì thuận ứng triều đình, tới khi Đỗ Sung kế nhiệm thì làm giặc cướp. Trước lúc xuất chinh, Trương Tuấn nhờ cậy Nhạc Phi: ‘Ngoài ông ra thì không ai có thể khắc địch!’

Trương Tuấn lại hỏi tiếp: ‘Ông cần bao nhiêu binh lực?’

Nhạc Phi trả lời như đinh đóng cột: ‘Ngã độc tự khứ, thử tặc khả đồ thủ cầm!’ (Tôi đi một mình, tay không bắt giặc).

Để bảo đảm an toàn, nên Trương Tuấn vẫn phái ba nghìn binh mã yểm trợ cho Nhạc Phi. Lần này Nhạc Phi không dùng võ lực cường công, mà đích thân viết một phong thư cho người đưa tới Trương Dụng. Trong thư viết, Nhạc Phi niệm tình đồng hương mà đưa lời chân thành thổ lộ, không muốn giao chiến, hãy tới quy hàng, sẽ được quốc gia trọng dụng, an hưởng công danh vinh hoa; nếu không, binh bại bị bắt thậm chí thân tử danh diệt.

Từng lời từng chữ của Nhạc Phi nặng như đá tảng, có tình có lý, chạm vào tâm khảm của vị phản tướng. Thời đầu chiến trận, Trương Dụng là bại tướng dưới tay Nhạc Phi. Khi thấy bức thư này, đâu còn dũng khí gì mà tác chiến? Trương Dụng lập tức cùng vợ con lễ bái sứ giả: ‘Nhạc Công như cha của tôi, sao dám trái lời?’

Nhạc Phi không tốn chút binh lực nào mà hàng phục mấy vạn sĩ binh.

Thấy kỳ công như vậy, Trương Tuấn tấm tắc nói với thuộc hạ: ‘Nhạc Phi mưu lược, chúng ta không so được!’

Khi báo cáo công trạng, Nhạc Phi đương nhiên được đưa lên hàng đầu.

Trung Hưng Tứ Tướng: Nhạc Phi (miền công cộng)

Bình định Tào Thành, thu phục mãnh tướng

Năm Thiệu Hưng thứ 2 (năm 1132), vùng Lưỡng Hồ giặc cướp nổi lên, trở thành mối lo của triều đình. Do Nhạc Phi nhiều lần lập chiến công nên lần này đảm nhiệm chủ soái xuất chinh. Binh thư viết ‘Cầm tặc tiên cầm vương’ (bắt giặc thì bắt kẻ cầm đầu trước), trong đám giặc cướp thì Tào Thành có binh lực mạnh nhất, nắm trong tay mười vạn quân phỉ, là kẻ đầu tiên mà Nhạc Phi nhắm vào. Biết Nhạc Phi đích thân xuất chinh, Tào Thành không dám khinh suất, tự mình đốc thúc quân binh tác chiến, lại còn phái người tiềm nhập doanh trại Nhạc Phi do thám tình hình.

Tất cả những thứ đó không lọt qua mắt của Nhạc gia quân, quân do thám lập tức bị bắt trói mang tới cho Nhạc Phi thẩm xét. Nhạc Phi tương kế tựu kế, diễn một vở kịch trước mặt quân do thám. Khi đang thẩm vấn, ông giả vờ như nhớ ra việc gì nên đi ra bên ngoài, hỏi han quân binh về tình hình lương thảo, thấy Nhạc Phi đứng bên ngoài trướng thảo luận quân vụ, tên do thám dỏng tai lên nghe ngóng.

Chỉ nghe thấy tiếng quân sĩ vội vàng bẩm báo: ‘Lương thực sắp cạn rồi, vẫn chưa thấy cung cấp bổ sung, phải làm sao bây giờ?’

Nhạc Phi trả lời: ‘Phải thúc giục thôi, nếu không chúng ta sẽ phải lui binh!’

Nhạc Phi dường như là sợ bị lộ, thanh âm đến đây đột ngột ngừng lại. Nhạc Phi quay lại đại doanh, mặt mày rầu rĩ. Ông tiếp tục thẩm vấn, cho đây là dân thường nên tha cho đi. Tên do thám vội mau chóng mang tin tình báo tâu lên, Tào Thành nghe xong cả mừng, chuẩn bị đợi hôm sau sẽ xuất binh.

Nào ngờ, Nhạc Phi sửa soạn bữa tối thịnh soạn khao thưởng đại quân, rồi nửa đêm lẳng lặng dẫn quân áp sát doanh trại quân địch. Mờ sang hôm sau, Nhạc gia quân đột ngột hiện ra, phát động tấn công mãnh liệt. Quân giặc không kịp đề phòng, toàn quân tan tác. Tào Thành tháo chạy, sau đó thu gom mấy vạn binh trấn thủ ba cửa ải Quế Lĩnh. Nhạc Phi không theo binh pháp, không bày trận thế, dẫn tám nghìn quân sĩ xông thẳng lên tấn công. Quân Nhạc phi nổi trống trận rầm trời, sát thanh dậy đất. Quân giặc bị sĩ khí dũng mãnh của Nhạc gia quân chấn nhiếp, tháo chạy tan tác chim muông. Trận chiến này Tào Thành đại bại, cuối cùng đầu hàng Hàn Thế Trung.

Trong chiến sự bình định Tào Thành, Nhạc gia quân cũng gặp gian nan một lần hiếm thấy. Đại tướng quân Tào là Dương Tái Hưng phản kích mãnh liệt, Nhạc Phi bị mất một người em là Nhạc Phiên cùng một viên tướng. Sau khi Tào Thành đầu hàng, Dương Tái Hưng vẫn ngoan cường kháng cự, cuối cùng bị vị tướng tài của Nhạc Phi là Trương Hiến phá tan. Khi đó, Dương Tái Hưng nấp dưới con suối sâu, Trương Hiến muốn giết để báo thù, nhưng Dương Tái Hưng tự nguyện chịu trói, cầu xin một đường sống: ‘Tôi là hảo hán, nên để tôi đi gặp Nhạc Công

Khi thấy kẻ địch thâm thù, Nhạc Phi không những không báo thù, mà còn khen Dương Tái Hưng nghĩa khí phi phàm. Vì đại nghĩa quốc gia, Nhạc Phi quyết định buông bỏ thù riêng, cho cởi trói, rồi căn dặn: ‘Ta không giết ngươi, ngươi nên lấy trung nghĩa mà dốc lòng báo quốc!’

Dương Tái Hưng được tấm lòng quảng đại cùng tinh thần trung nghĩa của Nhạc Phi cảm động, lập tức hứa tuân theo. Từ đó, Nhạc gia quân có thêm một vị mãnh tướng anh dũng thiện chiến.

Trong vòng chưa đầy hai năm, Nhạc Phi cầm quân chinh thảo khắp nơi, ngựa không dừng vó, bình định các lộ tặc khấu, danh tiếng cùng thực lực không thua kém các bậc lão tướng đương thời. Nhưng đó không phải là chí nguyện của Nhạc Phi, mà chỉ là bước chuẩn bị để ông đánh lên phía bắc đuổi sạch quân Kim, đón hai vua về nước. Chí hướng của ông là bình định thiên hạ, có người từng hỏi ông rằng, khi nào thiên hạ mới có thể thái bình? Cũng là hỏi Nhạc Phi đến khi nào mới có thể kết thúc cuộc chiến này. Nhạc Phi đáp: ‘Văn thần bất ái tiền, võ thần bất tích tử, thiên hạ thái bình hỹ’ (quan văn không yêu tiền, quan võ không sợ chết, thì thiên hạ thái bình).

Liễu Địch - Epoch Times
Thái Bình biên dịch

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Nhạc Phi mưu dũng vô song, hàng phục tướng giặc chỉ bằng lá thư