Nhân quả nhãn tiền vì phá tượng Phật

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhân loại từ ngàn xưa đều tín phụng Thần Phật, tin rằng thiện ác hữu báo. Nhưng kể từ khi xuất hiện cái gọi là thuyết vô Thần, thuyết tiến hóa, con người lại cho rằng bản thân tiến hóa từ động vật. Họ không còn tin rằng mọi hành vi, mọi tư tưởng của bản thân đều có Thần Phật đang dõi theo, ghi chép; và rằng sau khi hết thọ mệnh, người tốt sẽ được lên Trời hưởng phúc, kẻ ác sẽ bị đánh vào địa ngục chịu tội.

Kể từ khi được thành lập, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã kế thừa mọi tư tưởng của đàn anh. Nó phủ nhận "thuyết hữu Thần", đề xướng "thuyết tiến hóa", "thuyết vô Thần", và đạt đến đỉnh cao khi buộc sự tín phụng Thần Phật với “mê tín”, “mê tín phong kiến” vào làm một.

Nghĩa nguyên gốc của từ "mê tín" là tin tưởng một cách say mê, say sưa vào một cái gì đó, không hề mang nghĩa xấu. Nhưng dưới sự bóp méo có chủ ý của ĐCSTQ, từ “mê tín” lại bị khoác lên lớp nghĩa ngu muội, dốt nát và lạc hậu.

Ai tín Thần, ai bái Phật, người đó liền bị cho là “mê tín phong kiến” và phải bị phê phán. Điều này càng nghiêm trọng hơn trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, đặc biệt là thời “Phá Tứ cựu” (phá trừ bốn cái cũ), bao gồm cựu tư tưởng, cựu văn hóa, cựu phong tục, cựu tập quán.

Vô số người bị đội lên cái mũ "mê tín" đã bị đả đảo, bị bỏ tù và bị giết chết. Và tai họa mà nó để lại vẫn còn kéo dài cho đến ngày nay, khiến nhiều người Trung Quốc lẽ ra phải suy tôn văn hóa Thần truyền theo truyền thống Trung Hoa thì nay lại tránh xa vì bị gắn lên hai chữ “mê tín”.

Vào thời điểm đó, Hồng vệ binh và người dân trên khắp Trung Quốc đã bị ĐCSTQ mê hoặc, họ đốt phá, hủy hoại tất cả "Tứ cựu" với tốc độ chóng mặt. Các địa điểm tôn giáo như chùa chiền, Đạo quán, nhà thờ bị hủy hoại, tượng Phật bị đập phá, kinh sách bị thiêu hủy, các tăng ni bị lôi ra đấu tố, thậm chí bị áp bức tới nỗi các nhà sư phải tự thiêu để bảo vệ tôn giáo.

Các đền chùa của Phật giáo, Đạo giáo, các bức tượng Phật, các danh thắng cổ tích, các bức thư pháp, các tác phẩm mỹ thuật hội họa và đồ cổ đã trở thành những mục tiêu phá hoại chính của Hồng Vệ binh
Các đền chùa của Phật giáo, Đạo giáo, các bức tượng Phật, kinh sách kinh thư đã trở thành những mục tiêu phá hoại chính của Hồng Vệ binh. (The Epoch Times)

Tuy nhiên, điều mà họ không ngờ tới là dù ĐCSTQ có tuyên truyền "thuyết vô Thần" và phủ nhận sự tồn tại của Thần Phật cỡ nào, thì nhân quả báo ứng vẫn là có thật. Trong dân gian liên tục lưu truyền những câu chuyện nhân quả, biểu hiện ngay trên thân thể của kẻ hành ác. Chúng khiến những người mắt thấy tai nghe đều nhận ra lời dối trá tày trời của ĐCSTQ.

Ví như quả báo nhãn tiền khi phá tượng Phật ở Ung Hòa Cung (Lama Temple), một ngôi chùa hoàng gia nổi tiếng ở Bắc Kinh. Vào thời nhà Minh, đây là nơi ở của các thái giám. Đến đầu thời nhà Thanh, nơi đây trở thành phòng của Nội vụ phủ. Sau khi được cải tạo vào năm Khang Hy thứ 33, tòa kiến trúc này được ban cho Tứ hoàng tử, người sau này là Hoàng đế Ung Chính, làm phủ đệ (nơi ở của người chức cao vọng trọng).

Nhân quả nhãn tiền vì phá tượng Phật
Chùa Ung Hòa Cung ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Public Domain)

Năm Khang Hy thứ 48, vì Tứ hoàng tử được tấn phong làm Thân vương nên phủ đệ lại được sửa sang thành phủ Ung Thân vương. Sau khi Hoàng đế Ung Chính kế vị, phủ Ung Thân vương được sửa làm hành cung riêng, đặt tên là “Ung Hòa Cung”. Đây cũng là nơi sinh của Hoàng đế Càn Long. Phần kiến trúc chính của Ung Hòa Cung ngày nay vẫn giữ được những bố cục chính của phủ Thân vương năm đó.

Vào năm Càn Long thứ 9 (năm 1744 sau Công nguyên), Hoàng đế Càn Long quyết định chính thức chuyển Ung Hòa Cung thành một ngôi chùa Phật giáo của hoàng gia theo đề nghị của Phật sống Chương Gia (Janggya hotogtu). Ngài là một trong tứ đại Phật sống chuyển sinh của Phật giáo Tạng truyền thời kỳ nhà Thanh, có danh tiếng và uy tín rất lớn trong Phật giáo Trung Quốc. Kể từ đó, Ung Hòa Cung đã trở thành ngôi chùa có cấp bậc cao nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Yong he gong.jpg
Phần mái hiên của Ung Hòa Cung. (Gisling / Wikimedi Commons / CC BY 2.5)

Gian chính của Ung Hòa Cung vẫn được bảo tồn tốt như thuở ban đầu, phân bố trên một trục chính chạy theo hướng Nam - Bắc với độ cao nâng dần. Vạn Phúc Các là đại điện cuối cùng của Ung Hòa Cung, đồng thời cũng là gian cao nhất và tráng lệ nhất. Nơi đây đặt một tượng Phật Di Lặc cao sừng sững, được chạm khắc bằng gỗ đàn hương trắng, là báu vật của thành phố Bắc Kinh. Vì vậy, Vạn Phúc Các còn được gọi là Đại Phật Lầu, cao 25 ​​mét, có ba mái hiên, tất cả đều được làm bằng gỗ. Tương truyền, năm đó khi làm tượng Phật Di Lặc, chỉ riêng áo choàng cho tượng đã mất 1.100 mét vải sa tanh màu vàng.

Toàn bộ bức tượng Phật Di Lặc đứng sừng sững trên bảo tọa Tu Di được tạc từ đá bạch ngọc. Phần đầu của tượng Phật gần chạm vào giếng trời của tầng lầu trên cùng. Tuy bức tượng rất lớn nhưng không hề tạo cảm giác gượng gạo. Tượng đội Mão Ngũ Phật theo kiểu Tây Tạng với những trang trí tinh xảo. Thân tượng khoan thai, cao quý, toàn bộ thếp vàng, trên thân đeo dây ngọc, trang nghiêm thù thắng.

Nét mặt tượng Phật từ bi vô hạn, hai mắt hơi rủ xuống, miệng ngậm chặt, từ bi nhưng không kém phần uy nghiêm. Mỗi tay Phật cầm một cành sen dài, cánh sen e ấp nụ hoa, dường như sắp nở. Hai tay tượng Phật còn kết ấn, biểu thị rằng trong tương lai Phật Di Lặc sẽ giáng sinh ở thế gian, đại chuyển pháp luân, cứu độ chúng sinh. Dân gian gọi thế kết ấn đó là “Phù thiên cái địa”.

Yonghe Temple3.jpg
Tượng Phật Di Lặc trong Ung Hòa Cung. (Antoine Taveneaux / Wikimedia Commons / CC BY-SA 3.0)

Điều đáng chú ý là phía trước tượng Phật lớn còn có một tượng Phật nhỏ là Phật Như Lai. Liệu có phải sự tương phản giữa tượng Phật lớn và tượng Phật nhỏ ngụ ý rằng, Đức Phật Di Lặc, vị Phật sẽ cứu độ chúng sinh trong tương lai, là Đại Phật còn lớn hơn và cao hơn cả Phật Như Lai?

Sau khi Cách mạng Văn hóa bùng nổ, Ung Hòa Cung cũng trở thành mục tiêu của “phá tứ cựu”. Theo lời kể của một vị lạt ma lớn tuổi trong chùa, năm đó khi dựng tượng Phật Di Lặc, để giữ cho tượng Phật đứng vững, hai bên và phía sau bức tượng được xây dựng các dãy hành lang cao bằng tòa nhà hai tầng, chiều rộng hành lang vừa đủ để một người đi qua. Hành lang và tượng Phật được nối với nhau bằng dây xích sắt để đỡ bức tượng.

Nhưng trong thời Cách mạng Văn hóa, có ba Hồng vệ binh đã đến đập phá tượng Phật. Người đầu tiên leo lên hành lang, định giơ rìu lên để chặt xích, nhưng khi rìu chém xuống thì không chạm vào dây sắt mà lại trúng vào chân của chính mình. Người thứ hai cầm rìu ra chém tiếp, nhưng rìu lại chém vào không trung, người này bị trượt khỏi bệ, lập tức hôn mê bất tỉnh. Người thứ ba sợ quá đứng không vững. Người ta nói rằng, sau đó không ai trong số ba người họ sống sót.

Kể từ đó, không còn ai dám động đến bức tượng Đại Phật, còn Ung Hòa Cung cũng bình yên vô sự, được bảo tồn cho tới ngày nay.

Nam Phương
Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Nhân quả nhãn tiền vì phá tượng Phật