Nhặt giấy minh oan, dép ‘Phản Mao’ và dùng ‘Mao ngữ lục’ khẩu chiến

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong cuộc vận động Cách mạng Văn hóa thì tội ‘Phản Mao’ là tội ‘tày trời’ nhất, là tội ‘đáng sợ’ nhất, người bị chụp lên cái mũ này, nhẹ là treo biển lôi đi dọc đường đấu tố, thân bại danh liệt; nặng bị khốc hình tra tấn cho đến khi tan nhà nát thân.

Gọi là ‘tày trời’, là bởi anh có thể phản Thiên phản Địa, phá hủy văn vật, đào mộ tổ tiên, khinh sư diệt tổ, nhưng không được phép có chút bất trung, ho he lời nói đối với sự vĩ đại của “Mao lãnh tụ”, điều này đồng nghĩa với việc xúc phạm ‘luật Trời’.

Nói là ‘đáng sợ’, bởi một tội lớn như vậy mà từ khi bị bắt, phán xét, định tội, thi hành án, thời gian cực ngắn chỉ như một cơn ác mộng vụt qua, đó là sự hoang đường không thể tượng tượng nổi, là sự phản nhân đạo không thể kháng cự, không hề dựa trên bất kỳ điều khoản pháp luật nào.

Vô pháp vô Thiên, làm loạn toàn quốc là điều mà ĐCSTQ và các lãnh tụ của nó mong muốn trong Cách mạng Văn hóa. ‘Mao ngữ lục’ (sách ghi những lời nói của Mao) thay thế ‘Khổng Thánh học thuyết’, nó không chỉ trở thành cương lĩnh trị quốc, mà còn trở thành cảnh giới lý tưởng tối cao của bốn triệu quần chúng cách mạng, cho đến những việc thường ngày như tương cà mắm muối, thì ‘Mao ngữ lục’ cũng luôn được lôi ra để chỉ đạo khi nói chuyện hoặc tranh cãi, thực hiện triệt để sự hoang đường trong những năm tháng hoang đường đen tối.

Chúng ta cùng xem lại những lời kể trong giai đoạn lịch sử ấy, để có một cái nhìn chân thực.

Lượm giấy cứu chồng - chồng chưa cứu được thì vợ đã bị lửa thiêu cháy

Nhà văn Phùng Ký Tài trong cuốn “Thập niên của một trăm người” có ghi lại một câu chuyện chân thực vô cùng bi thảm đau xót.

Người kể câu chuyện này chính là nhân vật thực trong đó, trong Cách mạng Văn hóa, ông là nhân viên đồn trú của huyện Thủy Bạc, Lương Sơn. Năm 1973, ông được phái tới Sơn Đông, huyện Lương Sơn để xử lý các vấn đề tồn đọng trong Cách mạng Văn hóa 5 năm về trước. Nhóm đại biểu đi vào ủy ban cách mạng, một vị tạm thời giữ chức thường ủy viên.

Trong thời gian đó, ông gặp một vụ án oan xưa nay hiếm.

Ngày nọ, một người gày gò mang cặp kính tròn tiến vào cửa rồi phủ phục rập đầu nói: ‘Nếu ông giải quyết vấn đề cho tôi, thì tôi nói; nếu ông muốn đối phó với tôi, thì tôi cũng xin nói trước rồi quay về, đằng nào thì cái đầu này cũng thuộc về các ông rồi.’

Người rập đầu đó là nhân vật chính trong chuyện, là thầy dạy tiểu học trường làng, mang họ Lý. Giáo viên Lý kiến thức sâu rộng, giỏi kể chuyện, khi ông kể chuyện lời tuôn trào như sông chảy, thú vị vô cùng, lũ trẻ nghe ông kể chuyện say mê, chỉ sợ chuông báo hết giờ, quả là có sức cuốn hút rất lớn!

Thành hay bại cũng đều nằm ở cái lực cuốn hút này, chỉ số sức cuốn hút cuối cùng lại huyễn hóa thành chỉ số ma nạn.

Năm 1965 ĐCSTQ làm cái gọi là ‘Cuộc vận động giáo dục xã hội chủ nghĩa’, hâm nóng Cách mạng Văn hóa. Bắt đầu từ đánh ‘phái hữu’, vận động các đơn vị đưa ra chỉ tiêu số lượng người để báo cáo thành tích. Trường học cần biểu thị sự trung thành, phát động thầy trò đi tìm đối tượng có dấu hiệu bất trung đối với Mao Chủ tịch.

Giáo viên Lý tuy có tài học, nhưng tính tình nóng nảy, đắc tội với vài người. Có một đồng sự tố cáo: ‘Lần ấy nghe ông Lý giảng bài, nói Mao Chủ tịch năm đó ở Lưu Dương bị quân Bạch vệ truy đuổi phải bò rạp trốn trong rãnh nước, đây là lời bịa đặt nói xấu trắng trợn Mao Chủ tịch. Một lãnh tụ vĩ đại như vậy sao có thể bị quân địch truy đuổi tới mức phải trốn dưới rãnh nước được?!’

Nhà trường lập tức cho thu vở học sinh, xem lại những ghi chép của bài giảng, tìm thấy bằng chứng đanh thép, mấy hàng chữ ghi: ‘Mao chủ tịch trốn trong rãnh nước, để tránh sự truy đuổi của địch nhân.’

Công an huyện gọi đây là ‘Vụ án phản cách mạng đặc biệt nghiêm trọng’, rồi bắt giam ông.

Ông phản biện: ‘Câu chuyện này chứng tỏ Mao Chủ tịch đảm lược hơn người, tâm cơ mưu trí, tôi thật lòng ca ngợi Mao Chủ tịch sao lại bị tội? Chuyện này đâu phải tôi nghĩ ra, mà là đọc từ sách báo đó.’

Công an cục bảo ông nói ra tên cuốn sách, ông nhất thời nghĩ mãi không ra. Kháng cự phải xử nghiêm! Bất kể giải thích thế nào, làm cho nhanh, phán luôn 8 năm, tống giam ngục tối.

Cách mạng Văn hóa là thời kỳ cực tả điên cuồng nhất ở Trung Quốc. Chém giết đã trở thành một cách cạnh tranh để bày tỏ vị trí cách mạng của cá nhân, nên việc tàn sát “các kẻ thù giai cấp” là cực kỳ tàn bạo và độc ác.
Cách mạng Văn hóa là thời kỳ cực tả điên cuồng nhất ở Trung Quốc. Chém giết đã trở thành một cách cạnh tranh để bày tỏ vị trí cách mạng của cá nhân, nên việc tàn sát “các kẻ thù giai cấp” là cực kỳ tàn bạo và độc ác. (Epoch Times)

Vợ giáo viên Lý là một phụ nữ thôn quê, bụng mang bầu sáu tháng tới ngục thăm. Ông Lý thành thực bảo: ‘Cô có đi lấy người khác tôi cũng không oán trách, nhưng tôi bị oan quá, câu chuyện rõ ràng là tôi đọc trong sách mà’.

Cô vợ tầm tuổi ấy tuy không xuất thân từ gia đình có học, nhưng cũng hiểu lẽ luân thường truyền thống, rất thiện lương, quay người chạy đến huyện lý kêu oan. Lãnh đạo huyện bảo: ‘Chỉ cần cô tìm được chứng cứ, chúng tôi sẽ thả người!’

Cô vợ thực thà, coi lời ấy như cọng rơm để bám víu cứu mệnh chồng, đi khắp nơi tìm kiếm. Thấm thoắt đi tìm đã tám năm!

Thời đầu Cách mạng Văn hóa, ngoại trừ các trước tác của Mao, không có sách gì khác. Cô tới cả tiệm sách, thư viện tìm, nhưng không thấy. Sách không tìm thấy thì đi nhặt giấy có chữ in, báo Cách mạng Văn hóa, giấy vứt bên đường, cô đều tìm hết, ngày ngày cầm chiếc làn rách nhặt giấy ven đường. Cô không biết chữ, tìm được mảnh giấy có chữ thì đi cầu cạnh bạn bè, hoặc nhờ học trò, người qua đường đọc giúp, cô đứng bên bất động lắng nghe, chờ đợi, đợi chờ, chờ nghe được câu chuyện kia để cứu chồng mình.

Thậm chí khi tìm được một mảnh giấy có chữ, cô mừng như nhặt được của quý. Tờ giấy trên tay người khác, cô cũng cố nài người ta đọc cho nghe trên giấy viết gì, có lúc còn quỳ xuống cầu xin. Thậm chí còn lượm cả giấy nhà xí, rửa sạch rồi nhờ người đọc, cô không hề ngại phiền, không hề ngại bẩn cũng không ngại khổ mệt, chẳng quản người đời chê bai, có thể ví với chuyện Ngu Công dời núi, Tinh Vệ lấp biển.

Nuôi hy vọng từ sáng sớm để rồi ôm thất vọng lúc chiều tà. Hôm sau lại nuôi hy vọng đó tới tận lúc tối trời nhà nhà thắp đèn.

Ngày nối ngày qua, rồi năm tiếp năm. Sự kiên định tin tưởng của cô đối với chồng mình dường như được định từ tiền kiếp, bao năm ôm nguyện vọng cháy bỏng mong chồng được minh oan. Trong phạm vi trăm dặm vùng bến nước Lương Sơn, giấy vụn chỗ nào cũng có, vô cùng vô tận, nó trở thành hy vọng bất diệt của người vợ hiền lượm giấy cứu chồng.

Lúc con còn nhỏ, cô cõng con lượm giấy, con lớn lên, hai mẹ con cùng nhặt. Giấy nhặt được, không có câu chuyện ấy, gom lại bán lấy tiền. Lâu dần thành thói quen, vết thương lòng cũng tan vào trong gian khó, năm tháng vô tình dần biến bà thành một người dở điên ngây dại. Người phụ nữ dở điên ấy có đôi mắt trống rỗng hoang vu ngóng trông về phương trời xa lắc, như tố cáo một đoạn lịch sử hoang đường đầy rẫy bi thương oan trái.

Xuân hạ thu đông, mưa tuyết gió lạnh, suốt cả năm không nghỉ một ngày nào. Bảy tám năm nhặt giấy, bi kịch cuối cùng cũng đến. Vào một đêm trước khi ông Lý mãn hạn tù nửa năm, lửa trong bếp cháy lan ra đống giấy vụn để trong nhà, thiêu sống hai mẹ con.

Ông Lý trong ngục nghe tin, đau đớn muốn chết, mấy lần tự sát không thành. Có một lần đi vệ sinh, trông thấy sợi dây thừng trên đất, liền buộc vào cổ treo lên, nhưng dây thừng đứt, ông ngã xuống nảy đom đóm mắt, khi vừa kịp định thần thì xuất hiện kỳ tích, một trang giấy in dầu nằm trên đất ngay trước mắt, Thần khiến quỷ xui thế nào mà có in đúng câu chuyện oái oăm kia.

Có lẽ Trời cao có mắt, không nỡ tuyệt người, hoặc hai mẹ con đã chết để chuộc mệnh cho ông. Trên tờ giấy rách nát, câu chuyện nhiều chỗ đứt đoạn, nhưng trong đó có ghi rõ đoạn chứng cứ ông cần: ‘…kẻ đuổi ông quát lớn: ‘Chạy này, chạy này!’….đồng chí Mao Trạch Đông vội lao xuống dốc, nằm nấp trong một rãnh nước…’

Ông Lý hưng phấn nhảy cẫng lên, lúc cười lúc khóc, ông nhớ tới người vợ thôn quê đáng thương, cùng đứa con chưa trưởng thành bị thiêu chết. Ông viết một tờ đơn, kẹp cùng tờ giấy in đệ trình lên trên, nhưng bị huyện bác bỏ trả về, lý do là ấn phẩm in bằng dầu, không có nguồn gốc xuất xứ, không đáng tin.

Lần này ông buồn nhưng không tuyệt vọng, trái lại càng thêm tín tâm. Tờ giấy đó đã xua đi u ám tuyệt vọng trong sâu thẳm tâm hồn, có một dạo, ông tự hoài nghi mình đã đọc chuyện đó chưa, hay là nghe người khác nói sàm? Nhưng tờ giấy này như ánh dương sau cơn mưa rọi sáng xua đi đám mây nghi hoặc.

Ra tù sau tám năm, không nhà không việc không thu nhập, cô đơn bần khốn, chỉ có mỗi cái áo khoác mỏng. Cũng chẳng có tiền để đi tìm gốc tích của câu chuyện. Không lâu sau ông tìm thấy nhóm đại biểu, rập đầu kể chuyện như đã nói ở trên.

Nghe xong câu chuyện, vị đại diện minh bạch hiểu ra. Hôm sau liền tới ủy ban cách mạng huyện để xem lại vụ án, thấy lời kể của ông Lý là hoàn toàn chân thực, nên tuyên bố: ‘Câu chuyện này là có thật, phán xét oan sai, phải được minh oan!’

Tạ Giác Tai từng viết một chương câu chuyện có tên “Lưu Dương ngộ hiểm”, nằm trong cuốn hồi ức ‘Cách mạng ĐCSTQ’ bìa màu đỏ tía được Nhà xuất bản Văn nghệ Quân đội phát hành trước Cách mạng Văn hóa, tên nó là ‘Khởi nghĩa mùa thu và thời kỳ đầu của quân đội ta’. “Lưu Dương ngộ hiểm” (gặp nguy ở Lưu Dương) viết Mao Trạch Đông trong một lần trên đường tới căn cứ địa ở Giang Tây, đi qua Lưu Dương, để thoát khỏi sự truy đuổi của Bạch vệ quân, phải trốn trong rãnh nước thoát hiểm, là câu chuyện thực.

Vị đại diện vừa khớp là đã đọc qua câu chuyện này, rất nhanh chóng đã minh oan xong cho ông giáo Lý. Sau đó ông Lý thỉnh cầu mang đến cho ông cuốn sách, vì nó mà ông mất vợ con, thân chịu lao tù 8 năm. Ông nổi lửa hủy nó, lấy tàn tro rắc lên phần mộ vợ con để an ủi vong linh!

Vị đại diện thuật lại chuyện này cảm khái nói, án oan của ông Lý được làm rõ là quá may mắn so với vô số các vụ án oan khác mà ông gặp sau này. Trong Cách mạng Văn hóa, ĐCSTQ đã tạo ra những nỗi oan khiên không sao kể xiết, chất chồng như núi, sự tình loạn tạp, không có khả năng lật lại vụ án.

Giông tố dép ‘Phản Mao’

Tờ báo “Nam Phương cuối tuần” kỳ một năm 2015, tác giả Hồ Hiển Trung, kể một câu chuyện do chính ông trải qua:

Năm 1967, tại thành phố Trường Xuân vang lên lời kêu gọi đấu tranh giai cấp, sau vụ đập phá đèn neon, lại phát sinh vụ ‘dép’ phản Mao, làm thần kinh của toàn bộ dân chúng như bị bó cứng lại.

‘Dép’ sao có thể phản Mao được chứ? Nhóm Hồng vệ binh nổi loạn bỗng nhiên tìm thấy dưới đế dép có một chữ ‘mao’. Mang lãnh tụ vĩ đại đạp xuống đế dép, là chuyện gì vậy?

Ngay lập tức, toàn bộ thành phố đường to ngõ nhỏ đều bị các tiểu tướng Hồng vệ binh chặn lại, kiểm tra, phát hiện ai đi dép ‘phản mao’ thì bị phê phán, trách mắng, ép nhận lỗi, thu mất dép, phải đi chân trần về nhà.

Các tiểu tướng Hồng vệ binh qua điều tra phát hiện loại ‘dép phản động’ đó được sản xuất tại một trại cải tạo lao động. Cũng ghê đấy chứ, lẽ nào định tạo phản không thành? Ngọn lửa cách mạng bốc cao, cần nghiêm trị ‘kẻ thù giai cấp’, ‘thề lấy mạng sống bảo vệ’ lãnh tụ vĩ đại đến cùng!

Kỹ thuật viên tạo hình mẫu dép Kỷ Đức Tân bị hỏi tội đầu tiên. Khi ấy không có chuyện ‘hỏi trách nhiệm’ mà là trực tiếp ‘hỏi tội’! Người vẽ thiết kế Lý Hiểu Đình cũng bị bắt giam vào phòng nhỏ!

Mỗi tối, Kỷ Đức Tân đều bị lôi ra trung tâm quảng trường nhân dân để đấu tố công khai, khi ấy người ta đoán rằng ông bị tội chết khó thoát. Ông bị nhốt trong phòng nhỏ, hàng ngày phải tự phản tỉnh, hối hận và bị tra hỏi liên tục.

Còn những người khác thì phải ngừng sản xuất để đọc báo học tập. Vài ngày đầu đọc bài của Dương Thành Vũ trên ‘Nhân dân nhật báo’ bài ‘Mao Chủ tịch - cây đại thụ sững sững tuyệt đối quyền uy’, một người đọc cho tất cả nghe, vài ngày sau Dương Thành Vũ đột nhiên bị đả đảo, bài báo rất nhanh bị thu lại, đọc sang bài báo cách mạng khác.

"Sáng nghe chỉ thị, tối báo cáo", hằng ngày đọc cuốn Mao tuyển như một kinh thư, hành động hài hước lặp đi lặp lại trong suốt thời Cách Mạng Văn Hóa tới mức cực đoan đã biến một thể chế chính trị trở thành một giáo phái đúng nghĩa.
"Sáng nghe chỉ thị, tối báo cáo", hằng ngày đọc cuốn Mao tuyển như một kinh thư, hành động hài hước lặp đi lặp lại trong suốt thời Cách Mạng Văn Hóa tới mức cực đoan đã biến một thể chế chính trị trở thành một giáo phái đúng nghĩa. (Getty)

Sự kiện 'dép phản Mao' đối với các phạm nhân đang lao động cải tạo hóa ra trong họa lại có phúc, họ có thể đường hoàng nghỉ ngơi, khi ‘học tập’ thì nghe tai này ra tai kia, đầu óc trống rỗng. Mọi người trong lòng đều hiểu rõ trò hề đó, gặp nhau chỉ cười thầm, sống trong trại cải tạo bị thiệt đơn thiệt kép, khổ sở trăm bề.

Dừng sản xuất suốt mấy tháng liền, có lẽ cấp trên không có phương án xử lý cụ thể gì đối với vụ việc dép quai hậu này, nên nghĩ ra một chiêu mới: Tổ chức cho mọi người diễn Kinh kịch cách mạng ‘Dùng trí mưu đánh hổ’, rồi ‘Đèn lồng đỏ’…

Khi diễn vở ‘Dùng trí mưu đánh hổ’, cho mời diễn viên chuyên nghiệp tới hướng dẫn, vào tháng đầu họ còn biểu diễn giữa những phạm nhân.

Nhưng khi diễn vở ‘Đèn lồng đỏ’ thì không may mắn như vậy, chưa bày xong thì đã bị lệnh dừng lại. Nghe nói họ đã tìm được một vai diễn nữ chuyên nghiệp để phụ đạo, tên là Lý Thiết Mai.

Lý do dừng diễn là: người từng đóng vai ‘Ngưu quỷ xà thần’ (quỷ đầu trâu, rắn thần) không có tư cách diễn kịch cách mạng. Lúc ấy người phụ trách văn nghệ họ Giả rất bực mình, càu nhàu với các phạm nhân: ngưu quỷ xà thần không được diễn kịch cách mạng, thế để họ diễn cái gì đây? Hay là để họ diễn ‘Tây sương ký’?

Do đại diện quân quản bảo dừng, nên chỉ dám xì xèo sau lưng.

Sau khi nổi đình đám một hồi, sự kiện dép phản Mao cũng dần dần hạ nhiệt. Kỷ Đức Tân và Lý Hiểu Đình cũng được thả ra. Lý Hiểu Đình nói một câu chua chát khiến người ta phải suy ngẫm: ‘Sự việc này, nâng lên ngàn cân nặng, đặt xuống bốn lạng thôi!’

Không thể không nói họ là người quá may mắn đó! Cái gọi là bốn lạng - ngàn cân cũng tương đương như từ cõi chết trở về. Thông thường họ sẽ phải chịu hậu quả nặng nề nghiêm trọng, người vô tội bị chết oan trong Cách mạng Văn hóa nhiều vô kể; nhưng đứng từ góc độ khác mà thản đãng nhìn lịch sử, cười xem những ngày cuối cùng của triều đại Đỏ, thì những trò hề đó không có cân lạng gì, không đáng để nhắc đến.

Vậy làm thế nào để đối phó với hậu quả của trò hề này? Trại lao động cho mang hết dép trong kho ra, mỗi người cầm một con dao nhỏ, khét đi một miếng hoa văn ở đế dép sao cho không nhìn ra chữ ‘mao’ là được. Cư dân nào còn có loại dép đó trong nhà, thì phải đem ra đổi cũ lấy mới. Cái này gọi là phải bỏ thứ cũ đi thì cái mới mới đến được.

Trận khẩu chiến dùng ‘Mao ngữ lục’

Thời kỳ Đại cách mạng Văn hóa, người ta rất sợ bị gọi là ‘không tích cực’, ‘lạc hậu’, học thuộc ‘Mao ngữ lục’ là cách tốt nhất để biểu thị sự trung thành, không chỉ là để dễ đi lại, mà còn giữ an toàn cho bản thân. Dưới áp lực chính trị kết tập toàn bộ sự phục tùng mù quáng, các xúc tu của nó một khi vươn tới các ngóc ngách của cuộc sống thường ngày, nó không chỉ tạo ra những bi kịch, mà còn dẫn đến nhiều cảnh hài hước đau buồn dở cười dở khóc.

Một ngày nọ trong Cách mạng Văn hóa, một học sinh trung học mua bút sắt.

Học sinh (HS): ‘Chúng ta đều đến tự năm châu bốn biển - mang mấy cái ra cho tôi chọn nào.’

Nhân viên bán hàng (NV): ‘Phản đối chủ nghĩa tự do - không cho chọn, mua cái nào thì lấy cái ấy’

HS: ‘Chúng ta phải có trách nhiệm với nhân dân - anh cần mang mấy loại ra cho tôi chọn.’

NV: ‘Về vấn đề đường lối là không có chỗ cho khoan nhượng - nói không chọn là không được chọn.’

HS: ‘Phàm là quân địch mới phản đối, quân ta cần ủng hộ - tại sao không cho chọn?’

NV: ‘Phàm là địch nhân thì ủng hộ, chúng ta lại phản đối - chẳng là vì cái gì cả, không cho chọn là không cho chọn thôi.’

HS: ‘Chú ý phương pháp công tác - có loại bán hàng như thế sao?’

NV: ‘Tất cả quyền lợi quy về nông hội - thích mua thì mua!’

HS: ‘Đả đảo bọn thổ hào độc ác - anh có thái độ công tác kiểu gì vậy?’

NV: ‘Hữu nghị, cũng là xâm lược - sao thế? Mày muốn đánh nhau à?’

HS: ‘Phàm là thứ của phản động, không đánh nó không đổ - anh cho là tôi sợ anh à?’

Tôi thấy họ sắp đánh nhau lên bước ra hòa giải: ‘Cần đoàn kết không nên chia rẽ - các anh có lời cứ nói ra.’

NV: ‘Phải tiến hành cách mạng đến cùng - xem thằng này nó làm gì!’

HS: ‘Nếu người phụ ta, ta tất phụ người - ngươi chỉ là một nhân viên bán hàng, có gì là ghê chứ?’

Người đứng bên thấy sự tình sắp tệ, nên khuyên cậu học sinh: ‘Địch tiến ta lùi - cậu cứ về trước, mai lại tới mua.’

Cậu học sinh trung học nghe xong, cũng thuận thế rút lui, vừa đi vừa nói: ‘Tạm biệt, John Leighton Stuart!’

Nhân viên bán hàng như một vị tướng quân thắng trận đáp lời: ‘Tất cả lũ phản động chỉ là con hổ giấy - xì!’

Lời kết

Ba câu chuyện từ trầm trọng cho tới nhẹ nhàng, từ hoang đường tới hài hước, ghi lại những tà thuật của ĐCSTQ dùng để xưng Thần, dùng tư duy đấu Trời đấu Đất để nghiền nát và làm biến dị trạng thái cơ bản của xã hội cùng ý thức sinh tồn. Chỉ cần một ngày ĐCSTQ chưa rớt khỏi vũ đài lịch sử, thì những sự dối trá hoang đường cùng bi kịch nhân sinh vẫn cứ tiếp tục diễn ra.

Cổ Ngọc Văn - Epoch Times
Thái Bình biên dịch

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Nhặt giấy minh oan, dép ‘Phản Mao’ và dùng ‘Mao ngữ lục’ khẩu chiến