Những chiếc gương báu trong sách cổ: Có thể chiếu yêu diệt ma nhìn thấu cơ thể người

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ở thời cổ đại, toàn bộ xã hội đều ở trạng thái đặc biệt tốt, người dân coi trọng đạo đức, có lòng kính Đạo, thấu hiểu về sinh mệnh và thân thể con người, và để lại những di sản văn hóa phong phú, quý giá.

Đối với chủ đề những chiếc gương, một số lượng lớn các ghi chép cổ đã lưu lại không ít câu chuyện kỳ lạ, vượt xa phạm vi khoa học viễn tưởng, khiến người nghe sửng sốt kinh ngạc.

Cổ nhân tin rằng “Vạn vật đều có linh”. Cát Hồng (283-343), một Đạo sĩ thời nhà Tấn, nói: “Trong vạn vật, những thứ đã trải qua thời gian lâu dài thì linh hồn của nó đều có thể giả hình người, xuất lai mê hoặc thế nhân. Chỉ khi đứng trước gương thì chúng không cách nào thay hình đổi dạng được”.

Vì vậy, vào thời cổ đại, khi một số Đạo sĩ đi vào núi, họ sẽ treo một tấm gương có đường kính 9 tấc (khoảng 20cm) trên lưng. Ma quỷ trên núi đều sợ chiếu gương làm lộ ra hình dạng thật của chúng nên sẽ không dám đến gần các Đạo sĩ. Họ thậm chí có thể nhìn vào gương để biết rằng những người có dấu chân là Thần núi hoặc Thần tốt trong núi; không có dấu chân thì chính là yêu ma.

Trong cuốn “Động Minh Ký” của Quách Hiến thời Đông Hán có một đoạn ghi chép như sau: “Bên trên Vọng Thiềm Các có một chiếc gương vàng, chiều rộng bốn thước (khoảng 1 m). Vào những năm Nguyên Quang (thời vua Hán Vũ Đế, 134 TCN - 129 TCN), nước Chi đã dâng tặng chiếc gương này cho Đại Hán. Nó có thể soi thấy yêu ma, khiến chúng không thể ẩn hình”.

Gương Ấn Độ thời nhà Hán có thể soi thấy yêu ma

Theo ghi chép trong "Tây Kinh sử ký" và "Long Giang lục", Hán Tuyên Đế (91 TCN - 48 TCN) đã mang theo bên mình một chiếc gương chiếu yêu khi còn nhỏ.

Vào năm Chinh Hoà thứ hai, dưới thời Hán Võ Đế (năm 91 TCN), “vu cổ chi hoạ” đã xảy ra. Vệ Thái tử Lưu Cứ, Thứ thiếp Sử Lương Đệ, "Sử Hoàng tôn" Lưu Tiến và những người khác đã bị giết. Con trai của Lưu Tiến là Lưu Bệnh Dĩ, lúc đó mới được vài tháng tuổi, cũng bị liên lụy và bị giam vào đại lao, mãi đến khi 5 tuổi được mới ân xá phóng thích.

Khi bé Lưu Bệnh Dĩ bị đưa vào đại lao, trên người cậu có một chiếc gương cổ của Ấn Độ, kích thước tương dương đồng tiền 8 dật (còn gọi đồng tiền nửa lạng) (theo phần “Nhị Niên Luật Lệnh” trong sách Trương Gia Sơn Hán Giản thì được biết gương này có đường kính hơn 1.86cm). Chiếc gương này có thể soi yêu ma, và người đeo nó bên mình sẽ được Thần linh bảo hộ.

Năm Nguyên Bình thứ nhất (năm 74 TCN), sau khi Hán Chiêu Đế nhà Hán băng hà, Lưu Bệnh Dĩ lên ngôi lấy hiệu là Hán Tuyên Đế. Hán Tuyên Đế vẫn thường đeo chiếc gương quý này. Bởi vì từ nhỏ đã trải qua thảm họa nên mỗi lần cầm chiếc gương này lên, ông thường sẽ cảm khái khá lâu. Sau khi Tuyên Đế qua đời, chiếc gương cũng biến mất không dấu tích.

Nhìn từ góc độ tư duy hiện đại thì chiếc gương quý giá này có công dụng kiểm tra an ninh mạnh mẽ. Nhưng những vật phẩm nguy hiểm mà nó nhận biết được không phải là dao súng đạn dược, mà là những con yêu ma xảo quyệt chuyên lừa gạt mê hoặc con người.

Gương sáu mặt thời nhà Đường, có thể dự báo thế sự

Ở châu Âu thời Trung cổ, đã có ghi chép về việc từng có chiếc gương có thể xem quẻ, dự đoán được thế sự trong thiên hạ. Thời Trung Quốc cổ đại, nhiều đồ vật như mai rùa, vỏ sò, đũa v.v. có thể được dùng làm phương tiện bói toán. Theo các tài liệu cổ có ghi chép, có chiếc gương không chỉ có thể dự đoán các thế sự trong thiên hạ mà còn có khả năng hiển hiện hình ảnh như một chiếc tivi, hiển hiện những gì sắp xảy ra một cách sống động.

Theo “Vân Tiên Lục” thuật lại rằng, vào thời nhà Đường, nhà họ Vương ở kinh đô Trường An có một chiếc gương thần kỳ có sáu mặt, gương này thường phát ra mây và khói. Nếu soi vào ba mặt của gương là mặt trước, mặt trái và mặt phải, thì có thể dự đoán được các sự việc trong thiên hạ.

Cuối triều đại nhà Đường, Hoàng Sào (835-884) khởi binh tạo phản. Tháng 11 năm Quảng Minh thứ nhất (năm 881), Hoàng Sảo tiến đánh Trường An, và tự xưng là Hoàng đế. Trước khi Hoàng Sào tấn công vào Trường An, nhà họ Vương nhìn vào gương, đã thấy trong gương xuất hiện áo giáp của binh lính, hình ảnh vô cùng rõ ràng hiện ra trước mắt họ.

Chiếc gương cổ thần kỳ có thể tiêu trừ ôn dịch

Vào thời nhà Minh, trong cuốn từ điển y học nổi tiếng là "Bản Thảo Cương Mục" của vị đại y học gia Lý Thời Trân biên soạn, đã trích dẫn các tài liệu cổ xưa, và có nói đến những chiếc gương cổ thần kỳ xa xưa. Ví dụ, vào thời nhà Tùy, viên quan tên Vương Độ có một chiếc gương cổ. Một năm nọ có một trận dịch bệnh hoành hành, Vương Độ cầm chiếc gương cổ đến làng. Bất cứ ai bị nhiễm bệnh, chỉ cần soi chiếc gương cổ này là đều có thể khỏi bệnh ngay lập tức.

Trong "Tiều mục nhàn đàm" có ghi lại rằng, vào thời của Mạnh Sưởng, Hậu chủ của nhà Thục, Trương Địch có được một chiếc gương cổ với đường kính khoảng một thước, gương sáng tựa ánh nến chiếu rọi sắp phòng. Điều kỳ hơn nữa là cả nhà từ đó về sau không bao giờ mắc bệnh nữa nên gọi là “Gương vô bệnh”.

Thời đó đang có một đại dịch hoành hành, các nước vì để tiêu trừ bệnh dịch đã cạn kiệt nhân lực, vật lực, tài lực, nhưng hiệu quả không đáng kể. Bệnh dịch vẫn đang lây lan khắp nơi. Để diệt trừ bệnh dịch, người ta dùng mọi phương cách như rượu để diệt khuẩn, thậm chí dùng lửa để khử trùng ở nhiệt độ cao. Tuy nhiên chiếc gương thần kỳ được ghi trong sách cổ có khả năng diệt khuẩn, diệt trừ virus. Nếu điều này được đưa vào trong lĩnh vực khoa học thì có thể bị xem là trí tưởng tượng viển vông và suy nghĩ lập dị.

Chiếc gương cổ có thể nhìn thấu thân thể người, tìm ra được nguyên nhân gây bệnh

“Bản thảo cương mục” còn chứa đựng nhiều truyền thuyết về những chiếc gương có công năng phát hiện bệnh tật. Ví dụ, trong hang động Vũ Khê huyện Vô Lao, có một tấm gương hình vuông lớn, mỗi chiều dài 1 trượng (khoảng hơn 2 m), có thể soi thấy ngũ tạng nhân thể. Người ta cho rằng đó là gương chiếu cốt của Hoàng đế Tần Thủy Hoàng (còn gọi là chiếu đản kính).

Trong "Tây Kinh tạp ký" có câu chuyện được ghi lại rằng, về sau Hán Cao Tổ Lưu Bang lấy được chiếc gương hình vuông này của Tần Thủy Hoàng, rộng bốn thước, cao năm thước, bên trong và ngoài gương đều phát sáng. Người ta có thể nhìn thấy hình ảnh ngược của chính mình. Nếu ai đó cầm gương trong tay và nhìn vào gương, thì người đó có thể nhìn thấy ngũ tạng trong cơ thể. Nếu một bệnh nhân nhìn vào tấm gương vuông này, họ thực sự có thể biết được nguyên nhân của bệnh là do đâu. Nếu một người phụ nữ có tà tâm, tâm can cô ta có thể hoang mang sợ hãi khi nhìn vào gương.

Chiếc gương vuông này tiên tiến hơn cả máy chụp cắt lớp (CT) vi tính hiện đại và máy chụp X-Quang. Mặc dù các máy móc chụp CT hiện đại có thể chụp chiếu bên trong cơ thể con người, nhưng chúng không thể khởi động được nếu không có điện. Các tia X do máy X-quang phát ra khi chiếu chụp cũng gây hại cho sức khỏe con người. Hơn nữa, mặc dù máy móc y tế hiện đại và tiên tiến cũng có thể phát hiện ra nguyên nhân gây bệnh, nhưng chúng không thể phát hiện và không có khả năng phân biệt được suy nghĩ của một người là thiện hay ác. Nhưng chiếc gương vuông này thì có thể, và đây cũng chính là điểm độc đáo của chiếc gương này.

Vào thời nhà Đường, bên cạnh Đường Huyền Tông có một Đạo sĩ nổi danh tên là Diệp Pháp Thiện (616-720), đó là vị Đạo sĩ huyền thoại từng đưa Đường Huyền Tông đến thưởng ngoạn cung trăng. Theo “Cựu Đường thư” có ghi lại rằng, Diệp Pháp Thiện “ít truyền bùa chú, đặc biệt chán ghét quỷ thần”. Người này tu luyện có Đạo hạnh cao thâm, tinh thông pháp thuật, để lại nhiều giai thoại được truyền từ đời này sang đời khác. “Diệp Pháp Thiện có một chiếc gương, soi rõ mọi thứ trong trẻo như nước. Khi một người có bệnh nhìn vào gương, người đó có thể soi thấy rõ nội tạng của chính mình”.

Trong "Tống sử" cũng có ghi chép rằng, Có một người nông phu bình thường ở huyện Ninh Tần, vô tình có được một chiếc gương, có đường kính một thước hai. Chiếc gương này chiếu thấy đáy nước, nó gần như có thể sánh ngang với mặt trời. Những người bị nóng sốt cao, khi soi vào tấm gương này thực sự có thể điều hòa thân nhiệt.

Những chiếc gương kỳ lạ này không chỉ có khả năng lực nhìn thấu thân thể con người một cách siêu thường, mà còn có thể tìm ra nguyên nhân gốc của bệnh. Nó có thể sử dụng bình thường ngay cả khi không có điện. Những giai thoại được lưu truyền từ các thư tịch cổ. Những điều kỳ lạ ẩn chứa đằng sau đó phải chăng đây chính là con đường nghiên cứu khoa học của thời đó, chính là nghiên cứu về nhân thể và sinh mệnh, là thành quả của trí tuệ cổ nhân?

Tài liệu tham khảo: Tùng Song lục; Tây Kinh Tạp ký; Tống Sử; Vân Tiên lục; Động Minh ký; Bão Phác tử – Nội thiên; Bản Thảo Cương Mục – Kim Thạch chi nhất.

Theo Vương Du Duyệt - Epochtimes tiếng Trung

Khả Vy biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Những chiếc gương báu trong sách cổ: Có thể chiếu yêu diệt ma nhìn thấu cơ thể người