Ông lão ngoài 60, mùa đông ngã xuống sông không chết vì chú định sẽ chết trong ngục

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông lão ngoài 60, mùa đông ngã xuống sông không chết vì chú định sẽ chết trong ngục

Vào những năm đầu thời Khang Hy, ở bến đò Đông Quan ở Dương Châu, thuyền bè qua lại tấp nập, người xuống thuyền lên thuyền không ngớt. Có một con thuyền nọ chở người quá tải, khi thuyền đến giữa sông thì người lái thuyền bị trượt chân khiến thuyền bỗng nghiêng hẳn sang một bên. Hơn mười người đứng ở boong trên của thuyền rơi xuống nước. Lúc đó đang là mùa đông giá rét, những người rơi xuống nước mặc dù được vớt lên bờ nhưng hầu như đều không qua khỏi, ngoại trừ một người.

Đó là một ông lão đã ngoài 60 tuổi họ Cát. Sau khi tỉnh lại, ông lão kể lại rằng khi rơi xuống sông, ông thấy đáy nước sáng như ban ngày. Rồi ông thấy một công đường, nơi đó có một vị quan đang kiểm đếm số người. Khi đếm đến ông Cát, vị quan kia nói lớn rằng: "Dương thọ của người này còn hai năm nữa, sẽ chết trong ngục ở Tô Châu, không chết ở đây, mau đẩy người này lên bờ".

Nghe xong những lời này, ông Cát ghi nhớ rất kỹ, sau đó ông được cứu sống lại.

Nửa năm sau, có một vị quan đi thuyền đến Dương Châu, cho người tìm kiếm ông Cát khắp nơi. Khi ông Cát được đưa lên thuyền, ông nhìn thấy một vị quan đang ở độ tuổi thanh niên. Vị quan nói với ông rằng: "Bản phủ là tri phủ của Tô Châu, bởi vì thái phu nhân thường nói rằng, khi bản phủ còn nhỏ, ông đã cẩn thận chăm sóc bản phủ. Bản phủ nghĩ đến ông trong cảnh tuổi già đơn chiếc, nên lúc nào cũng canh cánh trong lòng. Nay bản phủ có tiểu công tử, vừa được 5 tuổi nên đến tìm ông. Ông hãy theo bản phủ trở về để chăm sóc tiểu công tử. Mỗi năm, tôi sẽ trả tiền công rất hậu hĩnh, ông có thể dùng số tiền này để dưỡng già. Tôi làm như vậy cũng là để báo đáp ân tình năm xưa".

Thế nhưng, ông Cát quỳ xuống, ra sức từ chối không chịu đi.

Sau đó, vị quan trẻ tuổi nhiều lần gặng hỏi nguyên nhân, ông Cát mới kể lại câu chuyện lúc rơi xuống sông ở bến phà Đông Quan đã nghe được rằng tương lai mình sẽ chết trong ngục giam Tô Châu. Quan tri phủ cười nói: "Bản phủ đang nhậm chức ở Tô Châu, có nhốt vào ngục hay không là quyền của bản phủ. Huống hồ ông đã lớn tuổi như vậy, cũng không thể làm đạo tặc, cũng không thể làm việc ác, làm sao có thể phạm pháp đến mức khiến ông bị nhốt vào ngục? Đó toàn là những lời lẽ xằng bậy hoang đường, không thể tin được".

Quan tri phủ lại ra sức thuyết phục nhiều lần, cuối cùng ông Cát cũng đành nhận lời, thu gom hành lý, theo thuyền đến phủ quan ở Tô Châu. Phu nhân và Thái phu nhân vô cùng vui mừng khi nhìn thấy ông Cát, tiểu công tử cũng rất thân thiết với ông, giống như đã quen biết từ trước. Thế rồi ông Cát ở lại phủ quan, cẩn thận chăm sóc tiểu công tử.

Khoảng một năm sau, Đốc viện lệnh cho tri phủ Tô Châu đến Giang Ninh hội thẩm. Bỗng một ngày nọ, khi ông Cát và tiểu công tử đang chơi đùa trong phủ, tiểu công tử muốn đi đại tiện, liền cởi quần ngồi xổm trên đất. Đột nhiên từ đâu có một con chó chạy đến ăn phân. ông Cát cảm thấy không có gì nguy hiểm nên cũng không đề phòng. Thế nhưng không hiểu sao con chó kia lại cắn luôn cả tinh hoàn của tiểu công tử khiến cậu bé vô cùng đau đớn. Phu nhân nghe tin khóc ngất đi mấy lần, ra lệnh cho người hầu: "Các ngươi lập tức đánh chết con chó, nhốt ông Cát vào trong ngục, chờ lão gia về xử lý".

Ông Cát bị nhốt vào ngục, ngửa mặt lên trời khóc lớn: "Hai năm trước lúc rơi xuống sông ở Đông Quan, ta đã biết ngục tù Tô Châu sẽ là nơi chết của mình, số mệnh đã định sẵn, làm sao có thể sống tiếp được?".

Thế rồi, tối hôm đó ông Cát treo cổ chết trong ngục.

Khi quan tri phủ trở về, nghe lại câu chuyện cũng không ngừng cảm thán. Lúc này vị quan mới hiểu ra rằng mọi việc xảy ra đều được định sẵn theo nghiệp báo đời trước, tất cả đều có nguyên nhân, không ai có thể tránh được.

Mặc dù số mệnh đã được định sẵn ,nhưng khả năng thay đổi số mệnh cũng nằm trong tay của con người. Trong sử sách, cũng có rất nhiều người nhờ vào giữ gìn thiện niệm, không ngừng hướng thiện, tinh tấn tu hành mà thoát khỏi số kiếp và tăng thêm tuổi thọ.

Người thay đổi được số mệnh

Vào những năm cuối thời Thuận Trị, ở Tiểu Đông Môn thành Dương Châu có một thương nhân tên là Tiền Quảng Sinh làm nghề buôn bán trà. Hằng năm, Tiền Quảng Sinh mua trà từ Hoắc Sơn và những nơi khác để bán lại cho nhiều cửa hàng khác nhau. Tính tình của người này vô cùng hà khắc cay nghiệt, tích trữ được số tài sản khoảng 5, 6 nghìn lượng bạc. Do có vẻ bề ngoài cao to mập mạp nên mọi người thường gọi Tiền Quảng Sinh là đại phú ông.

Lúc đó có một thầy xem tướng từ vùng Hoài Thượng (nay là Bạng Phụ, tỉnh An Huy) đến sống ở chùa Tinh Trung phía đông phủ Dương Châu. Thầy xem tướng này bẩm sinh có cặp mắt màu xanh lục, được mệnh danh là "Dư quỷ nhãn", có thể xem tướng đoán mệnh như Thần, người người gần xa đến xem tướng rất nhiều.

Tiền Quảng Sinh cho rằng tướng mạo của mình cũng tốt nên mang tiền đến nhờ vị này xem tướng. Khi đến chùa Tinh Trung, Tiền Quảng Sinh vô tình bắt gặp một người bạn cũ đã đến chờ từ sớm. Đó là một người họ Triệu. Hai người nhận ra nhau, cùng chào hỏi rồi cùng ngồi xuống trò chuyện.

Tiền Quảng Sinh và người bạn họ Triệu cùng xem tướng. (Tranh: Zhiqing - Secretchina)

Đến khi người bạn họ Triệu được xem tướng, Tiền Quảng Sinh thấy thầy xem tướng cau mày nói rằng: "Tiên sinh dáng đầu khoan hậu, sơn căn cao rộng, ngay thẳng, vốn là có tướng phúc thọ. Nhưng hiện tại có khí đen xâm nhập vào giữa trán, không biết là tiên sinh đã làm nên việc xấu gì? Chỉ trong vòng một tháng, số mệnh khó tránh được, e rằng sẽ chết thảm".

Người họ Triệu tức giận bỏ đi.

Sau đó, đến lượt Tiền Quảng Sinh đến xem tướng, thầy xem tướng nhìn kỹ tướng mạo, rồi nói: “Tiên sinh thân thể đôn hậu, một đời tích lũy tài phú dư giả. Chỉ là không được lâu, lại thêm thần sắc yếu nhược. Quẻ nói rằng: ‘thần sắc yếu nhược, dù có sống lâu thì cũng suy nhược’, lại thêm ‘thần sắc căng thẳng, thọ mệnh chỉ đến ba mươi lăm tuổi’. Tôi xin hỏi tiên sinh năm nay bao nhiêu tuổi rồi?”.

Tiền Quảng Sinh đáp: "Năm nay tôi vừa đúng 35 tuổi".

Thầy xem tướng nói: "Đừng trách tôi nói thẳng, tuổi thọ của tiên sinh chỉ còn khoảng 100 ngày, cần phải sớm lo liệu việc hậu sự".

Tiền Quảng Sinh trả tiền cho thầy xem tướng rồi quay về. Về đến nhà, Tiền Quảng Sinh vô cùng phiền não, thầm nghĩ: "Người bạn họ Triệu xem tướng trước đó được tiên đoán rằng trong vòng một tháng sẽ chết, còn ta thì xa hơn một chút, được 100 ngày, trước tiên hãy xem lời tiên đoán cho người bạn họ Triệu kia có đúng không đã".

Thì ra, người họ Triệu kia là thư lại huyện Giang Đô. Năm đó hạn hán lớn, người họ Triệu chịu trách nhiệm phát gạo cứu đói. Thế nhưng ông ta ghi thêm nhiều hộ giả, biển thủ hơn 50 thạch gạo. Sau đó việc này bị quan trên điều tra được nên người họ Triệu nhận án tử hình. Quả nhiên, trong vòng một tháng. Tiền Quảng Sinh thấy người bạn họ Triệu đã ứng nghiệm lời tiên đoán, nên càng thêm lo lắng.

Một ngày nọ, Tiền Quảng Sinh đang buồn bực ngồi ở phòng sau của quán trà, chợt nhìn thấy một người nô bộc đã qua đời hiện ra nói rằng: "Vì nô tài cả đời trung trực nên Thần Thành Hoàng đã cho nô tài làm sai dịch, làm nhiệm vụ bắt tội phạm đưa đến địa ngục. Hôm nay nô tài thấy trên giấy có bốn tên tội phạm, trong đó có tên của chủ nhân, nên đến đây báo trước. Trước tiên, nô tài sẽ đến những nơi như Đan Dương để bắt người, bắt người xong thì sẽ cùng đi một lượt, chủ nhân hãy mau chóng lo liệu việc nhà. Ba ngày sau nô tài nhất định sẽ đến đây, khi thời khắc đến thì không thể chậm trễ".

Nói xong, người nô bộc cũng biến mất.

Tiền Quảng sinh nghe được rất rõ ràng, hơn nữa còn đang là ban ngày, không giống như giấc mơ. Trong tâm, Tiền Quảng Sinh thầm nghĩ: "Phu thê ân ái, khó có thể chia cắt, con gái còn nhỏ, cũng chưa thành gia lập thất. Rất nhiều việc chưa làm xong, không biết nên sắp xếp việc nào trước".

Tiền Quảng Sinh cảm thấy vô cùng đau lòng, liền khóc lớn một hồi, làm cho hàng xóm xung quanh hoảng sợ. Có một ông lão sống ở kế bên đến hỏi nguyên do, sau đó nói rằng: "Chuyên sinh tử là chuyện lớn, không thể thay đổi được, anh khóc lóc buồn rầu, cũng không có ích gì. Tôi nghe nói rằng đại hòa thượng Cự Bột ở chùa Thiên Ninh là một cao tăng đắc đạo. Anh hãy mau chóng đến nhờ ngài chỉ điểm, mới hy vọng có con đường sống nếu không thì cũng hết cách".

Tiền Quảng Sinh theo những lời của ông lão đến chùa Thiên Ninh tìm đại hòa thượng Cự Bột, thuật lại những lời thầy xem tướng và câu chuyện người nô bộc đến báo trước, sau đó khóc lóc thảm thiết xin được chỉ điểm. Hòa thượng Cự Bột nói: "Sống chết của con người vốn là có định số, làm sao có thể tránh được?"

Tiền Quảng Sinh liền khóc lóc không ngừng. Hòa thượng Cự Bột nói: "Nếu anh chiểu theo hai điều này thì có thể sẽ được Trời cao bảo hộ".

Tiền Quảng Sinh vội vàng trả lời: "Nếu có thể không chết, tôi xin được tuân theo".

Hòa thượng Cự Bột nói tiếp: "Điều đầu tiên là anh cần dâng hương, phát lời thề với Phật rằng sẽ chuyển tất cả sự hà khắc cay nghiệt hằng ngày thành sự nhân từ. Điều thứ hai là anh hãy mang một nửa số tiền tài đã tích lũy được đi làm công đức, chỉ để lại một nửa cho con cháu".

Sau khi nghe xong, Tiền Quảng Sinh mau chóng đồng ý. Hòa thượng Cự Bột lại hỏi rằng: "Anh đã tích lũy được bao nhiêu bạc? Nhất định phải nói thật".

Tiền Quảng Sinh trả lời: "Tôi có 6 nghìn lượng tiền mặt, bây giờ xin tình nguyện mang 3 nghìn lượng để tích đức".

Hòa thượng Cự Bột hỏi thêm: "Cả hai việc này đều lấy đức làm chủ, nhưng cũng cần bỏ thêm công phu. Công phu chính là: kiên trì chính giác, nỗ lực tu hành, chân thành niệm Phật, công đức vô lượng. Cho dù những chuyện trong thế tục bận rộn đến mấy thì mỗi ngày cũng đều cần kiên trì. Chỉ cần anh có thể thực hiện không gián đoạn thì phúc thọ nhất định sẽ viên mãn".

Tiền Quảng Sinh vui mừng tiếp nhận.

Cự Bột hòa thượng hỏi Tiền Quảng Sinh: "Anh định dùng 3 nghìn lượng bạn làm công đức như thế nào?"

Tiền Quảng Sinh trả lời: "Đệ tử tận mắt nhìn thấy có người biển thủ hơn 50 thạch gạo nên tổn thọ mà chết thảm. Năm nay có nạn đói lớn, giá gạo đã đắt đến mức 1 lượng 8,9 tiền một thạch, rễ cây và vỏ cây đều không còn, dân đói khắp nơi. Đệ tử tình nguyện đem số tiền này mua gạo để cứu đói, đó chẳng phải là công đức hay sao?".

Hòa thượng Cự Bột vui mừng: "Anh có cái tâm như vậy, cứu được tính mạng của rất nhiều người, sẽ tích được đại đức, nhưng phải lập tức mua gạo rồi trình lên quan huyện, nếu không sau này hối hận lại không chịu buông bỏ tiền tài".

Tiền Quảng Sinh liền cho người mang 3 nghìn lượng bạc, cấp tốc đến vùng sản xuất lúa để mua gạo gửi về huyện dùng cho việc cứu đói. Hòa thượng Cự Bột dặn dò Tiền Quảng Sinh: "Anh hãy ở bên cạnh chỗ ngồi của phương trượng, dùng tràng hạt mà ta dùng hàng ngày để chuyên tâm niệm Phật. Mười ngày sau mới được về nhà. Như vậy không chỉ có thể vượt qua được kiếp nạn mà tuổi thọ cũng được kéo dài".

Tiền Quảng Sinh tin tưởng làm theo, quả nhiên không gặp phải tai nạn gì.

Từ đó về sau, Tiền Quảng Sinh giữ gìn tấm lòng lương thiện, nỗ lực hành thiện, mỗi ngày đều niệm Phật hiệu, chưa từng gián đoạn. Sau này, Tiền Quảng Sinh có 3 người con, 7 người cháu, 2 người chắt, 1 người cháu cố. Con cháu cũng noi gương Tiền Quảng Sinh, giữ tấm lòng hiền lành phúc hậu, không ngừng trì chú. Cả gia đình chung một lòng, việc buôn bán trà cũng được mở rộng, vô cùng phát đạt. Đặc biệt là hai vợ chồng Tiền Quảng Sinh sống thọ đến 106 tuổi, khỏe mạnh trẻ trung, tóc bạc nhưng cơ thể vẫn rất tráng kiện.

Trong lễ mừng đại thọ 100 tuổi của Tiền Quảng Sinh, cả trong ngoài thành có đến mấy ngàn người chen chúc đến tham dự. Mặc dù Tiền Quảng Sinh chỉ là một thương nhân, nhưng những quan viên lớn nhỏ trong thành đều mặc quần áo chỉnh tề, đích thân đến phủ chúc mừng. Trong buổi lễ có đầy đủ trống nhạc, bạn bè thân hữu gần xa, tặng rất nhiều quà mừng thọ.

Sáu năm sau, Tiền Quảng Sinh vẫn rất khỏe mạnh, không có bệnh tật gì. Một ngày nọ, ông gọi con cháu đến, dặn dò rằng: "Tuổi thọ của ta vốn chỉ có 35 tuổi, nhưng may mắn được hòa thượng Cự Bột chỉ điểm, nay đã sống đến 106 tuổi, tăng thêm hơn 70 năm tuổi thọ, hơn nữa còn được con cháu đầy đàn, tiền tài dư dả. Những điều này là do tổ tông phù hộ, thêm vào bản thân ta chuyên tâm bồi đắp mới có thể tạo thành. Sáng sớm hôm nay, người nô bộc trước đây đã đến báo rằng: "Những việc làm của ngài đã tạo thành công đức. Vào giờ Ngọ, Thần Thánh Tây phương sẽ mang theo ô lọng cờ trướng, tiếp dẫn chủ nhân đến thế giới Cực Lạc, vĩnh viễn hưởng phúc báo, không phải đến địa ngục. Nô tài cảm tạ ân đức của chủ nhân nên khi biết được tin này liền đến đây báo trước".

“Người nô bộc nói xong rồi đi mất. Thế nên hôm nay ta gọi hết con cháu đến đây, để gặp mặt dặn dò. Tất cả mọi việc, các con đều phải như ta, giữ gìn tấm lòng thiện lượng, không được làm trái".

Nói xong, Tiền Quảng Sinh niệm Phật, ngồi ngay ngắn nhắm mắt rồi qua đời.

Từ câu chuyện này có thể thấy rằng, phương pháp kéo dài tuổi thọ chính là do mỗi người chúng ta tự lựa chọn.

(Tư liệu tham khảo: "Vũ hoa hương" của Thạch Thành Kim đời Thanh)

Thái Nguyên - Epoch Times
Đức Nhân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Ông lão ngoài 60, mùa đông ngã xuống sông không chết vì chú định sẽ chết trong ngục