Phân tích: Ai đã bỏ phiếu chống tại Lưỡng Hội Trung Quốc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lưỡng Hội của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã kết thúc vào ngày 11/3. Trong thời gian diễn ra Lưỡng Hội, báo cáo công tác chính phủ của Thủ tướng Lý Cường nhận được 2 phiếu chống, trong khi báo cáo công tác của Tòa án Nhân dân Tối cao nhận được 44 phiếu chống, và báo cáo công tác của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao nhận được 27 phiếu chống.

Ai đã bỏ phiếu chống trong Lưỡng Hội?

Theo phân tích, những người bỏ phiếu chống đối với báo cáo của hai cơ quan cao nhất (Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao) chủ yếu là luật sư và những người hoạt động trong doanh nghiệp. Việc bỏ phiếu chống báo cáo công tác của ông Lý Cường đòi hỏi nhiều can đảm, hoặc có thể đến từ chính Tập Cận Bình nhằm sử dụng phiếu chống để thể hiện rằng chính quyền Trung Quốc vẫn có cái gọi là "dân chủ", nhưng không thể hiện được hiệu quả.

Chiều ngày 11/3, tại Đại hội đường Nhân dân, Hội nghị lần thứ hai của Quốc hội khóa XIV đã tiến hành bế mạc và biểu quyết thông qua tổng cộng 7 nghị quyết và dự thảo. Trong đó, báo cáo công tác của Thủ tướng Lý Cường nhận được 2895 phiếu thuận, 2 phiếu chống và 3 phiếu trắng.

Báo cáo công tác của Tòa án Tối cao nhận được 2834 phiếu thuận, 44 phiếu chống và 22 phiếu trắng; báo cáo công tác của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao nhận được 2864 phiếu thuận, 27 phiếu chống và 9 phiếu trắng.

Trong hai kỳ họp của ĐCSTQ những năm qua, báo cáo công tác của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhận được nhiều phiếu chống nhất. Vào giữa đến cuối những năm 1990, số phiếu chống lại báo cáo trong Lưỡng Hội thậm chí còn lên tới 40%.

Sang thời Hồ Cẩm Đào - Ôn Gia Bảo, các đại biểu dự Lưỡng Hội vốn được ví như "con dấu đóng" bắt đầu có thêm một chút không gian để thể hiện quan điểm ‘dân chủ’. Ví dụ, trong báo cáo công tác cuối cùng của Ôn Gia Bảo vào năm 2013, đã xuất hiện 101 phiếu chống và 44 phiếu trắng. Báo cáo công tác của Tòa án Nhân dân Tối cao vốn thường xuyên có nhiều phiếu chống cũng ghi nhận 605 phiếu chống và 120 phiếu trắng, còn báo cáo của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có 485 phiếu chống và 121 phiếu trắng. Số lượng phiếu chống và phiếu trắng cao như vậy đã phá vỡ kỷ lục trong nhiều năm trước đó.

Bà Trì Túc Sinh, một luật sư nổi tiếng, đã giữ chức đại biểu Quốc hội ba nhiệm kỳ. Trong suốt những năm qua, bà không nhớ mình đã từng bỏ phiếu tán thành bao giờ, mà chủ yếu là phản đối. Dưới ảnh hưởng của bà, một số đại biểu xung quanh cũng bỏ phiếu phản đối báo cáo của hai Viện Tối cao.

Ai đã bỏ phiếu chống đối với báo cáo của Thủ tướng Lý Cường?

Tuy nhiên, 10 năm qua, khi lãnh đạo Đảng Tập Cận Bình dần tập trung quyền lực, các đại biểu Quốc hội được coi là “con dấu đóng” lại càng bị thu gọn thành những cái “máy giơ tay”, và rất ít người dám bỏ phiếu chống.

Năm 2014, báo cáo công tác của chính phủ do Lý Khắc Cường trình bày nhận được 15 phiếu chống, 5 phiếu trắng và 3 người vắng mặt. Đây là một trong những lần số phiếu chống tương đối ít, trước đó số phiếu chống ít nhất là 17 phiếu. Báo cáo của Tòa án Nhân dân Tối cao nhận được 378 phiếu chống và 95 phiếu trắng. Báo cáo của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao nhận được 390 phiếu chống và 108 phiếu trắng.

Mười năm sau, vào năm 2024, báo cáo công tác chính phủ của Lý Cường chỉ có 2 phiếu chống và 3 phiếu trắng; Tòa án Nhân dân Tối cao cũng chỉ có 44 phiếu chống và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao 27 phiếu chống.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin, số lượng lớn đại diện doanh nghiệp cũng là "cánh tay phải" quan trọng trong việc bỏ phiếu phản đối hai Viện. Do bất công trong tư pháp và khó khăn trong việc thực thi pháp luật, nhiều đại diện doanh nghiệp tỏ ra bất mãn. Trong Lưỡng Hội năm 2010, do một loạt vụ việc trong lĩnh vực tư pháp như vụ án Đặng Ngọc Kiều, xã hội có nhiều ý kiến ​​về hệ thống tòa án, Tòa án Nhân dân Tối cao nhận được 479 phiếu chống, và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao với 411 phiếu chống.

Nhà bình luận thời sự Lý Lâm Nhất cho rằng, nếu như trước đây, những người phản đối báo cáo của hai Viện Tối cao chủ yếu là luật sư và doanh nghiệp, thì để phản đối báo cáo công tác của chính phủ năm 2024 do Lý Cường trình bày, phải có thêm một chút can đảm. Lý do là vì trước đó, có thông tin đã tiết lộ rằng, báo cáo này được hoàn thành dưới sự lãnh đạo của Trung ương.

Nói cách khác, việc phản đối báo cáo công tác của chính phủ do Lý Cường trình bày thực tế tương đương với việc phản đối sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình. Đặc biệt là trong bối cảnh Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay đang siết chặt kiểm soát, trong các cuộc bỏ phiếu tại kỳ Lưỡng Hội, ai đồng ý, ai không đồng ý đều có người giám sát bên cạnh. Trong trường hợp này, việc vẫn xuất hiện phiếu chống quả thực khó có thể tưởng tượng.

Ông Lý Lâm Nhất cho rằng nhiều khả năng đây là sự dàn xếp của chính chính quyền nhằm đánh lừa thế giới bên ngoài để thể hiện cái gọi là “dân chủ” của Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn tồn tại qua một vài phiếu chống. Nhưng phương pháp này hiện nay gần như chỉ là trò đùa mà thôi.

Theo The Epoch Times
Lý Ngọc biên dịch

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Phân tích: Ai đã bỏ phiếu chống tại Lưỡng Hội Trung Quốc?