Phát hiện khảo cổ: Thành Dwarka - nền văn minh phát triển cao biến mất bí ẩn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thành Dwarka huyền thoại vốn được cho thành phố bị mất tích. Những phát hiện khảo cổ gần đây hé lộ một nền văn minh từng phát triển mạnh mẽ và sau đó biến mất một cách bí ẩn dưới đáy biển. 

Thành phố huyền thoại

Cần lưu ý rằng, thành Dwarka huyền thoại hoàn toàn khác với thành phố Dwarka hiện nay.

Theo sử thi Mahabharata, Dwarka (cũng gọi Dvaraka) là một thành phố xinh đẹp bên bờ biển và là nơi ở của người anh hùng Krishna, người sau này trở thành Thần.

Vương quốc Mã Đồ La xảy ra nội loạn, hoàng tử Kamsa là một kẻ tàn bạo, chỉ một lòng muốn xưng bá thiên hạ, nên đã cướp đoạt ngôi vua và tống giam phụ vương vào nhà ngục.

Người anh hùng Krishna dũng mãnh giúp Quốc vương tiêu diệt Kamsa, khôi phục vương quyền. Sau đó Krishna dẫn người trong dòng tộc di dời đến Dwarka bên bờ biển phía Tây Ấn Độ, và xây dựng một tòa thành ở đó, tự mình làm Quốc vương.

Câu chuyện về Dwarka còn đan xen sâu sắc với những câu chuyện kể trong Thần thoại Ấn Độ giáo, đặc biệt về cuộc đời và thời đại của Thần Krishna, vị Thần bí ẩn và được tôn kính nhất của Ấn Độ giáo. Theo đó, thành Dwarka được xây dựng nên bởi kỹ thuật siêu việt và ý chí của Thần, dưới sự chỉ đạo của kiến trúc sư tài ba Vishwakarma. Nó được cho là nằm ở mũi phía tây của tiểu lục địa Ấn Độ, và là một kiệt tác với những tòa nhà nguy nga bằng vàng, những con đường lót đá quý và những khu vườn được trang trí bằng những cây như đến từ Thiên đường. Thành phố không chỉ là hình ảnh thu nhỏ của sự giàu có và vẻ đẹp hoàn mỹ mà còn là một pháo đài bất khả xâm phạm.

Dưới sự cai trị của Thần Krishna, nó trở thành một trung tâm học tập văn hóa và tâm linh, thu hút các nhà hiền triết, học giả và tín đồ từ khắp nơi tìm đến.

Tranh vẽ Thành phố Dwarka của Krishna. (Phạm vi công cộng)

Sau này Krishna tu hành đắc đạo trở thành Thần. Tương truyền sau khi ông viên tịch, người ta hỏa thiêu thi thể ông, nhưng trái tim không bị thiêu hủy, vẫn còn nguyên vẹn, hiện được thờ trong đền Jagannath ở Puri, Ấn Độ.

Thần thoại về Dwarka đi đến hồi kết sau khi Thần Krishna rời bỏ thế gian này để trở về thế giới thánh khiết, từ đó thành phố đã phải đối mặt với một loạt sự kiện thảm khốc. Lũ lụt lớn phá hủy và nhấn chìm toàn bộ Thành Dwarka xuống biển, chỉ để lại dấu vết và ký ức trong các văn bản cổ xưa.

Phát hiện chấn động

Trong nhiều thế kỷ, câu chuyện về thành Dwarka chỉ giới hạn trong các sử thi như Mahabharata và Puranas. Và bước ngoặt đã đến vào thế kỷ 20 khi các nhà khảo cổ và sử học biển tiến hành nghiên cứu khả năng liệu thành phố Thần thoại này có cơ sở trong thực tế hay không.

Tiến sĩ Shikaripura Ranganatha Rao, nhà khảo cổ học nổi tiếng của Ấn Độ, bị cuốn hút bởi câu chuyện về Dwarka, đến mức ông đã dành cả cuộc đời mình để làm sáng tỏ những bí ẩn về thành phố huyền thoại này.

Ông bắt đầu tìm kiếm từ thành phố Bet Dwarka, nơi được cho là địa điểm của thành Dwarka huyền thoại, và không ngờ nơi đây đã tiết lộ những lớp lịch sử đáng kinh ngạc được chôn vùi dưới những lớp đất đá. Đó là nền móng của thành phố hàng nghìn năm tuổi, sự hiện diện của 6 lớp đô thị riêng biệt cho thấy một quá trình xây dựng lại và tái định cư liên tục, biểu thị tính chất cổ xưa và lâu dài của thành phố.

Phát hiện ban đầu này gợi ý về sự tồn tại có thể có của một thành phố lớn hơn, lâu đời hơn nhiều và phải chăng đó là thành Dwarka?

Tuy nhiên, truyền thuyết về Dwarka lại kể về một thành phố bị chìm dưới đại dương. Điều này khiến Tiến sĩ Rao chuyển hướng sang vùng biển xung quanh Bet Dwarka, và ông đã khám phá ra một điều đáng chú ý. Đó là những tàn tích của một nền văn minh có lẽ đã từng phát triển huy hoàng. Các công trình kiến ​​trúc và hiện vật bằng đá nằm im lìm dưới đáy đại dương, ẩn chứa trong đó những bí mật về một thành phố bị lãng quên từng có thể sánh ngang với thành phố vĩ đại nhất thời bấy giờ.

Mọi chuyện trở nên cuốn hút khi Tiến sĩ Rao mạo hiểm đến Vịnh Cambay (cũng gọi là vịnh Khambhat), nơi nằm dưới độ sâu 36m nước. Từ năm 1988, Tiến sĩ Rao và nhóm của ông đã bắt đầu khảo sát kỹ thành phố dưới nước này.

Các thợ lặn đã tìm thấy một bức tường thành dài từ 2-4 km dưới đáy biển. Lớp dưới là đá sa thạch khổng lồ và lớp trên là sỏi nhỏ. Các tòa nhà bên trong bức tường đều rất cao, đều cao trung bình từ 7 đến 10 mét, tương đương với các tòa nhà 3-4 tầng hiện đại.

Sau đó Tiến sĩ Rao đã sử dụng những nghiên cứu có hạn trong tay, tổng hợp lại và xuất bản một cuốn sách mang tên “Dvaraka - Thành phố đã mất” (The Lost City of Dvaraka).

The Lost City of Dwarka by S. R. Rao | Waterstones
Sách của Tiến sĩ Rao "The Lost City of Dvaraka" được bán trên mạng waterstones.com)

Những phát hiện khảo cổ mới đáng kinh ngạc

Năm 2003, Đoàn khảo sát của Tiến sĩ Badrinarayanan tiếp tục công việc của Tiến sĩ Rao, ông cho các thợ lặn đem theo thiết bị camera nhảy xuống nước. Họ đã chụp được nhiều hình ảnh dưới nước.

Các bức ảnh cho thấy đây là một quần thể công trình lớn dưới nước, các tòa công trình cách đều nhau và một số tòa nhà cũng có bậc thang đều đặn. Các tòa nhà có móng sâu dưới đáy biển. Nhóm công trình này còn bao gồm một lâu đài với hệ thống thoát nước riêng và nhà tắm công cộng, đây rõ ràng là một thành phố cổ dưới nước khổng lồ.

Các công trình đồ sộ, được tổ chức tốt, thể hiện hiểu biết sâu sắc về quy hoạch đô thị và kiến ​​trúc, với mạng lưới đường sá và lối đi nối liền với những nơi từng là tòa nhà, chợ và đền thờ.

Các kỹ thuật xây dựng được sử dụng ở Dwarka đã nói lên nhiều điều về sự khéo léo và kỹ năng của những người xây dựng nó. Các công trình chủ yếu được làm bằng đá, đặc biệt là những khối đá sa thạch và đá vôi lớn. Chúng được cắt và ghép lại với nhau vô cùng chính xác và tinh mỹ, thể hiện trình độ kỹ thuật đỉnh cao trong việc xử lý đá. Bởi vì không dùng vữa, đòi hỏi họ phải cắt và căn chỉnh đá rất chính xác, để đảm bảo độ ổn định và độ bền của chúng.

Thành phố dưới nước cũng tiết lộ bằng chứng về hệ thống quản lý nước tinh vi. Có những tàn tích còn sót lại của những thứ dường như là hồ chứa, giếng và kênh, cho thấy một hệ thống thu thập và phân phối nước phức tạp.

Phát hiện khảo cổ: Thành Dwarka - nền văn minh phát cao triển biến mất bí ẩn. (Chụp video)

Hơn nữa, việc phát hiện ra nơi có vẻ là bến cảng cho thấy tầm quan trọng của Dwarka như một trung tâm hàng hải. Sự hiện diện của những tảng đá neo và các công trình giống như cầu cảng và bến tàu cho thấy, đây từng là một bến cảng nhộn nhịp và giao thương với nhiều nền văn hóa khác. Các công trình cũng được xây dựng với độ chính xác và kỹ thuật tiên tiến.

Khi tiếp tục khám phá và nghiên cứu, các nhà khảo cổ và sử học đã phát hiện ra nhiều tầng lớp hơn trong câu chuyện về thành phố cổ này. Các vật liệu được sử dụng, kỹ thuật xây dựng và kiến ​​trúc đều cho thấy một nền văn minh cực kỳ tiên tiến, cho sự hiểu biết sâu sắc về hình học, vật lý và khoa học vật liệu, vượt xa những gì trước đây được cho là của các nền văn minh cổ đại ở khu vực này.

Những giả thuyết

Nhà địa chất người Canada Glenn Milne đã sử dụng máy tính để vẽ bản đồ về sự thay đổi của bờ biển phía tây của Ấn Độ trong 20.000 năm qua, có thể thấy thành phố dưới nước ở Vịnh Khambhat này đã bị nhấn chìm hoàn toàn bởi mực nước biển dâng cách đây khoảng 6.900 năm.

Do đó, thời điểm tuyệt chủng của nó gần thời điểm đó, tức là khoảng 7.000 năm trước. Liệu thành phố đã bị nhấn chìm bởi lũ lụt ngay lập tức như trong Mahabharata đã nói, hay nó bị nước biển dâng cao nuốt chửng từ từ? Tới nay vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn.

Nhiều giả thuyết đã được đưa ra, cố gắng làm sáng tỏ bí ẩn về sự biến mất của Thành Dwarka và những sự kiện thảm khốc có thể dẫn đến sự sụp đổ của nó. Có thể thành phố là nạn nhân của mực nước biển dâng cao, liên quan đến sự tan chảy của sông băng vào cuối Kỷ băng hà, do những thay đổi lớn về khí hậu. Điều này cũng phù hợp với các mốc thời gian được đề xuất bởi các phát hiện khảo cổ dưới nước.

Một giả thuyết khác cho rằng hoạt động kiến ​​tạo, chẳng hạn như động đất hoặc sụt lún, đóng vai trò quan trọng trong sự sụp đổ của thành phố. Khu vực nơi Dwarka tọa lạc có nhiều hoạt động địa chấn và rất có thể chúng đã dẫn đến việc thành phố bị nhấn chìm. Các hồ sơ địa chất và phân tích trầm tích từ khu vực này cung cấp một số bằng chứng về hoạt động địa chấn có thể tương quan với dòng thời gian chìm xuống của Dwarka.

Giả thuyết về một trận đại hồng thủy, có thể là sóng Thần, cũng được cho là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của thành Dwarka. Sóng Thần, do động đất dưới nước hoặc các hoạt động địa chấn, có khả năng gây ra sự tàn phá trên diện rộng, đặc biệt là ở các thành phố ven biển như Dwarka, thậm chí nhấn chìm nó và lưu lại những tàn tích dưới nước mà chúng ta thấy ngày nay.

Tuy nhiên, có một giả thuyết đáng quan tâm, đó là chiến tranh hủy diệt thời tiền sử.

Chiến tranh hủy diệt thời tiền sử

Một trong những khía cạnh hấp dẫn nhất về mối liên hệ của Dwarka với chiến tranh thời cổ đại là khả năng có được vũ khí và công nghệ quân sự tiên tiến. Hãy xem sử thi Mahabharata miêu tả:

Một viên đạn với tất cả sức mạnh của vũ trụ và ngọn lửa nóng sáng như vạn mặt trời, một vũ khí vô danh. Một quả mìn sắt, sứ giả chết chóc, đã biến toàn bộ chủng tộc thành tro tàn.

Mahabharata và các văn bản Vệ Đà khác mô tả vũ khí và chiến thuật chiến đấu gợi ý về sự hiểu biết tinh vi về khoa học quân sự. Những mô tả này bao gồm các tham chiếu đến các phương tiện bay như Vimana, chất nổ cực mạnh và vũ khí hủy diệt hàng loạt tiên tiến. Nếu coi đó không chỉ là một câu chuyện ngụ ngôn, thì chúng mô tả về một xã hội có công nghiệp và quân sự phát triển cao. Điều này dẫn đến câu hỏi rộng hơn về khoa học và công nghệ của Ấn Độ cổ đại.

Việc một số kiến ​​thức có thể được áp dụng trong lĩnh vực công nghệ quân sự ngày nay khiến nghiên cứu này trở nên hấp dẫn. Hơn nữa, mô tả về các trận chiến trong sử thi Mahabharata, đặc biệt là việc sử dụng vũ khí hủy diệt có thể dẫn đến sự tàn phá trên diện rộng, khiến nhiều người cho rằng có sự tương đồng với vũ khí hủy diệt hàng loạt hiện đại. Những điểm tương đồng này, mặc dù chỉ mang tính suy đoán, làm tăng khả năng các nền văn minh cổ đại như Dwarka có thể đã tiếp cận được hoặc ít nhất đã khái niệm hóa các công nghệ quân sự có sức tàn phá cao.

Việc nghiên cứu về thành phố huyền thoại này mang đến những hiểu biết sâu sắc về lịch sử loài người, những tiến bộ công nghệ và sự phát triển của nền văn minh. Dwarka, qua lăng kính của các văn bản cổ, nổi lên không chỉ là một thành phố, mà là minh chứng cho quy hoạch đô thị phức tạp, năng lực kiến ​​trúc và đổi mới công nghệ của một nền văn minh phát triển mạnh mẽ từ hàng ngàn năm trước.

Việc phát hiện ra thành phố Dwarka huyền thoại xác nhận sử thi Mahabharata mô tả sự thật. Vì những điều sử thi viết là có thật, nên các sự việc đề cập trong sử thi có khả năng rất cao cũng đáng tin cậy. Vì vậy, nó trở thành bằng chứng gián tiếp cho thấy chiến tranh hạt nhân cổ đại đã thực sự xảy ra.

Hơn 7.000 năm trước, Dwarka, trung tâm văn hóa của Ấn Độ, đã bước vào những năm xế chiều. Trận hỗn chiến kéo dài hàng thế kỷ trong sử thi Mahabharata dường như thu hút sự tham gia của hầu hết tất cả các quốc gia lân cận. Thực sự có thể nói là một trận hỗn chiến thời tiền sử. Cuối cùng, cuộc chiến đã lên tới kịch điểm, các bên ngang sức, và đều sử dụng vũ khí hạt nhân, kết quả là họ cùng nhau diệt vong, và tất cả các quốc gia đều bị huỷ diệt.

Trung Hòa
Tổng hợp từ Ngẫm radio và NTDVN



BÀI CHỌN LỌC

Phát hiện khảo cổ: Thành Dwarka - nền văn minh phát triển cao biến mất bí ẩn