Philippines triển khai tàu Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc có 'hoạt động bất hợp pháp' ở Biển Đông

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Hai (11/9), Hải quân Philippines đã biên chế hai tàu tuần tra lớp Cyclone do Mỹ tài trợ để tăng cường năng lực trước “các hoạt động bất hợp pháp” không ngừng nghỉ của Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo Phó Đô đốc Hải quân Philippines Toribio Adaci, các tàu BRP Valentin Diaz và BRP Ladislao Diwa sẽ được triển khai để tuần tra ven biển, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai.

Đài GMA News dẫn lời ông Adaci cho hay: "Hai tàu này sẽ nâng cao năng lực của Hải quân Philippines để bảo vệ lợi ích hàng hải quốc gia và tăng cường khả năng thích ứng trong việc giải quyết các thách thức an ninh khác nhau, từ cướp biển và các hoạt động bất hợp pháp đến ứng phó thảm họa và thực thi luật hàng hải”.

Các tàu này, trước đây gọi là USS Monsoon và USS Chinook, ban đầu đóng quân ở Bahrain. Hôm 28/3, Hải quân Hoa Kỳ đã cho ngừng hoạt động các tàu này và chuyển chúng đến Philippines theo chương trình Vật dụng Quốc phòng dư thừa (Excess Defense Article).

Ông Adaci tuyên bố rằng hai tàu này sẽ được tích hợp với các tàu tuần tra lớp Alvarez của Hải quân Philippines, những tàu này “rất cần thiết trong việc duy trì môi trường hàng hải an toàn và an ninh” xung quanh đất nước.

Philippines đã tăng cường tuần tra ở Biển Đông để chống lại sự xâm nhập bất hợp pháp của các tàu Trung Quốc vào lãnh hải của nước này, bao gồm cả việc nối lại các cuộc tuần tra chung với Mỹ và Úc.

Cuộc chạm trán gay cấn giữa tàu Philippines và Trung Quốc

Gần đây, 8 tàu Trung Quốc được cho là đã cố gắng chặn hai tàu của Cảnh sát biển Philippines (PCG) - BRP Cabra và BRP Sindangan - ở Bãi cạn Ayungin (còn gọi là Bãi cạn Thomas thứ hai).

Theo đó, chỉ mới sau 7 giờ sáng ngày 8/9, 4 tàu cảnh sát biển Trung Quốc và 4 tàu dân quân hàng hải đã bắt đầu vây quanh các tàu PCG, và thực hiện "các cuộc diễn tập nguy hiểm" trong khi các tàu Philippines thực hiện các chuyến cung cấp hàng tiếp tế cho BRP Sierra Madre - một tàu hải quân cũ kỹ và hoen gỉ được sử dụng làm tiền đồn quân sự của Manila tại bãi Cỏ Mây.

PCG không nêu rõ thời điểm chính xác xảy ra vụ việc. Đài Á Châu Tự do cho biết vụ việc đã chứng kiến “hàng chục” cuộc trao đổi vô tuyến và thách thức giữa tàu Philippines và Trung Quốc.

“Tàu Philippines, các bạn đang tiếp cận vùng biển Trung Quốc. Để tránh tính toán sai và hiểu lầm, hãy thông báo ý định của các bạn”, tàu hải cảnh Trung Quốc lên tiếng cảnh cáo tàu Cabra của Philippines qua tín hiệu phát thanh vào khoảng 6:30 sáng ngày 8/9.

Đáp lại tín hiệu phát thanh, tàu Cabra khẳng định tàu này “đang thực hiện tuần tra thường lệ, hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, phù hợp với luật pháp của Philippines và quốc tế”.

“Đề nghị hãy tránh xa lối đi của chúng tôi theo quy định về [tránh] va chạm”, người điều hành tín hiệu phát thanh của tàu Cabra cho hay.

Khoảng 30 phút sau, đã có ít nhất 3 tàu hải cảnh và tàu khác từ đội tàu dân quân biển của Trung Quốc tham gia vào cuộc đối đầu.

Sau đó các tàu Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động triển khai nhằm cố chặn lối đi của các tàu dân sự - các động thái được các quan chức Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines mô tả là quá gần và nguy hiểm.

Theo phát ngôn viên của PCG, Thiếu tướng Commodore Jay Tarriela, hành động của các tàu Trung Quốc gây nguy hiểm cho sự an toàn của thủy thủ đoàn trên tàu PCG và tàu tiếp tế. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng bất chấp vụ việc trên, nhiệm vụ tiếp tế vẫn diễn ra thành công tốt đẹp.

Ông Tarriela cho biết trong một tuyên bố: “PCG kêu gọi [Cảnh sát biển Trung Quốc] và [Dân quân biển Trung Quốc] chấm dứt ngay lập tức mọi hoạt động bất hợp pháp trong các vùng biển của Philippines”.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. cho biết ông lo ngại về "hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo bất cứ quy định nào" của Trung Quốc, cũng như "việc quân sự hóa các thực thể cải tạo ở Biển Đông".

PCG dẫn lời ông Philippines Ferdinand Marcos Jr. nói hôm 9/9, cho hay: “Chúng ta phải phản đối việc sử dụng lực lượng nguy hiểm của Trung Quốc để bảo vệ bờ biển và tàu dân quân của mình biển ở Biển Đông”.

Ông Marcos trước đó cho biết Philippines sẽ kiên trì theo đuổi các phương pháp đối thoại và ngoại giao, nhưng ông nói thêm sẽ không cho phép nước này " Chiếm lấy bất kỳ lãnh thổ nào của Philippines".

Bắc Kinh tuyên bố phần lớn Biển Đông thuộc lãnh thổ của mình. Năm 2016, Tòa án La Hay đứng về phía Philippines trong các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, nhưng Trung Quốc không đồng ý với phán quyết này.

Việt Nam, Malaysia, Đài Loan và Brunei cũng xung đột với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) về yêu sách của nước này ở Biển Đông.

Bản đồ 'Đường 10 đoạn' mới của Trung Quốc

Tháng trước, ĐCSTQ đã công bố bản đồ quốc gia “tiêu chuẩn”, nêu bật các tuyên bố chủ quyền rộng lớn của mình ở Biển Đông. Bản đồ hiện có “đường 10 đoạn” thay vì “đường 9 đoạn” như trước đây (được sử dụng để đưa ra yêu sách trên vùng biển tranh chấp), trong đó có một đoạn bổ sung ở phía đông của Đài Loan.

Bản đồ này cũng bao gồm bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ và Aksai Chin ở biên giới Himalaya - khu vực tranh chấp mà cả Trung Quốc và Ấn Độ đều tuyên bố chủ quyền, và lãnh thổ đảo Bolshoy Ussuriysky của Nga.

Năm quốc gia láng giềng, trong đó có Philippines, đã phản đối bản đồ mới của Trung Quốc, và cho rằng nó trùng lặp với các yêu sách lãnh thổ của họ. Đài Loan cũng bác bỏ bản đồ này và khẳng định họ không phải là một phần của Trung Quốc.

Philippines tuyên bố rằng bản đồ mới là nỗ lực của Trung Quốc nhằm hợp pháp hóa chủ quyền và quyền tài phán của nước này đối với các thực thể và vùng biển của Philippines ở Biển Đông. Philippines cũng kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế.

Bộ Ngoại giao Philippines cho biết: “Philippines kêu gọi Trung Quốc nên hành động có trách nhiệm và tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo UNCLOS cũng như Phán quyết Trọng tài cuối cùng và mang tính ràng buộc năm 2016”.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Philippines triển khai tàu Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc có 'hoạt động bất hợp pháp' ở Biển Đông