Sát hại cả gia đình Sa hoàng Romanov, số phận các thành viên của đội hành quyết ra sao?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gia đình Hoàng gia Nga Romanov bao gồm Sa hoàng Nikolai II, Hoàng hậu Aleksandra Feodorovna cùng 5 người con của họ và 4 người hầu đã bị một đội lính Bolshevik xử bắn ở Yekaterinburg vào đêm 16, rạng sáng ngày 17 tháng 7 năm 1918.

Theo các văn bản chính thức của nhà nước Xô Viết, cũng như phán quyết của Tòa án Tối cao Liên bang Nga vào năm 2008, Sa hoàng Nikolai II, cùng với các thành viên trong gia đình và tùy tùng, đã bị xử bắn bởi lệnh của Hội đồng Xô viết khu vực Ural, trước nguy cơ thành phố sẽ bị chiếm bởi quân Bạch vệ. Đặc biệt, Tòa án Tối cao nhấn mạnh Sa hoàng Nikolai II và gia đình "đã bị giết một cách bất hợp pháp". Ngoài ra, theo nhật ký của Leon Trotsky thì Lenin và Yakov Sverdlov là những người đứng đằng sau ra lệnh thực thi vụ việc. Thẩm phán điều tra ở Yekaterinburg vào năm 1918 đã nhìn thấy các chỉ thị điện tín có chữ ký xử tử Hoàng gia đến từ Sverdlov. Những chi tiết này đã được công bố vào năm 1966.

1. Vụ hành quyết

Gia đình Romanov bị phe Bolshevik chuyển đến giam ở Biệt thự Ipatiev vào ngày 30 tháng 4 năm 1918, và ở trong ngôi nhà này tổng cộng 78 ngày. Họ ở bốn phòng phía trên của biệt thự, trong khi lính canh ở tầng trệt. Vào đầu tháng 7, Yakov Yurovsky - một thành viên cấp cao của Liên Xô tại Ural - đã tiếp quản vị trí chỉ huy đội lính canh.

Biệt thự Ipative. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Thứ ba ngày 16 tháng 7 năm 1918 trôi qua một cách bình thường. Đến 4 giờ chiều, Nikolai và các con gái tản bộ trong vườn như mọi khi. Chạng vạng tối, Yurovsky, chỉ huy nhóm lính thực hiện vụ xử bắn, xua cậu bé phụ bếp mười lăm tuổi là Leonid Sednev đi, lấy cớ là chú của cậu muốn gặp cậu. 7 giờ tối, Yurovsky triệu tập tất cả các thành viên tham gia vào phòng mình, và sai họ lấy toàn bộ súng lục từ lính gác bên ngoài. Với mười hai khẩu súng trên bàn, ông ta nói: "Tối nay chúng ta xử bắn cả nhà, mọi người nhé."

Trên lầu, Nikolai và Aleksandra chơi bài để giết thời gian. Tới 10:30 thì họ đi ngủ.

Vào khoảng 1 giờ sáng ngày 17 tháng 7 năm 1918, gia đình Romanov, gồm Sa hoàng Nicholas II, Hoàng hậu Aleksandra, năm người con (Olga, Tatiana, Maria, Anastasia, và Aleksei), bốn người hầu còn lại của họ (Eugene Botkin, Anna Demidova, Aleksey Trupp và Ivan Kharitonov), bị những người Bolshevik đánh thức, và lệnh cho họ phải mặc quần áo và tập trung trong hầm của biệt thự. Nicholas II, vẫn bình tĩnh bồng đứa con trai duy nhất của mình, Alexei, xuống dưới tầng hầm. Bạch vệ - quân đội bảo hoàng - đang đến gần; và người ta đã có thể nghe thấy tiếng đại bác vọng đến. Họ đứng gần nhau như thể họ đang chụp ảnh chân dung gia đình trong một căn hầm trống trải.

Nicholas hỏi Yurovsky có thể cung cấp hai ghế cho Alexei và Alexandra ngồi không. Họ vẫn không biết gì về số phận của mình, và đợi ở đó cho đến khi, đột nhiên, một tá người mang vũ trang xông vào phòng. Đội hành quyết ngoài Yakov Yurovsky ra còn có những người tham gia chính được sử sách thống nhất là Grigory Nikulin, Mikhail Medvedev (Kuprin), Pyotr Ermkov, Pavel Medvedev, Filipp Goloshchyokin.

Yurovsky đọc một tuyên bố đã chuẩn bị sẵn khiến cho mọi người kinh ngạc: "Theo lệnh Chủ tịch Xô viết khu vực, hoàn thành ý chí của Cách mạng, rằng cựu Sa hoàng Nicholas Romanov đã thực hiện vô số tội ác đẫm máu đối với người dân, phải bị xử bắn."

Khi lời tuyên bố kết thúc, đội lính bắt đầu nổ súng vào gia đình Sa hoàng.

Nicholas II chết do trúng nhiều phát súng, Alexandra chết do một viên đạn nã vào đầu. Những phát súng đầu tiên mới chỉ hạ gục Sa hoàng, Hoàng hậu, bác sĩ Boktin và hai người hầu cận khác. Các chị em nhà Romanov và hầu nữ Demidova vẫn còn sống, và chỉ có Maria bị thương (sau đó người ta phát hiện ra rằng trang sức kim cương đính trên quần áo của họ có tác dụng như áo giáp trước loạt súng đầu tiên). Hầu nữ Demidova sống sót sau loạt bắn đầu, nhưng do tiếng kêu của bà mà đã nhanh chóng bị đâm tới chết trong khi nép vào tường tầng hầm, với nỗ lực phòng vệ bằng hai chiếc gối nhỏ chứa đầy ngọc và đá quý. Aleksei ngồi trên ghế, sợ hãi và bị kết liễu bởi hai phát súng vào đầu.

Maria và Anastasia bị bắt quỳ dựa vào tường, tay che đầu sợ hãi cho đến khi bị bắn - như được kể lại bởi Yurovsky. Khi các thi thể được mang ra ngoài, có vẻ Maria hoặc Anastasia đã bật khóc, hét lên, và đã bị giết chết ngay sau đó. Sau khi toàn bộ nạn nhân đã bị xử bắn, Ermakov trong cơn say xỉn đã dùng lưỡi lê đâm vào xác Aleksandra và Nikolai để kiểm tra, làm bể xương sườn của cả hai và nứt một số đốt sống của Aleksandra.

Cảnh tầng hầm sau vụ hành quyết. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

11 thi thể bị lôi ra khỏi nhà và chất lên xe tải. Việc xử lý hài cốt rất hỗn loạn. Thi thể của họ sau đó được đưa đến khu rừng Koptyaki, bị lột đồ và chia ra thành các nhóm. Các học giả tin rằng, các thi thể đầu tiên được đổ vào một mỏ nông có tên Ganina Yama, mà sau đó những người Bolshevik đã cố gắng phá sập bằng lựu đạn. Trên đường đến nơi chôn cất mới, chiếc xe tải đã bị vùi lấp trong bùn, hai thi thể hiện còn sót lại được cho là Alexei và Maria được chôn tại Porosenkov Log. Chín thi thể khác đã bị đốt cháy, nhúng axit clohidric và chôn cất trong một ngôi mộ riêng cách đó không quá xa.

2. Số phận các thủ phạm trong vụ hành quyết

Lenin. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Lenin - lãnh đạo Xô Viết, người đứng đầu chủ trương hành quyết gia đình Sa hoàng - đã trải qua 3 lần đột quỵ, mất khả năng nói, liệt một phần thân người, rơi vào mê sảng và chết vào năm 1924 ở tuổi 54.

Yakov Sverdlov. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Yakov Sverdlov - người ký lệnh hành quyết gia đình Sa hoàng - chết vào năm 1919 ở tuổi 34 vì cúm Tây Ban Nha.

Yakov Yurovsky. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Yakov Yurovsky, viên chỉ huy chịu trách nhiệm chính của vụ hành quyết, có tiền sử các vấn đề về sức khỏe, bao gồm bệnh dạ dày và tim. Năm 1938, con gái Rimma của ông ta bị bắt và bị đưa đến trại cải tạo với tội danh theo chủ nghĩa Trotsky, điều này được cho là đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của ông ta. Yurovsky cầu xin sự khoan hồng của người bạn cũ Goloshchyokin, lúc đó là Chủ tịch Hội đồng Trọng tài Nhà nước, nhưng Goloshchyokin thông báo rằng không thể làm gì được.

Sau một đợt viêm loét dạ dày đặc biệt đau đớn, Yurovsky phải nhập viện và bất ngờ được chuyển đến Bệnh viện Điện Kremlin, nơi thường không ai được phép tiếp cận trừ các quan chức chính phủ cấp cao nhất. Ông ta tử vong vào ngày 2 tháng 8 năm 1938 ở tuổi 60 do bệnh loét tá tràng hoặc dạ dày. Theo những người chứng kiến, ông ta chết trong đau đớn tột độ.

Đã có cáo buộc rằng Yurovsky trên thực tế đã bị đầu độc theo lệnh của Bộ Dân ủy Nội vụ (NKVD). Nhà sử học nổi tiếng Edvard Radzinsky nói rằng cái chết của Yurovsky diễn ra nhanh chóng do NKVD đã khéo léo sử dụng chất độc gây chết người trong Bệnh viện Điện Kremlin. Cái chết của ông ta xảy ra vào lúc cao điểm trong cuộc Đại thanh trừng của Stalin, với nhiều đồng hương Ural của ông ta cũng bị hành quyết.

Grigory Nikulin. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Grigory Nikulin, người được Sa hoàng và Hoàng hậu miêu tả trong nhật ký là lịch sự và tử tế nhất, cũng chính là người đã mang ghế vào phòng theo yêu cầu của Sa hoàng, do không chịu đựng được cảnh giết chóc tàn bạo, đã bắn bừa một viên đạn về phía hoàng tử Alexei rồi rời khỏi phòng. Viên đạn không giết chết hoàng tử, mà sau đó Yakov Yurovsky phải đích thân ra tay. Nikulin tìm mọi cách giấu kín quá khứ, đề nghị không nêu tên mình trong đội hành quyết. Ông ta sống đến năm 1965, thọ 70 tuổi.

Mikhail Medvedev (Kudrin). Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Mikhail Medvedev (Kudrin) là một trong những người tiên phong nổ súng vào gia đình Sa hoàng. Vai trò của ông ta trong lịch sử khá quan trọng, vì trước khi chết đã viết tỉ mỉ một cuốn hồi ký nêu lại toàn bộ vụ việc, giúp công chúng có thêm hiểu biết về sự thật. Cuốn hồi ký được gửi đến đích thân Tổng bí thư Nikita Khrushchev. Không lâu sau đó, năm 1964, Medvedev chết, thọ 73 tuổi.

Pyotr Ermkov. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Pyotr Ermkov đóng vai trò chủ đạo trong các vụ hành quyết và được coi là cánh tay phải của Yakov Yurovsky. Vào đêm hành quyết gia đình Sa hoàng, Ermkov rất say, và là kẻ khát máu nhất trong số những đao phủ. Sau khi bắn, ông ta còn dùng lưỡi lê đâm để cho chắc chắn. Trước đó, Ermkov đã hẹn các đồng bọn khác đợi ở trong rừng, rồi sẽ đưa phụ nữ đến để hãm hiếp, cũng như giết nam giới. Khi xe chở thi thể đến nơi, đồng bọn của Ermkov tức giận vì mọi người đều đã chết. Sau đó bọn họ sờ soạng các thi thể và cướp bóc trang sức.

Không giống như những kẻ khác, Ermkov không nhận được phần thưởng hay thăng tiến nào cho việc tham gia vào vụ giết chóc, điều này khiến ông ta trở nên cay cú. Trong suốt quãng đời còn lại của mình, ông ta đã đấu tranh không ngừng nghỉ để giành quyền lợi bằng cách thổi phồng vai trò của mình trong các vụ giết người cũng như cách mạng. Ermkov có thể nói là kẻ bị khinh bỉ nhất, ngay trong chính nội bộ đảng. Năm 1951, tại một buổi tiệc chiêu đãi quy tụ toàn bộ tầng lớp tinh hoa của Đảng địa phương ở Sverdlovsk, Pyotr Ermkov đã tiếp cận Nguyên soái Georgy Zhukov và đưa tay ra. Zhukov cau mày kinh tởm nhìn thẳng vào mắt Ermkov và nói: "Tôi không bắt tay đứa sát nhân."

Cuối đời Ermkov sống trong cảnh nghèo đói tột cùng, phải đi xin ăn dưới mái hiên nhà thờ. Ông ta chết vì ung thư vào năm 1952 ở tuổi 68.

Stepan Vaganov. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Stepan Vaganov, một kẻ hành quyết bằng lưỡi lê và tiêu hủy thi thể, nhận cái chết ngay vào năm 1918 ở tuổi 32. Ông ta chưa kịp trốn khỏi Yekaterinburg thì quân Bạch vệ đã đến. Ông ta trốn dưới hầm, trước khi bị người dân lôi ra và phanh thây vì những tội ác ông ta đã gây ra.

Pavel Medvedev. Nguồn: Phạm vi công cộng.

Pavel Medvedev trốn thoát khỏi Yekaterinburg nhưng sau đó bị quân Bạch vệ phát giác và bắt vào năm 1919. Ông ta bị thẩm tra, nhưng chưa kịp xét xử thì chết ở tuổi 31 vì sốt phát ban tại nơi giam giữ.

Filipp Goloshchyokin. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Filipp Goloshchyokin một trong những người lên kế hoạch sát hại gia đình Sa hoàng, không trực tiếp hành quyết mà đứng ở vòng ngoài và kiểm tra sau khi kết thúc. Từ năm 1925 đến năm 1933, ông điều hành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết tự trị Kazakhstan. Sau khi Joseph Stalin ra lệnh cưỡng bức tập thể hóa nông nghiệp trên khắp Liên Xô, Goloshchyokin ra lệnh buộc phần lớn dân du mục ở Kazakhstan phải định cư trong các trang trại tập thể. Điều này gây ra nạn đói ở Kazakhstan khiến từ 1 đến 2 triệu người thiệt mạng. Người ta gọi nạn đói này là “Nạn diệt chủng Goloshchyokin”.

Không giống như hầu hết những người Bolshevik cũ nổi tiếng, Filipp Goloshchyokin sống sót sau Đại thanh trừng và không bị tổn hại gì trong thời gian Nikolai Yezhov là người đứng đầu NKVD. Nhưng khi Yezhov bị bắt vào năm 1939, Yezhov đã thú nhận chi tiết với những người thẩm vấn mình, bao gồm cả thông tin rằng ông ta đã sống trong căn hộ của Goloshchyokin ở Kzyl-Orda, khi đó là thủ đô của Kazakhstan, vào nửa cuối năm 1925, và trong thời gian đó, họ là những người tình đồng giới. Đồng tính luyến ái không phải là một tội hình sự ở Liên Xô vào năm 1925, mặc dù nó đã bị hình sự hóa vào năm 1934, nhưng Goloshchyokin, vẫn bị bắt vào ngày 15 tháng 10 năm 1939.

Goloshchyokin ta bị buộc tội cảm tình với chủ nghĩa Trotsky, âm mưu khủng bố, quá đáng trong vấn đề tập thể hóa và làm gián điệp cho Đức Quốc xã. Ông ta đã trải qua 12 tháng bị thẩm vấn gắt gao trong Nhà tù Sukhanovo, sau đó bị đưa trở lại nhà tù Butyrka vào tháng 8 năm 1941 vào thời điểm phe Trục xâm lược Liên Xô trong Thế chiến thứ hai, sau đó bị chuyển lần cuối đến Kuybyshev vào ngày 17 tháng 10 khi trụ sở của NKVD được sơ tán ở đó do quân Đức đánh đến gần Moscow. Ông ta là một trong 20 tù nhân “đặc biệt nguy hiểm”, trong đó có 14 sĩ quan quân đội cấp cao, tất cả đã bị xử bắn vào ngày 28 tháng 10 năm 1941 theo lệnh trực tiếp của Lavrentiy Beria gần làng Barbysh và bị chôn không để lại dấu vết. Goloshchyokin bị bắn chết ở tuổi 65.

3. Tốt thí, con dê thế tội, lý giải về quả báo

Có thể thấy quả báo dành cho những người gây ra tội ác là hiện thực tồn tại khách quan.

Lý giải trên góc độ khoa học, để làm những công việc bỉ ổi, ghê tởm, thường là một trong các kiểu người: hoặc có tham vọng cao đến mức bất chấp lương tri, hoặc tinh thần bệnh hoạn, trong đó có việc nghiện ngập, đầu óc bị ma túy, ma men che mờ. Thực tế đã chỉ ra rằng phần lớn thành viên của đội hành quyết Sa hoàng thuộc vào những kiểu người như vậy. Những người như vậy thường tiềm ẩn vấn đề sức khỏe, cũng như hay gây thù chuốc oán, do vậy tuổi thọ khó có thể cao.

Trên góc độ minh triết, đạo đức, người xưa thường nói, cuộc đời tựa cuộc cờ. Do tài đức khác nhau, người ta sẽ đóng vai trò khác nhau. Thường thấy những người tài hèn đức mọn, nhưng cuồng vọng, hung hăng sẽ trở thành những con tốt thí, con dê thế tội, mà dân gian gọi là “chết đầu nước”. Ví dụ lịch sử xưa nay đã quá nhiều. Thời hiện đại, dư luận và truyền thông cũng có rất nhiều câu chuyện về số phận bi thảm của những người đấu tố sai trong cải cách ruộng đất, hoặc như thế hệ hồng vệ binh bị lạm dụng và vứt bỏ trong và sau Cách mạng Văn hóa của Trung Quốc, hay quả báo chết chóc của những người phá hoại văn vật, di tích lịch sử v.v… Âu cũng là lời nhắc nhở mọi người, chớ vì danh lợi mà bán đứng lương tri, chớ thấy có kẻ ác ở ngôi cao mà a dua a tòng phụ họa. Những kẻ ác ở ngôi cao đó, chẳng qua phúc phần chưa hết, dương thọ chưa tuyệt, nhưng khác nào xác chết chưa chôn, thân đã trong địa ngục rồi mà chưa biết.

Hữu Đức



BÀI CHỌN LỌC

Sát hại cả gia đình Sa hoàng Romanov, số phận các thành viên của đội hành quyết ra sao?