Sau 12 năm truy sát, cuối cùng kính phục và trở thành đồ đệ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong các miếu Đạo giáo và Đạo quán, thông thường điện đầu tiên đều là điện Linh Quan. Trong đại điện thờ một vị tóc đỏ mặt đỏ, thân mặc giáp vàng kim, hình tượng uy võ, cổ quấn phong đới, chân đạp phong hỏa luân hoặc hỏa vân. Đó chính là Vương Linh Quan. Tuy nhiên, có một người mà Vương Linh Quan truy sát 12 năm, nhưng cuối cùng lại kính phục bái làm sư phụ.

Những khán giả thích xem “Tây Du Ký” chắc hẳn không còn xa lạ với với loạt cảnh ‘đại náo Thiên cung’. Tôn Ngộ Không tay múa gậy Như Ý, đánh cho Thiên binh Thiên tướng tơi bời tan tác, đánh tới tận bên ngoài điện Linh Tiêu – nơi Ngọc Hoàng Đại Đế tiếp kiến chúng Thần, dường như không ai có thể cản phá.

Lúc này, một vị Thần tướng xuất hiện và hét lên: “Con khỉ ngang ngược kia chạy đi đâu! Có ta ở đây, chớ mong làm càn!”. Vị Thiên tướng vung roi lên đánh, hai bên đánh một hồi bất phân thắng bại. Một bên là Thái Ất Lôi Thanh - Ứng Hóa Tôn, một bên là Tề Thiên Đại Thánh - Viên hầu quái. Tôn Ngô Không coi như gặp được đối thủ.

Vậy rốt cuộc vị Thái Ất Lôi Thanh - Ứng Hóa Tôn này là Thần Thánh phương nào, lại có thể cân sức với Tề Thiên Đại Thánh?

Đây chính là Vương Linh Quan, người đứng đầu năm trăm linh quan - Thần Hộ pháp của Đạo giáo, thống lĩnh ba trăm Thần tướng, ngàn vạn Thần binh, có thể xuyên trời độn đất, phun lửa thổi gió, trấn yêu phục ma.

Trong các miếu Đạo giáo và Đạo quán, thông thường điện đầu tiên đều là điện Linh Quan. Trong đại điện thờ một vị tóc đỏ mặt đỏ, thân mặc giáp vàng kim, hình tượng uy võ, cổ quấn phong đới, chân đạp phong hỏa luân hoặc hỏa vân. Đó chính là Vương Linh Quan.

Vì ông là người lòng dạ son sắt, hết mực trung thành, uy mãnh nghiêm chính, nên ngoài đảm trách hộ vệ điện Linh Tiêu, ông còn được Ngọc Hoàng Đại Đế phong cho làm Đô Thiên Củ Sát Hoát Lạc Tiên Thiên Chủ Tướng (Tạm giải: đô thiên là khắp trời; củ sát là coi xét; hoát lạc là tiêu trừ, trừ bỏ những suy đồi). Đây là chức quan coi xét, kiểm soát, giữ gìn trật tự ở Thiên thượng và nhân gian.

Ông có ba mắt với ánh mắt nhìn dữ dội, bừng bừng khí thế, tay trái bấm ngón tay chỉ trời, tay phải cầm roi vàng (kim tiên), trên có thể coi xét Thiên Đình, dưới có thể trừng phạt kẻ xấu. Năm đó, Thiên Bồng Nguyên Soái (Chư Bát Giới) trêu ghẹo Hằng Nga, cũng là bị Vương Linh Quan bắt được và đưa tới gặp Ngọc Hoàng.

Tới đây, quý vị đã có một cái nhìn tổng quan về Vương Linh Quan, tuy nhiên ông lại không phải nhân vật chính trong bài viết này, mà là người bị ông giám sát tới 12 năm rồi sau đó lại trở thành sư phụ của ông.

Ngọc Hoàng phái Vương Linh Quan theo sát Tát Thiên Sư, hễ thấy y khởi niệm xấu thì lập tức giáng lôi đoạt mạng. Vậy rốt cuộc Tát Thiên Sư là ai, là người thế nào mà hàng phục được Vương Linh Quan?

Vương Linh Quan. (Nguồn: baidu)

Ban đầu là đồ tể

Tát Thiên Sư, còn gọi là Tát Chân Nhân, là một trong Tứ Đại Thiên sư của Đạo giáo.

Dân gian lưu truyền không ít truyền kỳ về Tát Thiên Sư. Theo cuốn “Tát Chân Nhân Đắc Đạo Ký” ghi chép, Tát Thiên Sư mang họ Tát, tên là Thủ Kiên, là người vùng Tây Hà, tỉnh Tứ Xuyên. Ông có ít nhất ba đời duyên phận tu luyện nên mới đắc được địa vị Thiên sư, cuối cùng được xếp vào hàng Tiên.

Đời thứ nhất

Vào đời đầu tiên, ông tên là Ngô Thành. Thời trẻ làm nghề đồ tể, ngày ngày giết lợn giết cừu để mưu sinh. Cho đến năm 30 tuổi, có một hôm ông đi qua học quán, nghe thấy từ trong vọng ra tiếng đọc sách của các đồ sinh: “Người quân tử đối với loài cầm thú, trông thấy chúng sống thì không nhẫn tâm nhìn chúng chết, nghe thấy tiếng chúng thì không nhẫn tâm ăn thịt chúng”.

Sau đó, Ngô Thành bất giác cảm thán: “Đời này của ta chính là một sai lầm”. Thế rồi ông bỏ nghề đồ tể, hàng ngày đốt hương niệm Phật, chép những câu cảnh tỉnh và tự khích lệ bản thân như: “Thiện có thiện báo, ác có ác báo, thiện ác chưa báo là do ngày đó chưa tới”. Hay “Nhà tích điều thiện thì ắt dư phúc lành, nhà tích điều bất thiện thì ắt thừa tai ương”.

Ngô Thành cần cù tu khổ niệm Phật, đến năm 60 tuổi thì mắc bệnh qua đời. Bởi vì nửa đời sau niệm Phật tu hành, bỏ ác hành thiện nên ông đã tích được phúc đức, được chuyển sinh vào một gia đình giàu có.

Đời thứ hai

Đời tiếp theo, ông tên là Lục Hựu, từ nhỏ đã không phải lo chuyện cơm ăn áo mặc, nhưng không phải vì no ấm liền nghĩ chuyện dâm dục. Ngược lại, ông làm người thành thực, tử tế, không trộm tình đoạt sắc, không làm việc trái đạo.

Có một lần, một cô gái 17 - 18 tuổi đang trên đường về nhà mẹ đẻ, và đi qua khu nhà của Lục Hựu. Vì cơn mưa quá lớn, trời cũng chập tối nên cô đành phải xin ở nhờ nhà Lục Hựu. Lục Hựu ân cần tiếp đón, đến canh ba đêm khuya, cô gái có ý muốn gần gũi Lục Hựu, ông liền học theo Quan Vân Trường đốt đuốc đến sáng, phỏng theo Liễu Hạ Huệ ‘tọa hoài bất loạn’ (mỹ nữ ngồi trong lòng mà tâm không loạn).

Về câu chuyện của Quan Vân Trường (Quan Vũ), có lần ông bị Tào Tháo xếp cho nghỉ cùng nhà với hai người vợ của Lưu Bị. Cả đêm ấy, Quan Vũ đốt đuốc, không cởi áo mũ, tay cầm sách thức đọc đến sáng.

Còn Liễu Hạ Huệ (720 - 621 TCN) nổi tiếng là một chính nhân quân tử sống ở nước Lỗ, thời Xuân Thu. Ông có hai điển tích về việc gần phụ nữ. Một lần khi ông dừng chân nghỉ qua đêm trước cổng thành, có một người phụ nữ cũng đến trú chân. Do trời lạnh, người phụ nữ bị cảm lạnh rét cóng, Liễu Hạ Huệ đã cởi áo và khoác lên người cô rồi ôm cô vào lòng để giúp cô sưởi ấm, nhưng trong lòng ông không hề động tà niệm. Lại có một lần khác ông ngồi xe ngựa cùng phụ nữ, đi cả quãng đường dài mà mắt ông chỉ nhìn thẳng chứ không liếc ngang lần nào.

Tâm niệm hành vi ngay chính của Lục Hựu đã được Thần Thổ Địa bẩm báo lên Thiên tào Địa phủ.

Lại một lần khác, khi Lục Hựu đang xới đất trồng hoa ở hậu viện trong nhà, ông bất ngờ đào được một hố vàng, bên trong có hơn 500 lượng. Lục Hựu không hề coi đó là của mình mà ông mang ra cứu tế người nghèo. Ông thậm chí còn bỏ ra thêm 50 lượng tiền túi để việc cứu tế được chu toàn. Tấm lòng cảm kích của những người được nhận ơn huệ từ Lục Huệ cũng được Âm ty ghi lại.

Đời thứ ba

Đến đời thứ ba, ông sinh ra trong một gia đình họ Tát thời Bắc Tống, được đặt tên là Thủ Kiên, thiên chất thông minh, đọc một hiểu mười. Nhưng đến năm ông 10 tuổi thì cả cha mẹ đều qua đời, chỉ còn lại một mình cô quạnh. Khi lớn hơn chút nữa thì gia cảnh lại càng khó khăn, đến cơm cũng không đủ ăn.

Cũng coi như là ứng với câu nói: Trời muốn phó thác sứ mệnh lớn cho ai, trước tiên sẽ để người đó phải trải qua những việc khổ tâm trí, nhọc gân cốt, chịu đói chịu khổ.

Về sau, Tát Thủ Kiên được những người già trong làng tiến cử hiền tài, làm một chức quan nhỏ chuyên viết đơn kiện trong Hình phòng (phòng hình sự, thi hành hình phạt) ở huyện. Nhưng vì không đủ kinh nghiệm, có lòng tốt nhưng lại làm hỏng việc, sửa sai hai bản án, nên thành ra cứu bị cáo, hại nguyên cáo. May thay, ông kịp thời tỉnh ngộ và quyết định từ chức.

Nghĩ tới nghĩ lui, ông thấy rằng hành nghề y là làm việc nhân đức, nên đã mua vài cuốn y thư, vùi đầu vào học cho đến khi nằm lòng. Thế rồi bắt đầu chữa bệnh cứu người. Cuốn “Tát Chân Nhân Đắc Đạo Ký” đã mô tả ông như sau: “Lòng thương người dào dạt, bốc thuốc hay như Thần”.

Ông đã chữa lành cho vài người bệnh câm, giúp họ nói được; cũng chữa được cho vài người mù, giúp họ khôi phục thị lực; còn chữa khỏi cho vài người bị gù, giúp lưng họ thẳng lên; lại chữa cho vài người bị thọt, giúp họ đi đứng bình thường trở lại; còn có những bệnh nhân mắc các thương tật và bại liệt khác. Thế nên ông được dân chúng tôn xưng là Biển Thước tái sinh, Lô Công tái thế. Đây đều là các Thần y trong lịch sử Trung Hoa.

Tát Thủ Kiên tuy chỉ học vài cuốn y thư nhưng lại có thể chữa cho nhiều người bệnh như vậy, có thể thấy ông không phải người thông minh thông thường.

Nhưng sau này ông gặp phải bệnh nhân nan y, do dùng sai thuốc nên ba người bệnh xui xẻo này đã chết dưới tay ông. Tát Thủ Kiên bi thương vô cùng, ông nói: “Ba lần làm gãy tay thì mới biết làm thấy thuốc giỏi, nhưng ta học y không phải để làm gãy tay người ta”.

Ý ông muốn nói rằng: Người hành nghề y phải mắc sơ xuất, lỗi lầm ba lần trở lên thì mới có thể rút ra bài học kinh nghiệm, và trở thành thầy thuốc giỏi, nhưng ta học y không phải để chữa bệnh gây chết người. Thế là ông lại từ bỏ nghề y.

Gặp tam Tiên, đắc Pháp thuật

Cuốn “Lịch thế Chân Tiên thể Đạo thông giám tục biên - Quyển 4” có viết, sau đó Tát Thủ Kiên nghe nói rằng người có Đạo hạnh cao nhất khi đó là Thiên sư đời thứ 30 đang ở trên núi Long Hổ, Giang Nam. Đó là Hư Tĩnh Thiên sư Trương Kế Tiên (1092 - 1128). Ông bèn lên núi Long Hổ tầm sư học Đạo.

Trên đường đi tuy phải ăn gió nằm sương, gặp rắn độc mãnh thú nhưng cũng không ngăn nổi bước chân của Tát Thủ Kiên. Tuy vậy, mới đi được một nửa thì lộ phí đã cạn, đúng lúc ông đang ngồi sầu não trên một hòn đá, trước mặt liền xuất hiện ba vị Đạo nhân mang dáng vẻ Tiên phong Đạo cốt. Họ nói với ông: “Hư Tĩnh Thiên sư đã vũ hóa đăng Tiên (hóa thành Tiên bay về Trời) từ lâu rồi!”.

Nghe được tin này, Tát Thủ Kiên như nghe sấm sét đánh giữa trời quang, vô cùng đau lòng. Một vị Đạo nhân vội an ủi ông: “Đạo hạnh của vị Thiên sư đương nhiệm cũng rất cao, ta và ngài ấy là chỗ quen biết đã lâu, giờ ta viết cho ngươi một phong thư, người có thể tới gặp ngài ấy. Ta còn dạy ngươi một pháp thuật tên là Thuật Chú Tảo, chỉ cần niệm câu thần chú này sẽ xuất hiện rất nhiều táo đỏ. Đây không phải là táo đỏ thông thường, mỗi ngày ăn ba quả thì cả ngày không thấy đói. Ngươi còn có thể dùng loại táo này để trị bệnh cho người khác”.

Một vị Đạo nhân khác đưa cho Tát Thủ Kiên một chiếc ‘bảo phiến’ (chiếc quạt quý) và nói: “Ta cũng tặng ngươi một pháp bảo, chiếc quạt này tên là ‘Ngũ minh hàng ma phiến’. Gặp người mắc bệnh, chỉ cần quạt một cái là khỏi bệnh”.

Trông thấy hai vị Đạo nhân kia hào phóng độ lượng như vậy, vị còn lại cũng rất khảng khái mà truyền thụ cho Tát Thủ Kiên ‘Ngũ lôi chính pháp’ và nói rằng, tu hành pháp này có thể xua đuổi ma quỷ, triệu mời Phong, Vũ, Lôi, Điện có thể trừ bỏ tai hại.

Ba vị Đạo nhân nói với ông rằng: “Ngươi dùng cho tốt những vật này mà cứu người, tích công đức, gom Đạo hạnh”. Tát Thủ Kiên cảm kích không thôi.

Thế là ngày ngày ông niệm chú, có được hơn trăm quả táo đỏ thì ông chỉ bán 10 quả để kiếm đủ 70 văn tiền, đủ cho sinh hoạt phí của bản thân, số còn lại ông đều mang tặng người nghèo.

Khi đến núi Long Hổ, Tát Thủ Kiên đã gặp được vị Thiên sư đương nhiệm và trình phong thư lên. Không ngờ, sau khi đọc thư xong, Thiên sư lại khóc không thành tiếng, hóa ra đây là bức thư do đích thân Hư Tĩnh Thiên sư viết!

Con đường hàng yêu phục ma

Từ đó trở đi, Tát Thủ Kiên cần tu khổ hạnh, bắt đầu con đường hàng yêu phục ma, kiến lập công đức. Trông thấy người bệnh, ông liền niệm chú dùng táo đỏ trị bệnh; gặp người sắp chết, ông liền quạt ‘Ngũ minh hàng ma phiến’ để cứu người. Tuy nhiên, loại pháp thuật lợi hại nhất của Tát Thủ Kiên vẫn là Lôi pháp. Khi gặp yêu ma quỷ quái làm xằng làm bậy, tác quai tác quái, ông liền dùng Thiên lôi đánh cho chúng hồn bay phách tán.

Tương truyền, tu tập Lôi pháp cần phải dùng công nội đan làm nền tảng, người có nội công thâm hậu thì triệu sấm sét là sấm sét tới. Tát Thủ Kiên cũng có các trước tác được truyền lại đời sau như “Lôi thuyết”, “Tục phong vũ lôi điện thuyết”, “Nội thiên cương quyết pháp”, v.v.

Một lần, Tát Thủ Kiên đến gần vùng Cửu Giang ở Giang Tây. Ở đó có một thanh niên bị quỷ nhập thân, điên điên khùng khùng. Cha mẹ nhốt anh ta ở nhà, dùng cành đào quật đánh, nhưng dù có quật thế nào thì cơ thể anh ta cũng không có chút vết thương, cũng không thấy đau đớn. Cha mẹ anh mời tới một vị pháp sư. Năm thầy trò pháp sư mở đàn làm phép trừ quỷ, nhưng không ngờ con quỷ này vô cùng lợi hại, nó không những lật đổ đàn làm phép mà còn hất bốn người đồ đệ lên không trung.

Vị pháp sư thấy vậy thì chạy trốn vào rừng, trên đường đi gặp được Tát Thiên Sư. Tát Thiên Sư liền theo pháp sư trở về ngôi nhà của cậu thanh niên kia. Ông lập tức đăng đàn làm phép, vận dụng Đông phương Giáp ất Mộc Lôi Công, Tây phương Canh tân Kim Lôi Công, Nam phương Bính đinh Hỏa Lôi Công, Bắc phương Nhâm quý Thủy Lôi Công, Trung ương Mậu kỷ Thổ Lôi Công, rồi lại biến ra Thiên hỏa, Địa hỏa, Lôi hỏa, Phích lịch hỏa, Thái dương Tam muội chân hỏa, thế là lôi sấm ầm ầm, lửa diệm phừng phực, trong chốc lát đã tóm được con quỷ điên kia.

Gia đình liền mang vàng ra để cảm tạ Tát Thiên Sư, nhưng ông nói: “Ta là người xuất gia, không có việc gì cần dùng tới vàng bạc”. Do đó ông càng được bánh tính kính yêu, đức hạnh mỹ danh lại càng vang khắp thiên hạ.

Tát Thiên Sư. (Nguồn baidu)

Nhận Vương Linh Quan làm đồ đệ

Ngoài dùng Lôi pháp để trảm yêu diệt ma, Tát Thiên Sư còn lưu lại một sự tích nổi tiếng nhất, đó là thu phục Vương Linh Quan – vị đứng đầu trong năm trăm Linh Quan.

Trong truyền kỳ về Tát Thiên Sư và Vương Linh Quan, phiên bản xuất hiện vào thời nhà Minh - Thanh, có nói rằng, Vương Linh Quan là linh Thần được kết từ khí của Nam Thiên Ly Hỏa, vốn không có cha mẹ tên họ, nguyên là Hỏa Thần, nhận mệnh của Ngọc Hoàng Đại Đế mà trở thành Thành Hoàng của vùng đất Tương Âm ở Hồ Nam, do đó vô cùng linh nghiệm. Người dân địa phương ngày ngày đều giết lợn giết bò để cúng tế.

Một hôm, Tát Thiên Sư đi qua Tương Âm và trú chân tại miếu Thành Hoàng vài ngày. Ông thấy rằng dân chúng nơi đây cúng tế quá nhiều, không phù hợp với đức hiếu sinh của ông Trời, nên ông đã giảng ra đạo lý này trong miếu, và phê bình những hành vi kia. Thành Hoàng thấy vậy liền cho rằng ông quá phiền nhiễu. Vào buổi đêm, Thành Hoàng liền báo mộng cho vị Thái thú của địa phương và nói: “Tát tiên sinh đã ở đây khá nhiều ngày rồi, khiến ta sống không yên, ngươi mau đuổi ông ta đi”.

Thái thú từ lâu đã nghe nói rằng đức Thành Hoàng vô cùng linh nghiệm, mơ thấy ngài thì ông không dám chậm trễ, lập tức lệnh cho nha dịch hành động. Khi tới miếu, họ quả nhiên trông thấy một vị đạo sĩ mặc chiếc áo vá chằng vá đụp. Khi đó, Tát Thủ Kiên mới đắc pháp thuật, còn đang vô danh, nên ông đã bị Thái thú trục xuất khỏi vùng.

Tát Thủ Kiên cực kỳ không hài lòng, sau khi rời đi không lâu, ông liền làm phép triệu hồi sấm sét đánh vỡ tượng Thành Hoàng rồi đốt miếu, sau đó miếu Hoàng Thành bị thiêu rụi.

Thời gian như thoi đưa, chớp mắt đã 12 năm trôi qua. Một hôm Tát Thủ Kiên phải đi qua sông, nhưng chỉ thấy thuyền mà không thấy thuyền phu, ông đành tự mình chèo thuyền qua sông rồi đặt 3 văn tiền trên thuyền để trả phí. Sau khi xuống thuyền, ông đi đến bên bờ sông ngồi xuống rửa tay, bỗng nhiên trông thấy một vị đầu đội mũ sắt, thân mặc hồng bào, tay cầm roi vàng từ dưới nước nhô lên, làm ông bất ngờ hô lớn: “Người là kẻ nào!”.

Vị kia nói: “Tôi là Thành Hoàng ở Tương Âm đây, ngài còn nhớ không? 12 năm trước, ngài đã thiêu hủy miếu của tôi”.

Lại kể vị Thành Hoàng kia, vào ngày miếu bị đốt, ông đã vô cùng tức giận và chạy lên Thiên đình kiện cáo: “Bách tính cúng tế vô độ thì liên quan gì đến thần? Tát Thiên Sư lại vô cớ đốt miếu của thần? Thỉnh Ngọc Hoàng phân xử”.

Ngọc Hoàng nghe thấy cũng có lý, nên đã ban cho Thành Hoàng một cây roi vàng, một đôi Huệ nhãn và nói: “Chỉ cần ngươi trông thấy Tát Chân Nhân có bất kỳ niệm ác nào, liền có thể dùng roi Thần đánh chết, tiềm trảm hậu tấu”.

Thành Hoàng vui mừng thầm nghĩ: “Tát Thủ Kiên, hãy đợi đấy, ta sắp tới lấy mạng ngươi rồi”. Kết quả là, 12 năm trôi qua, Thành Hoàng không một lần phát hiện Tát Thủ Kiên khởi sinh ác niệm, 12 năm rồi mà không tìm được một chút lỗi lầm nào của Tát Thủ Kiên.

Thành Hoàng theo sát 12 năm mà chẳng tìm được cơ hội hạ thủ. Cho tới ngày hôm ấy, trông thấy cảnh Tát Thủ Kiên tự chèo thuyền qua sông, còn để lại ba văn tiền trả phí, quả là đức hạnh hơn người, Thành Hoàng mới thực sự phục sát đất và quyết định hiện ra.

Sau khi giới thiệu gốc gác của bản thân, Thành Hoàng đã thỉnh cầu được bái Tát Chân Nhân làm thầy và được ban cho cái tên Vương Thiện.

Vương Thiện đi theo Tát Thủ Kiên tu hành Đạo pháp, cuối cùng cả hai đều được xếp vào hàng Tiên.

Từ câu chuyện trên có thể thấy, tuy Tát Thủ Kiên vận dụng Lôi pháp phá tượng đốt miếu của Thành Hoàng nhưng đức hạnh của ông đã cảm phục được đồ đệ Vương Linh Quan. Tát Chân Nhân trứ danh vì nội luyện Đạo pháp, khổ hạnh tu giới, ông viết ra bài thơ:

Đạo pháp ư thân bất đẳng nhàn
Tư lượng giới hành triệt tâm hàn
Thiên niên thiết thụ khai hoa dị
Nhất nhập Phong Đô xuất thế nan”

Tạm dịch:

Tu luyện Đạo pháp chẳng nhàn thân
Phản tỉnh giới cấm trừ tục tâm
Ngàn năm cây sắt nở hoa dễ
Âm tào khó được xuất thế gian

Cũng là nói, việc tu hành vô cùng khó khăn, không hề dễ dàng, đợi đằng đẵng ngàn năm cũng có thể trông thấy cảnh cây sắt (thiết mộc lan) nở hoa, thế nhưng nếu không giữ giới nghiêm ngặt, chỉ cần một niệm rời xa Đạo là mất hết tất cả, sẽ phải luân hồi ngàn năm, không cách nào siêu thoát.

Tát Thủ Kiên cực lực chủ trương chính đạo (con đường ngay phải, đúng đắn, điều hợp đạo lý), ông nói: “Học giả vô cầu chi tha, đãn cầu chi ngô thân khả dã”. Có lẽ ông muốn nói: Người tu Đạo không cầu bất kỳ thứ gì, phàm là cầu điều gì cũng đều xuất phát từ nội tâm ngay chính. Ông còn nói:

Tiên sư hữu vân:
Yêu tri Đại Đạo thông huyền xứ
Bất tại tam thiên lục bách môn
Hậu chi học giả
Đồ chấp kỷ kiến
Không nê trần ngôn
Thích sở dĩ
Di luân giả chi tiếu hĩ

Đại ý ông muốn nói: Tu Đạo có ba nghìn sáu trăm pháp môn, nhưng sư phụ thường dạy bảo rằng, căn bản của việc đắc Đạo không nằm ở chỗ pháp môn ấy thế nào, ấy vậy mà người đời sau coi các pháp môn như một loại học vấn để nghiên cứu, cứ chấp mãi vào ý kiến của bản thân, kỳ thực đều là lý luận suông, không có tác dụng gì, ngược lại còn khiến những người tu luyện chân chính cười chê.

Trong Tứ Đại Thiên sư của Đạo giáo, ba vị kia đều thành danh khá sớm, riêng Tát Thiên Sư muộn hơn họ tới ít nhất 700 - 800 năm. Có thể thấy, để thành tựu được Đạo hạnh cao thâm đến vậy, chắc chắn không phải việc dễ dàng.

Theo Vườn Văn Sử

Nam Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Sau 12 năm truy sát, cuối cùng kính phục và trở thành đồ đệ